Đổ tiền tỷ trong cuộc chiến MV, ca sĩ Việt được gì?

Không phải ngẫu nhiên giới ca sĩ đầu tư kinh phí làm MV. Loại hình âm nhạc này rõ ràng mang lại lợi ích, cả về hình ảnh lẫn kinh tế.

Chỉ trong vài tháng cuối năm, nhạc Việt có trên dưới 40 music video (MV) được ra mắt. Trong đó, chủ yếu là sản phẩm nhạc trẻ, nhạc nhẹ, nhưng cũng không hiếm MV của các dòng nhạc khác như Bolero, dân gian, thậm chí cả thính phòng.

Loại hình MV trong năm 2018 được ví như một “cuộc đua” với không ít sản phẩm đầu tư khủng, cả về thời gian, công sức lẫn tiền bạc. Thắc mắc được đặt ra, vậy, ca sĩ nhận được gì khi đầu tư "khủng" cho MV của mình?

MV bùng nổ như "nấm sau mưa" với chất lượng "thượng vàng hạ cám".

Duy trì và phát triển hình ảnh

Chia sẻ với PV, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho biết trước đây MV được ca sĩ thực hiện nhằm mục đích quảng bá cho một dự án âm nhạc, thường là các album, hoặc có thể là live show.

Tuy nhiên, trong bối cảnh album không còn được ưa chuộng như trước, MV hiện nay bùng nổ với một mục đích hoàn toàn khác. Trong năm 2018, chỉ có một vài MV nhằm quảng bá cho CD như Đợi những ngày xuân của Mỹ Linh, còn hầu hết là các MV đơn lẻ.

Hiện nay, MV thường là sản phẩm độc lập, có thể được sản xuất sau khi ca khúc (bản thu âm) đã ra mắt trước đó, và được yêu thích. Hoặc, MV cũng có thể là sản phẩm mới hoàn toàn, cả về âm nhạc lẫn hình ảnh, và được đăng tải miễn phí trên mạng.

Trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ, được người người, nhà nhà sử dụng, MV với đặc tính “miễn phí” càng ngày càng được ưa chuộng. Do khán giả hoàn toàn không mất bất cứ khoản phí nào khi xem MV. Do vậy, đây cũng là loại hình âm nhạc đại chúng, dễ tiếp cận số đông, dễ chia sẻ.

Quản lý của một ca sĩ cho biết MV trong bối cảnh hiện nay đã trở nên “gần gũi như cơm ăn áo mặc hàng ngày”. Không chỉ ca sĩ hạng A, mà ca sĩ hạng B, hạng C cũng có thể đủ kinh phí để thực hiện MV cho riêng mình với những mức đầu tư khác nhau.

“Nhiều tiền thì làm hoành tráng, ít tiền thì làm giản dị. Mục đích đa phần là duy trì và phát triển hình ảnh. Có MV cho khán giả xem, khán giả cũng sẽ nhớ đến và ca sĩ không bị quên”, người này nói.

Đây cũng là quan điểm của ca sĩ Quang Hà. Theo Quang Hà một trong những mục đích để các ca sĩ chạy đua làm MV là “phát triển hình ảnh”. MV cũng là cơ sở để chạy show, để kiếm tiền. Đó cũng là thực tế của thị trường âm nhạc, và không có gì đáng lên án.

MV có thể mang lại “tiền tươi thóc thật”

Không phải tất cả, nhưng cũng có không ít MV mang lại “tiền tươi thóc thật”, chứ không chỉ có tác dụng để duy trì hay phát triển hình ảnh.

Thông thường, đó phải là MV của các ca sĩ nổi tiếng, với hàng triệu, thậm chí chục triệu, trăm triệu lượt xem. Sơn Tùng M-TP có thể được coi là một ví dụ. Ngoài ra, còn có Mỹ Tâm, Hương Tràm, Noo Phước Thịnh hay thậm chí cả Chi Pu.

Một trang mạng xã hội chuyên chia sẻ clip, hình ảnh đã trả tiền quảng cáo cho chủ nhân của MV tùy vào lượng lượt xem với giá khoảng 0,3 USD cho mỗi 1.000 lần hiển thị.

Chẳng hạn với 22 triệu views của MV Chạy ngay đi, Sơn Tùng MTP có thể nhận được 6.600 USD trong một ngày ra mắt. Chưa kể, nam ca sĩ còn có thêm một nguồn thu nữa là từ các hợp đồng quảng cáo gắn link trên kênh riêng của mình tại mạng xã hội chia sẻ này.

Do tien ty trong cuoc chien MV, ca si Viet duoc gi? hinh anh 2
Sơn Tùng M-TP là nghệ sĩ được cho là có thể kiếm tiền "khủng" từ lượt xem của MV.

Chi Pu với những MV bị ném đá thậm tệ, nhưng cô cũng được cho là vẫn sống tốt khi MV cứ tăng views mỗi ngày, và nhờ đó mang lại nguồn thu không hề nhỏ. Thế nên, mới có chuyện có ca sĩ sẵn sàng chấp nhận “ăn chửi” miễn là sản phẩm của mình gây tò mò và có lượt xem cao.

Ngoài nguồn thu từ mạng xã hội, không ít MV còn có tài trợ với các nhãn hàng, thương hiệu, từ hãng hàng không, điện thoại đến quần áo, giày dép.

Nhiều MV đầy rẫy tài trợ, thậm chí xuất hiện từ đầu đến cuối khiến sản phẩm bị phản ứng, bị chê là “phản cảm”. Một MV gây bão, đôi khi có thể góp phần làm sống dậy cả một thương hiệu đang bị ngủ quên, nên việc tài trợ cho MV ngày càng phổ biến.

Tuy nhiên, cũng không ít nghệ sĩ từ chối tài trợ vì không muốn nội dung và hình ảnh MV bị can thiệp quá nhiều.

Rất ít những MV có thông điệp xã hội

Ngoài mục đích về phát triển hình ảnh và lợi nhuận, cũng có những MV được thực hiện nhằm mục đích kỷ niệm nhân ngày sinh nhân của ca sĩ, ngày bước chân vào nghề. Hoặc, nhằm mục đích dành tặng “fan”, tri ân người hâm mộ.

Hiếm hoi nhất trong sự sôi động của thị trường MV phải kể đến là những sản phẩm vì mục đích cộng đồng. Những sản phẩm mang thông điệp xã hội gần như vắng bóng, hoặc có cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Trong năm 2018 có MV ca nhạc cộng đồng Giữ lấy tuổi thơ với sự góp mặt của gần 200 nghệ sĩ và các em thiếu nhi nhằm kêu gọi xã hội chung tay lên án nạn bạo hành, ấu dâm và lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, MV cũng có lượt xem hạn chế.

Do tien ty trong cuoc chien MV, ca si Viet duoc gi? hinh anh 3
MV Vũ điệu bình minh của Phạm Thu Hà gây xúc động vì gửi gắm thông điệp xã hội nhưng lại chưa thu hút được người xem. 

Gần đây nhất có MV của Phạm Thu Hà với tựa đề Vũ điệu bình minh. MV với nội dung lên án và bóc trần hành động phá hoại môi trường của con người. Đó là một tiếng kêu thất thanh, gửi gắm thông điệp thức tỉnh xã hội, kêu gọi con người bảo vệ tự nhiên, bảo vệ những cảnh đẹp trước nguy cơ biến mất qua thời gian.

Nữ ca sĩ và ê-kíp đã mất hai tháng dòng để hoàn thiện các cảnh quay trên đỉnh Tà Xùa và vịnh Hạ Long. Vũ điệu bình minh là sản phẩm thực sự gây xúc động cả về hình ảnh lẫn âm nhạc, đồng thời cũng là sản phẩm hiếm hoi có thông điệp xã hội trong cơn bão MV.

Tuy nhiên, thực tế là MV của Phạm Thu Hà với sự pha trộn giữa nhạc điện tử với dàn nhạc giao hưởng có lượt xem tương đối hạn chế, gần 2.000 lượt xem sau 10 ngày đăng tải, thậm chí lượt xem thấp hơn nhiều các sản phẩm MV khác của nhạc Việt.

Rõ ràng, đó lại là một câu chuyện đáng tiếc khi những MV có thông điệp xã hội nhưng lại chưa thu hút được người xem. Thiết nghĩ, trong bối cảnh MV bùng nổ như "nấm sau mưa" với chất lượng "thượng vàng hạ cám", những sản phẩm mang ý nghĩa xã hội nên chăng được ủng hộ và khích lệ?!

Q.Đ (Z)

Nhận xét