Âm nhạc Séc

Âm nhạc Séc có lịch sử từ thời Trung cổ, khi những thánh ca Thiên chúa giáo xâm nhập vào miền đất này. Nền âm nhạc Séc có những mối liên hệ riêng biệt với âm nhạc truyền thống vùng Boheme, Moravie (là những vùng đất Áo-Hung cổ xưa) và Slovak. Mặc dù biên giới thay đổi, nhưng tính chất Trung Âu của nền âm nhạc này vẫn là cơ bản. Nước Séc đã sản sinh nhiều nhạc sĩ sáng tác kinh điển nổi tiếng, như Dvorak, Smetana và Janacek.


Ngay từ thế IX, các nhà truyền giáo Kirill và Mefodiđx đưa vào Séc thánh lễ Xlavơ, sau đó sự phát triển ca hát giáo đường Thiên chúa giáo vào thế kỷ XI đã lấn át, nhưng những thánh ca cổ Xlavơ vẫn được lưu giữ trong âm nhạc Séc, chẳng hạn trong thánh ca “Hospodine, pomiluj ny”(Cầu Chúa xá tội chúng con). Các  nhà biên niên sử Séc như ông Kosma, đã nhắc đến ca khúc phi tôn giáo trong dân gian và những nhạc công chuyên nghiệp Menestrel từ Đức đến Séc.

Từ thế kỷ XII đã rất phổ biến những trò sân khấu Giáng sinh và mục đồng. Sau này trở thành gốc gác của những bi kịch Trung cổ với sự tham gia của các thày dòng, những học sinh và đại diện dân chúng khiến những nghi thức, phong tục dân  gian đã xâm nhập vào những hình thức sân khấu này. Đồng thời cũng phát triển những thể loại âm nhạc Séc phi tôn giáo.

Từ thế kỷ X - XIII, với sự tiếp nhận Thiên chúa giáo xuất hiện nhạc phức điệu do ảnh hưởng của Pháp, và bắt đầu có những dàn nhạc cung đình. Krystof Harant de Polzice (1564-1621) là nhạc sĩ sáng tác nổi tiếng đầu tiên, mở đường cho sự hồi sinh của âm nhạc Séc thời nhạc barocco, nhất là sự phát triển của nhạc cho đàn Luth. Frantisek Vasclav Mica (1694-1744) là người đầu tiên sáng tác một vở opera bằng tiếng Séc. Jan Dismas Zelenka (1678-1745) là nhạc sĩ danh tiếng gắn bó với cung đình Saxe. Opera Itali vào Séc trong thế kỷ XVII, buổi trình diễn opera  đầu tiên nhân dịp đăng quang quốc vương Ferdinand II năm 1627. Từ đó thường xuyên có các đoàn opera của Italia sang diễn tại Praha và Brno. Cũng thời gian này nhiều nhạc sĩ Séc danh tiếng bỏ xứ ra đi vì những lý do kinh tế, như Jan Václav Stamic (1717-1757), nhạc sĩ sáng tác giao hưởng, nghệ sĩ đàn violon kỳ tài, người sáng lập “Trường phái Mannheim”, Josef Myslivecek (1737-1781), nhạc sĩ sáng tác opera theo phong cách Itali, được mệnh danh “người Séc thần thánh”, Antonin Rejcha (1770-1836), nhạc sĩ sáng tác nhạc thính phòng nổi tiếng, dạy học ở Paris, thày dạy của nhạc sĩ Pháp nổi tiếng Hector Berlioz, Vacláv Jan Tomásek (1774-1850), nhân vật trung tâm của âm nhạc thành phố Praha những năm 1830-1840, được mệnh danh “vị Giáo hoàng âm nhạc tại Praha”.

Nhạc viện Praha (thành lập năm 1811) cuốn hút nhiều tên tuổi như Paganini, Carl Maria von Weber, Liszt, Berlioz. Năm 1888 đã khai trương nhà hát opera ở Praha.

Âm nhạc Séc ngày càng lấy nguồn cảm hứng từ văn nghệ dân gian Boheme. Lúc này xuất hiện Bedrich Smetana (1824-1884), nhạc sĩ  sáng tác, tác giả những tác phẩm nổi tiếng Tổ quốc tôi (Vysehrad, Sarka, Tábor, dòng Moldau, Những đồng cỏ và khu rừng Séc, Blanik). Nối tiếp ông là Antonin Dvorak (1841-1904).

Leos Janacek (1854 - 1928), Josef Suk (1874 - 1935), Bohuslav Martinu (1890 -1959) ...là những nhạc sĩ nối tiếp xứng đáng truyền thống của âm nhạc Séc trong thế kỷ XX.

Ngày nay, ở Séc đang có 11 nhà hát opera, một số dàn nhạc giao hưởng tại Praha, Brno…Dẫn đầu là các Dàn nhạc Philharmonie Séc, Dàn nhạc Đài  Phát thanh  Séc . Trong số những trường nhạc cao cấp, nổi lên Nhạc viện Praha, Viện hàn lâm nghệ thuật âm nhạc Praha và Viện hàn lâm âm nhạc Janacek ở Brno.

Ở Séc có những Festival âm nhạc nổi tiếng như “Mùa xuân Praha, Festival quốc tế nhạc jazz, Masters of Rock…”     

A.V (HNS)

Nhận xét