Trị bệnh bằng âm nhạc

Vào đầu năm 2011, khi tôi bước chân vào khu hồi sức phẫu thuật tim trẻ em ở bệnh viện đại học Tsukuba (Nhật Bản), một âm thanh nhè nhẹ vang lên làm dịu đi những tiếng “bíp bíp” khô khan từ những thiết bị y tế, tôi tự nhủ sẽ triển khai phương pháp trị bệnh bằng âm nhạc này ở Việt Nam.

(Ảnh: internet)

Tôi từng nghe nói rằng tiếng hát ru của mẹ sẽ giúp bé ngủ ngon hơn và bộ não sớm phát triển nhất là tư duy về ngôn ngữ. Tôi từng thấy các bà mẹ đeo tai nghe vào bụng để những đứa trẻ được nghe nhạc của Mozart trong giai đoạn mang thai với hy vọng khi sinh ra con mình sẽ thông minh hơn. Và tôi cũng từng tận hưởng cảm giác thư giãn, chìm sâu vào giấc ngủ khi nghe những bản nhạc du dương ở các cửa hiệu chăm sóc sức khỏe (spa).

Nhưng đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến âm nhạc được sử dụng vào điều trị tại một bệnh viện của trường đại học nằm trong “tốp 10” của Nhật. Thật khó để phủ nhận tác động của âm nhạc đến sức khỏe. Nhưng âm nhạc đã làm điều đó như thế nào thì thật sự vẫn còn là một điều đầy bí ẩn.

Các bạn dễ dàng nhận ra tâm hồn mình lắng xuống khi nghe một bản nhạc chậm rãi như slow, bolero với những ca từ dạt dào tình cảm, nhưng lại thấy vui tươi phấn khích với những giai điệu rộn ràng của chachacha hay samba, và trong lòng bỗng bừng tỉnh với tiết tấu nhanh, mạnh của march, fox khi nghe các khúc nhạc quân hành, hay là nhịp tim sẽ tăng nhanh theo tiếng bass sôi động của những bản nhạc ở vũ trường. Nhịp đập của trái tim hình như bị cuốn theo nhịp của bài hát.

Trong một tập phim truyền hình Grey’s anatomy (ca phẫu thuật của Grey), nói về chủ đề y khoa của Mỹ, có một bệnh nhân vào bệnh viện yêu cầu tháo máy tạo nhịp tim và chấp nhận mọi rủi ro chỉ vì... ông đam mê nhạc jazz. Trong nhạc jazz, trên một khung hợp âm có sẵn, mỗi người nghệ sĩ sẽ tự đánh ra những tiết tấu của riêng mình, chính vì thế dù không cùng chung ngôn ngữ, họ vẫn có thể giao lưu và cảm nhận về nhau bằng âm nhạc. Thế nên, với cái máy tạo nhịp đều đặn từng giây, trái tim của ông không thể nào “phiêu” được nữa.

Ở phương Tây, sức mạnh của âm nhạc được nhắc đến trong truyền thuyết về giọng hát của các nàng tiên cá khiến các chàng thủy thủ mê mẩn, quên cả lái tàu. Ở phương Đông, hùng tráng nhất phải kể đến tiếng đàn của Khổng Minh Gia Cát Lượng ở Tây Thành trong truyện Tam quốc diễn nghĩa, một mình trên bờ thành trống trải, dùng tiếng đàn thay tiếng lòng để đẩy lùi đại quân của Tư Mã Ý.

Những ai hâm mộ tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung sẽ nhận thấy nhiều điều thú vị về âm nhạc. Chính tiếng đàn của thánh cô Nhậm Doanh Doanh đã giúp Lệnh Hồ Xung giảm được cơn đau do các luồng chân khí xung đột (chứ không phải là nhan sắc vì lúc này hắn vẫn nghĩ ngồi trong nhà là một lão bà). Nhờ hiệu quả giảm đau kỳ diệu của bài “Thanh tâm phổ thiện chú” mà hắn chuyển từ múa kiếm sang học đàn để rồi cuối cùng nên duyên với cô giáo.

Trái lại, tiếng tiêu của Đông Tà Hoàng Dược Sư lại khiến người khác hồn xiêu phách tán. Nhưng sự kết hợp giữa tiếng tiêu đầy uy lực của chưởng môn phái Hành Sơn Lưu Chính Phong hòa điệu cùng tiếng đàn thánh thót của trưởng lão ma giáo Khúc Dương đã tạo ra hợp khúc Tiếu ngạo giang hồ, âm nhạc đã xóa mờ ranh giới chính tà và giang hồ chỉ là một trò cười mà thôi.

Trở lại chuyện trị bệnh bằng âm nhạc, các nghiên cứu được tiến hành rất nghiêm túc từ hơn 10 năm nay tại các bệnh viện lớn ở Mỹ, Nhật, Úc, Hà Lan... âm nhạc được chứng minh là có hiệu quả trấn an bệnh nhân đồng thời có tác dụng giảm đau, nhất là giai đoạn sau phẫu thuật. Đã có gần 6.000 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế về vấn đề âm nhạc trị liệu (music therapy); trong đó có hơn 500 bài báo đưa ra những bằng chứng về hiệu quả giảm đau và lo lắng sau mổ.


Cụ thể hơn, vào khoảng giữa năm 2015, một nhóm nghiên cứu ở Hà Lan và Mỹ đã công bố trên tạp chí Plos One về tác dụng của âm nhạc trong việc giảm đau và an thần sau phẫu thuật ở trẻ em và khuyến khích áp dụng trong lâm sàng. Cuối năm 2018, nhóm nghiên cứu ở Anh đăng trên tạp chí chuyên ngành phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực những số liệu phân tích liên quan tới hiệu quả giảm đau và an thần của âm nhạc trong phẫu thuật tim.

Và chỉ trong hơn hai tháng từ đầu năm 2019 đến nay, gần 80 công trình khoa học về tác dụng trị bệnh của âm nhạc đã được công bố, những thông số liên quan tới cường độ, nhịp điệu, thời gian nghe và cả thể loại âm nhạc ngày càng được phân tích sâu nhằm tìm ra bí mật về cách âm nhạc tác động đến sức khỏe của con người.

Suốt những năm tháng học tập tại Nhật Bản, mỗi khi ghé vào khoa hồi sức, bên cạnh giường của bé vẫn là chiếc máy hát đĩa với những âm điệu dịu êm, mong ước mang âm nhạc đến cho bệnh nhân Việt Nam của tôi càng mãnh liệt hơn.

Trước khi âm nhạc trị liệu được hiện thực hóa tại Việt Nam, với tất cả những gì đã cảm nhận và thụ hưởng từ âm nhạc, cộng với những thông tin khảo cứu thực nghiệm rõ ràng, chúng ta hãy luôn nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những giai điệu đẹp ngay từ bây giờ. Tôi tin, nó không chỉ giúp tâm hồn bạn luôn vui tươi mà còn giúp cho sức khỏe của bạn được dồi dào, cho dù âm nhạc đã tác động đến sức khỏe như thế nào vẫn còn là một điều đầy bí ẩn.

TS.BS. Bùi Quốc Thắng (HNS)

Nhận xét