Bức chân dung về huyền thoại Miles Davis

Nếu như chỉ thổi lên vài nốt nhạc, ông đã khiến người ta cảm nhận đầy đủ sự lãng mạn, nhưng cũng có lúc ông đánh bạn gái đến nhập viện. Và đó là hai nửa của một tượng đài nghệ thuật thế kỷ 20: Miles Davis.
Miles Davis: “Sống là một cuộc hành trình và thử thách. Sống không phải đứng yên một chỗ và đảm bảo an toàn” - Ảnh: Jazz Times


Bộ phim tài liệu Miles Davis: Birth of the Cool của nhà làm phim Stanley Nelson ra mắt công chúng gần đây được đặc biệt chú ý bởi đây là tác phẩm hiếm hoi nhưng rất được mong chờ về cuộc đời và sự nghiệp của huyền thoại nhạc jazz Miles Davis (1926-1991).

Tài hoa và nghiện ngập

Trước đó, năm 2016, bộ phim điện ảnh đầy tham vọng Miles Ahead của đạo diễn kiêm diễn viên chính Don Cheadle ra mắt đã không tạo được ấn tượng với khán giả. 

Tuy nhiên, dù là tác phẩm tài liệu, Miles Davis: Birth of the Cool lại được xây dựng khá chặt chẽ và lột tả được chân dung một nhân vật đặc biệt của nước Mỹ - người nghệ sĩ tiên phong của jazz và là một gã nghiện ngập suốt cuộc đời, với tính cách có thể nói không quá là... "đáng ghét"!

Bộ phim đi qua những dấu mốc lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của Miles từ khi ông bắt đầu chơi trong ban nhạc của tiền bối Charlie Parker, quá trình ghi âm những album kinh điển như Kind of Blue, Sketches of Spain hay Bitches Brew cho tới những ngày tháng cuối đời, hình ảnh tư liệu buổi diễn tại Liên hoan nhạc jazz Montreaux năm 1991.

Xen giữa những dấu mốc trong sự nghiệp đó là chia sẻ của những nghệ sĩ từng làm việc với Miles và cũng là những huyền thoại lớn như Herbie Hancock, Wayne Shorter, Lenny White hay Marcus Miller... 

Phần cuộc đời của ông được làm sống lại qua chia sẻ của những người bạn, người thân và đặc biệt là của nữ diễn viên Frances Taylor Davis - một trong những người vợ và là nàng thơ số một trong sự nghiệp của Miles. 

Đặc biệt, những hình ảnh phỏng vấn được thực hiện trước khi Frances qua đời ở tuổi 89 cách đây hai năm.

Ở phương diện nghệ thuật, nhà làm phim Stanley Nelson đã lột tả được tầm vóc ảnh hưởng cũng như tài năng của Miles Davis. 

Không chỉ là một người chơi kèn trumpet xuất sắc, Miles còn là một nhạc sĩ sáng tác, một "thuyền trưởng" và là người đỡ đầu với đôi mắt tinh tường, đã nhìn ra rất nhiều tài năng trước khi chính họ hiểu được mình sẽ trở thành nghệ sĩ lớn như thế nào!

Mỗi album nhạc, mỗi giai đoạn sáng tạo của Miles Davis lại như một cú bẻ lái của cả nhạc jazz, từ bebop tới cool jazz, từ hòa trộn jazz với nhạc cổ điển, thậm chí "phá tung" jazz để thổi rock và những nhạc cụ điện tử vào. Chỉ có Miles mới là người có thể làm được tất cả những điều đó.

Nhưng nửa còn lại của người nghệ sĩ tạo ra thứ âm nhạc quyến rũ đó là một con người cộc cằn, nghiện ngập, một kẻ khi yêu thì đánh đổi mọi thứ nhưng cũng có thể đánh đập tàn tệ người phụ nữ đã vì mình từ bỏ cả sự nghiệp khi đang trên đỉnh vinh quang.

Muốn sáng tạo, phải chấp nhận sự đổi thay

Nếu như đa số giới phê bình dành sự tán thưởng cho bộ phim của Stanley Nelson bởi giá trị tư liệu của nó thì cây viết kỳ cựu Richard Brody của tờ The New Yorker lại có bài bình luận mang nhiều hoài nghi. 

Theo ông, dường như nhà làm phim đã "quá ưu ái" với người nghệ sĩ bởi những chi tiết về mặt trái con người Miles chưa được làm rõ hơn. 

Richard đưa ra một số chi tiết trong những cuốn tiểu sử, hồi ký từng phát hành liên quan tới Miles Davis nói tới nhiều tình tiết ông đã bạo hành phụ nữ tàn nhẫn tới mức nào, trong khi ở bộ phim sự việc dường như được làm nhẹ.

Tất cả những con người từng có mặt trong cuộc đời Miles Davis dường như đều từng phải chịu những điều tồi tệ từ ông theo những mức độ khác nhau. 

Nhưng chính Frances Taylor Davis - người từ bỏ sự nghiệp đỉnh cao ở Broadway vì Miles, người cũng phải quyết định ly dị vì bị ông bạo hành - đã chia sẻ khi bà ở tuổi 88: "Tôi vẫn giữ họ Davis vì dù ông ấy đã phá nát cuộc đời tôi thì tôi vẫn mãi yêu ông ấy".

"Sống là một cuộc hành trình và thử thách. Sống không phải đứng yên một chỗ và đảm bảo an toàn. Tôi luôn làm mọi thứ theo cách của mình. Luôn như vậy trong suốt cuộc đời tôi. Nếu ai đó muốn sáng tạo, họ phải luôn luôn chấp nhận sự đổi thay". 

Đó là một trong những lời chia sẻ của Miles trong bộ phim được trích từ một cuộc phỏng vấn những năm ông sắp qua đời. Và dường như đó cũng là đúc kết cho sự nghiệp và cuộc đời của một Miles Davis không thể có người thứ hai trong lịch sử.

Vai trò của Carl Lumbly

Nhà làm phim Stanley Nelson đã ấp ủ ý tưởng cho bộ phim từ 15 năm nay nhưng một trong những lý do để tác phẩm tài liệu ra đời được là vai trò của nam diễn viên Carl Lumbly - người thể hiện lại giọng nói của Miles trong phim.

miles davis 1-5 2(read-only)
Poster phim

Carl cũng là một fan lâu năm của Miles Davis, ông đã phải bỏ ra cả năm trời nghe từng đĩa nhạc, đọc và xem tất cả tư liệu về Miles để thể hiện lại đúng cái chất giọng khản đặc và lối nói chuyện bất cần, thậm chí khinh khỉnh như là "đặc sản" của Miles.

Có thể nói không quá, phần thể hiện những chia sẻ của Miles qua giọng của Carl Lumbly đóng góp một nửa thành công của bộ phim tài liệu.

Đ.C (TTO)

Nhận xét