Kèn bầu buồn đến bao giờ

Kèn bầu là một nhạc khí chủ lực trong dàn nhạc lễ, Đại nhạc (Nhã nhạc), nhạc Tuồng, nhạc Bát âm miền Bắc, Ngũ âm miền Nam… đảm nhận vai trò diễn tấu giai điệu. Kèn bầu có nhiều tên gọi khác nhau, như kèn bóp, kèn già lam, kèn loa, kèn bát, kèn đám ma, kèn tò te… Người xưa định danh theo tư duy trực quan sinh động, nên nghe tên có thể đoán biết được đặc trưng, công năng của nó.


Kèn bầu xuất hiện trong nhiều môi trường khác nhau, từ cung đình đến dân gian, từ quân đội đến đình, miếu, từ đám cưới đến đám ma… Hiện tại, kèn bầu chủ yếu xuất hiện trong tang lễ. Âm sắc đặc trưng của nó có thể ám vào người nghe khiến cho nhiều người có xu hướng “sợ” tiếng kèn bầu.

Trong quá khứ, kèn bầu từng tung hoành khắp các châu lục, xâm nhập nhiều nền văn hóa, từ Trung Á đến châu Phi, châu Âu, rồi lội ngược về châu Á. Vào thời kỳ trung cổ, dàn nhạc kèn Thổ Nhĩ Kỳ làm mưa làm gió trên sân khấu châu Âu. Tới thế kỷ 18, thời đại hoàng kim của trường phái âm nhạc Cổ điển Viên xuất hiện hàng loạt nhà soạn nhạc đi vào lịch sử âm nhạc thế giới, như Joseph Haydn, Volfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beetthoven…, âm sắc kèn đồng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn gây ảnh hưởng dai dẳng. Cả hai nhà soạn nhạc thiên tài người Áo là Mozart (1756-1791) và người Đức là Beetthoven (1770-1827) đều bị ám ảnh bởi âm sắc đặc trưng của dàn nhạc kèn Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng chứng cho thấy, Mozart có chương III, bản sonate K.331 mang tên: “Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ”, còn Beetthoven cũng có một tác phẩm “Marcia alla Turca” tương tự. Tầm ảnh hưởng của dàn nhạc Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài suốt mấy thế kỷ giữa thời trung cổ, trong đó có sự hiện diện của cây kèn Zurna, một bà con thân thiết của kèn bầu. Các thành viên trong đại gia đình kèn bầu di trú nhiều nơi trên thế giới, như kèn Shanai Ấn Độ, Sharanai Chămpa, Sralai Campuchia, Pimon Thái Lan, Sona Trung Quốc, Ái tử hay Ngọc ái Đài Loan, Surnay Ba Tư cổ, ngày nay gọi là Sron, Shawn châu Âu – thủy tổ của kèn Oboe, một thành viên chính thức trong dàn nhạc giao hưởng.

Năm 1997 giáo sư âm nhạc Đài Loan Lý Tịnh Huệ thành lập khoa Âm nhạc học Truyền thống trường Quốc lập Nghệ thuật Đài Bắc đã dành công sức sưu tầm một bộ kèn bầu, gồm 17 chủng loại khác nhau nhằm động viên học sinh, sinh viên học tập kèn bầu. Việc làm nhiều ý nghĩa đó đã góp phần hồi sinh kèn bầu (tiếng Phước Kiến, Đài Loan gọi là Ái tử) trên đảo Đài Loan. Năm 2012, khi đoàn học sinh, sinh viên ngôi trường này tới giao lưu tại Học viện Âm nhạc Huế, họ tỏ vẻ hứng thú trước cây kèn bầu, một họ hàng thân thiết trong dàn Đại nhạc (Nhã nhạc Việt Nam). Nhìn cảnh tượng sinh viên Đài Loan say sưa diễn tấu nhạc khúc “Đăng đàn cung” bằng kèn bầu không khỏi thấy sức hấp dẫn của nhạc cụ này. Trong khi nhiều sinh viên ở ta tỏ vẻ lảng tránh trước âm sắc ám ảnh của nó. Giữa khoảnh khắc ấy có thể cảm nhận được sức phá hủy của thói quen văn hóa đối với di sản âm nhạc.

Sau khi nhà nghiên cứu Lý Tịnh Huệ nỗ lực phục hồi kèn bầu, nhà trường tiếp tục đưa nó vào nội dung bắt buộc đối với học sinh âm nhạc truyền thống khoa Bắc quản. Đây là một giải pháp mang tầm “chiến lược, có khả năng làm lung lay quan niệm cũ và tạo nên sự thay đổi thực sự đối với kèn bầu, giống như biện pháp “cưỡng chế”, thay đổi “chính sách” nhằm lay chuyển thói quen văn hóa. Từ đó, kèn bầu có cơ hội tung hoành trên các sân khấu lớn nhỏ, xuất hiện trong biên chế dàn Quốc nhạc. Nhiều tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ cho người nghe được sáng tác cho nhạc cụ này. Tôi có người học trò Đài Loan năm ngoái tổ chức đám cưới sử dụng dàn nhạc Bắc quản với âm thanh ấn tượng của tiếng kèn bầu trong lễ rước dâu.

Ở nước ta hiện nay, kèn bầu chỉ được đào tạo trong Khoa Nhã nhạc, Học viện Âm nhạc Huế. Cả hai miền Nam – Bắc đều không đào tạo chuyên ngành kèn bầu. Nghệ sĩ kèn bầu đa số xuất thân từ nghệ nhân dân gian. Kèn bầu thỉnh thoảng xuất hiện trong tác phẩm âm nhạc đương đại với tần suất hết sức khiêm tốn. Thói quen văn hóa ẩn mình, nương nấu bên trong tâm sự của câu kèn này. Sự bám chấp của người đời vào âm thanh của kèn cùng nỗi ám ảnh, ẩn ức về cái chết nơi thế gian khiến cho kèn bầu mang số phận hẩm hiu, giống như đứa con hoang bị đẩy ra bên lề cuộc sống trong di sản văn hóa âm nhạc dân tộc. 

Từ lâu, kèn bầu đã lưu lạc ngoài chốn dân gian, xuất hiện chủ yếu trong tang lễ. Dưới con mắt bình dân, kèn bầu tượng trưng cho sự chết tróc, điềm gở. Nghe tiếng kèn bầu cất lên có thể đoán biết rằng ai đó mới rời sang thế giới bên kia, giống như tiếng chuông nguyện hồn người ở lại. Và để thay đổi thói quen văn hóa này phải bắt đầu từ quan niệm, một quá trình “phá chấp” cùng sự tiến bộ của văn hóa thông qua hoạt động thực tiễn. Đây là con đường độc đạo giúp kèn bầu có thể tìm lại mình trong quá khứ vàng son.

L.H.Đ (HNS)

Nhận xét