Lấy bối cảnh thủ đô Paris, “A Mermaid in Paris” dẫn dắt khán giả vào chuyện tình kỳ ảo, chóng vánh nhưng ngọt ngào giữa chàng nhạc sĩ Gaspard và nàng tiên cá Lula.
Hàng trăm năm qua, câu chuyện cổ tích về nàng tiên cá của Andersen đã truyền cảm hứng cho hậu thế sáng tác biết bao tác phẩm văn thơ, nhạc, họa… Trên màn ảnh rộng, những phiên bản khác nhau về chuyện tình yêu của nàng tiên cá từng được kể lại trong Splash (1984), The Shape of Water (2017)… và giờ là A Mermaid in Paris (2020), một bộ phim đáng yêu của điện ảnh Pháp.
Hình ảnh nên thơ, âm nhạc lôi cuốn
Gaspard (Nicolas Duvauchelle) là nhạc công, nhạc sĩ kiêm ca sĩ đang sống tại Paris. Ban đêm, anh biểu diễn ở Flowerburger, quán rượu phù hoa nằm trong một con tàu cũ neo trên sông Seine. Ban ngày, Gaspard tự nhốt mình trong căn hộ độc thân ngổn ngang đồ đạc, chờ đợi cảm hứng sáng tác ập đến.
Một đêm, Gaspard phát hiện Lula (Marilyn Lima), nàng tiên cá bị thương, mắc cạn bên bờ sông Seine. Lòng trắc ẩn thôi thúc Gaspard, khiến anh tìm cách cứu sống cô gái tội nghiệp. Không thể đưa Lula tới bệnh viện, anh mang cô về nhà, để cô nghỉ ngơi trong bồn tắm của mình.
A Mermaid in Paris hớp hồn khán giả bằng những khung cảnh cổ điển và nên thơ của thành phố Paris tráng lệ. Từng khung cảnh trong phim hiện lên tựa như sân khấu ca vũ kịch được bài trí cầu kỳ: phòng tắm màu xanh dương của Gaspard với những chú vịt vàng vui mắt, Flowerburger với âm nhạc rộn ràng và những màn trình diễn phù phiếm, tháp Eiffel trong đêm sáng rực như cột mốc giữa lòng Paris…
Diễn ra giữa nước Pháp của thế kỷ 21, A Mermaid in Paris vẫn vấn vương cảm giác hoài cổ. Phim gợi nhớ nước Pháp năm 1920 dập dìu mặc khách tao nhân, nơi âm nhạc, thi ca và tình yêu trở thành nguồn sống của các thị dân Paris. Giữa khung cảnh nửa hư nửa thực ấy, Gaspard và Lula đã cùng vẽ nên câu chuyện tình yêu đẹp và buồn.
Chắp cánh cho tình yêu của chàng nhạc sĩ loài người và nàng người cá gặp nạn là phần nhạc phim bắt tai. Nếu hình ảnh thần tiên đóng góp 30% thành công của bộ phim, thì âm nhạc chính là yếu tố góp thêm 30% thành công tiếp theo. Nhờ những bản tình ca Pháp ngọt ngào và sâu lắng, khán giả càng thêm đồng cảm với mối tình sớm nở chóng tàn giữa chàng trai loài người và nàng tiên cá sinh ra dưới biển sâu.
Cốt truyện ôm đồm, thiếu nhất quán
Thành công trong việc dẫn dắt người xem vào một thế giới diệu kỳ như giấc mơ giữa đời thực, thứ không khí khán giả từng bắt gặp trong Midnight in Paris (2011), A Mermaid in Paris gặp không ít khó khăn trong việc hoàn thiện 40% cuối cùng làm nên thành công của tác phẩm - kịch bản.
Giống như chính căn hộ độc thân của Gaspard, bộn bề đồ đạc, rối rắm và sở hữu một chiếc bồn tắm to bất thường, cốt truyện của A Mermaid in Paris ôm đồm quá nhiều ý tưởng, dù không phải ý tưởng nào trong số đó cũng phục vụ hiệu quả cho cốt truyện.
Đầu phim, khi Gaspard đưa Lula tới bệnh viện, anh đã bỏ cô lại ngoài xe và chạy vào xin sự trợ giúp. Điều này vô tình dẫn tớ cái cái chết của một vị bác sĩ cấp cứu. Anh đã nghe thấy tiếng hát của Lula - tiếng hát với sức mạnh làm tan vỡ trái tim bất cứ người đàn ông nào từng nghe thấy nó.
Vợ của người bác sĩ ấy, cũng là đồng nghiệp của anh, quá đau buồn vì cái chết bất thường của chồng, quyết truy đuổi tới cùng nữ nhân ngư với giọng hát nguy hiểm. Cô chính là kiểu nhân vật “nhà khoa học điên” vẫn thường song hành và đối đầu với nhân vật chính là một sinh vật huyền bí.
Tuy nhiên, việc dày công xây dựng câu chuyện trả thù cho người yêu đã mất không giúp tô đậm ấn tượng của khán giả về nhân vật phản diện nguy hiểm. Trái lại, tuyến nhân vật người nữ bác sĩ khiến mọi thứ trở nên lê thê vào phút đầu và quá vội vã, giật cục vào phút cuối.
Vị nữ bác sĩ truy tìm tung tích cô người cá từ những manh mối mù mờ trong cuốn sổ Gaspard bỏ quên tại phòng cấp cứu, tới Flowerburger khi anh và Lula đã rời đi. Rồi không rõ bằng cách nào, cô đã xuất hiện chính xác tại căn hộ của Gaspard, bắt Lula về nghiên cứu. Cách nghiên cứu của vị nữ bác sĩ cũng không giống khoa học mà như màn tra tấn Lula, trả thù cho người chồng đã chết.
Cùng với sự xuất hiện của nữ bác sĩ, phần sau của A Mermaid in Paris đột ngột “chuyển tông”, mất đi chất thơ và không khí trữ tình từng khiến người xem mê mải. Đoạn kết phim lặp lại một cách máy móc tình tiết trong những bộ phim hành động giả tưởng thường thấy: nam chính cứu nữ chính khỏi bàn tay của nhà khoa học điên muốn làm hại cô rồi đưa cô về với tự do.
Chuyển biến tâm lý chưa rõ ràng
Gaspard của A Mermaid in Paris được mô tả là người đàn ông không còn tình yêu. Vì trái tim đã giá lạnh, anh không thể sáng tác hay bị tổn thương vì tiếng hát của Lula. Nửa đầu bộ phim, A Mermaid in Paris đã xây dựng được quan hệ ở thế đối đầu hài hước giữa hai người. Lula hoang mang khi tiếng hát của cô không thể giết được Gaspard trong khi chàng trai hiếu khách ân cần chăm sóc cho cô.
Nửa cuối phim, khán giả được thấy hình ảnh Gaspard và Lula say đắm trong tình yêu rồi bẽ bàng nhận ra họ không có cách nào đến được bên nhau. Lula đau đớn khi sức lực cạn kiệt, khổ sở vì thấy Gaspard dốc chút sức tàn để bảo vệ mình. Còn Gaspard, tình yêu tiếp cho anh sức mạnh vượt qua nỗi đau và sợ hãi cái chết để đưa Lula về với tự do.
Giữa hai trạng thái tâm lý ấy là một cây cầu nối vô cùng mỏng manh. Sự chuyển biến cảm xúc từ Gaspard - chàng trai với trái tim băng giá tới Gaspard - chàng trai sống chết vì tình diễn ra có phần chóng vánh trên màn ảnh. Khán giả có thể hiểu Gaspard yêu Lula vì đó là điều nhân vật của anh chắc chắn sẽ phải trải qua, nếu không phải vì kịch bản bắt thế, thì bởi anh bị mê hoặc tiếng hát của nàng tiên cá.
Sự chuyển biến vội vàng trong tâm lý nhân vật đã khiến dòng cảm xúc trong phim chảy theo mối tình giữa Gaspard và Lula mất đi sự nhịp nhàng. Điều này, cùng với phân bổ thời lượng không đồng đều - dài dòng ở nửa đầu và vội vàng ở nửa cuối, đã khiến A Mermaid in Paris mới chỉ là bộ phim đẹp phần nhìn mà chưa hoàn thiện trong cốt truyện.
A.P (Z)
Nhận xét
Đăng nhận xét