Những miền đất hứa của âm nhạc

Bỗng nhiên từ một tên tuổi không mấy ai biết đến, Phùng Khánh Linh được chú ý khi trở thành nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam ký hợp đồng với Universal Music Vietnam.

Ca sĩ Phùng Khánh Linh trở thành nghệ sĩ độc quyền của Universal Music Vietnam. Cô vừa tung ra MV Thế giới không anh - Ảnh: TIMES RECORDS

Ca khúc mới ra của cô có cả sự góp sức của Randy Merrill. Vâng, là Randy Merrill - kỹ sư âm thanh đã cộng tác cùng tất cả những ngôi sao quốc tế nổi tiếng nhất hiện nay mà bạn có thể nhớ ra.

Và trước Phùng Khánh Linh, Chillies và Thái Vũ ký với Warner Music. Sơn Tùng - MTP ký với Concore Entertainment, hãng thu âm có đối tác phát hành là Sony Music Group. 

Nói vui một chút, tại sao Warner đã có Madonna, Ed Sheeran, Bruno Mars, Coldplay và ti tỉ vì sao khác rồi mà còn cảm thấy cần đầu tư vào Chillies hay Thái Vũ? Hay nói cách khác, những ông lớn này đang chờ đợi gì ở đây vậy?

Thị trường âm nhạc thế giới giống như Giải vô địch bóng đá La Liga vậy, tưởng như có rất nhiều đội cùng cạnh tranh nhau nhưng thực tế chỉ có vài đội thống trị hết từ mùa này sang mùa khác. 

Và những Barcelona, Real Madrid và Atlético trong âm nhạc thì chính là Sony, Universal và Warner - ba ông lớn trong ngành, chiếm tới 2/3 lượng sản phẩm âm nhạc bán ra trên toàn thế giới và 80% phí bản quyền streaming trên Spotify hay Apple Music.

Họ đã chiếm vương quốc hùng mạnh nhất rồi, nhưng những năm gần đây các ông lớn vẫn dõi theo những thị trường trũng, như những nhà thám hiểm hân hoan đi khai phá những miền đất chưa ai từng đặt chân. 

Hồi đầu năm, Sony tuyên bố kế hoạch phát triển dài hạn ở Ấn Độ và Trung Đông. Tháng 9 năm ngoái, Universal mở một trụ sở tại Singapore, đánh thẳng vào thị trường Đông Nam Á. Sáu tháng sau, Warner cũng lập chi nhánh tại Việt Nam.

Khi Hiệp hội Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) định ra Ngày phát hành quốc tế vào thứ sáu hằng tuần, nhiều người đã lo ngại về "sự xói mòn dần dần của âm nhạc địa phương" bởi nếu phát hành cùng ngày, những nghệ sĩ của các thị trường bé tí xíu hẳn sẽ lọt thỏm trước những ngôi sao Âu Mỹ nổi tiếng. 

Nhưng ngược lại, người ta đang chứng kiến một thế giới âm nhạc bị cắt xẻ thành nhiều địa hình riêng biệt hơn bao giờ hết.

Một hôm nào đấy, bạn hãy thử truy cập bảng xếp hạng âm nhạc của YouTube và xem top 10 nghệ sĩ được nghe nhiều nhất trong tuần qua của họ là ai. Như hôm nay, người viết mở ra và thấy xếp đầu là một ca sĩ Ấn Độ. 

Trong top 10 có đến 6 ca sĩ Ấn Độ, 3 ca sĩ Latin và 1 nhóm nhạc Hàn. Taylor Swift đâu? Beyoncé đâu? Họ vừa ra sản phẩm mới mà! Và dù YouTube là miễn phí nhưng trên tư cách một nền tảng chiếm gần một nửa thời lượng streaming của chúng ta, nó nói lên rất nhiều điều về việc thế giới đang nghe gì.

Những con số "khủng" mà các ca sĩ Ấn Độ đạt được không nói lên rằng thế giới rất mê say nhạc Hindi, mà chỉ nói lên rằng thị trường nội địa Ấn Độ quá lớn. 

Cũng như vậy, khi Sơn Tùng vượt mặt Ariana Grande ở một chỉ số nào đó, điều đó không có nghĩa anh nổi tiếng hơn Grande, mà là thị trường Việt Nam rất có tiềm năng. Cũng đúng thôi, Ấn Độ có hơn 1 tỉ dân. Việt Nam có 95 triệu người và cả Đông Nam Á là 655 triệu.

Quay lại với những ông lớn làng nhạc, hơn bất cứ ai, họ còn nhớ bài học để lọt mất thị trường Hàn Quốc. 

Dù phủ bóng khắp Âu Mỹ nhưng Sony, Warner và Universal tổng cộng chỉ chiếm khoảng 12% lượng phát hành nhạc ở Hàn Quốc và đất nước này đã sản sinh ra ba ông lớn hoàn toàn nội địa là SM, YG và JYP. Vào lúc khởi điểm, ai có thể nghĩ rồi một ngày K-pop sẽ đi đến hang cùng ngõ hẻm trên thế giới?

Họ đã nhìn thấy tương lai của âm nhạc sẽ không nằm ở những ngạch chính, mà chính ở những vùng bên rìa, những vùng ven chưa được đánh thức. Vậy sao có thể không dong buồm đi tìm những kho báu mới?

H.T (TTO)

Nhận xét