Chuyện Cuối Tuần chủ đề Hàng hiệu có làm nên đẳng cấp? với cuộc trò chuyện thẳng thắn giữa đạo diễn Lê Hoàng và Hoa hậu Thu Hoài sẽ mang đến góc nhìn đa chiều, mổ xẻ nhiều khía cạnh xoay quanh vấn đề này.
Đạo diễn Lê Hoàng và Hoa hậu Thu Hoài mở đầu cuộc trò chuyện về đồ hiệu bằng việc chia sẻ về những món đồ mà chị đang diện trên người. Với chiếc áo Chanel, vest và trang sức đến từ thương hiệu Louis Vuitton và Dior, đôi giày cao gót của Balenciaga... Thu Hoài tiết lộ toàn bộ có tổng giá trị khoảng 300 trăm triệu. Nhưng đó không phải là một con số khủng nhất vì Hoa hậu Thu Hoài từng mặc trên người một bộ trang phục hơn 3 tỷ.
Khi đạo diễn Lê Hoàng đề nghị Hoa hậu Thu Hoài tự đánh giá mức độ chơi đồ hiệu, chị thẳng thắn cho biết đồ hiệu như một đam mê của chị chứ chị không “chơi” để so sánh, hơn thua với bất kỳ ai. “Nhưng cá nhân tôi thấy các chị ở Việt Nam xài đồ hiệu rất “dữ dằn”. Tôi nghĩ mình chỉ ở mức trung trung thôi”, Thu Hoài chia sẻ.
Trước lời tự đánh giá có phần khiêm tốn của Hoa hậu Thu Hoài, đạo diễn Lê Hoàng cảm thán thị trường đồ hiệu ở Việt Nam rất khá. Anh chia sẻ bản thân từng đọc trong một cuốn sách, họ nói các hãng đồ hiệu luôn trông đợi nhiều vào thị trường Châu Á. Nam đạo diễn cũng cảm thấy khó hiểu vì sao người Châu Á lại rất sùng bái hàng hiệu, trong khi Châu Âu là nơi sinh ra hàng hiệu thì người ở đây lại không.
Lý giải về điều này, Hoa hậu Thu Hoài cho rằng hàng hiệu chỉ mới nổi lên ở Châu Á khoảng 10 năm trở lại đây, trong khi đó ở Châu Âu nó đã có từ lâu đời và hầu hết mọi người mua như những món đồ bình thường, cần thiết để sử dụng. Chỉ có một số rất ít đam mê thời trang thì chạy theo những bộ sưu tập mới của các nhà mốt. “Còn người Châu Á thì bộ sưu tập nào mới ra cũng góp phần. Ngay cả bản thân tôi cũng vậy”, Thu Hoài nói.
Cũng theo đạo diễn Lê Hoàng, ở Việt Nam hiện có hai kiểu người dùng hàng hiệu, một là những người thành đạt chơi hàng hiệu, hai là những người đua đòi. Nam đạo diễn cho rằng, người tiêu dùng cao cấp, có tiền, có sự lựa chọn, họ dùng hàng hiệu xa xỉ anh không nói. Nhưng anh từng biết một cô gái trẻ, gia đình không khá giả, ở nhà trọ, nghề nghiệp chưa ổn định, vẫn đi làm trợ lý make up nhưng xài túi Gucci với giá 70 triệu đồng.
Hoa hậu Thu Hoài thì cho rằng, hàng hiệu dễ gây nghiện và dễ lây lan, ngay cả chính bản thân chị cũng từng phải mất hơn một năm để cai nghiện hàng hiệu. Vì vậy theo chị, những cô gái trẻ thích hàng hiệu, thích đồ đẹp cũng là điều dễ hiểu.
Thu Hoài kể, lúc chị 19-20 tuổi, chị vẫn còn khó khăn nhưng cứ mỗi lần đi ngang qua cửa hàng của LV là chị lại mê mẩn ngắm nhìn những chiếc túi đến mức đụng đầu vào cửa kính. “Tôi mê vì nó quá đẹp. Và thứ hàng hiệu đầu tiên mà tôi sắm đó là chiếc túi LV”, chị nói.
Đạo diễn Lê Hoàng lắc đầu nguầy nguậy, anh vẫn không hiểu rằng tại sao phụ nữ trẻ không phô ra sự trẻ trung mà lại đi trưng trên người những thứ đồ hiệu sang trọng không hợp với tuổi của mình. Nhưng Hoa hậu Thu Hoài khẳng định rằng hết 99% phụ nữ đều muốn sắm cho bản thân mình một món hàng hiệu chỉ trừ những người không hề biết hàng hiệu là gì. Nhưng chị cũng đồng tình rằng, nếu cuộc sống chưa thực sự đủ đầy thì đừng nên ngó tới đồ hiệu, vì đó cũng chỉ là những vật ngoài thân.
Đạo diễn Lê Hoàng thừa nhận hàng hiệu thì đẹp thật nhưng đôi khi có nhiều người diện hàng hiệu rất lố bịch và Hoa hậu Thu Hoài hoàn toàn đồng tình với nhận định này. Chị cho rằng, không phải đồ hiệu thì mới đẹp, mà trang phục chỉ cần chỉn chu, phù hợp với bản thân và môi trường là đủ khiến bản thân nổi bật. Đó là lý do mà Hoa hậu Thu Hoài không bao giờ mặc đồ hiệu đi họp lớp vì bản thân chị cảm thấy rất lố bịch, đó là môi trường không phù hợp cho những bộ đồ tiền tỷ.
“Nhưng sự thật vẫn có rất nhiều người xài hàng hiệu chỉ chú tâm đến việc mua sắm và không quan tâm có hợp với bản thân hay không. Có nhiều chị em rất bê bối, họ mặc đồ cẩu thả đến mức chính nhãn hàng đó cũng phải lắc đầu, thậm chí cảm thấy bị xúc phạm khi nhân vật mặc đồ của họ như vậy”, Thu Hoài nói.
Chị cũng khẳng định “khát vọng hàng hiệu” ở Việt Nam rất mạnh, hay nói cách khác là nhiều người Việt Nam cuồng hàng hiệu và không ở đâu chịu chơi hàng hiệu như ở Việt Nam. Nhưng khi nghiện hàng hiệu mà không biết điểm dừng có thể làm bản chất người ta xấu đi, thậm chí liên tục đua đòi theo những người xung quanh, dẫn đến nhiều hệ luỵ như tiêu xài hoang phí, vì đồ hiệu có thể bất chấp tất cả.
Đi bên cạnh hàng hiệu thì thị trường hàng giả cũng phát triển vô cùng sôi động. Nhưng với những người “có thâm niên” xài hàng hiệu như Hoa hậu Thu Hoài thì chỉ cần nhìn người ta đi ngang qua, chị cũng biết nó là giả hay thật. Chị cũng đưa ra lời khuyên dành cho những người yêu hàng hiệu nhưng chưa đủ khả năng chi trả thì hãy để dành và mua hàng thật.
“Khi bạn mua 10 thứ đồ giả thì cũng bằng tiền mua được một thứ đồ thiệt, nhưng 10 cái giả kia sẽ không bán lại được, còn đồ thiệt dù xài có cũ cỡ nào vẫn có thể bán lại được. Điều quan trọng hơn đó là chất xám của người sản xuất và sự tự tin của chính người dùng”, Thu Hoài chia sẻ.
Hoa hậu Thu Hoài cũng khẳng định chị không lên đây để khoe của, nhưng cả thế giới đều hoan nghênh đồ hiệu thì không có lý do gì để chúng ta không chấp nhận. “Nhưng còn tuỳ theo thu nhập của từng người. Nếu thu nhập khá, như tôi có thể dùng 5-10% để xài đồ hiệu và tôi thường dành dụm 3 tháng để mua một chiếc túi. Không riêng gì đồ hiệu mà bất cứ đồ gì cũng cần phải có kế hoạch để ổn định tài chính. Và điều quan trọng hơn hết là giá trị của một món đồ không nói lên được giá trị của một con người vì vậy hãy “liệu cơm gắp mắm”, tiêu xài vừa phải”, Hoa hậu Thu Hoài bộc bạch.
Chuyện Cuối Tuần chủ đề Hàng hiệu có làm nên đẳng cấp? với cuộc trò chuyện thẳng thắn giữa đạo diễn Lê Hoàng và Hoa hậu Thu Hoài sẽ được phát sóng vào 21h35 thứ bảy ngày 5/9 trên kênh VTV9.
N.V
Nhận xét
Đăng nhận xét