"Casablanca" - tình yêu còn mãi với thời gian

Nổi bật bởi dàn diễn viên xuất sắc, lời thoại mẫu mực, âm nhạc có sức sống vượt thời gian, ‘Casablanca’ luôn nằm trong danh sách phim hay nhất mọi thời đại và được hàng triệu khán giả tôn thờ.

Câu chuyện trong Casablanca xảy ra tại thành phố cảng cùng tên, thuộc Marốc, lúc này đang chịu sự quản lý của chính quyền Vichy Pháp thân Đức Quốc xã. Bóng đen của Thế chiến II đang lớn dần. Dòng người từ khắp châu Âu đổ về Casablanca ngày càng nhiều. Nơi đây đóng vai trò như một trạm trung chuyển giữa vùng bị phát xít chiếm đóng với nước Mỹ tự do.

Nhân vật chính của bộ phim là Rick Blaine (Humphrey Bogart), một gã người Mỹ lưu vong, chủ của một quán bar hạng sang kiêm sòng bạc. Rick kiệm lời, khó gần. Phương châm sống của anh là: “Tôi chẳng đưa đầu ra cho ai cả”. Trung lập về chính trị, không chõ mũi vào chuyện người khác khiến Rick sống yên ổn ở Casablanca.



Mọi chuyện chỉ đảo lộn khi một ngày kia, Ilsa Lund (Ingrid Bergman), người yêu cũ của anh, bước vào quán cùng với chồng của nàng, Victor Laszlo, một chỉ huy quân kháng chiến châu Âu đang tìm cách thoát sang Mỹ. Số phận run rủi khiến Rick là người duy nhất có trong tay hai tờ giấy thông hành có thể giúp vợ chồng họ thực hiện được dự định. Bị giằng xé giữa tình yêu và lương tâm, Rick sẽ lựa chọn thế nào? Ilsa cuối cùng sẽ ở lại với ai? Ai sẽ là người lên máy bay? Những câu hỏi ấy chỉ được giải đáp ở những phút cuối cùng của bộ phim.

Casablanca được dựa trên một vở kịch chưa bao giờ được công diễn có tên là Everybody Comes to Rick’s của Murray Burnett và Joan Alison. Sau đó, kịch bản được chấp bút lần lượt bởi anh em Julius và Philip Epstein, Howard Koch và Casey Robinson. Tuy vậy, Casablanca vẫn là một khối thống nhất, hoàn chỉnh và chặt chẽ. Bộ phim là một ly cocktail được pha trộn hoàn hảo giữa ba thể loại - ly kỳ, tình cảm và hài hước.

Casablanca trở thành một tượng đài sừng sững của điện ảnh thế giới cũng một phần lớn nhờ diễn xuất xuất chúng của Humphrey Bogart và Ingrid Bergman.

Trong vai một người đàn ông có vẻ ngoài sắt đá nhưng tâm hồn nhạy cảm, Humphrey Bogart lần đầu tiên thử sức với thể loại phim tình cảm (trước đó anh chuyên đóng phim tội phạm). Với gương mặt cương nghị và từng trải, ánh mắt sâu thẳm, nhìn thấu tâm can người đối diện, Bogart tạo nên một hình tượng đàn ông mạnh mẽ, típ người phái mạnh muốn kết bạn và phái yếu muốn dựa dẫm.

Annex-Bogart-Humphrey-Casablan-5373-7122


Ingrid Bergman chưa bao giờ đẹp và mong manh đến thế. Trong vai người đàn bà được cả hai người đàn ông yêu say đắm, Ingrid Bergman đã đưa đến cho khán giả một vai diễn cảm động, nội tâm nhiều giằng xé. Nhiều giai thoại điện ảnh cho biết chính Ingrid Bergman cũng không được cho biết trước kết cục của phim. Chính vì vậy suốt quá trình diễn, gương mặt cô thể hiện xuất sắc sự bối rối, phân vân, nỗi khổ tâm của người đàn bà đứng giữa tình yêu và trách nhiệm.

Ingrid Bergman thường được quay từ phía bên trái, bên phô diễn những nét hoàn hảo nhất của gương mặt cô. Các khung hình của Bergman cũng thường được lấy nét mềm và bố trí ánh sáng sao cho đôi mắt cô lấp lánh, biểu hiện một thế giới nội tâm đẹp đẽ và phong phú. Cùng với Bogart, Bergman đã tạo nên một câu chuyện tình vĩnh cửu, đầy tiếc nuối trong nhiều thập kỷ. Thật đáng tiếc đây cũng là lần hợp tác đầu tiên và cuối cùng giữa hai người.

Nếu như quán bar của Rick nổi tiếng vì là nơi tập trung của đủ dạng người, đủ quốc tịch thì dàn diễn viên của Casablanca cũng có thể tự hào về đặc tính tương tự. Chỉ có ba trong số các diễn viên là người Mỹ, còn lại hầu hết đều xuất phát từ châu Âu trong đó có rất nhiều người đang phải chạy trốn chế độ Đức Quốc xã.

Cuộc sống tha hương nơi đất khách quê người đã giúp họ thể hiện vai diễn với sự thấu hiểu đồng cảm sâu sắc. Trường đoạn “song đấu” giữa hai bài hát Die Wacht am Rhein của Phát xít Đức và La Marseillaise, quốc ca Pháp, sẽ không thể xúc động và hào hùng đến thế nếu thiếu sự góp mặt của những diễn viên lưu vong ấy. Những giọt nước mắt đẫm trên má họ mà khán giả nhìn thấy cũng chính là nước mắt thật.

Casablanca còn được đặc biệt nhớ đến với những câu thoại kinh điển, đã đi vào đời sống. Trong danh sách 100 câu thoại đáng nhớ của Viện phim Mỹ có tới sáu câu thoại trích từ bộ phim: “Nhìn em kìa, cô bé”, “Louis, tôi nghĩ rằng đây là sự bắt đầu của một tình bạn đẹp”, “Chơi đi, Sam. Chơi ‘As Time goes by’ đi”, “Khoanh vùng nghi phạm lại”, “Trong chúng ta luôn có Paris”, “Trong vô vàn quán rượu ở mọi thành phố trên khắp thế gian này, cô ấy lại tới đúng chỗ của tôi”. Với sáu câu thoại, Casablanca giành vị trí bộ phim có nhiều câu thoại đứng trong danh sách nhất. Sự hấp dẫn trong lời thoại của bộ phim không chỉ có vậy. Những lời đối đáp tưng tửng, hài hước của nhân vật Rick được cài cắm suốt bộ phim cũng đem lại cho khán giả những tiếng cười ý nhị.
humphrey-bogart-casablanca-ing-2568-7605


Sẽ là một thiếu sót lớn nếu nhắc đến Casablanca mà lại quên đi giai điệu bất hủ của As Time Goes By. Ca khúc ấy gắn liền với những kỷ niệm riêng tư của Rick và Ilsa khi họ còn bên nhau ở Paris. Khán giả sẽ không thể nào quên hình ảnh Sam, anh chàng da đen trung thành, bên cây đàn piano cùng ánh mắt buồn ám ảnh của Ilsa và vẻ thẫn thờ của Rick.

Bài hát được vinh danh ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng 100 ca khúc do Viện phim Mỹ bầu chọn. Còn trong lòng khán giả, ca khúc mãi mãi được yêu thích như một tình khúc giàu hoài niệm về những mối tình đã qua.

Những nhà làm phim Casablanca thuở ấy không thể tưởng tượng rằng họ đang làm ra một huyền thoại. Với kinh phí thấp và ít sự trông đợi, đối với họ, Casablanca chỉ là một bộ phim trong hàng trăm bộ phim được sản xuất hàng năm của Hollywood.

Giờ đây, Casablanca luôn được nhắc đến như một kiệt tác bất hủ. Giống như lời bài hát của chính As Time Goes By: “Em hãy nhớ lấy điều này, nụ hôn vẫn là nụ hôn, tiếng thở dài vẫn là tiếng thở dài, những điều quan trọng nhất vẫn ở lại khi thời gian trôi đi”. Quả vậy, có những điều sẽ còn mãi với thời gian. Trong tim của Rick và Ilsa sẽ luôn có nhau và luôn có Paris. Trong lòng người hâm mộ điện ảnh, vẫn luôn có chỗ cho Casablanca.

A.T (VNE)

Nhận xét