“Beat” và chuyện tôn trọng nghệ thuật

Từ điển Anh - Việt, ghi: beat, danh từ, a main accent or rhythmic unit in music or poetry. “The glissando begins on the second beat”. Như vậy, danh từ “beat” có nghĩa là “nhịp” (rhythm, beat, cadence, bay); “phách” (beat, cadence); “tiếng đập” (flap, tharash, beat).

Với âm nhạc, theo diễn nôm của nhạc sĩ Tuấn Khanh, thì không ai có quyền đi vào căn nhà của người khác vốn đã đẹp mọi thứ, và ngẫu hứng tự cho mình là chủ căn nhà đó được. “Loại beat nhạc đang nói đến là phần đệm của những ca khúc thịnh hành trên thị trường đã cắt ra phần lời ca như một loại karaoke. Tác giả và nhà sản xuất có thể cho phép việc cover (hát lại) nguyên bản của bài hát này trên nền nhạc đó. Nhưng mọi hình thức “ngẫu hứng” khác (modify) trên nguyên bản nền tảng đó hoàn toàn bị coi là phạm pháp (violation of law) nếu như không thông qua một hợp đồng.

Tương tự, không ai có quyền lấy nền khung cảnh bức Guernica của Picasso rồi “ngẫu hứng” vào đó con bò thay cho con ngựa. Hoặc không ai có quyền lấy toàn bộ nền tảng bộ Tây du ký của Ngô Thừa Ân  và “ngẫu hứng” trên đó vai Đường Tăng thành một nhân vật thảm họa âm nhạc nào đó của Việt Nam”.

Đừng “đánh cắp”… giai điệu

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh (Thạc sĩ chuyên ngành sáng tác tại trường Đại học Portsmouth - Anh), diễn giải chi tiết hơn về “beat”: Các ca khúc trên thế giới có thể có nhiều bài trùng nhau về vòng hoà thanh, nhưng không thể giống cả hoà thanh và hoà âm. Một nhạc sĩ khi hoà âm một bài hát, họ có bản quyền chất xám của mình trên bản hoà âm đó. Nếu một nghệ sĩ muốn dùng bản hoà âm đó để viết nhạc thì phải mua, hoặc có sự đồng ý của tác giả, cho dù họ có thay đổi giai điệu hay không. Bên nước ngoài, một ca khúc thường được nhiều nhạc sĩ sáng tác chung, người nghĩ ra hoà thanh, nghĩ ra giai điệu, viết lời, người hoà âm đều là những cá nhân đóng góp vào sự thành công của ca khúc và đều được hưởng lợi nhuận với mức % khác nhau khi ca khúc thu được lợi nhuận. Nếu lấy một bản hoà âm đã có sẵn của một ca khúc đã được ra mắt của một ca sĩ khác và viết một giai điệu mới lên, thì vẫn bị gọi là lấy cắp, vì hiển nhiên chưa được sự đồng ý của tác giả. Hơn nữa, khi ca sĩ đã thu lợi nhuận từ việc biểu diễn những ca khúc này, bán nhạc chuông nhạc chờ từ những ca khúc này thì lại càng phạm luật. Nhạc sĩ Dương Khắc Linh, nhấn mạnh.

Chơi nhạc và “nhớ”… học luật!

Là của ông chủ hãng thu âm Early Risers, nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho biết ngày xưa, thời của nhạc cổ điển thì luật bản quyền chưa tồn tại. Vì vậy có rất nhiều người sử dụng nhạc cổ điển để cho vào ca khúc của mình, điều đó hoàn toàn đúng luật. Hơn nữa, họ vẫn luôn luôn tôn trọng người nhạc sĩ sang tác, và luôn để rõ rang tên của họ. Ở thời hiện đại, từ khi âm nhạc có thể được kinh doanh và làm ra lợi nhuận thì bản quyền là cực kỳ quan trọng.

Các bạn trẻ không nên lầm tưởng là lấy beat của người khác viết là điều đáng làm, mà ngược lại, là điều đáng tránh.

Lý giải về việc sử dụng “beat” miễn phí hoặc vô tư “xài chùa” giai điệu của một bộ phận các tác giả trẻ hiện nay, nhạc sĩ Huy Tuấn giãi bày: “Một vài năm trở lại đây, với sự bùng nổ của internet, nhiềungười hoạt động âm nhạc trẻ đã có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với rất nhiều xu hướng làm nhạc mới của thế giới, nhất là cách làm việc theo nhóm, phân định rõ ràng ai là người làm beat, ai viết giai điệu và ai viết ca từ, bởi đó mới là sự khai thác tối đa thế mạnh của mỗi người. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện làm việc đó hoặc tìm ngay ra được một nhóm ưng ý cho mình. Vì vậy, đã có rất nhiều trang mạng ra đời để đáp ứng nhu cầu này. Ai cần mua beat, ai cần mua lời hát, giai điệu… đều có thể tìm thấy trên mạng. Có nơi bán và cung cấp có bản quyền, có nơi cho không và thậm chí có nhiều nơi cung cấp miễn phí những beat nhạc không rõ nguồn gốc…”.


Như vậy, có thể tạm đồng ý rằng chuyện mượn “beat” để phổ lời không phải là chuyện hiếm trên thế giới. Nhưng khi được đưa ra biểu diễn và quảng bá, hầu hết các ca sĩ đều phải ghi rõ nguồn. Đơn cử, Jennifer Lopez công khai việc cô mượn ca khúc Lambada để đưa vào đoạn đầu bài hit On the floor. Thế nhưng, không ít những ca sĩ (hoặc tự nhận là nhạc sĩ) Việt Nam đã sáng tác qua việc mượn “beat”, nhưng vẫn đề tên tác giả là chính mình.

Xin đừng “lạm dụng”… danh xưng

Âm nhạc có những vòng hợp âm đẹp, dễ dàng tạo ra những giai điệu hay và hợp tai người nghe, dẫn đến rất nhiều bài hát có chung vòng hợp âm, nghĩa là có chung cách phát triển giai điệu theo hợp âm giống nhau. Khi sáng tác một giai điệu mới trên “beat” nhạc của những bài hát có sẵn, người sáng tác sẽ nghiễm nhiên có sẵn vòng hợp âm của ca khúc gốc để viết theo. Như vậy, nếu làm tốt thì rất nhiều trường hợp, ca khúc mới khác biệt hoàn toàn với ca khúc được lấy nhạc nền, trở thành 2 tác phẩm khác nhau chỉ còn điểm chung là vòng hòa thanh và hát được trên nhạc nền của nhau.

Tuy nhiên xét về quyền sở hữu trí tuệ, khi sử dụng một “beat” nhạc của một bài hát khác cho ca khúc của mình và kinh doanh, biểu diễn thì là một việc làm trái pháp luật, không cần biết là bài hát đó do tự sáng tác trên “beat” hay chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên dùng một vòng hòa thanh giống nhau. Trên hết, ở đây còn là lòng tự trọng khi nhân danh ca sĩ hay nhạc sĩ về một tác phẩm âm nhạc…

Xuân Sơn (SN)

Nhận xét