Cảnh nóng bại trận và chất liệu văn hóa lên ngôi

Không ít MV thắng lợi thời gian gần đây khai thác đề tài lịch sử, văn hóa dân gian. Trong khi những MV sexy, nhiều cảnh nóng ít dần và không còn gây chú ý.
Khi MV trở thành loại hình được giới ca sĩ Việt ưa chuộng đặc biệt, câu chuyện hướng đi, cách khai thác về mặt hình ảnh trở thành khâu quan trọng. Nói như đạo diễn Vũ Hồng Thắng của MV Hết thương cạn nhớ, kịch bản của MV hiện nay là vấn đề khiến đạo diễn và ca sĩ phải “đau đầu” mỗi khi bắt đầu một dự án.


Cảnh nóng bại trận
“Cảnh nóng” vốn là một thuật ngữ được giới truyền thông nhắc đến nhiều hơn khi nói về điện ảnh. Nhưng những nằm gần đây, cùng với sự bùng nổ của loại hình MV, “cảnh nóng” cũng đã xuất hiện không ít trong âm nhạc, trở thành những đề tài bàn luận.

Trong cuộc chiến MV ngày càng khốc liệt, cảnh nóng và những tạo hình sexy, gợi cảm cũng từng được cho là một yếu tố “ăn khách”, gây chú ý với dư luận lẫn khán giả. Dẫn chứng là nhạc Việt không ít những MV 16+, thậm chí 18+ như Em không hối tiếc (Hương Giang), In The Night (Bảo Anh), Mời anh vào team em (Chi Pu), Fabulous (Trang Pháp)…

Những đường cong cơ thể khuyến rũ ở nữ chính, những body 6 múi ở nam chính, những cảnh gợi cảm, thân mật… đã xuất hiện không ít ở những MV Việt. Một số sản phẩm như Đừng yêu lại người cũ (Bùi Caroon) hay Ra vô (Kay Trần) thậm chí còn bị cho là câu khách bằng những cảnh gợi dục, phản cảm.

“Sự đầu tư” cho cảnh nóng từng được cho là dễ nổi tiếng hơn trong cuộc đua MV ở Vpop. Như một hotgirl ra MV bị cho là gợi dục vào năm 2019 thành thật cô thực hiện MV 18+ để dễ được để mắt khi lấn sân ca hát.

Nhưng thực tế lại trái ngược. Nhiều MV có không ít cảnh nóng nhưng có lượt xem thấp, phải dán nhãn, bị truyền thông thờ ơ và cũng không tạo được hiệu ứng trên mạng.

MV của Kay Trần hay Bùi Caroon đều có lượt xem/nghe rất thấp. Trong khi, Hương Giang hay Chi Pu cũng không thể có những MV 18+ thành công rực rỡ.

Hương Giang sau này chỉ thực sự thành công với chuỗi MV drama, tình tay ba. Trong khi Chi Pu có bản hit đầu tiên với một MV có yếu tố dân gian Anh ơi ở lại với gần 90 triệu lượt xem trên mạng và gần 190 triệu lượt nghe trên Zing MP3, trong khi MV 18+ Mời anh vào team em chưa đến 30 triệu lượt xem.

Thực tế này được cho là lý do giới ca sĩ hiện không còn mặn mà với những MV 18+. Thời gian gần đây những MV 18+ tràn ngập cảnh nóng cũng gần như vắng bóng. Nhiều ý kiến cho rằng trong cuộc chiến MV, cảnh nóng đã không còn là "vũ khí" được ưa chuộng.

Chất liệu văn hóa lên ngôi
Chi Pu từng bị coi là một thảm họa âm nhạc. Đến khi Mời anh vào team em với bàn tay sáng tạo về mặt hình ảnh của Denis Đặng được ra mắt, cô vẫn chưa thoát mác thảm họa. Chi Pu chỉ thực sự được nhìn nhận như một ca sĩ khi giới thiệu MV Anh ơi ở lại.

Chi Pu đã thành công khi đưa yếu tố văn hóa Việt vào sản phẩm âm nhạc của mình, giúp Anh ơi ở lại trở thành sản phẩm thành công nhất của cô từ khi bước chân vào con đường ca hát.

Trong MV, Chi Pu hóa thân thành Cám, xây dựng câu chuyện cổ tích Tấm Cám theo một góc nhìn mới. Cám vẫn độc ác, bất chấp như những gì số đông vẫn thấy khi sẵn sàng vì tình yêu với hoàng thượng mà hại Tấm - chị gái cùng cha khác mẹ của mình.

Tuy nhiên, MV cũng gửi gắm một góc nhìn khác, để thấy sự đáng thương của Cám và tình yêu đơn phương. Anh ơi ở lại với bàn tay của Nhu Đặng nhận được khen ngợi về trang phục thuần Việt và những bối cảnh đậm chất xưa.

Ngoài Chi Pu, năm 2019 được đánh giá là sự lên ngôi của những MV dựa trên chất liệu văn hóa. Hết thương cạn nhớ của Đức Phúc cũng là một ví dụ điển hình.

Lấy cảm hứng từ cốt truyện truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, MV của Đức Phúc tái hiện câu chuyện mới lạ và đầy lãng mạn trong mối quan hệ giữa Lý Cường - Thị Nở - Chí Phèo.

Đạo diễn Vũ Hồng Thắng thể hiện sự tỉ mỉ trong từng cảnh quay, sắp đặt trước sau. Không gian làng quê xưa đã được tái hiện, ê-kíp cũng thể hiện sự kỳ công trong chọn bối cảnh. Nhiều cảnh đẹp của làng cổ xuất hiện trong MV, đặc biệt là sự xuất hiện của cổng làng giò chả nức tiếng Ước Lễ của xứ Đoài.

Trang phục của MV nhận được nhiều phản hồi tích cực vì sự thuần Việt. Đến nay, Hết thương cạn nhớ vẫn là MV được khen ngợi nhất của Đức Phúc, thể hiện những tình cảm của một ê-kíp âm nhạc về không gian văn hóa Việt.

Nhưng, thắng lợi hơn cả về việc sử dụng chất liệu văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân gian phải kể đến trường hợp của Hoàng Thùy Linh. Với loạt MV Để Mị nói cho mà nghe (chất liệu văn học, Tây Bắc), Tứ phủ (hầu đồng, đạo Mẫu), Duyên âm (dân gian, lễ hội truyền thống) hay mới đây là Kẻ cắp gặp bà già (tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, cờ Gánh), Hoàng Thùy Linh đã trở thành một thương hiệu trong việc đưa yếu tố dân gian, truyền thống vào âm nhạc.

Những MV có lượt xem/nghe cao, đồng thời cũng đạt hiệu ứng tốt trên mạng đã giúp Hoàng Thùy Linh trở thành nữ ca sĩ nổi bật trên thị trường thời gian gần đây dù cô chưa bao giờ sở hữu giọng hát xuất chúng.
Canh nong bai tran va dai thang cua Hoa Minzy, Hoang Thuy Linh hinh anh 4 3955_untitled_1_d_ojnf.jpg
Một cảnh quay trong Đại Nội (Huế) của MV Không thể cùng nhau suốt kiếp, do Kawaii Tuấn Anh đạo diễn.

Không ngại đổ tiền tỷ cho MV dân gian, lịch sử


Tiếp nối thành công của những sản phẩm âm nhạc đậm chất dân gian Việt, Hòa Minzy mới đây cũng ra mắt MV Không thể cùng nhau suốt kiếp lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật về cuộc đời của Nam Phương hoàng hậu và hoàng đế Bảo Đại.

Dù cũng có những sai số về lịch sử, sáng tạo dựa trên lịch sử, không thể phủ nhận nỗ lực của Hòa Minzy và ê-kíp trong việc xây dựng MV đầu tiên về vị hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn.

Toàn bộ tình tiết trong MV tỏ rõ những kỳ công trong tìm hiểu lịch sử nhà Nguyễn. Nhiều chi tiết cũng thể hiện sự tinh tế từ cách bày biện bánh trái, bàn trang điểm, cách bố trí lính canh, thậm chí đến cách vấn khăn, đội đầu, khăn mùi xoa, quạt tay ngà voi...

Ngoài ra, cách chọn bối cảnh, trang phục cũng thuyết phục người xem, thậm chí còn vượt xa một bộ phim cũng đang nói về triều Nguyễn là Phượng khấu.

Toàn bộ cảnh quay được thực hiện ở Huế với những địa điểm nổi tiếng như Đại Nội, cung An Định, sông Hương… Ê-kíp cho biết họ phải mất nhiều thời gian để xin giấy phép vì tất cả đều là những địa điểm lịch sử, cần bảo tồn.

Hòa Minzy không tiết lộ tổng kinh phí cho sản phẩm âm nhạc lần này. Song, nữ ca sĩ cho biết cô thậm chí có thể dùng số tiền đó cho việc mua nhà hoặc xe nhưng cô đã làm MV. Một nguồn tin cho biết tiền đầu tư cho MV này không dưới 2 tỷ đồng.

Những MV có yếu tố truyền thống, cổ trang thường có mức kinh phí cao. Kinh phí cho MV Hết thương cạn nhớ của Đức Phúc được cho là khoảng 700 triệu đồng. Trong khi, Để Mị nói cho mà nghe, Duyên âm hay Tứ phủ của Hoàng Thùy Linh đều là những MV tiền tỷ.

Nhìn chung, phần lớn MV có yếu tố văn hóa, lịch sử thời gian gần đây ở thị trường nhạc Việt đều gặt hái được thành công, ít nhất là về lượt xem/nghe và hiệu ứng.

Q.Đ (Z)

Nhận xét