Con đường nào cho các nhạc công?

Hôm vừa rồi, gặp mấy cậu sinh viên chơi nhạc ở quán café, hỏi kiếm sống tốt không? Các em bảo: anh ơi, đam mê thì chơi thôi chứ, mỗi tối được trăm ngàn thì sống gì. Chuyện con cà, con kê, các em nói anh xem ở Hà Nội có mấy quán café, phòng trà ca nhạc ra hồn đâu, một số anh em chơi nhạc có tên tuổi tự mở quán, được vài tháng lại sập tiệm. Bọn em thỉnh thoảng còn có chỗ này, chỗ kia gọi để có nơi tụ tập là vui rồi... Nghe vậy, chợt nhìn lại thực trạng đời sống âm nhạc của nước mình mà thấy buồn.


Không phải chỉ hiện tại mà từ vài chục năm trước, cuộc sống của các nhạc công cũng khó khăn, nhớ lại thời còn là sinh viên những năm 80 của thế kỷ XX, bố mẹ nuôi cho ăn học, chưa phải lo nghĩ nhiều, mới có thời gian đam mê tập đàn, chơi nhạc. Mất nhiều thời gian, công sức lắm cũng chỉ kiếm được vài đồng bạc lẻ anh em tụ tập ngồi café. Thời đấy, các phong trào hội diễn sinh viên các trường đại học, trung học, văn nghệ quần chúng còn nhiều, có đất cho các nhạc công kiếm ăn. Còn nhớ tốt nghiệp đại học xong chưa có việc làm đi chơi nhạc cho vài đoàn nghệ thuật tạp kỹ, cải lương, chèo… được trả 3000 VND/ tối với thời giá là 2000VND/bát phở và 1000VND/cốc café. Cho nên hồi đó, khi tôi có ban nhạc chơi cùng với con trai cả nhạc sĩ Thanh Phúc phụ trách phần âm nhạc quân đội của Đài Tiếng nói Việt Nam, ông có bảo: “Cậu có muốn vào các đoàn nhạc quân đội thì mình giới thiệu cho, Binh đoàn Trường Sơn và Binh đoàn Cửu Long đang thiếu ghi ta solist đấy”. Tôi trả lời “thôi bọn cháu chơi vui thôi chứ nghề đấy đói lắm chú ạ”, vì tôi đang học trường Đại Học Bách khoa Hà Nội. Mà quả nhiên một lô bạn bè tôi quen biết thời đó nhiều người nhà nòi toàn con các nhạc sĩ danh tiếng được học ở Nhạc viện và các trường nghệ thuật về sau cũng bỏ nghề nhạc làm các công việc khác kiếm sống. Chỉ một số ít xin được việc trong các cơ quan quản lý văn hóa, truyền thông như Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam, các bộ sở, ban ngành… là còn theo được nghề, nhưng họ làm quản lý, biên tập là chính chứ có chơi nhạc nữa đâu. Nhìn lại số anh em chơi nhạc từ thời đó đến nay vẫn theo đuổi đam mê, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có những người được được mệnh danh là cây ghi-ta hoặc tay trống hàng đầu, kể cả nghệ sĩ ưu tú: Hào Trống, Hùng Húp… cuộc sống cũng chẳng khá giả gì. Có hôm gặp một anh giảng viên Nhạc viện hàng đầu về sáo, bảo “anh ơi cái nghề nhạc công ở mình nó bạc bẽo lắm anh ạ, nhìn anh em bao nhiêu năm công phu tập tành thành nghệ sĩ ngồi chơi ở quán bar, nó có nghe đâu, mình ngồi chơi ở trên, ở dưới nó cứ zô, zô  thấy buồn nẫu ruột”.

Vào Sài Gòn thời đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi tôi mới đi làm vẫn còn máu đam mê, thỉnh thoảng tạt vào mấy phòng trà, cà phê xem anh em tập, rồi mình chơi thử mấy bản nhạc rock của các ban nhạc hàng đầu thế giới như Scorpions, Deep Purple, Hotel California… cậu ghi-ta nó cũng chơi ngay mấy bài gần giống và bảo “anh ơi có phải bọn em không chơi được nhạc rock đâu, nhưng tập thì mất nhiều thời gian, công phu đến khi chơi ở bar có ai nghe đâu, nó toàn yêu cầu chơi nhạc vàng (bolero) thôi. Nghiền thứ nhạc của anh chỉ để tự sướng thôi rồi chết đói”. Đúng là dân chơi nhạc chỉ để thỏa mãn cơn nghiền, đam mê của mình thôi chứ không kiếm sống được, mà không kiếm sống được thì làm sao phát triển được, kể cả có tài năng rồi cũng phai nhạt, thui chột đi với môi trướng kinh tế, văn hóa, dân trí của Việt Nam như hiện nay. Xem chương trình game show “Ban nhạc Việt” vừa rồi cũng thấy thất vọng về chất lượng và nản với hiện trạng chơi nhạc của các ban nhạc Việt hiện nay.

Đặc biệt kể từ khi xã hội phát triển Karaoke và có các phần mềm hòa âm, phối khí làm nhạc beat thì nhạc công hết hẳn đất sống. Bây giờ đám cưới, văn nghệ, hội diễn… ca sĩ họ toàn thu sẵn nhạc beat vào điện thoại, USB, đĩa… rồi mở lên hát, thậm chí là hát nhép.

Để có được một ban nhạc, các nhạc công phải luyện tập kỹ thuật công phu ít nhất là 3-4 tiếng/ngày, ghép nhạc ít nhất 2 lần một tuần cho thuộc bài, chơi hòa quyện (chuyên môn là ensemnle hay “ăn-săm”) mới chỉ gọi là cho có chất lượng thôi chứ chưa đến tầm các ban nhạc đỉnh cao thế giớ thì phải 8-10 tiếng/ngày. Thế mà lại không kiếm đủ sống thì lấy đâu ra các nghệ sĩ trình diễn tầm cỡ. Thực sự các nhạc công xứng đáng được trân trọng vì họ chính là những nghệ sĩ trình diễn lặng lẽ trên các sân khấu, không nổi tiếng, không ồn ào, không được lăng-xê thành các ngôi sao như ca sĩ.  Đúng là các cụ bảo “cơm áo không đùa với khách thơ”.

Vậy con đường nào cho các nhạc công, làm sao để có một môi trường sống và phát triển năng khiếu, tài năng cho họ? Câu hỏi này xin dành cho các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, sở, ban, ngành liên quan và các ông bầu.

N.X.L (HNS)

Nhận xét