Trong một phỏng vấn mới thực hiện, đạo diễn Yeon Sang Ho của “Train to Busan” và “Peninsula” đã chỉ ra những khác biệt cơ bản giữa hai bộ phim.
Peninsula diễn ra bốn năm sau vụ bùng phát dịch xác sống trong Train to Busan. Phần hậu truyện xoay quanh hành trình chạy trốn của một nhóm người còn sống sót giữa Hàn Quốc hoang tàn.
Phim do Yeon Sang Ho đạo diễn, có sự tham gia của Kang Dong Won, Lee Jung Hyun, Kwon Hae Hyo, Kim Min Jae, Goo Kyo Hwan, Kim Do Yoon, Lee Re và Lee Ye Won. Nam diễn viên Kang Dong Won vào vai cựu quân nhân Jung Suk.
Xác sống không phải mối đe dọa chính trong hậu truyện
Anh quay về Hàn Quốc để thực hiện một nhiệm vụ săn thưởng và phát hiện ra một nhóm người sống sót. Hai bên đã kề vai sát cánh chống lại binh đoàn xác sống khát máu cũng như những con người biến chất.
Peninsula đưa khán giả quay trở lại vùng đất hoang tàn vì nạn xác sống. Ảnh: Next Entertainment World.
Bộ phim được kỳ vọng là bom tấn vực dậy phòng chiếu nhiều quốc gia sau quãng thời gian đình đốn vì dịch bệnh. Đạo diễn Yeon Sang Ho tiết lộ chưa bao giờ nghĩ tới việc lùi lịch chiếu và luôn tin rằng tác phẩm mới có thể ra mắt vào tháng 7. Ông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ bộ phim sẽ đánh dấu sự bắt đầu phục hồi của nền điện ảnh”.
Vì Peninsula là phần hậu truyện của Train to Busan, theo lẽ thường, bộ phim sẽ dễ sử dụng xác sống làm yếu tố câu khách quan trọng. Tuy nhiên, theo lời đạo diễn Yeon Sang Ho, vai trò của quân đoàn xác sống trong phim trên thực tế không lớn đến vậy:
“Xác sống trong Peninsula thực ra không phải một mối nguy quá lớn. Nếu khán giả ở vào vị trí của Jung Suk khi quay lại Hàn Quốc sau bốn năm, họ sẽ chỉ cảm thấy nơi đây bi thương và ma quái, bởi những xác sống trong Train to Busan cũng có câu chuyện riêng của chúng”.
Bộ phim cho thấy sức sống mãnh liệt của trẻ em
Vị đạo diễn cũng hé lộ thêm về góc nhìn của nhân vật trong bộ phim. “Không khí căng thẳng trong phim hoàn toàn bị phá bỏ sau cảnh hành động đầu tiên… Đó là bởi góc nhìn của bộ phim đã chuyển dịch từ Jung Suk sang những đứa trẻ đã sống trên mảnh đất này suốt bốn năm trời. Khung cảnh ấy là cuộc sống thường nhật của chúng.
Còn với Yoo Jin (Lee Ye Won), cô ấy đã phải tự thay đổi để thích nghi với môi trường mới. Do đó, thay vì cảm thấy đám xác sống là một mối đe dọa, nhân vật này còn bất an hơn vì những con người còn sống xung quanh mình”.
Trẻ em tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong phần hậu truyện. Ảnh: Next Entertainment World.
Những khác biệt trong dàn nhân vật của Train to Busan và Peninsula cũng là điều đáng chú ý. Dù khai thác những nhóm nhân vật khác nhau, nhưng cả hai bộ phim đều nhấn mạnh vào sức sống mãnh liệt của lũ trẻ giữa buổi loạn lạc rối ren. Đây là kinh nghiệm mà chính đạo diễn Yeon Sang Ho đã đúc kết được khi chăm sóc và nuôi dạy con của ông.
“Khi tôi nhìn con mình, tôi lo lắng cho chúng. Nhưng tôi không nghĩ chúng có cùng một nỗi lo lắng giống như tôi khi bị đặt vào tình huống nguy hiểm… Tôi nghĩ bọn trẻ thích nghi nhanh hơn những người trưởng thành” – vị đạo diễn hồi tưởng.
Những nét đặc sắc của phần hậu truyện?
Trong buổi phỏng vấn, Yeon Sang Ho cũng đề cập đến nét đặc sắc của phần hậu truyện nằm trong cảnh đua xe. Bởi Train to Busan đã gắn liền với hình ảnh các đoàn tàu, nên vị đạo diễn muốn đưa một hình ảnh tương tự vào phần hậu truyện để mang lại sự thỏa mãn cho khán giả.
“Ý tưởng đầu tiên đến với tôi là một cô gái trẻ lái chiếc xe ben” – ông nói. Để tạo ra được cảnh truy đuổi bằng ô tô khán giả sẽ thưởng thức trên màn ảnh, Yeon Sang Ho và ê-kíp đã phải lên kế hoạch và chuẩn bị ròng rã suốt ba tháng trời.
Phim hứa hẹn là tác phẩm giúp "hồi sinh" phòng vé giữa đại dịch. Ảnh: Next Entertainment World.
Vị đạo diễn cũng không ngớt lời ca ngợi dàn diễn viên chính và màn hóa thân xuất sắc của họ. Ông đặc biệt khen ngợi Kang Dong Won là nam diễn viên hiểu vai, biết mình muốn gì và phải làm gì để đạt được hiệu quả ấy.
Tương tự, nữ diễn viên Lee Jung Hyun cũng được khen ngợi vì luôn biết chính xác mình cần phải làm gì. “Cô ấy luôn nắm được hướng di chuyển của máy quay. Mỗi khi quay các cảnh hành động, thần thái của cô ấy lập tức thay đổi khiến chính tôi cũng bất ngờ” – Yeon Sang Ho chia sẻ.
Tại sao tên phim lại sử dụng hình ảnh bán đảo?
Khi được hỏi về ý nghĩa đằng sau nhan đề phim, Yeon Sang Ho nói ý tưởng đến rất tự nhiên vì bản thân Hàn Quốc cũng nằm trên một bán đảo. Ông cũng cho biết, “bán đảo” cũng là một khái niệm mơ hồ.
“Nó không hoàn toàn bị cô lập, do đó, vẫn còn hy vọng về một lối thoát. Ý tưởng này đã hành hạ các nhân vật chính trong suốt bộ phim” - Yeon Sang Ho chia sẻ.
Vị đạo diễn cũng cho biết, họ từng cân nhắc đặt tên cho phần hậu truyện là Train to Busan 2. Tuy nhiên ý tưởng nhanh chóng bị loại bỏ vì cảm giác kỳ quặc khi tên phim nhắc đến địa danh Busan, mà cả bộ phim lại không có lấy một cảnh diễn ra ở đó.
A.P (Z)
Nhận xét
Đăng nhận xét