Sai lầm trong hưởng thụ văn hóa

Nói đến hưởng thụ văn hóa, trong đa số trường hợp, chúng ta đề cập tới lĩnh vực văn hóa tinh thần, như thưởng thức âm nhạc, hội họa, múa, thi ca… Vào thời kỳ phong kiến, trong bốn tiêu chuẩn của giới nữ quý tộc là cầm, kỳ, thi, họa có đến ba bộ môn thuộc lĩnh vực nghệ thuật (âm nhạc, thi ca, hội họa). Trong Lục nghệ, sáu môn học bắt buộc thời Phong kiến (bao gồm: Lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số), âm nhạc xếp ở vị trí thứ 2, có liên quan mật thiết với lễ và là một trong những biện pháp để tu thân. Sau này, các bộ môn nghệ thuật ngày càng có xu hướng xa dần trung tâm của ngành giáo dục.


Mặc dù, theo phương châm giáo dục toàn diện, âm nhạc, hội họa vẫn nằm trong tổ hợp các bộ môn thuộc lĩnh vực trí, đức, thể, mỹ, nhưng xét từ nội dung đến hình thức, các môn học về đức, thể, mỹ chủ yếu dạy cho có, chứ không dạy cho tới. Kết quả đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến trình độ thưởng thức nghệ thuật của học sinh, cũng như tầng lớp đại chúng nói chung, đồng thời gián tiếp tác động tới nhu cầu hưởng thụ văn hóa.

Như đã đề cập, hưởng thụ văn hóa trong đa số trường hợp nhằm chỉ giá trị tinh thần. Giá trị tinh thần này không thể thụ hưởng giống như văn hóa vật chất mà người tiêu dùng có thể huy động sức mạnh đồng tiền để chiếm hữu (tiêu dùng thuần túy) hay tước đoạt. Hưởng thụ văn hóa cần thông qua năng lực hấp thụ hay nói cách khác, tiếp xúc, tiêu dùng bằng trình độ thẩm mỹ, qua đó nhằm tận hưởng giá trị nội tại ẩn chứa bên trong lẫn bên ngoài sản phẩm văn hóa. Hưởng thụ văn hóa vật chất, như ẩm thực chẳng hạn, người thưởng thức có thể bị giới hạn bởi điều kiện vật chất, sinh lý, thể lý, yếu tố kinh tế, môi trường… còn hưởng thụ văn hóa tinh thần có khả năng vươn tới cảnh giới phi hạn độ, cũng như đạt được tinh thần bình đẳng. Vậy, năng lực hay trình độ “thưởng” và “thức” đối với văn hóa tinh thần không chịu lệ thuộc bởi thân phận, địa vị xã hội, bằng cấp, giàu, nghèo… mà hình thành từ phẩm chất, tố chất tự nhiên lẫn xã hội, cùng quá trình rèn luyện, tu tập với những trải nghiệm về thẩm mỹ.

Sáng tạo – biểu diễn – thưởng thức là chuỗi mắt xích liên kết chặt chẽ với nhau. Trong xu hướng thay đổi Hình hệ, phương pháp nghiên cứu văn học cận đại đã không ngừng mở rộng phạm vi đối tượng, trong đó đặc biệt có sự tham gia của người thưởng thức. Đây là bước chuyển biến quan trọng trong khoa học nghệ thuật. Bên cạnh nhóm đối tượng truyền thống là tác giả, tác phẩm, khán giả đã chính thức bước vào lãnh địa phê bình văn học cận đại. Vì, tựu chung, một tác phẩm nghệ thuật thực sự tạo nên giá trị khi có sự tham gia của người thưởng thức. Nói cách khác, người thưởng thức ảnh hưởng một cách trực tiếp đến văn hóa tiếp nhận trong lĩnh vực nghệ thuật. Khán thính giả có trình độ thưởng thức tốt, đời sống văn hóa, văn nghệ sẽ được thanh lọc, phát huy cao giá trị tinh thần, đồng thời giúp cho đời sống con người hướng thượng, hướng thiện, hướng mỹ, coi trọng cái đẹp, xây dựng cuộc sống theo quy luật của cái đẹp. Còn nếu đại bộ phận công chúng có trình độ thẩm mỹ kém, coi văn hóa tinh thần là thứ hàng hóa thuần túy, có thể tiêu dùng một cách đại trà, thậm chí lấy việc hưởng thụ văn hóa để chứng minh đẳng cấp, địa vị xã hội, khi đó giá trị tinh thần có khuynh hướng bị tha hóa, suy đồi, dẫn đến kết quả thụ hưởng văn hóa tinh thần. Nói chung, cả hoạt động sáng tạo, biểu diễn và thưởng thức đều cần được huấn luyện, bồi dưỡng, giáo dục. Ở nước ta, hai lĩnh vực sáng tạo và biểu diễn được truyền dạy trong cơ sở giáo dục nghệ thuật chuyên nghiệp. Nó thuộc về thiểu số. Còn thưởng thức nghệ thuật thuộc về đa số lại phó thác hoàn toàn cho xã hội, không được bồi dưỡng trong cơ sở giáo dục. Trong cơ sở giáo dục, học sinh không học môn “cảm thụ nghệ thuật”, “thưởng thức nghệ thuật”… Lấy ví dụ đối với bộ môn âm nhạc, học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 chỉ học hát, lý thuyết âm nhạc, tiểu sử tác giả. Nhà trường không dạy cho các em kỹ năng liên quan đến âm nhạc, như sử dụng nhạc cụ, hoạt động tương tác, trải nghiệm với âm thanh đa dạng. Các bộ môn nghệ thuật không tách rời giữa lý thuyết và thực hành. Trong khi ở trường phổ thông, học sinh hoàn toàn học lý thuyết suông. Mớ lý thuyết đó không vận dụng vào thực tiễn sẽ bị rơi rớt dần, đồng thời không thể biến thành trải nghiệm nghệ thuật nhằm nâng cao khả năng hưởng thụ văn hóa.

Trước bối cảnh thẩm mỹ đại chúng sa sút, nhiều người đã đổ lỗi cho thị trường. Trên thực tế, lỗi này thuộc về giáo dục, chứ không phải của thị trường. Rất nhiều sai lầm tai hại bị đùn đẩy cho thị trường. Theo một số chuyên gia kinh tế, thị trường có ký ức của nó. Nếu nhà nước sử dụng bàn tay vô hình can thiệp vào quy trình vận hành nhằm làm mờ, thậm chí xóa đi ký ức của thị trường, những dự báo, phán đoán sẽ trở nên méo mó, thậm chí đưa ra kết quả sai lệch.

Khán thính giả xét cho cùng là nhóm đối tượng đã được điều kiện hóa. Sở dĩ di sản âm nhạc Cổ điển phương Tây được lưu truyền, phổ biến rộng rãi là nhờ thành quả của giáo dục. Học sinh, sinh viên các quốc gia phương Tây đều có chung nền tảng giáo dục thẩm mỹ. Nhờ vậy, văn hóa thẩm mỹ đại chúng được thừa hưởng, phát huy tác dụng trong điều kiện thể chế và thiết văn hóa kiện toàn. Ngay tại nhiều quốc gia châu Á, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hong Kong… cũng đạt tới những thành tựu đáng kể về giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường. Ngoài xã hội, họ dành nhiều không gian, thời gian cho nghệ thuật lên tiếng, hiện hữu. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên cũng có nhiều thời gian tiếp xúc, trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng nghệ thuật. Ngoài ra, đầu tư cho văn hóa quan tâm đúng mức sẽ góp phần nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật, hưởng thụ văn hóa của đại bộ phận công chúng. Các bộ công cụ phục vụ công tác tâm hồn như bảo tàng nghệ thuật, trung tâm lưu trữ âm thanh, hình ảnh, sách công cụ, tư liệu động, tĩnh, các hoạt động tương tác… và đặc biệt, chúng được thiết kế hệ thống sẽ phát huy tác dụng, ảnh hưởng trực tiếp tới văn hóa đại chúng.

Tính liên kết giữa các cấp học là điều đáng lưu ý trong hệ thống giáo dục. Học sinh phổ thông ở nhiều nước có thể thi trực tiếp vào khối trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Đây là điều mà nước ta còn phải phấn đấu, nhất là thay đổi chương trình, nội dung giáo dục thẩm mỹ như hiện nay. Vì, ngoài chất lượng có vấn đề ra, ở cấp III, các môn nghệ thuật đã bị rút khỏi bộ khung chương trình. Học sinh cấp I, II càng không có năng lực thi vào khối trường chuyên nghiệp. Trên danh nghĩa giáo dục toàn diện, nhưng học sinh Việt Nam không có năng lực tương ứng. Nhiều môn học dư thừa đã tước mất thời gian, công sức, cơ hội của học sinh để đầu tư cho tương lai. Đứng ở góc độ xã hội, đó là sự lãng phí ghê gớm.

Hưởng thụ văn hóa tinh thần chính là thước đo tiến bộ xã hội. “Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế”. Trên thực tế, còn khoảng cách khá dài để mục tiêu trên thực sự trở thành hiện thực.

Lê Hải Đăng (hoinhacsi.vn)

Nhận xét