"Platform" bày ra một trận chiến sinh tồn đầy bản năng, đẩy con người đến giới hạn cuối cùng. Khi đó, ai còn giữ được sự thiên lương?
Được thực hiện bởi đạo diễn người Tây Ban Nha, Galder Gaztelu-Urrutia, The platform (tựa Việt: Hố sâu đói khát) là tác phẩm thách thức lòng can đảm của người xem. Đây là màn thách thức đúng nghĩa vì không chỉ đặc tả những hình ảnh bạo lực không e dè, phim còn bày ra hàng loạt vấn đề nhức nhối về đạo đức, chuẩn mực xã hội khi con người rơi vào bĩ cực.
Ra mắt trên Netflix trong mùa dịch bệnh, The platform để lại nhiều liên tưởng đến cuộc giành giật, vơ vét nhu yếu phẩm của con người khi dịch bệnh đang bùng phát. Tất cả đều nuôi mối nghĩ rằng để tồn tại, ta phải có thật nhiều, bất kể người khác có thể bỏ mạng. Nhưng thật ra, nuôi giữ sự tồn tại của người khác cũng chính là nuôi giữ sự tồn tại của chính mình.
Cơn đói và bản năng sinh tồn
Nhà tù trong The platform là một nhà tù đặc biệt. Ngoài là nơi giam giữ những kẻ có tội, nếu muốn, bất kỳ ai cũng có thể xin vào. Nhân vật chính, Goreng (Iván Massagué thủ vai) xin vào đây vì muốn cai nghiện thuốc lá và để tập trung đọc cuốn Don Quijote.
Đó là nhà tù được xây dựng thẳng đứng với 333 tầng. Mỗi tầng có 2 người và sau 1 tháng, họ được đổi tầng. Mỗi ngày, một bàn ăn đầy sơn hào hải vị được đưa từ tầng trên cùng đi dần xuống, dừng 2 phút ở mỗi tầng để "tù nhân" hoàn thành bữa ăn của họ trong ngày. Rất yên ả, đủ công lý (ai giữ lại thức ăn để ăn dần sẽ bị trừng phạt, có thể đến chết).
Nhưng, con người là thực thể ích kỷ và tàn bạo, ít nhất là với cách họ ứng xử với bữa ăn của kẻ khác: kẻ tầng trên hoặc ăn sạch, hoặc giẫm đạp, khạc nhổ vào mớ thức ăn còn lại, để sỉ nhục và tước bỏ sự tự tôn của kẻ dưới. Như chính họ từng phải chịu như thế, vào cái tháng họ được xếp vào tầng dưới.
Một cuộc chiến khắc nghiệt xảy ra ở các tầng sâu, khi chiếc bàn ăn dừng lại và trên đó chỉ còn đống chén dĩa bẩn thỉu, trống trơn. Khi đó, họ chỉ có 1 trong 2 lựa chọn: ăn thịt bạn tù để lấp bao tử rỗng hoặc bị bạn tù ăn thịt.
Nhà tù được xây dựng với mục đích “cải tạo” con người, nơi tưởng như công lý ngự trị nhưng lại không có một thứ bình quyền nào tồn tại. Hình ảnh bàn ăn được chuẩn bị tinh tươm lại là công cụ xói mòn tính thiện lương của con người.
Đạo diễn Galder lý giải cho cách sống thuần thiện, lý tưởng hoá của nhân vật chính chỉ thông qua 1 chi tiết là cuốn sách Don Quijote. Cũng như gã hiệp sĩ đầy mộng mơ trong truyện, mang mong ước trừ gian diệt bạo và sắp đặt lại trật tự xã hội, Goreng bị xô vào thực tế khắc nghiệt của quy luật cuộc sống: người bạn tù chỉ mới đêm qua anh còn đọc sách cho nghe đã biến anh thành bữa ăn của hắn!
Nhân vật chính, Goreng do Iván Massagué thủ vai.
Sự khắc nghiệt ấy còn là lúc Goreng phải đứng trước thực tế anh phải ăn thịt bạn tù để sống, hoặc bỏ mạng, như rất nhiều người ở tầng sâu đã thế.
The platform phản ánh về một thứ công lý ảo trong xã hội xám xịt. Bộ máy nhà tù này, thông qua biểu tượng bàn ăn, những tưởng mọi người đều bình đẳng với nhau khi lương thực được chuẩn bị cho tất cả, nhưng thực tế là một công cụ đẩy con người tới giới hạn cuối cùng, bắt họ phải đối diện với phần tối nhất của mình.
Nhân cách của con người có đổi thay theo hoàn cảnh?
Goreng và tất cả tù nhân không quyết được chuyện mình bị giam cầm ở tầng nào. Đây như một ẩn dụ về chuyện con người không được chọn nơi mình sinh ra, chỉ có thể chọn cách ứng phó, thích nghi với hoàn cảnh.
Nếu rơi vào tầng cao - nghĩa là bàn ăn khi đến họ vẫn còn đầy ắp, họ hưởng thụ, nhưng nếu rơi vào tầng phải tìm cách sinh tồn, họ cũng có nhiều hơn một lựa chọn là triệt tiêu nhau. Nhưng, không có nhiều người nghĩ thế. Kẻ bị chà đạp, khi có công cụ trong tay, cũng sẽ chà đạp người khác.
Hình ảnh Goreng thiểu não nhận ra cuộc sống trong tù không như anh tưởng tượng.
Đó là quy luật của cuộc sống, và bởi đó là quy luật, nên người ta không nghĩ đến việc thay đổi nó, ngoại trừ Goreng, hay chàng hiệp sĩ mộng mơ xứ Mancha trong cuốn sách mà anh thích.
Goreng cuối cùng cũng bỏ mạng nơi hố sâu, nhưng ít nhất, điều anh làm không hề viển vông. Anh thật sự đã tạo ra được một thông điệp, về việc chính cách ứng xử của mỗi người sẽ quyết định sự sống còn của chính mình, không phải là quy luật từ một hệ thống nào đó.
Không gì đủ sức nặng để trở thành thông điệp hơn một bé gái, tượng trưng cho những gì nguyên sơ nhất của con người, đứng ngoài mọi quy luật tranh giành và tướt đoạt, giết chóc.
Nơi tận cùng của những tăm tối, xấu xa là hình ảnh trong trẻo, thánh thiện bên trong mỗi người mà chính ta cũng không dễ nhìn thấy. Không ai nhận ra sự có mặt của đứa trẻ, cũng không cố gắng tìm chỉ để thấy rằng, trong cuộc đời, nếu không lặn tìm thật sâu, không đánh thức lòng trắc ẩn bên trong thì ai cũng như ai, bản năng và vị kỷ.
Trong tù, khi rớt xuống những tầng sâu, chỉ có ăn hoặc bị bạn tù ăn.
Đạo diễn Galder sau cùng vẫn gieo mầm cho những điều tốt đẹp, cho sự sống, trái ngược với hình ảnh đẫm máu trong toàn bộ câu chuyện.
Ra mắt trên Netflix trong mùa dịch bệnh, The platform để lại nhiều liên tưởng đến cuộc giành giật, vơ vét nhu yếu phẩm của con người khi dịch bệnh đang bùng phát.
Trong một xã hội người đầy bản năng, vẫn còn những câu chuyện đậm tính nhân văn "sinh ra" giữa thời dịch bệnh. Chính thái độ của chúng ta sẽ quyết định sự tồn tại của chúng ta.
M.T (PNO)
Nhận xét
Đăng nhận xét