Fritz Kreisler với nỗi buồn và niềm vui của tình yêu

Fritz Kreisler (2/2/1875 – 29/1/1962) là nhà soạn nhạc người Áo và cũng là một trong những nghệ sĩ violon nổi tiếng nhất của thế kỷ 20. Tiếng đàn của ông mang dấu ấn riêng chỉ có ở một thiên tài, là sự kết hợp giữa vẻ đẹp rực rỡ của âm thanh và sự hoàn hảo của kỹ thuật. Tuy sáng tác không nhiều nhưng mỗi tác phẩm của ông đều là sự cô đọng những giá trị đẹp đẽ của nghệ thuật. 


Chiếm phần lớn trong các sáng tác của Kreisler là các tiểu phẩm cho violon. Trong những buổi hòa nhạc ở thời ông, những tiểu phẩm như vậy luôn được công chúng yêu thích mà không làm hạn chế khả năng phô diễn kỹ thuật của người nghệ sĩ. Nổi bật nhất phải kể đến Liebesfreud (Love"s Joy - Niềm vui của tình yêu) và Liebeslied (Love"s Sorrow - Nỗi phiền muộn của tình yêu) viết cho violon và piano. 

Tựa như hai mặt không thể tách rời trong tình yêu, hai tiểu phầm này luôn cùng xuất hiện trong danh mục biểu diễn hay những bản thu âm của các nghệ sĩ thời nay. 

Cho đến nay, lai lịch sáng tác của Liebeslied và Liebesfreud vẫn còn mơ hồ. Một số tư liệu cho rằng hai tiểu phẩm này được viết trước năm 1910, kể từ lần xuất bản trong tập Những điệu nhảy Viennese cổ xưa (Old Viennese Dance Tunes). 

Vì rất yêu thích hai tiểu phẩm này, 20 năm sau đó, năm 1931, Sergei Rachmaninov – nhà soạn nhạc thiên tài đã chuyển soạn lại – cố tình làm khó hơn và thách thức hơn cho người chơi. Nhà soạn nhạc đã thay những note thông thường bằng các phần hòa âm lạ và thay đổi liên tục như sóng, đồng thời Rach cũng đưa thêm khúc mở đầu và đoạn kết mới cho hai tác phẩm này. Tuy nhiên phần nét nhạc chính và tinh thần của tác phẩm vẫn được giữ nguyên. 

Chuyển soạn của Rach dài khoảng 7 phút, nhiều hơn so với độ dài 5 phút trong sáng tác của Kraisler. Dấu ấn của Rach để lại là màu sắc của âm thanh và sự khỏe khoắn trong các nốt nhạc được đặt trên nền giai điệu ấm áp trữ tình do Kraisler điểm xuyết. 

Nhịp điệu của tác phẩm chuyển soạn này cũng có vẻ vui nhộn và hoạt bát hơn với cách xử lý đa dạng, trong sáng và quyến rũ hơn, thậm chí đôi khi Rach bỏ qua hoàn toàn âm điệu chủ đạo của Kreisler. Sự đối lập của tác phẩm tiếp tục được làm rõ ở phần kết đầy xúc cảm và nhẹ bẫng như tơ sau một loạt những giai điệu phóng khoáng và táo bạo rất điển hình của Rach. 

Khá trái ngược với một Rachmaninov hiện đại và mãnh liệt, Kreisler là một nhà soạn nhạc đã luôn đấu tranh chống lại lối viết theo chủ nghĩa hiện đại đang rất thịnh hành vào thời của ông, nó khiến ông cảm thấy việc sáng tác của mình sẽ thật kì quặc khi cứ phải đi theo xu hướng đó. Bởi thế người ta sẽ thấy âm nhạc của Kreisler mang màu sắc lãng mạn và cổ điển hơn so với đa số các nhà soạn nhạc đương thời. 

Không chỉ tràn đầy đam mê và là một nghệ sĩ violin xuất chúng, Kreisler còn có khả năng sáng tác các vở operetta (nhạc kịch hài, ngắn và nhẹ nhàng), tứ tấu đàn dây và ca khúc. Tất nhiên những tác phẩm được biết đến nhiều nhất của Kreisler vẫn là những tác phẩm có sự tham gia của cây đàn violin. 

Liebesfreud mở đầu bằng một khúc nhạc hân hoan vui sướng, với tiếu tấu nhanh và tràn đầy sinh lực. Đến phần giữa của tác phẩm, niềm nhiệt tình đó đã lắng xuống nhường chỗ cho những xúc cảm tinh tế và nét giai điệu chậm rãi hơn. Sau những lời ngọt ngào thủ thỉ, nó tiếp tục tiến thẳng đến điểm kết thúc với sự quả quyết và tin tưởng bắt nguồn từ nét giai điệu ban đầu được lặp lại và khẳng định. 

Liebeslied chậm rãi hơn với tiếng đàn piano rất khẽ chỉ có vai trò điểm xuyết làm nền cho giai điệu violin kéo dài dai dẳng, bâng khuâng, nuối tiếc, buồn bã và cô đơn. Gần như trong toàn bộ tiểu phẩm nét giai điệu đó được giữ nguyên, không có bất kì một sự đối lập nào cho đến tận phút cuối cùng, khi đó, một vài note sáng nhất mới có dịp bừng lên. 

Cho dù nguyên cớ sáng tác LiebesfreudLiebeslied vẫn còn là một bí ẩn của nhà soạn nhạc, nhưng nhân loại sẽ mãi giữ trong mình niềm xúc cảm mãnh liệt của tình yêu với nỗi buồn và niềm vui sướng như khi Kreisler đã viết về nó, mà chẳng cần biết tại sao.


B.K

Nhận xét