Âm nhạc thời hội nhập: Chấp nhận sự khác biệt

Nếu cần nói vài từ ngắn gọn về âm nhạc Việt Nam đầu thế kỷ XXI, có lẽ tôi sẽ chọn: chuyển biến, nhập cuộc, kết nối và đa dạng.

Thực ra chuyển biến, nhập cuộc và kết nối không phải “độc quyền” của thời hiện tại. Bản chất của âm nhạc xưa nay vẫn là kết nối và các nhạc sĩ thời nào cũng luôn hết mình trong tinh thần nhập cuộc. Còn chuyển biến thì từ mốc “mở cửa” năm 1986 đã bắt đầu cuộc đổi mới tư duy trong đời sống văn học nghệ thuật. Cũng vào cuối thế XX còn có cuộc chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường và cuộc cách mạng kỹ thuật với các cơn lốc công nghệ điện tử (nhạc cụ, thiết bị âm thanh) và công nghệ thông tin (máy tính, internet). Những chuyển biến ấy đã và vẫn đang tác động dữ dội vào mọi hoạt động âm nhạc, từ sáng tác và biểu diễn đến đào tạo và thưởng thức. 


Tuy nhiên, những biểu hiện chuyển đổi, hoàn cảnh nhập cuộc và không gian kết nối ở mỗi thời mỗi khác. Cũng những yếu tố đó nhưng các hiện tượng, các khuynh hướng ở thời đại toàn cầu hóa thường phức tạp hơn và mang tính đặc thù. Điều khác biệt nhất trong giai đoạn này là ở chỗ: ba yếu tố đầu - chuyển biến, nhập cuộc, kết nối - đều đi tới mối quan hệ tương tác với yếu tố cuối: tính đa dạng. 

Đây là thời kỳ chuyển biến từ tính đồng nhất sang tính đa dạng. Sáng tạo nghệ thuật không còn bị chi phối hoàn toàn bởi mục tiêu chính trị, tuyên truyền chính sách nhất thời. Âm nhạc không còn chỉ đóng khung trong giới hạn giáo dục, tuyên truyền, cổ động như trước đây. Chức năng nguyên thủy của âm nhạc là giải trí được chấp nhận sau nhiều thập niên bị hạn chế, thậm chí bị phủ nhận và quy tội thấp kém. Âm nhạc ngày nay có đủ loại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của các đối tượng khác nhau, không chỉ số đông, mà cả số ít nữa. 

Đề tài nội dung phong phú chưa từng thấy, không còn nhất nhất chỉ ngợi ca cái lớn lao, cao cả; bên cái Chung còn có cái Riêng, ngoài cái Ta còn có cái Tôi. Nở rộ nhất là chủ đề tình yêu đôi lứa với đủ trạng thái và các lứa tuổi (kể cả tuổi học trò), cứ như bù đắp lại tình trạng thiếu hụt sau nhiều thập niên bị kìm nén. Sáng tác mới chưa thỏa thì dùng lại tình khúc cũ. Nhiều bài hát trữ tình lãng mạn trước đây không được sử dụng, thậm chí bị cấm, đã xuất hiện trở lại. Trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn bắt gặp các cụm từ “dòng nhạc xưa”, “dòng nhạc bolero” (thực chất là những ca khúc lãng mạn trước năm 1954, những ca khúc trữ tình trước 1975, loại nhạc bình dân với cái tên thông tục quen tai là nhạc sến...). 

Ngoài ra còn có những chủ đề trước đây rất ít hoặc chưa hề khai thác, phản ánh những hiện tượng xã hội đương thời, như nạn đô thị hóa nông thôn, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, phòng chống thuốc lá và tệ nạn xã hội, gia cảnh bố mẹ ly dị; hoặc thương cảm những mảnh đời kém may mắn, như trẻ tự kỷ, trẻ mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ, người phụ nữ vô sinh, người lính sau chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam… 

Mảng đề tài mang tính lịch sử, ngợi ca đất nước và truyền thống dân tộc vẫn tiếp tục được khuyến khích bởi các cuộc vận động sáng tác theo chủ đề. Âm nhạc luôn đồng hành với thời cuộc, nhất là khi có những biến động. Hàng loạt ca khúc về đề tài bảo vệ chủ quyền dân tộc ra đời trong các biến cố về biên giới và biển đảo trong những năm gần đây đã biểu thị tinh thần nhập cuộc của giới nhạc mạnh mẽ không kém thời chiến. 

Tính đa dạng cũng là kết quả của tinh thần nhập cuộc. Tác phẩm phong phú hơn không chỉ về đề tài nội dung, mà cả về hình thức và thể loại âm nhạc cũng như ngôn ngữ biểu hiện. Ca khúc nghệ thuật (romance) không còn hiếm hoi như trước, đủ để đứng một hạng mục trong giải thưởng hàng năm của Hội Nhạc sĩ. Cảm phục là ấn tượng của không ít người dành cho các tác giả trong chương trình ca khúc nghệ thuật Bài hát tình yêu của nhạc sĩ Doãn Nho và buổi giới thiệu tuyển tập 60 romances của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc. Không chỉ các tác phẩm hợp xướng, giao hưởng, thính phòng được khích lệ trong giải thưởng hàng năm, gần đây đã có đầu tư cho sự quay trở lại của những loại hình nghệ thuật âm nhạc lớn, như kịch múa, opéra. Phục dựng lại Cô Sao (Đỗ Nhuận) - opéra đầu tiên của Việt Nam và công diễn opéra mới Lá đỏ (Đỗ Hồng Quân) thực sự là những sự kiện lớn trong đời sống âm nhạc đương đại.

Sự vào cuộc không phải chỉ là hòa nhập vào đời sống xã hội hiện tại, mà còn biểu hiện ở xu hướng hội nhập thế giới. Việc tiếp nhận cái mới từ thế giới bên ngoài và những thử nghiệm táo bạo của giới trẻ dù chưa phải lúc nào cũng đủ sức thuyết phục, nhưng đã bày tỏ được khát vọng nhập cuộc với thời đại. Internet mở ra không gian rộng lớn cho giới nhạc tiếp xúc, học hỏi, quảng bá tác phẩm. Chưa bao giờ các nhạc sĩ có nhiều lựa chọn trong hình thức âm nhạc và ngôn ngữ biểu hiện đến vậy. Được tiếp cận với các trào lưu âm nhạc thế giới, các tác giả - đặc biệt thế hệ trẻ - có điều kiện thể hiện mình qua những phương thức biểu hiện mới mẻ, trong mảng nhạc giải trí phổ thông là pop, rock, jazz, soul, R&B, techno, acoustic, hip-hop, rap, dance…; còn lĩnh vực khí nhạc chuyên nghiệp là những yếu tố hiện đại, hậu hiện đại, nhạc đương đại, nhạc điện tử, nhạc thể nghiệm, nghệ thuật sắp đặt…

Nói đến xu thế hội nhập quốc tế cần nhắc tới sự kiện đặc biệt của giới nhạc chuyên nghiệp: Festival nhạc mới Á - Âu do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức vào hai năm 2014 và 2016. Hội tụ hàng trăm nhạc sĩ từ các châu lục Á - Âu - Mỹ, Festival là sự kiện lớn chưa từng có trong đời sống âm nhạc Việt Nam với hàng chục chương trình hòa nhạc giao hưởng thính phòng giới thiệu tác phẩm mới của các tác giả quốc tế cho công chúng Việt Nam, đồng thời quảng bá khí nhạc Việt Nam với đồng nghiệp quốc tế. Ngoài ra còn có các cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm làm nghề giữa các nhạc sĩ. Bữa đại tiệc âm nhạc này có ý nghĩa rất thiết thực, tạo cơ hội cho giới nhạc chuyên nghiệp cập nhật âm nhạc thế giới và hiểu rõ hơn ta đang ở đâu so với mặt bằng khí nhạc toàn cầu. 

Tiếp cận với thế giới bên ngoài đem lại nhiều trải nghiệm thú vị, nhưng cũng lắm băn khoăn và ngỡ ngàng, nhất là trước những thử nghiệm của các tác giả trẻ. “Ô, vừa hết một tác phẩm đấy à? Thế mà nãy giờ cứ ngỡ họ vẫn đang lên giây đàn, lại lấy làm lạ lên giây gì mà mãi chả xong!” - không ít khán giả ớ ra như thế sau tiết mục của các nghệ sĩ trẻ thuộc Viện Âm nhạc Mỹ. Cũng không ít người trong giới nhạc, nhất là thế hệ lớn tuổi thấy đêm nhạc của tác giả trẻ Việt Nam dễ hiểu và dễ cảm hơn nhờ tính giai điệu và chất liệu âm nhạc gần với nhạc cổ truyền của ta. Phải chăng đấy là một phản ứng như ta vẫn tự khen mình “tiếp nhận có chọn lọc” và “hòa nhập mà không hòa tan”?

Xu hướng hội nhập luôn khích lệ tinh thần về nguồn và ý thức dân tộc. Trong lĩnh vực nhạc cổ đã có sự chuyển biến lớn trong quan điểm, xóa bỏ dần những định kiến sai lầm. Nhiều tinh hoa cổ truyền từng bị phê phán cổ hủ, lạc hậu, thiếu tính chiến đấu, thiếu tính thời đại đã được “phục hồi danh dự”, một số thể loại đã được làm hồ sơ đệ trình UNESCO xét duyệt vào danh sách di sản thế giới. Từ hai quan niệm cực đoan trong quá khứ hoặc chỉ bảo tồn - phát huy cái gốc hoặc chỉ kế thừa - phát triển vốn cổ, dần dần giới nhạc cũng ý thức được rằng hai phương thức đó phải thực hành song song chứ không thể thay thế nhau. Tuy nhiên, không phải tất cả những người trong cuộc đều thấu hiểu những yêu cầu cần khắc cốt ghi tâm đó. Vì thế vẫn luôn xảy ra hiện tượng lẫn lộn giá trị thực giả trong việc bảo tồn vốn cổ, nhất là với những thể loại nhạc cổ truyền đã được UNESCO vinh danh. 

Việc khai thác vốn cổ không chỉ hình thành trong âm nhạc chuyên nghiệp, mà ngay cả trong mảng giải trí đại chúng cũng ngày càng thấy rõ hơn xu thế hướng về cội nguồn, kể cả loại hình mang tính tự phát như nghệ thuật đường phố. Không còn quá lạ lẫm với các tiết mục vũ công trẻ nhảy popping (là một thể loại của hip-hop) trên âm sắc nhạc cụ cổ truyền ngẫu hứng theo phong cách cổ truyền. Trước hiện tượng này, người quá cẩn trọng lo ngại những thử nghiệm chẳng giống ai kiểu đó dễ sinh ra sản phẩm “quái thai”; người nghĩ thoáng hơn lại tin rằng khéo kết hợp thì đây là cách hữu hiệu giúp nhiều bạn trẻ biết đến và muốn tìm hiểu về vốn cổ. Xu hướng về nguồn hẳn được rộng mở hơn và hiệu quả hơn nhiều nếu như thay vì chỉ trích nặng lời hoặc thờ ơ “sống chết mặc bay”, các nhà chuyên môn và các tổ chức quản lý dành cho giới trẻ sự khích lệ tinh thần sáng tạo, sự hỗ trợ về kinh nghiệm và kinh phí thử nghiệm. 

Tinh thần nhập cuộc của giới nhạc tuy lớn, nhưng hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào khả năng mỗi người và điều kiện khách quan. Nhập cuộc để có tác phẩm hay là một chuyện, còn làm sao để tác phẩm hay đến được với công chúng lại là chuyện khác. Chúng ta thừa biết rằng sự liên kết các khâu trong hoạt động âm nhạc chưa thực sự thuận lợi cho việc kết nối tác phẩm với đời sống xã hội.

Về khả năng kết nối, âm nhạc thời chiến gắn kết cả một cộng đồng to lớn, lớn đến mức thường được gọi bằng các cụm từ “cả nước, cả dân tộc”. Ngày nay tính kết nối của âm nhạc không hề giảm bớt, mà tồn tại trong những phạm vi khác nhau, bởi khối công chúng đồng nhất nay đã chia thành những cộng đồng nhỏ hơn có thị hiếu và sở thích khác nhau.

Cũng có thể nói tới các yếu tố kết nối và hòa nhập trong xu hướng sáng tạo. Đó là sự xóa nhòa ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật, giữa các thể loại và hình thức âm nhạc; là sự giao thoa ngôn ngữ biểu hiện và phong cách diễn tấu. Sự kết hợp liên ngành đang được vận dụng nhiều hơn trong nghệ thuật biểu diễn, nhất là nghệ thuật sắp đặt. Các tiết mục âm nhạc thường được gắn với múa minh họa, màn hình video clip, hiệu ứng âm thanh điện tử, hiệu ứng ánh sáng, hiệu ứng sân khấu và điện ảnh… 

Khả năng kết nối của âm nhạc là vô cùng. Giá trị nhân văn của tác phẩm âm nhạc có thể làm tan biến mọi sự chia rẽ, mọi ranh giới quốc gia, dân tộc, hệ tư tưởng... Còn một điều không thể bỏ qua dù có chút “nhạy cảm”, đó là vai trò của âm nhạc trong nguyện vọng hòa giải dân tộc. Rào cản chính trị rất khó dỡ bỏ, ấy thế mà đôi khi âm nhạc vẫn vượt lên trên vật cản vô hình ấy. Có lẽ chưa đâu từng có hiện tượng này: hai quốc ca chính thức của hai phe đối lập - Thanh niên hành khúc (Tiếng gọi công dân) của Việt nam Cộng hòa và Giải phóng miền Nam của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam - đều được viết bởi một tác giả (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước). Một bài hát nữa của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - Hồn tử sĩ - cũng được sử dụng trong quân lực Việt Nam cộng hòa ở miền Nam. 

Âm nhạc không ít lần chứng tỏ khả năng kết nối lòng người, đấy là lúc Nối vòng tay lớn cất lên qua giọng hát của chính tác giả Trịnh Công Sơn trên Đài phát thành Sài Gòn vào trưa ngày 30-4; đấy là cuộc họp mặt những người Việt xa xứ từng là kẻ thù của nhau, giờ đây chung một nỗi nhớ quê nhà họ đã không ngại ngần cùng nhau hòa giọng hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng (nhạc: Doãn Nho, thơ: Hữu Thỉnh). Gần đây, dù đã gặp không ít phản ứng gay gắt, sự xuất hiện bài hát Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương trong chương trình Giai điệu tự hào cho thấy cách nhìn nhận thoáng hơn với thiện chí khép lại hận thù trong quá khứ.

Như vậy, với tinh thần nhập cuộc và đổi mới, với hiệu quả kết nối của âm nhạc, thì đặc điểm nổi bật nhất trong đời sống âm nhạc hôm nay chính là tính đa dạng - đa dạng trong hoạt động âm nhạc, đa dạng về sản phẩm âm nhạc. 
Sự đa dạng có hai mặt: tích cực - đời sống âm nhạc phong phú chưa từng có trước đây; tiêu cực - khó kiểm soát và quản lý không tốt thì dẫn đến mất cân đối. 

Để biết sinh hoạt âm nhạc hiện nay có cân đối hay không, cần nhìn thẳng vào hiện trạng: nhạc thị trường vẫn lấn át nhạc chính thống, ca khúc phổ thông lấn át ca khúc nghệ thuật, thanh nhạc lấn át khí nhạc, tính thương mại lấn át chất lượng nghệ thuật. 

Chính vì mất cân đối mà sinh ra nhiều ngộ nhận, sự lệch chuẩn và loạn chuẩn. Cũng từ đó dẫn đến những bất cập, như khoảng cách giữa tác phẩm có giá trị nghệ thuật với đời sống xã hội, giữa đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp với yêu cầu xã hội.
Chính vì mất cân đối mà công chúng nhiều khi lầm tưởng ca khúc giải trí đại chúng là đại diện duy nhất của nền nhạc mới Việt Nam. Trong khi đó tiếng nói chính thức của âm nhạc Việt Nam trên diễn đàn quốc tế vẫn là khí nhạc, mà thành tựu của nhạc chính thống trong gần hai thập niên đầu thế kỷ XXI không hề nhỏ. Về sáng tác giao hưởng thính phòng, các phòng hòa nhạc lớn nước ngoài từng vang lên tác phẩm của các nhạc sĩ Lân Tuất, Tôn Thất Thiết, Nguyễn Thiên Đạo, Nguyễn Văn Nam, Đỗ Hồng Quân, Đặng Hữu Phúc, Trần Mạnh Hùng… Về biểu diễn, các dàn nhạc giao hưởng Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực. Về đào tạo, thí sinh Việt Nam tham gia và đoạt giải các kỳ thi quốc tế không còn là chuyện hiếm hoi như trước. Về nhạc cổ, đã có bảy thể loại được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc di sản cần được bảo vệ khẩn cấp (Nhã nhạc vào năm 2003, Cồng chiêng Tây Nguyên - 2005, Quan họ Bắc Ninh và Ca trù - 2007, Hát Xoan - 2011, Đờn ca Tài tử - 2013, Ví Giặm - 2015, Bài Chòi - 2017). Còn ngành lý luận phê bình âm nhạc cũng đã làm được rất nhiều việc trong những năm đầu thế kỷ XXI với những bộ sách đồ sộ được đánh giá là công trình thế kỷ.

Song, “áo gấm đi đêm” vẫn là tình trạng chung của âm nhạc chính thống. Những sự kiện lớn, chương trình hay của nhạc hàn lâm và nhạc cổ truyền chiếm tỉ lệ quá thấp trên mặt báo và các phương tiện truyền thông. Báo chí chỉ chú trọng đưa tin trước sự kiện chứ không để tâm vế quan trọng hơn là việc phê bình đánh giá chất lượng nghệ thuật. Tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp rất khó đi vào đời sống xã hội. Không phải nhạc sĩ nào cũng đủ khả năng chi trả thù lao hòa âm thu thanh ca khúc, nói chi đến dàn dựng tác phẩm giao hưởng thính phòng. Không phải nhà lý luận nào cũng có thể kham nổi kinh phí xuất bản sách nghiên cứu phê bình, bởi vậy phê bình âm nhạc đành chịu mang tiếng đứng ngoài cuộc thôi, còn những bản thảo mang tính khoa học và giá trị thực tiễn thì cứ om mốc meo trong ngăn kéo.

Sự cố gắng tự thân của mỗi cá nhân, mỗi chuyên ngành riêng biệt có thể tạo nên những điểm sáng trong bức tranh chung. Bức tranh ấy có hài hòa cân đối hay không còn phụ thuộc vào cái nhìn tổng thể và khả năng điều hành của người quản lý. 

Không tin tưởng và không hỗ trợ khích lệ sự sáng tạo đúng mức - đó là do quản lý thiếu tầm nhìn. Không kiểm soát được, không nhìn xa trông rộng được thì ngăn cấm hoặc thả nổi - chứng tỏ quản lý bất lực. Không theo kịp thời đại về nhận thức, dư âm của nếp nghĩ cũ nhiều khi vẫn tiếp tục áp đặt, tiếp tục vận hành theo cơ chế xin cho - đó là cách quản lý không phù hợp với thực tiễn.

Thời đại của tính đa dạng càng cần hơn bao giờ hết những người quản lý có khả năng bao quát, cập nhật, theo sát, liên kết, phối hợp, điều chỉnh sao cho đời sống văn hóa nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, được hài hòa. 

Thời đại của tính đa dạng không thể áp đặt quan niệm của thế hệ này cho thế hệ khác, không thể lấy thước đo loại nhạc này để đánh giá loại nhạc khác, mà cần phải biết chấp nhận sự khác biệt: chấp nhận những khác biệt trong sáng tạo, trong diễn tấu cũng như trong cảm thụ âm nhạc; chấp nhận những khác biệt về tuổi tác và nghề nghiệp, sở thích và thị hiếu, hoàn cảnh và môi trường sống, nhân sinh quan và trình độ thẩm mỹ… 

Chẳng lẽ chúng ta lại sợ sự khác biệt? Chẳng lẽ chúng ta e ngại tính đa dạng? Chẳng lẽ chúng ta muốn tự nhốt mình trong sự đơn điệu nghèo nàn trước thế giới văn hóa đa sắc của thời đại toàn cầu hóa? Tất nhiên là không đời nào! 

Vậy thì hãy để âm nhạc được muôn màu muôn vẻ, và ở màu nào vẻ nào cũng cố đạt tới mức hay nhất có thể. Một tác phẩm âm nhạc thành công thường có hai yếu tố: tính tương phản và tính nhất quán. Tương phản tạo nên tính đa dạng trong ngôn ngữ, nhất quán tạo nên sự thống nhất cho tác phẩm. Với âm nhạc nói chung cũng cần đa dạng mà thống nhất. Đa dạng về sáng tạo và thống nhất ở một điểm: Chân - Thiện - Mỹ.

Nguyễn Thị Minh Châu (hoinhacsi.vn)

Nhận xét