"Radioactive": Cuộc đời thiên tài Marie Curie

Phim tiểu sử "Radioactive" khắc họa hình ảnh người mẹ, người vợ lẫn hành trình nghiên cứu khoa học cam go của thiên tài Marie Curie.

Tác phẩm ra mắt tại Mỹ trong tháng 7 trên nền tảng trực tuyến sau khi hoãn ra rạp do dịch. Jack Thorne viết kịch bản, Marjane Satrapi đạo diễn, lấy cảm hứng từ truyện Radioactive: Marie & Pierre Curie: A Tale of Love and Fallout của Lauren Redniss. Marie Curie, nhà vật lý và hóa học nổi tiếng với công trình nghiên cứu về phóng xạ, là phụ nữ đầu tiên và duy nhất đến nay nhận giải thưởng Nobel cao quý ở hai lĩnh vực vật lý và hóa học. "Mẹ đẻ" chất phóng xạ chết ở tuổi 67 vì ung thư máu sau nhiều năm tiếp xúc bức xạ cao.

Rosamund Pike - mỹ nhân phim Gone Girl - thể hiện hình ảnh nhà bác học. Trên Indiewire ngày 22/7, Pike nói: "Chúng tôi ca ngợi sự hy sinh của người làm khoa học và nói lên góc độ khác của các phát minh thời đại". Rollingstone cho rằng Pike hóa thân xuất sắc nhân vật. Cô lột tả được thần thái của người một lòng đam mê khoa học, không ngại định kiến giới tính. Ban đầu, Marie từ chối kết hôn với Pierre Curie, nhưng khoa học là cầu nối hai tâm hồn. Cô tinh anh trong nghề nghiệp nhưng vụng về trong tình cảm. Khi mới gặp gỡ, Marie còn nghi ngờ công lao nghiên cứu sẽ về tay chồng còn bà không được công nhận.

Diễn xuất của Pike được nhận xét chân thật, gai góc, đầy ưu tư. Cô nhập tâm diễn các phân đoạn bi kịch: Marie bị giới khoa học chối bỏ, người bạn đời chết đột ngột, có mối tình vụng trộm với học trò của chồng. Diễn viên hiểu những rào cản của phụ nữ làm khoa học, nên cảnh Marie ở nhà sinh con, trong lúc chồng họp hội đồng trao giải đem đến cho cô nhiều cảm xúc. Pike nói: "Tôi cũng như Marie, cảm nhận phụ nữ không có sự tự do như đàn ông trong sự nghiệp".

Poster phim "Radioactive". Tác phẩm từng được chọn chiếu bế mạc Liên hoan phim Toronto 2019. Ảnh: studiocanal.

Trên Youtube, khán giả bình luận phim là tiếng nói của phụ nữ trong thời đại mới. Khán giả Vishall viết: "Tôi căm phẫn cách mọi người đối xử với phụ nữ dù cô ấy là một thiên tài, cống hiến cho thế giới. Chúng ta chỉ nên quan tâm đến bản chất khoa học bất kể người nghiên cứu là nam hay nữ". Vishall dẫn chứng bằng cảnh Marie và con gái Irène dùng tài năng, giúp đỡ bệnh viện trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất.

Theo LA Times, người làm phim táo bạo khi cho Marie mơ thấy hậu quả của chất phóng xạ - xảy ra sau đó một thập kỷ. Như năm 1945, quả bom ném xuống thành phố Hiroshima, thảm họa rò rỉ hạt nhân Chernobyl năm 1986. Tuy còn trúc trắc trong cách thể hiện đan xen mộng tưởng và hiện thực, lối kể chuyện này được xem là phép thử xứng đáng để tác phẩm mang màu sắc khác biệt.

Theo Consolata Boyle - thiết kế trang phục, trong những phân cảnh với chồng, Marie hay mặc áo màu trắng hay hồng nhẹ với chất liệu vải mềm mại, thể hiện sự dịu dàng của người vợ. Ảnh: Amazon Studio.
Rosamund Pike - mỹ nhân phim "Gone Girl" - thể hiện hình ảnh nhà bác học Marie Curie. Ảnh: Amazon Studio.

Đạo diễn Satrapi làm phim sát với lịch sử nhưng biến hóa với chất mơ mộng. Cụ thể, chuyện tình của vợ chồng Curie được miêu tả theo mô típ phim lãng mạn. Người phụ nữ muốn khẳng định tài năng, mơ ước bước vào con đường học thuật, gặp được tri kỷ thấu hiểu, ủng hộ. Họ chia sẻ về khoa học, gắn kết bền chặt trong mối tương quan đồng nghiệp và khăng khít trong cuộc sống vợ chồng.

Satrapi dẫn chuyện sáng tạo, kết hợp phong cách siêu thực. Cảnh sinh con đầu lòng được diễn giải với hình ảnh nguyên tử nổ, chồng lên hình ảnh người phụ nữ. Hình ảnh nước, mây, gió được dùng để ẩn dụ cho quan hệ êm đẹp, hay dùng mặt trăng tròn để nói Marie mang thai con đầu lòng. Những cảnh phim giàu chất suy tưởng làm nên chất riêng cho phim của Satrapi - đạo diễn xuất thân từ dòng phim hoạt hình.

Phục trang của phim cũng nhận lời khen từ giới phê bình. Consolata Boyle - thiết kế trang phục cho phim - nói: "Chúng tôi muốn giữ sự đơn giản. Marie là người thực tế, nên quần áo của bà đa số màu xám và đen, phù hợp với môi trường làm việc trong phòng thí nghiệm". Ở những phân cảnh Marie Curie bên chồng, nhân vật mặc áo màu trắng hay hồng nhẹ với chất liệu vải mềm mại, thể hiện sự dịu dàng của người vợ.

Ngoài Rosamund Pike, phim còn có Sam Riley trong vai Pierre Curie, Anya Taylor-Joy đóng con gái Irène Curie - người tiếp nối mẹ nhận giải Nobel năm 1935 với nghiên cứu phóng xạ nhân tạo.

Q.Q (VNE)

Nhận xét