Khoảng trống phê bình âm nhạc

Thông tin về đời sống âm nhạc trên các phương tiện truyền thông đại chúng gần như đang bị “bao vây” bởi các bài viết mang đầy đủ tính chất “chợ” (thị trường): giới thiệu ca khúc và đẩy lên hàng “hot” với các mỹ từ “tốp 5, tốp 10 của…”; quảng bá cho các tên tuổi ca sĩ với những mỹ từ “ông hoàng nhạc Việt”, “Diva nhạc Việt” và liên tục xuất hiện trên truyền thông: “siêu phẩm”, “MV hot nhất…”. 

(Ảnh: internet)

Nhưng nội dung trong bài viết chỉ là tường thuật, mỏng về nội dung âm nhạc, yếu về học thuật, đầy cảm tính, còn lại là khen trang phục, hàng hiệu hoặc thêm thắt những chi tiết chuyện đời tư nhằm thu hút sự tò mò. 

Chưa kể, trong đời sống âm nhạc chỉ thấy nói đến ca khúc, rất ít những bài viết mang tính học thuật chuyên sâu để giới thiệu các tác phẩm mới thuộc thể loại âm nhạc kinh viện như opera, nhạc giao hưởng, hòa tấu thính phòng, chương trình biểu diễn âm nhạc nghiêm túc… Lại càng hiếm thấy những bài viết phê bình thể hiện góc nhìn mới mang hơi thở của thời đại đối với tác phẩm âm nhạc trong nước.

Ở nhiều chương trình truyền hình thực tế, các cuộc thi ca hát… nhiều người được quyền đánh giá, chấm thi nhưng không phải là nhạc sĩ hoặc người làm nghề âm nhạc. Cùng với đó là những phát biểu chỉ nhằm mục đích tự khoe mình, cố sao chứng tỏ mình có hiểu biết, tạo những đối đáp - tình huống (thậm chí giống như… tấu hài) trên sân khấu để thu hút người xem của những người được gọi là giám khảo.

Đối với giới âm nhạc, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, lý luận - phê bình âm nhạc gần như là nhiệm vụ bị lãng quên. Tuy nhiên, điều này cũng không phải là vô tình mà có thể là cố ý, bởi trong nhiều trường hợp, phê bình đúng nhưng người được phê bình không muốn nghe và đôi khi, chỉ cần “nghe” ai đó nói lại một nhận xét nào đó về mình (không cần kiểm chứng, có khi chỉ là những điều dối trá) thì nhiều người đã nhảy dựng, tung lên mạng xã hội những lời chửi bới, thóa mạ, kích động đám đông phản pháo, “ném đá”. Những chuyện như vậy quá phổ biến và gần như là chuyện thường ngày ở làng văn nghệ.

Hội Âm nhạc TPHCM cũng có chi hội lý luận - đào tạo và thành lập câu lạc bộ lý luận - phê bình nhưng rồi sau đó cũng tự giải tán, không thể hoạt động. Nhạc viện TPHCM có mã ngành đào tạo âm nhạc học nhưng không có môn học về lý luận phê bình âm nhạc. Thậm chí, việc học phân tích tác phẩm âm nhạc chỉ tập trung phân tích những tác phẩm âm nhạc kinh viện với những yếu tố học thuật theo khuôn mẫu mà ít quan tâm đến việc phân tích các tác phẩm trong đời sống âm nhạc đương thời và cũng không chuộng những gợi ý nhận định, đánh giá, khám phá mang tính cá nhân của người học. 

Những người làm công tác lý luận phê bình vẫn như “những con chim ẩn mình chờ… thế hệ sau”. Những bài viết của các nhà nghiên cứu - lý luận âm nhạc chỉ đóng khung trong những hội thảo, những tạp chí chuyên ngành hoặc website của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc TPHCM. Trong dòng chảy cuồn cuộn của đời sống âm nhạc, giới phê bình bỗng trở nên lẻ loi, cô độc và thậm chí trở thành những thành phần yếm thế trước “công luận”. Cùng với đó là sự mở rộng của Internet, giúp mọi thông tin trở nên phổ biến và những phản hồi gần như đến và đi ngay lập tức. Điều này khiến những ai có chút trách nhiệm đều phải hết sức thận trọng khi phát ngôn bởi mức độ lan truyền thông tin nhanh đến chóng mặt. 

Một nguyên nhân ở chính đội ngũ phê bình âm nhạc mà phần nào đó đã được nêu ở trên là e ngại đụng chạm. Còn có nhiều vùng cấm mà người làm phê bình không thể thẳng thắn với chính mình và làm hết trách nhiệm, không dám phê bình vì nhà phê bình sợ đám đông sẽ cho đó là một vụ “thanh toán” cá nhân! Những người có chuyên môn đã không có dũng khí và thêm vào đó là do sự lãnh cảm và thiếu nhiệt tình trước các vấn đề thời sự nên phê bình chỉ quay lưng lại với đời sống âm nhạc hoặc chạy sau sự kiện, mang tính chữa cháy và nhiều khi bị gạt ra ngoài lề thời sự. 

Hiện nay và trong khoảng 10 - 20 năm nữa, đội ngũ phê bình âm nhạc chuyên nghiệp sẽ thiếu nguồn nhân lực chất lượng, bởi muốn có một cử nhân có đủ trình độ làm công việc phê bình âm nhạc không phải chỉ cần thời gian đào tạo 4 năm đại học mà còn cần nhiều thứ khác: tư duy độc lập, có nền tảng văn hóa âm nhạc và thẩm mỹ, có kiến thức âm nhạc đầy đủ, trang bị chuyên môn âm nhạc chuyên sâu, sự nhạy cảm, tinh tế khi cảm thụ tác phẩm, nhạy bén đối với thời sự, kỹ năng viết - khả năng diễn đạt cảm xúc bằng ngôn từ… Chúng ta thiếu vắng sự đầu tư, đào tạo và kể cả không hề có một đảm bảo cho những người dấn thân trong nghiệp phê bình nên không còn nhiều người muốn theo nghề, đương đầu đấu tranh với cái xấu. 

Phê bình chưa bao giờ trở thành một nghề, người viết phê bình chưa bao giờ sống được bằng nghề nếu… có dũng khí, dám đương đầu với những cái xấu trong đời sống âm nhạc ngày nay. Phê bình tuy không phải là ngọn đèn soi đường cho âm nhạc, nhưng nó là đèn tín hiệu cảnh báo giúp chúng ta tránh những sai trái, những thiếu sót, khiếm khuyết của đời sống âm nhạc. Vậy thì hãy tiếp lửa để những ngọn đèn tín hiệu ấy tồn tại.

Mỹ Liêm (sggp.org.vn)

Nhận xét