Thời “hốt” lượt xem của những ca khúc “quái”, “dị”, “độc”?

Sự xuất hiện của hàng loạt ca khúc “quái”, “dị”, “độc”... thu hút một lượng xem kỷ lục trên nhiều trang nghe nhạc trực tuyến đã khiến cho nhiều người làm nghề đặt câu hỏi về thị hiếu âm nhạc của giới trẻ.

Ca khúc “quái”, “dị”, “độc”... khuynh đảo thị trường âm nhạc

Mấy ngày qua, dư luận không ngớt xôn xao khi chứng kiến một câu chuyện chưa từng có trong lịch sử âm nhạc Việt Nam đó là MV “Chạy ngay đi” của ca sĩ Sơn Tùng MTP vừa ra lò được 18 phút đã cán mốc 1 triệu lượt xem. Và trong vòng 24 tiếng, MV này đã đạt 22 triệu lượt xem, trở thành ca khúc được nghe nhiều nhất thế giới ở thời điểm đó. MV này nhanh chóng bỏ xa những tên tuổi nổi tiếng như: Miley Cyrus (“Wreking Ball” – 19,3 triệu), Taylor Swift (“Bad Blood” – 20,1 triệu), BTS (“DNA” – 21 triệu)… Dù vậy, không ít người yêu nhạc vẫn “kêu trời kêu đất” vì không thể nào nghe rõ chữ bài hát, phần nhạc lẫn nội dung đầy sự khó hiểu. Thậm chí, có người còn cho “Chạy ngay đi” thụt lùi so với “Lạc trôi” trước đây.


Cư dân mạng không ngớt tranh cãi về sự khó hiểu của MV "Chạy ngay đi", MV mới nhất của Sơn Tùng MTP.

Tương tự, ca khúc “Người âm phủ” của Osad (tên thật là Mai Quang Nam) với những ca từ “... Mặt thì ngáo ngáo, điệu cười thì ngơ ngơ. Suốt ngày nói linh tinh vớ vẩn, cũng để anh đêm về nhà ôm mơ. Chuyện trò với em cả đêm đến sáng chẳng cần một giọt cà phê. Không cần, không cỏ, không men, không rượu nhưng em vẫn làm anh mê. Em có yêu bản thân mình không? Nếu có thì làm tình địch với anh nhá! Nhà có bán rượu không? Mà nói chuyện với em anh say quá. Dừng lại nhanh! Cười thêm cái nữa là tim anh đứt phanh...” dù bị chê không có giá trị về mặt nghệ thuật, thậm chí là “thảm hoạ” âm nhạc nhưng vẫn gây bão trên cộng đồng mạng.

Có thời điểm, ca khúc này đứng đầu bảng trang nghe nhạc trực tuyến lớn nhất Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại (15/5), ca khúc này cũng đã thu hút gần 38 triệu lượt xem trên Youtube. Càng nhiều ý kiến trái chiều được bàn tán ca khúc lại càng “hot” và lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Trường hợp “Cô gái M52” (sáng tác và biểu diễn HuyR - Tùng Viu) cũng khiến không ít người trong giới âm nhạc cảm thấy hoang mang. Lời lẽ ca khúc dù không đến nỗi tệ nhưng phần âm nhạc lại không có gì đặc biệt. Bản thân chủ nhân của bài hát cũng thú nhận, khi cậu đưa ca khúc này tặng cho người yêu còn bị người yêu chê “Eo ôi, anh viết nhạc gì kinh thế”. Ấy vậy mà đến thời điểm này (15/5), MV này đã cán mốc 37 triệu lượt xem trên Youtube và liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng các trang nghe nhạc trực tuyến.

“Người yêu tôi không có gì để mặc” của Lộn Xộn band từng gây sốc tại Sing My Song 2018. Ca khúc này “sốc” ngay từ cái tên đến chủ đề lạ lẫm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, ca khúc nghe vui, “rửa tai” thì được còn giai điệu nghèo nàn, giá trị âm nhạc rất đơn điệu. Thế nhưng ca khúc này đã lập tức đoạt 5 triệu lượt xem sau ngày phát sóng. Ca khúc hiện vẫn đang làm khuynh đảo thị trường âm nhạc và cộng đồng mạng.

Trên đây chỉ là những trường hợp điển hình bởi trên thị trường âm nhạc hiện nay còn có rất nhiều ca khúc tương tự. Điều đáng nói là dù ca khúc không được đánh giá cao về mặt âm nhạc lẫn thông điệp trong ca từ nhưng lại thu hút người nghe rất lớn. Phải chăng, thị hiếu âm nhạc của người trẻ hiện đang có vấn đề?

“Gu” âm nhạc của giới trẻ đang có vấn đề?

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, lúc nào trong âm nhạc cũng tồn tại những điều khó hiểu. Ở quốc gia nào, thời đại nào cũng có hiện tượng đầy “trái khoáy” như trên. Tương tự, những năm trước, nhiều người đã không hiểu vì sao ca khúc “Gangnam Style” lại nổi tiếng đình đám cả thế giới mặc dù có rất ít giá trị nghệ thuật.

“Tôi nghĩ rằng điều đó khá bình thường. Nó phản ánh sự đa dạng, đa màu trong âm nhạc. Thật ra, trong âm nhạc có nhiều thể loại khác nhau, có những ca khúc thiên về giá trị nghệ thuật, có những ca khúc mang ý nghĩa xã hội, có những ca khúc mang nặng cảm xúc và những ca khúc để giải trí… Số lượng khán giả cần nhu cầu giải trí rất nhiều. Có lẽ vì cuộc sống đã quá khó khăn, quá nhiều điều lo nghĩ nên họ tìm đến âm nhạc cho vui hoặc ủng hộ thần tượng của mình”, nhạc sĩ “Nhật ký của mẹ” bày tỏ.


Ca khúc "Người âm phủ" dù làm khuynh đảo thị trường âm nhạc trực tuyến nhưng lại đầy rẫy sự khó hiểu.


Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, dù thực tế này khiến nhiều người có phần lo lắng và chạnh lòng nhưng cũng phải chấp nhận bởi cuộc sống vốn thế. Giới trẻ luôn có nhu cầu tôn sùng thần tượng của mình. Bất kỳ thần tượng của mình làm gì, hát gì… họ cũng sẽ thấy hay, thấy vui và đối với họ vậy là đủ. Tuy nhiên, khi họ trưởng thành hơn, họ sẽ có nhu cầu tìm đến những bài hát có chiều sâu, có cảm xúc hơn để nghe và chiêm nghiệm.

Dẫu vậy, nam nhạc sĩ họ Nguyễn vẫn thừa nhận việc có quá nhiều ca khúc “quái”, “dị”, “độc”… cũng sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng đến giới trẻ. Và nếu chủ nhân của những ca khúc đó “ngủ quên trên chiến thắng” và đỉnh cao hiện tại, dẫn đến sự ngông cuồng trong những tác phẩm, thể hiện những giá trị sai lệch và tiêu cực với xã hội thì sẽ khiến cho giới trẻ bị ảnh hưởng về nhận thức.

"Nhạc sĩ Hoài An cũng cho rằng, giới trẻ luôn đi tìm sự mới mẻ, phá cách… thậm chí “nổi loạn”. Họ tiếp nhận nhiều những cái mới (có cái tốt và chưa tốt) nhưng theo thời gian, đa phần cái chưa tốt sẽ bị đào thải. “Giới trẻ họ có “gu” của họ và theo đúng kiểu giới trẻ, cái gì đang là “xu hướng” càng dễ nổi bật hơn. Không những tác phẩm mà phát ngôn gây sốc hay scandal cũng sẽ nhận được sự chú ý và mọi người lại càng xem, chia sẻ, bàn luận (thậm chí tranh luận)...”, nhạc sĩ Hoài An nói.

Theo nam nhạc sĩ này, sẽ chẳng có gì là mãi mãi, theo thời gian các bạn trẻ có gia đình, có con, quan điểm cuộc sống thì cách nghe nhạc sẽ có khác đi. “Tôi thì quan niệm mỗi thế hệ mỗi thời có góc nhìn và kỷ niệm riêng của mình nên tôi lựa chọn dành thời gian làm những sản phẩm tôi cảm thấy có ý nghĩa”, nhạc sĩ Hoài An cho hay.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long lại nhận định, “gu” âm nhạc của giới trẻ ngày nay rõ ràng đang có vấn đề. Bởi thực tế, âm nhạc không chỉ giúp người ta giải trí mà còn mang đến những giá trị nghệ thuật lẫn giáo dục thẩm mỹ. Trong khi những ca khúc hoặc sản phẩm âm nhạc được dày công sáng tạo, dàn dựng, sản xuất... chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật không mấy người ngó ngàng thì những ca khúc hơi “quái dị” lại được săn đón và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Thậm chí, càng “dị”, càng “quái”, càng “độc”... người trẻ lại càng tìm nghe cho bằng được.

“Vẫn biết, việc cảm thụ âm nhạc mang tính chủ quan của từng người nhưng khi cả một thế hệ lao vào những ca khúc chỉ thuần giải trí hoặc thỏa mãn thị hiếu “ham của lạ” của người trẻ thì điều đó thật sự đáng lo ngại. Bất kỳ nền âm nhạc nào của quốc gia nào cũng cần phải được xây dựng trên những giá trị cơ bản. Một khi những giá trị đó bị gạt sang một bên thì nguy cơ về sự biến dạng của âm nhạc sẽ vô cùng khó lường”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nhấn mạnh.

(dantri.com.vn)

Nhận xét