George Bridgetower: Nghệ sỹ violin da màu truyền cảm hứng cho Beethoven

George Bridgetower, người ban đầu được Beethoven đề tặng sonata “Kreutzer”, là một thần đồng đầy lôi cuốn nhưng tên tuổi đã bị lu mờ trong lịch sử.

Bức ảnh duy nhất còn sót lại của George Bridgetower. Nguồn: NYT.

Sáu tháng sau khi có ý định tự tử và thú nhận nỗi tuyệt vọng về bệnh điếc ngày càng trầm trọng trong tài liệu năm 1802 mà sau này được gọi là Chúc thư Heiligenstadt, Beethoven đã chén tạc chén thù trong các quán rượu với một người bạn mới đầy lôi cuốn, George Polgreen Bridgetower. Nghệ sỹ violin có dòng máu lai này mới đến Vienna và truyền cảm hứng cho một trong những tác phẩm nổi tiếng và đắm say nhất của Beethoven, bản sonata “Kreutzer”.

Beethoven thậm chí còn đề tặng bản sonata cho Bridgetower. Nhưng nhà soạn nhạc cáu kỉnh –  người về sau cũng loại bỏ lời đề tặng Giao hưởng số 3 cho Napoléon – rốt cuộc đã rút lại lời đề tặng Bridgetower. Trong khi Napoléon không cần tới Beethoven nhưng vẫn có một vị trí xứng đáng với tài năng của mình trong lịch sử thì việc bị Beethoven hắt hủi đã giáng Bridgetower xuống tình trạng gần như vô danh. Dù tên ông đã được Anton Schindler đưa vào cuốn tiểu sử Beethoven năm 1840, Bridgetower được mô tả một cách không chính xác là “một thuyền trưởng tàu biển người Mỹ”. Giống như rất nhiều nghệ sỹ da đen xuất chúng lúc sinh thời, ông đã bị lãng quên trên diện rộng trong một lịch sử thuộc về những người có quyền kể chuyện.

Tuổi thơ đầy xáo động

Bridgetower sinh ngày 13/8/1778, ở miền đông Ba Lan và được đặt tên thánh là Hieronymus Hyppolitus de Augustus. Cha của ông, Joanis Fredericus de Augustus, là người gốc Phi; mẹ của ông, Maria Schmid, là người Ba Lan gốc Đức. Điều đó khiến sau này Bridgetower được biết đến là người da ngăm có dòng máu lai. (Cuốn “Sonata Mulattica” năm 2008 của nhà thơ Rita Dove, một biên niên sử tưởng tượng về cuộc đời của Bridgetower, đã giúp hồ sơ của ông nổi bật hơn đôi chút trong những năm gần đây).

Cha của Bridgetower – ông có tên là Frederick và đôi khi lấy thêm các tên khác nữa – chính là người thúc đẩy sự nghiệp của con trai mình. Đẹp trai, quyến rũ và thông thạo nhiều ngôn ngữ, Frederick có tài kể chuyện bẩm sinh và sự  nhạy bén trong quảng bá; ông tuyên bố rằng cha mình là một hoàng tử châu Phi được một thuyền trưởng tàu biển người Hà Lan nhận nuôi không chính thức và hứa trả bằng kim cương và bụi vàng nhưng rồi bị bán làm nô lệ, sống sót sau một vụ đắm tàu trong quá trình này. Người cha kết hôn với một phụ nữ châu Phi và chuyển đến Barbados, nơi Frederick được sinh ra; cái tên Bridgetower có thể bắt nguồn từ tên thủ phủ của hòn đảo, Bridgetown.

Không rõ Frederick đến Ba Lan như thế nào, nhưng sử gia William Hart đã viết trong một bài báo năm 2017 trên The Musical Times rằng cha mẹ đỡ đầu của cậu bé Bridgetower là thành viên gia đình quý tộc Radziwill; Frederick, và có thể là vợ anh ta, có lẽ đã phục vụ họ. Chẳng bao lâu sau cặp vợ chồng cùng cậu con trai chuyển đến Áo, nơi Frederick, được biết đến là “người Moor”, đảm nhiệm vị trí phục vụ hoàng thân Nikolaus Esterhazy. Vị hoàng thân yêu âm nhạc duy trì dàn nhạc của riêng mình tại cung điện ở Eisenstadt, nơi Haydn là nhà soạn nhạc triều đình (George Bridgetower về sau được giới thiệu là học trò của Haydn, nhưng không rõ liệu ông có từng học với bậc thầy hay không.)

Trong một thời gian dài, người ta cho là buổi ra mắt công chúng của Bridgetower diễn ra ở Paris vào năm 1789. Nhưng Hart đã phát hiện ra một mẩu quảng cáo trên một tờ báo Frankfurt liên quan đến buổi hòa nhạc của “Hieronymus August Bridgetown”, “con trai của người Moor”, vào tháng 4 năm 1786, khi cậu bé mới chỉ lên bảy. Mẩu quảng cáo lưu ý rằng cậu bé đã từng chơi nhạc cho Hoàng đế Joseph II.

Gia đình Bridgetown, như được biết đến khi ấy, đã có thời gian sống ở Mainz, một trung tâm âm nhạc quan trọng của châu Âu thời đó, nơi Maria sinh một cậu con trai nữa mà sau này trở thành nghệ sỹ cello. Để vợ và đứa con nhỏ ở lại, Frederick dẫn con trai lớn lên đường lưu diễn. Cậu con được coi là “cậu bé da đen của thuộc địa” đã biểu diễn một bản concerto violin của Giornovichi trong chuỗi hòa nhạc tâm linh 1 nổi tiếng ở Paris năm 1789.

“Tài năng của cậu, đích thực như đã sớm bộc lộ, là một trong những lời đáp tốt nhất mà người ta có thể dành cho các triết gia muốn tước đi tài năng nổi bật trong các môn nghệ thuật của những người thuộc dân tộc cậu và có màu da như cậu”, một bài bình luận trên tờ Le Mercure de France đã viết.

Sau một số buổi hòa nhạc khác ở Paris, gồm cả buổi hòa nhạc có sự tham dự của Thomas Jefferson, gia đình Bridgetower – như họ tự xưng sau đó – chuyển đến Anh, nơi gia đình họ đã đem lại những xúc cảm nồng nhiệt của khán giả.

Với sự thịnh hành khi ấy của trang phục lấy cảm hứng từ phương Đông, Frederick càng làm nổi bật cái được cho là tính ngoại lai bằng cách mặc cho con trai áo choàng Thổ Nhĩ Kỳ. Mọi người đều muốn gặp “hoàng tử châu Phi” cùng cậu con trai thần đồng – mà tên gọi bấy giờ đã thành George. Vào mùa thu năm 1789, Frederick đã thu xếp cho con trai chơi nhạc trước Vua George III và hoàng hậu Charlotte, cũng như Hoàng thân xứ Wales, mà sau này là George IV.

Một bản thu âm sonata “Kreutzer” của hai nghệ sĩ Martha Agerich và  Itzhak Perlman. Nguồn: Amazon.

George đã khiến “tất thảy kinh ngạc” khi chơi nhạc ở Bath, theo tờ Bath Morning Post. Năm 11 tuổi, George ra mắt tại London với một bản concerto của Giornovichi giữa hai phần đầu2 vở Messiah của Handel. George và cha thường ở Carlton House, dinh thự của Hoàng thân xứ Wales, nơi thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc thính phòng. Vào ngày 2/6/1790, hoàng thân đã tài trợ một buổi hòa nhạc ủng hộ Bridgetower và một nghệ sỹ trẻ khác tại Hanover Square Rooms, địa điểm hòa nhạc hàng đầu của giới thượng lưu.

Cho đến lúc đó, Frederick đã quản lý sự nghiệp của con trai một cách khéo léo. Song hành vi của ông ngày càng gây hại cho bản thân. Tại một lễ hội hóa trang có hoảng thân tham dự, Frederick đã hóa trang thành một một nô lệ da đen mang tính biếm họa để ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ; đây chắc chắn là động cơ xác đáng nhưng trò “biểu tình” nguy hiểm này đã khiến giới tinh hoa xa lánh ông, dù ông từng dày công nuôi dưỡng thiện cảm nơi họ. Trong một buổi biểu diễn vở Messiah ông đã hét to đòi biểu diễn lại khúc hợp xướng “Hallelujah”, và sau một hồi vật lộn ông bị tống cổ khỏi nhà hát. Cũng có các cáo buộc ông về việc say xỉn và quan hệ lăng nhăng.

Charlotte Papendiek, nữ quan của hoàng hậu Charlotte và là một nhà văn, đã viết rằng Frederick đã đánh bạc đến hết tiền của con trai và đối xử với con tàn nhẫn đến mức George phải tìm nơi ẩn náu tại Carlton House cùng hoàng thân xứ Wales. Frederick được chữa trị tại một dưỡng trí viện trước khi bị gửi trả về Đức trong khi cậu con trai 12 tuổi vẫn nằm dưới sự bảo trợ của hoàng thân. Hoàng thân đã tạo cho cậu cơ hội học hỏi từ những nghệ sỹ giỏi nhất ở London. Cậu học sáng tác, lý thuyết và piano với Thomas Attwood, học violin với François-Hippolyte Barthél Pokémon và Giornovichi. Cậu đã tạo dựng quan hệ thân thiết với Giovanni Battista Viotti, một nghệ sỹ violin và nhà soạn nhạc có phong cách tự tin, táo bạo mà sau này sẽ ảnh hưởng đến bản thân cậu.

Trong thập niên tiếp theo, Bridgetower sẽ biểu diễn gần 50 buổi hòa nhạc dành cho công chúng với các dàn nhạc và nghệ sỹ hàng đầu, bao gồm Haydn và nghệ sỹ double-bass xuất chúng Domenico Dragonetti. Cậu là nghệ sỹ violin thứ nhất trong ban nhạc của Hoàng thân xứ Wales; nghệ sỹ organ kiêm nhà soạn nhạc Samuel Wesley đã viết rằng Bridgetower được xếp hạng “cùng các bậc thầy violin hạng nhất một cách xứng đáng”.

Cuộc gặp gỡ của hai tâm hồn đồng điệu

Sau khi về thăm mẹ ốm ở Dresden, Bridgetower đến Vienna vào đầu tháng 4 năm 1803. Anh được hoàng thân Lobkowitz, một trong những nhà bảo trợ của Beethoven, mời chơi các tứ tấu của nhà soạn nhạc.

Beethoven và Bridgetower lập tức hình thành một mối gắn kết. Nhà soạn nhạc, khi đó 32 tuổi, có thể đã nhận ra mình ở nghệ sỹ violin 24 tuổi. Beethoven từng được đặt biệt danh là người Tây Ban Nha vì có nước da ngăm đen, và các bức tranh khắc chân dung hai người thể hiện một sự giống nhau rõ rệt. Họ cùng có những người cha bạo hành và những mối quan tâm bất di bất dịch đến sự nghiệp cũng như khả năng khiến khán giả phải rúng động bằng tài năng đáng kinh ngạc của họ.

Sau khi nghe Bridgetower chơi đàn, Beethoven không chỉ đồng ý tham gia một buổi hòa nhạc ủng hộ nghệ sỹ tại Augarten, mà còn quyết định viết một cái gì đó để họ biểu diễn cùng nhau. Ông đã bắt đầu phác thảo hai chương đầu của một bản sonata cho violin để đi kèm với chương cuối đã bị loại bỏ trước đó. Giờ đây ông bắt đầu sáng tác với Bridgetower trong tâm trí, khi hai người thức đêm uống rượu và hành động như những gã choai choai. Mặc dù Bridgetower được mô tả là mang vẻ u sầu, nhưng anh có thể là người táo tợn khiến Beethoven bộc lộ khía cạnh tự do phóng túng của mình.

Buổi hòa nhạc đã được dự tính vào ngày 22/5/1803, nhưng vì bản sonata chưa thực sự sẵn sàng ra mắt nên nó đã bị hoãn lại cho đến ngày 24. Vào lúc 4:30 sáng hôm đó, Beethoven hướng dẫn học trò của mình, Ferdinand Ries, chép hai chương nhạc cho nghệ sỹ violin. Ries chỉ xoay xở xong bè thứ nhất còn bè piano vẫn ở dạng phác thảo. Beethoven và Bridgetower đã lên sân khấu ngay sáng hôm hòa nhạc mà chưa từng tập qua tác phẩm. Bridgetower chơi thị tấu. Beethoven đã viết cho Bridgetower một phần độc tấu mở đầu bắt đầu bằng một tuyên bố bùng nổ rồi chuyển sang một cuộc đối thoại bốc lửa và gợi cảm. Có lúc Bridgetower đã khiến Beethoven phải ngạc nhiên khi mô phỏng lại rồi mở rộng đoạn cadenza ngắn của piano ở chương thứ nhất. Beethoven đã nhảy lên ôm chầm lấy anh mà khóc: “Chàng trai thân mến! Một lần nữa nào!”

Sau buổi biểu diễn, Beethoven tặng Bridgetower chiếc âm thoa của mình và viết lời đề tặng lên bản nhạc “Sonata mulattica composta per il mulatto Brischdauer, gran pazzo e compositore mulattico” (“Bản sonata da ngăm được sáng tác cho Bridgetower da ngăm, nhà soạn nhạc da ngăm cực khùng”) .

Tolstoy đã viết về chương nhạc đầu tiên đáng lo ngại này trong tiểu thuyết Sonata Kreutzer, nhân vật chính, sau khi nghe vợ mình chơi bản nhạc này cùng thày dạy violin của cô, đã đâm chết cô trong cơn giận dữ vì ghen tuông. Beethoven không làm gì cực đoan đến mức ấy nhưng sau khi Bridgetower bình luận một cách khiếm nhã về một phụ nữ mà Beethoven ngưỡng mộ, hai người đã cãi nhau và Beethoven rút lại lời đề tặng.

Khi bản sonata được xuất bản, thay vì Bridgetower nó mang tên nghệ sĩ violin người Pháp Rudolphe Kreutzer. Beethoven đã nghĩ đến việc chuyển đến Paris, và việc đề tặng tác phẩm cho Kreutzer là một động thái chính trị có tính toán. Điều mà Beethoven không biết là Kreutzer không thích âm nhạc của mình; Kreutzer miêu tả bản sonata là “khó hiểu một cách kỳ quặc” và chưa bao giờ chơi nó.

Bridgetower trở lại London và tiếp tục biểu diễn, được hưởng sự bảo trợ của Hoàng thân xứ Wales. Vào ngày 23/5/1805, anh tham gia một buổi hòa nhạc tại Hanover Rooms, cùng em mình, người đã chơi một concerto cello của Romberg. Cha của họ cũng đã trở lại nước Anh, nơi ông bị bắt và tống giam vì sống lang thang vất vưởng.

Năm 1811, Bridgetower nhận bằng thạc sĩ âm nhạc tại Đại học Cambridge và trở thành thành viên của Hiệp hội nhạc giao hưởng Hoàng gia. Năm năm sau, anh kết hôn với Mary Leake, con gái một nhà sản xuất bông phát đạt; họ có hai cô con gái. Một cô qua đời từ khi còn ẵm ngửa và cô còn lại ngày càng xa lánh cha. Bridgetower và vợ chia tay vào năm 1824.

Những năm về sau của Bridgetower rất ít được biết tới; hình như có lúc ông đã dừng biểu diễn và kiếm sống bằng việc dạy piano ở Rome và Paris. Trong một bức thư năm 1847 gửi cho Madame de Fauché, một người bạn nghệ sỹ, ông đã nửa đùa nửa thật về nhân dạng con lai của mình: “Nếu người mang lá thư này may mắn tìm thấy anh, hãy ủng hộ tôi bằng cách gửi thông điệp của anh qua cái người da không “đủ trắng” để thành ‘con hổ của tôi’, cũng không ‘đủ đen’ để thành ‘Thứ Sáu của tôi’, nhưng lại là Caliban đáng tin cậy lâu dài và trung thực nhất của tôi.” Việc ám chỉ đến nhân vật nửa người nửa thú trong vở Tempest của Shakespeare thật thấm thía: Khi hòn đảo của mình đột nhiên bị chiếm đóng, Caliban bị bắt làm nô lệ.

Bridgetower qua đời vào ngày 29/2/1860, trong một ngôi nhà trên một con phố nhỏ ở phía nam London; ông được chôn cất tại nghĩa trang Kensal Green. Giấy chứng tử gọi ông là một “quý ông”. Đến lúc đó, Beethoven đã qua đời được 32 năm. Không rõ Bridgetower có từng chơi lại Sonata “Kreutzer” không hay liệu ông có liên lạc với Beethoven sau chuyện bất hòa không. Tất cả những gì chúng ta biết là vào ngày 24/5/1803, hai nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc đã làm đám đông phải sững sờ bằng kỹ thuật điêu luyện đến thót tim của họ. Một người trong số họ đã đi vào lịch sử.

N.A (HNS)

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

* Tác giả tiểu thuyết “The Woman in the Moonlight”.

1. Nguyên văn: “Concert Spirituel”, một trong những chuỗi hòa nhạc dành cho công chúng đầu tiên từng được tổ chức. Các buổi hòa nhạc tâm linh bắt đầu ở Paris vào năm 1725 và kết thúc vào năm 1790; về sau các buổi hòa nhạc hay chuỗi hòa nhạc cùng tên được tổ chức ở Paris, Vienna, London và những nơi khác.

2. Vở oratorio này của Handel có 3 phần.

3. Bernhard Heinrich Romberg (1767–1841): nghệ sỹ cello và nhà soạn nhạc người Đức.

Nhận xét