Hợp tác âm nhạc Hàn - Việt: Học hỏi hay bắt chước?

Gần đây, có khá nhiều dự án hợp tác công nghệ âm nhạc Hàn - Việt được giới thiệu tới công chúng. Đó là những dự án học hỏi để 'nâng tay nghề' hay chỉ thuần túy là sự bắt chước, để trở thành những phiên bản?

Ồ ạt dự án âm nhạc Hàn - Việt

Hợp tác sản xuất sản phẩm âm nhạc giữa Hàn Quốc và Việt Nam chẳng phải chuyện mới mà đã có từ hơn 10 năm trước. Mỹ Tâm từng sang Hàn, “ăn dầm ở dề” hai tháng để thực hiện album Vút bay, gồm 10 ca khúc, trong đó có bốn ca khúc tiếng Hàn, còn lại là nhạc Hàn lời Việt. Nhưng hiện nay, các kế hoạch hợp tác ở mức dày đặc và không dừng ở những dự án đơn lẻ giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ.

Cái bắt tay của Soobin Hoàng Sơn và Ji Yeon đã tạo ra một MV hiện đang càn quét các bảng xếp hạng nhạc Việt

Lớn nhất mới đây, phải kể đến dự án hợp tác phát triển nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam - Hàn Quốc giữa Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông Quốc tế (CPI) của Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), Tập đoàn Naver (Hàn Quốc) và Hiệp hội Nội dung âm nhạc Hàn Quốc (KMCA).

Sau khi biên bản ghi nhớ được ký kết vào cuối tháng Năm, chuỗi chương trình V Heartbeat đã khởi động, số đầu tiên diễn ra hôm 8/7 với dàn ca sĩ ăn khách của V-pop và nhóm nhạc Hàn WINNER.

V Heartbeat là đêm diễn định kỳ hằng tháng, có sự xuất hiện của các ca sĩ Việt - Hàn, để kết nối nghệ sĩ hai nước, giúp nghệ sĩ Việt cọ xát, tạo cơ hội để thế giới biết đến âm nhạc của Việt Nam nhiều hơn, góp phần giúp nghệ sĩ Việt vươn tầm hoạt động, đến với đông đảo khán thính giả tại Hàn Quốc cũng như trên thế giới.

Số tiếp theo của chương trình sẽ diễn ra ngày 31/7 với sự góp mặt của những tên tuổi K-pop như EXID, Ji Yeon của nhóm T-ara, The Boyz; phía Việt Nam mới hé lộ hai cái tên là Bảo Anh và Soobin Hoàng Sơn.

Trước đêm nhạc chính thức, ca khúc Đẹp nhất là em với hai ngôn ngữ Việt - Hàn, hợp tác giữa Soobin Hoàng Sơn và Ji Yeon đã ra mắt và MV này nhanh chóng càn quét các bảng xếp hạng tại Việt Nam.

Bên cạnh cái bắt tay ở cấp nhà nước, một loạt dự án đơn lẻ giữa nghệ sĩ Việt - Hàn, các chương trình khoác vỏ hợp tác cũng được giới thiệu ồ ạt tới công chúng.

Steps2Fame - chương trình tìm kiếm thần tượng chuẩn Hàn mùa đầu tiên dưới sự cầm trịch của bốn vị giám khảo Hàn - Việt, gồm: Krazy Park, Eddy S Park, Thu Minh, Touliver vừa khép lại hồi tháng Năm cũng đang lên kế hoạch mùa hai.

Ca sĩ Shin Hyun Woo vừa bắt tay với Vũ Cát Tường phát hành ca khúc Come back home của cô bằng phiên bản tiếng Hàn. Sơn Tùng M-TP cũng được nhiều tờ báo xứ Hàn như CcDailyNews, Stardailynews, Sportsseoul... nhắc đến khi ký hợp đồng với Bingo Music - nền tảng âm nhạc toàn cầu của công ty KMS (Korea Mobile Society) kết hợp cùng Microsoft Hàn Quốc.

Trong lần đầu ra mắt với tư cách ca sĩ, hot girl Chi Pu bắt tay với bộ đôi nhà sản xuất K-pop đình đám là Krazy Park và Eddy S Park thực hiện dự án Dream show. Đồng thời, cô cũng đảm nhiệm vai chính, bên cạnh những gương mặt đình đám của K-pop như rapper San E, thành viên nhóm nhạc DIA Jung Chae-yeon… trong bộ phim điện ảnh LALA: Hãy để em yêu anh - sản phẩm hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, do hãng HKFilm và Donuts Culture cùng thực hiện.

Khá nhiều ca sĩ Việt từng sang Hàn Quốc biểu diễn trong các lễ hội hoặc giải thưởng âm nhạc như Noo Phước Thịnh, Đông Nhi…

Không bột có gột nên hồ?

Trước khi chính thức vươn tay vào thị trường Việt, vài năm trước, Hàn Quốc đã có những chuyến tiền trạm dưới hình thức giao lưu hữu nghị và nhiều cuộc ghé thăm của sao Hàn.

Khi thị trường Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu bão hòa, K-pop coi Đông Nam Á là vùng đất màu mỡ tiếp theo để khai thác. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, tiềm năng trong chiến dịch đưa “làn sóng Hàn” lan khắp các thị trường ngoại.

Với sức công phá của mình, K-pop hiện là “ông lớn” của nền giải trí châu Á. Công thức tạo “sao” của họ đang được xem như mô hình chuẩn để nổi tiếng, gây ảnh hưởng. Vì thế, với sự đổ bộ của làn sóng Hàn trong thời gian qua, nhiều người khấp khởi mừng thầm, mong V-pop sẽ lột xác, ít nhất cũng đặt được dấu chân lên bản đồ âm nhạc châu lục.

Tuy nhiên, sau những cái bắt tay xuyên biên giới này, nhạc Việt có “thay máu” nổi hay không thì không ai biết. Nhìn vào bức tranh V-pop hiện tại, có thể thấy, sự học hỏi và đúc rút kinh nghiệm từ mô hình K-pop thì ít mà sao chép, bắt chước thì nhiều. Đa số các hợp tác đều mang tính chất đánh bóng, quảng bá hình ảnh cá nhân là chính.

Chúng ta đang có một thế hệ ca sĩ rõ ràng là người Việt nhưng “nhang nhác” nghệ sĩ Hàn Quốc - từ đầu tóc, quần áo, vũ đạo, cách trang điểm… đến cách hát, cách nhấn nhá. Có thể kể ra hàng loạt nhóm nhạc được định hình theo mô hình nhóm nhạc thần tượng xứ Hàn như 365, Lime, Monstar, Lip B, Uni5… hay mới đây là nhóm Zero 9, dù mới ra mắt một thời gian ngắn, đã liên tục vướng phải lùm xùm đạo nhái.

Xu hướng “Hàn hóa” ăn sâu vào tận rễ. Có những ca khúc phần lời được trộn một cách khó hiểu bằng các ngôn ngữ Việt, Anh, Hàn. Trong khi đó, các sao Việt đại diện Việt Nam tham dự các lễ hội, giải thưởng âm nhạc châu Á hoặc những chuyến thăm của nghệ sĩ Hàn sang Việt Nam được lăng-xê trên truyền thông, thực chất đều nằm trong khuôn khổ các chương trình lớn hơn nhằm mục đích ngoại giao, giao lưu là chính.

Xuất phát điểm của K-pop cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ âm nhạc Âu - Mỹ. Nhưng rất nhanh sau đó, họ thoát khỏi cái bóng, tạo ra bản sắc riêng. Không bột, nghệ sĩ ta có gột nổi nên hồ? Chỉ khi nào nhận diện được những giá trị đích thực cũng như bản sắc của mình, cộng với những điều “học lỏm” được từ K-pop, thì lúc đó mới có thể ôm mộng ra biển lớn.

Ở vị trí “chiếu dưới”, nếu không có lập trường cũng như cá tính rõ nét, nghệ sĩ ta dễ bị làn sóng K-pop cuốn phăng. Đến nay, ngoại trừ Thanh Bùi với , được nhóm nhạc BTS chủ động mời hợp tác và gây được tiếng vang, Việt Nam vẫn là cái gì đó mờ nhạt, làng nhàng.

Đậu Dung (PNO)

Nhận xét