Ca khúc "Tình ca" của nhạc sĩ Hoàng Việt từng bị cấm ra sao?

Số phận của 'Tình ca' cũng giống nhiều tác phẩm thơ ca nhạc họa khác từng bị gắn nhãn tiểu tư sản và thành “hàng cấm”, nhiều tác giả bị ảnh hưởng, rút vào mặc cảm, không thể sáng tác.

Nỗi nhớ băng qua mây mù, phong ba

Nhiều nhạc sĩ không ngại ngần bình chọn Tình ca của Hoàng Việt là tình khúc cách mạng hay nhất thế kỷ XX. Với người yêu âm nhạc bình thường, khi đoạn nhạc dạo vang lên, là dòng cảm xúc cuộn dâng, có người nổi da gà mà không lý giải được vì sao. Có lẽ Tình ca đi vào lòng nhiều thế hệ bởi hội tụ đủ các yếu tố về giai điệu, ca từ, cảm xúc; giao thoa và đẩy đưa một cách hoàn hảo giấc mơ sum họp của tình yêu đôi lứa trong giấc mơ thống nhất nước nhà.

Khi hát lên tiếng ca gởi về người yêu quê ta
Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San từng phân tích trong một  bài viết rằng, với ông, đây là bài tình ca cách mạng hay nhất. Với bài thanh nhạc này, người hát có thể bộc lộ được mọi điểm mạnh, yếu trong giọng hát với mọi kỹ thuật hát hiện đại, nên từ lâu đã trở thành tác phẩm mang tính kinh điển, học sinh phải vượt qua trong các kỳ thi tốt nghiệp môn thanh nhạc tại các nhạc viện. Trong các phòng karaoke, bạn rất dễ gặp một giọng ca nam vang lên, vì đây cũng là bài hát dễ thể hiện. Tóm lại là một bài dành cho cả đại chúng lẫn những “cao nhân” nghề hát.

Nhạc sĩ Hoàng Việt và vợ
Tác giả Hoàng Việt chọn hình ảnh, chi tiết giản dị để bất cứ ai nhắm mắt cũng hình dung ra không gian rộng lớn của một mối tình yêu xa – nói như ngôn ngữ hiện đại ngày nay. Nhớ nhung, yêu thương, hy vọng, tác giả gửi đầy ắp niềm tin vào ngày mai, vào chiến thắng (cần nhớ ca khúc ra đời năm 1957, trước khi hai miền thống nhất tới 18 năm): 

Chim giang giăng bay, ngày nắng xuân đẹp thay. Tan cơn phong ba, mặt đất yên rồi đây. Em hãy nở nụ cười tươi xinh như cánh hoa xuân chào riêng anh. Nói nhau ngàn lời qua đôi mắt xanh.

10 năm bị dán nhãn tiểu tư sản

Vậy nhưng, cũng chính vì những giai điệu tình yêu quá đẹp, suýt nữa chúng ta không có bài hát top ấy trong đời sống tinh thần của mình vì... bị cấm.

Ngược lại lịch sử, hẳn ai cũng biết thời kỳ hòa bình lập lại trên miền Bắc sau hiệp định Genève 1954, đất nước bị chia đôi bởi vĩ tuyến 17. Chàng nhạc sĩ bao năm lăn lộn ôm súng trên các chiến trường miền Tây, miền Đông (từng nổi tiếng với các ca khúc rừng rực tinh thần cách mạng nhưng vẫn đầy lãng mạn Lên ngàn, Nhạc rừng, Lá xanh, Đánh giặc giữ làng, Mùa lúa chín… lên đường tập kết ra Bắc tạm biệt người vợ trẻ và ba đứa con thơ, đứa lớn nhất chưa đến 5 tuổi, để trở thành sinh viên Trường Âm nhạc Việt Nam ở tuổi 26. 

Trở thành sinh viên xa nhà, mối liên hệ duy nhất của Hoàng Việt và vợ con chỉ là những cánh thư. Thời ấy, đường sá cách trở, thư từ hai miền cũng đâu thể như cánh chim vượt qua sông Bến Hải (ranh giới tự nhiên của vĩ tuyến 17). 

Một tối mùa xuân năm 1957, trong căn gác nhỏ, người nhạc sĩ mừng rơi nước mắt khi nhận thư vợ. Lá thư đã đi một hành trình quá dài, từ Sài Gòn theo hàng không sang tận Paris, vòng vèo quá cảnh nhiều đất nước mới về tới Hà Nội, nằm trong tay anh chồng. Đọc thư, nỗi nhớ người thương dồn nén bởi xa cách bùng lên, hình thành giai điệu, Hoàng Việt lục giấy bút chép dòng cảm xúc mãnh liệt. Sáng hôm sau, chúng ta có siêu phẩm Tình ca.

Ca khuc 'Tinh ca' cua nhac si Hoang Viet tung bi cam ra sao?
Cháu ngoại của nhạc sĩ Hoàng Việt mang cái tên được đặt theo ca khúc: Nguyễn Thụy Tình Ca


Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng xa, vang trong không gian, mặt biển sôi ầm vang... Giai điệu hào hùng và tươi sáng chứa đầy niềm lạc quan, có sức mạnh lan tỏa và “vặn dây cót” tinh thần người nghe. Ngay lập tức Tình ca trở thành tác phẩm thanh nhạc, bản tình ca hay nhất thời bấy giờ. Ban đầu bài hát chỉ có lời 1, ban biên tập sóng phát thanh đã góp ý tác giả viết lời 2 để làm mạnh thêm phần cảm xúc phía người con gái, mạnh thêm niềm tin yêu và thủy chung, niềm tin chiến thắng.  

Bài hát được thu thanh bởi giọng nam cao hàng đầu và cũng là người bạn thân của Hoàng Việt, ca sĩ Quốc Hương. Nhưng khi lên sóng trong thời điểm cả nước đang dồn sức cho công cuộc trường chinh thống nhất đất nước, ca khúc bị xét lại. Nhiều ý kiến của quan chức ngành văn hóa cho rằng, tác giả quá táo bạo khi đề cao tình yêu đôi lứa và đó là “mùi tiểu tư sản”, là thứ tình cảm ủy mị cá nhân, làm mềm yếu những ai đang chiến đấu và hy sinh cho đại cuộc. 

Số phận của Tình ca cũng giống nhiều tác phẩm thơ ca nhạc họa khác từng bị gắn nhãn tiểu tư sản và thành “hàng cấm”, nhiều tác giả bị ảnh hưởng, rút vào mặc cảm, không thể sáng tác. Đó là một giai đoạn được đánh giá là thiệt thòi cho văn hóa nghệ thuật, gây tranh cãi nhiều năm về sau, nhưng các nhà phê bình âm nhạc cách mạng nhận định rằng, lịch sử luôn có những lý lẽ của riêng nó. Trong công cuộc phục vụ đại chúng thời chiến, các trường phái sáng tác cần thiết lùi về phía sau dòng sáng tác thuần chất cách mạng, để tập trung ngợi ca cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Ca khuc 'Tinh ca' cua nhac si Hoang Viet tung bi cam ra sao?
Ca sĩ Quốc Hương, người đầu tiên thể hiện ca khúc Tình ca


Bến nước Cửu Long còn mãi muôn đời

Hoàng Việt ngậm ngùi cất Tình ca và ngăn kéo, dồn sức thai nghén các tác phẩm khác. Năm 1958 ông được cử sang Nhạc viện Sofia (Bulgari) tu nghiệp 7 năm. Ông chính là người viết nên bản giao hưởng đầu tiên của lịch sử âm nhạc nước nhà. Bản giao hưởng tính chất sử thi mang tên Quê hương là báo cáo tốt nghiệp của Hoàng Việt, gồm nhiều chương, tổng hợp nhiều bản nhạc cách mạng hàng đầu bấy giờ, được phối khí cho các dàn nhạc hàng đầu của Bulgari và Việt Nam biểu diễn, dưới sự chỉ huy của các nhạc trưởng nước ngoài. 

Bản giao hưởng Quê hương đánh dấu bước tiến của nhạc Việt vào lĩnh vực nhạc “khó nhằn” là giao hưởng thính phòng. Giám đốc Nhạc viện Sofia đánh giá: “Bản giao hưởng của Hoàng Việt không phải là một tác phẩm tốt nghiệp mà thật sự là một tác phẩm lớn, là thành công rực rỡ của âm nhạc Việt Nam”. 

Sau bản giao hưởng đồ sộ, Hoàng Việt tiếp tục dồn tâm sức cho bản giao hưởng thứ 2 mang tên miệt đồng bằng quê ông Cửu Long. Ông gửi thư cho lãnh đạo hội Âm nhạc, bày tỏ khát vọng đưa âm nhạc cách mạng thâm nhập sâu vào đời sống tinh thần của người miền Nam. Đầu năm 1967, Hoàng Việt được sum họp với vợ con sau 13 năm xa cách. Sau đó ông xin về quê, chọn lộ trình về sông Tiền, sông Hậu để thêm thực tế phục vụ cho bản giao hưởng dự kiến gồm 3 chương, đồ sộ và mang tính sử thi tương đương bản Quê hương nhưng thấm đẫm tinh thần miền Nam “gian lao và anh dũng”.

Sau những ngày tháng vượt đường xa, Hoàng Việt đã về đến Tiền Giang. Nhưng trong buổi sáng cuối cùng năm 1967, người nhạc sĩ vừa đặt chân trên đất mẹ thì bất ngờ trúng đạn từ máy bay Mỹ tập kích. Ông ngã xuống trên bờ kênh Ả Rặt (làng Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) ở tuổi 39 và bản giao hưởng Cửu Long 3 chương mãi mãi dang dở...

Ca khuc 'Tinh ca' cua nhac si Hoang Viet tung bi cam ra sao?
Bản thảo viết tay Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt


Sau sự ra đi của nhạc sĩ, cộng với sự cởi mở của thời kỳ mới, Tình ca được xem xét để trở lại sóng phát thanh, chỉ tiếc rằng, người nhạc sĩ tài hoa không còn cơ hội nhìn đứa con tinh thần ngân vang trên mọi nẻo đường đất nước, trong trái tim của các giới, các thành phần... Chỉ có bến nước Cửu Long trong Tình ca sẽ còn dạt dào nhiều trăm năm sau nữa trong những ca từ lãng mạn tuyệt đẹp. 

Hoàng Việt từng đi cải tạo vì Tiếng còi trong sương đêm

Nhạc sĩ Hoàng Việt tên thật là Lê Chí Trực, sinh ngày 29/10/1928 tại Chợ Lớn. Quê cha ở thị xã Bà Rịa, quê mẹ ở huyện Cái Bè, Tiền Giang. Từ những năm học trung học ở Sài Gòn, lúc mới 16, 17 tuổi, Lê Chí Trực với bút danh Lê Trực đã viết những ca khúc như Chị cả, Biệt đô thành và được yêu thích nhất là Tiếng còi trong sương đêm với điệu tango đều dặn, buồn thương...

Năm 1947, Lê Chí Trực giã từ ánh đèn thành phố lên rừng tham gia kháng chiến, trở thành thành viên trẻ nhất của đội ngũ văn nghệ kháng chiến Nam bộ. Cũng vì hành trang ôm theo lên rừng là bài hát từng phổ biến ở Sài Gòn trong đó có Tiếng còi trong sương đêm, ông bị nghi là “phản động” nên bị bắt giam và đưa đi lao động cải tạo 3 tháng. Lãnh đạo cơ quan văn nghệ phải bảo lãnh ông trở về. 

Hoàng Hương (PNO)

Nhận xét