Làm phim sitcom, hài hước hoặc khai thác đề tài hôn nhân - gia đình với bối cảnh luẩn quẩn từ nhà ra quán đến công sở; phim hành động - bạo lực tập trung vào tình tiết, kịch tính; phim Việt hóa chiếm sóng; kinh phí làm phim thấp trong yêu cầu khắt khe của tiến độ… Những điều đó góp phần khiến dấu ấn văn hóa trong phim truyền hình mờ nhạt.
Chỉ quan tâm nội dung
Là phim do Đài truyền hình Vĩnh Long đặt hàng, khi những tập đầu Mẹ ghẻ (đạo diễn Trương Dũng) lên sóng, người xem kỳ vọng một dấu ấn Vĩnh Long đậm nét. Nhưng tiếc thay, bối cảnh Mẹ ghẻ giai đoạn thập niên 1990-2000 chỉ quẩn quanh ở ngôi nhà cổ, khu chợ, lán tạm bên sông mà không khắc họa được những nét văn hóa riêng của miền đất này. Chuyển sang bối cảnh hiện đại, dấu ấn miền sông nước càng nhạt hơn.
Đạo diễn Trương Dũng nói, ông không định khai thác đậm dấu ấn bản địa, mà chủ yếu tập trung vào các tình huống, kết cấu nội dung câu chuyện. Đó là điều đáng tiếc, vì hiếm hoi lắm màn ảnh nhỏ mới có một bộ phim khai thác đề tài miền Tây chạm đến cảm xúc người xem như vậy. Cơ hội quảng bá văn hóa, du lịch Vĩnh Long qua bộ phim gần như là số 0.
Phim 'Mẹ ghẻ" không khắc họa được những nét văn hóa riêng của mảnh đất Miền Tây.
Hiện tại, có nhiều phim khai thác bối cảnh miền Tây, nhưng sông nước dường như chỉ là phông nền mờ nhạt cho những câu chuyện. Chưa thể gọi là “đi đến cùng” những giá trị đặc trưng, đặc sắc nhất của văn hóa vùng miền. Mẹ ghẻ cũng giống như những bộ phim khai thác bối cảnh miền Tây khác, man mác không gian đồng quê. Không có bối cảnh nào đủ sức hút khán giả tìm đến sau khi phim phát sóng.
So với các nhà làm phim trước chịu khó tìm kiếm bối cảnh nhà cổ, xe cổ, chú ý tạo hình, phục trang; thì nay, nhà làm phim chủ yếu tập trung vào bề nổi, thay vì bề sâu văn hóa. Thậm chí có trường hợp sẵn sàng bỏ qua yếu tố văn hóa để chọn bối cảnh “đẹp khung hình”. Như chia sẻ của một biên kịch, khi viết, bà chọn bối cảnh ở vườn trầu Hóc Môn - Bà Điểm. Nhưng khi quay, đạo diễn đã chọn Đà Lạt cho… đẹp. Vì thế, kịch bản buộc phải thay đổi. Ý tưởng thể hiện nét văn hóa ở “18 thôn vườn trầu” của biên kịch đã không thể thực hiện.
Nhìn lại sóng truyền hình thời gian qua, phim Việt hóa liên tục chiếm sóng; phim sitcom được các nhà sản xuất dành ưu tiên sản xuất nhanh, ít kinh phí; phim đề tài hôn nhân - gia đình quẩn quanh bối cảnh nhà ở, công sở, quán cà phê, trường học… Không thể mong gì hơn về dấu ấn văn hóa vùng miền. Ngoài chất lượng kịch bản còn yếu kém, trong nhiều trường hợp, nhà sản xuất còn can thiệp ngay từ đầu để biên kịch “viết cho dễ quay”, không sa vào những bối cảnh gây tốn kém.
Chi phí quyết định tất cả?
Trong buổi ra mắt Cát đỏ (Trung tâm sản xuất phim truyện Đài truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất) mới đây, đạo diễn Lưu Trọng Ninh một lần nữa mang đến cho khán giả những khung hình lộng lẫy về không gian văn hóa miền gió cát. Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận), Bàu Trắng (tỉnh Bình Thuận), biển Phú Yên… xuất hiện trên nền câu chuyện về thân phận của những người phụ nữ ở vùng đất này.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết, khi ông viết, những bối cảnh của đời thực cứ hiện lên trong đầu và chỉ cần đặt nhân vật vào đó. Chọn phông nền là văn hóa vùng trước khi khắc họa câu chuyện về thân phận con người là cách sáng tạo mà không phải nhà làm phim nào cũng làm được.
Cát đỏ đánh thức câu hỏi: Bao giờ phim truyền hình đậm dấu ấn văn hóa Việt? - ảnh: VFC
Nhưng muốn vậy, phải được nhà sản xuất ủng hộ. Cát đỏ do VFC sản xuất. Đạo diễn Lê Thanh Hải, Giám đốc VFC nói, ông muốn thông qua bộ phim, khán giả có thể thấy được dấu ấn văn hóa rõ nét về đất và người ở miền gió cát.
VFC có tiềm lực mạnh, lâu nay vẫn là đơn vị “đầu tàu” trong việc đầu tư sản xuất những dự án phim lớn. Trước đây, với Thương nhớ ở ai, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng được thỏa sức sáng tạo, đặt chất lượng nghệ thuật lên hàng đầu. Một phim truyền hình được đầu tư kỹ xảo cho hàng ngàn phân cảnh (thể hiện không gian làng quê Bắc Bộ xưa) là điều nhiều đạo diễn làm phim xưa mơ ước. Nhưng việc ấy đối với những đơn vị làm phim tư nhân, gần như là bất khả thi.
Tháng 8/2020, đạo diễn Xuân Cường sẽ về An Giang thực hiện một dự án phim do Đài truyền hình An Giang đặt hàng, về cuộc chiến Mậu Thân 1968. Bối cảnh chính ở đồi Tức Dụp cùng các di tích văn hóa - lịch sử ở tỉnh An Giang. “Nhiều năm qua, tôi vẫn ấp ủ kịch bản khai thác những miền đất đậm dấu ấn văn hóa trên màn ảnh nhỏ. Nhưng nói thật, kinh phí làm phim truyền hình lâu nay chỉ thắt lưng buộc bụng trong khoảng 120 triệu - 130 triệu
đồng/tập. Trường hợp được đặt hàng, hoặc chuyển đề tài thành phim điện ảnh thì có thể khả quan hơn” - đạo diễn Xuân Cường nói.
Việc luôn phải “liệu cơm gắp mắm” khiến các đơn vị sản xuất chỉ chọn đề tài dễ làm, ít kinh phí, vì vậy đạo diễn luôn phải thỏa hiệp. “Trọng trách” đầu tư phim chất lượng, xứng tầm đặt lên vai hai đầu tàu VFC và TFS (Hãng phim Đài truyền hình TP.HCM); nhưng TFS trong cuộc chuyển giao thế hệ vẫn chưa tạo được sức bật đáng kể. Phim truyền hình trải qua một chặng đường dài, mà dấu ấn văn hóa Việt trong phim vẫn vô cùng mờ nhạt.
Tây nguyên bị “bỏ quên”
Kể từ sau phim Sương gió biên thùy (NSƯT - Đạo diễn Hồ Ngọc Xum), màn ảnh nhỏ gần như vắng bóng những bộ phim khai thác không gian văn hóa Tây Nguyên, đồng bào các dân tộc. Đà Lạt (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thường xuyên xuất hiện trong phim truyền hình, nhưng chỉ là những bối cảnh vay mượn vẻ đẹp lãng mạn mà bất cứ đề tài tình yêu - hôn nhân nào cũng có thể khai thác. Gần nhất có phim Lời nguyền lúc 0 giờ (đạo diễn Quách Khoa Nam) có khai thác nhân vật thuộc đồng bào dân tộc Ê-đê, nhưng câu chuyện cũng chủ yếu tập trung vào yếu tố kinh dị, hận thù của các nhân vật người Kinh. Mảng màu văn hóa dân tộc chỉ dừng lại ở những trang phục Ê-đê khoác lên người diễn viên, chưa nói lên được điều gì ấn tượng.
L.D (PNO)
Nhận xét
Đăng nhận xét