"Ở NHÀ MỘT MÌNH" TRÒN 30 TUỔI - BẠN ĐÃ CẢM THẤY MÌNH GIÀ CHƯA?

Năm nay, “Home Alone” tròn 30 tuổi. Tác phẩm điện ảnh mới được The Independent bầu vào vị trí thứ hai trong danh sách các bộ phim Giáng sinh kinh điển.

Tại Ba Lan, Home Alone (tựa Việt: Ở nhà một mình) được xem như một bộ phim Giáng sinh kinh điển và lên sóng truyền hình quốc gia mỗi dịp cuối năm trong suốt gần ba thập niên vừa qua.

Ngày 23/11/2011, tác phẩm thu hút 5 triệu lượt người theo dõi và lập kỷ lục “Chương trình hút khách nhất mùa Giáng sinh” ở Ba Lan. Tại thời điểm đó, Home Alone đã ra đời được 21 năm và có vô vàn bộ phim gia đình mang bầu không khí lễ hội khác được sản xuất kể từ sau 1990.

Tuy nhiên, 30 năm sau ngày đầu ra mắt, Home Alone vẫn có sức sống đặc biệt trong mỗi mùa Giáng sinh, không chỉ ở Ba Lan, mà còn tại nhiều nơi trên thế giới.

Thành công không ngờ tới

Trên tờ Time năm 1990, nhà biên kịch quá cố John Hughes từng chia sẻ về ý tưởng khi ông viết kịch bản Home Alone: “Trước một chuyến du lịch, tôi lên danh sách những thứ không được để quên và tự nhủ rằng mình không được quên… các con. Rồi tôi tự hỏi, ‘Nếu mình để quên cậu con trai 10 tuổi ở nhà thì sao? Thằng bé sẽ làm gì nhỉ?’”.

Kết quả là Hughes lập tức triển khai ý tưởng và hoàn tất kịch bản đầu tiên chỉ trong vòng chín ngày.

Trung tâm của Home Alone là cậu bé Kevin (Macaulay Culkin) bị gia đình bỏ quên trong một kỳ nghỉ và phải đương đầu với hai tên trộm Harry (Joe Pesci) - Marv (Daniel Stern) âm mưu đột nhập vào căn nhà không còn người lớn.

Không một ai trong đội ngũ sản xuất có thể tưởng tượng Home Alone lại thành công đến thế.

Nội dung phim rất đơn giản, kinh phí sản xuất khiêm tốn chỉ 18 triệu USD. Nhưng thành công của Home Alone thì không ai có thể ngờ tới. Bộ phim thu tới 476 triệu USD toàn cầu để nắm giữ kỷ lục phim hài người đóng (live-action) ăn khách nhất lịch sử cho đến khi bị The Hangover Part II vượt qua vào năm 2011.

Trong năm 1990, Home Alone là phim ăn khách nhất khu vực Bắc Mỹ và lập kỳ tích giữ ngôi đầu phòng vé 11 tuần liên tiếp kể từ giữa tháng 11 cho đến hết kỳ nghỉ Giáng sinh. Tác phẩm cũng giữ vị trí thứ ba trong danh sách những bộ phim ăn khách nhất lịch sử tính tới thời điểm đó.

Khi ra mắt dưới định dạng băng đĩa cuối năm 1991, phim tiếp tục giúp 20th Century Fox kiếm thêm 150 triệu USD. Lượng người mua đứt băng đĩa Home Alone cực lớn khi phim bán ra tới 11 triệu bản. Điều đó cho thấy nhu cầu xem lại bộ phim lớn tới nhường nào.

Ngần ấy thành công kể trên quả là không tưởng đối với toàn bộ đoàn làm phim. Với đạo diễn Chris Columbus, đây mới chỉ là tác phẩm thứ ba do ông trực tiếp làm đạo diễn.

Theo IMDb, ông từng chán nản với kết quả phòng vé của hai bộ phim trước tới mức nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Hai tài tử Pesci và Stern đều không cho rằng Home Alone sẽ ăn khách nên cố ý diễn lố khi vào vai nhóm trộm Wet Bandits. Việc bộ phim đại thắng tại phòng vé và nhận hai đề cử Oscar, hai đề cử Quả cầu Vàng quả là vượt xa kỳ vọng ban đầu.

Bức ảnh "gói gọn" thập niên 1990.

Hệ quả là hai năm sau, phần tiếp theo mang tên Home Alone 2: Lost in New York tiếp tục ra mắt và đại náo phòng vé với tổng doanh thu 359 triệu USD. Nhờ hai bộ phim bom tấn dành cho gia đình, Macaulay Culkin vụt sáng trở thành ngôi sao nhí nổi tiếng bậc nhất hành tinh.

Hình ảnh cậu nhóc Kevin đưa hai tay lên má hét lớn được trích từ trường đoạn nghịch ngợm thử đồ cạo râu của bố là một trong những tấm poster dễ nhận ra nhất trong lịch sử điện ảnh.

Tên tuổi của Culkin đầu thập niên 1990 được so sánh với huyền thoại Shirley Temple những năm 1930, khi cả hai đều là những sao nhí tâm điểm tại phòng vé.

Nam diễn viên sinh năm 1980 trở thành bạn với siêu sao Michael Jackson. Và tấm hình chụp chung giữa anh, Jackson, cùng ngôi sao bóng rổ Michael Jordan được dân mạng gọi là “hình ảnh đại diện nhất cho thập niên 1990”.

Liệu có thể tái lặp thành công?

Điều đáng tiếc là với nhiều thành viên của hai phần đầu Home Alone, đó đều là đỉnh cao sự nghiệp của họ. Hai trường hợp ngoại lệ hiếm hoi là Joe Pesci khi ông vẫn cho thấy đẳng cấp với The Irishman (2019), và nhà soạn nhạc tài ba John Williams.

Sau Home Alone, đạo diễn Columbus gặt hái thêm thành công thương mại cùng Mrs. Doubtfire và hai phần đầu của loạt Harry Potter. Song, giới chuyên môn nhận định công lớn thuộc về tài tử quá cố Robin Williams (với Mrs. Doubtfire) và nguyên tác văn học của J.K. Rowling (với Harry Potter).

Trong 10 năm qua, Chris Columbus chỉ cho ra mắt vỏn vẹn ba tác phẩm mà không để lại tiếng vang nào đáng kể. Nhà biên kịch quá cố John Hughes từng viết tiếp Home Alone 3 (1997) với dàn diễn viên mới (trong đó Scarlett Johansson sắm một vai phụ), nhưng phim chỉ được đánh giá ở mức trung bình cùng doanh thu không quá 100 triệu USD.

Macaulay Culkin không có thêm tác phẩm nào nổi bật sau hai tập Home Alone.

Nam diễn viên chính Macaulay Culkin thì không vượt qua nổi cái bóng quá lớn của Kevin. Anh có quãng nghỉ đóng phim từ 1994 tới 2003 bởi “muốn có một cuộc sống bình thường”. Những dự án khi tái xuất của Culkin, từ điện ảnh tới âm nhạc, đều không mấy thành công.

Bản thân anh chịu nhiều tai tiếng khi từng kiện cha đẻ do bị ông tát lúc 15 tuổi, kết hôn khi mới 17 tuổi rồi ly hôn chỉ sau hai năm, bị kết tội tàng trữ ma túy năm 2004, cùng hình ảnh tiều tụy, hốc hác khó nhận ra lúc trưởng thành.

Hôm 27/8, Culkin viết trên trang Twitter cá nhân: “Chào mọi người, có muốn nghe điều này để cảm thấy già không? Tôi đã tròn 40 tuổi rồi”. Dòng tweet nhận hơn 3,3 triệu lượt “thích”, cao thứ bảy trong lịch sử mạng xã hội này.

Điều đó phần nào cho thấy những người yêu mến Macaulay Culkin đều muốn giữ nguyên hình ảnh cậu nhóc Kevin lém lỉnh, lắm mưu mẹo trong Home Alone. Bộ phim là tác phẩm kinh điển hiện đại của mùa Giáng sinh. Trong một cuộc bình chọn những bộ phim Giáng sinh hay nhất mọi thời đại mới đây của tờ The Independent, Home Alone chỉ xếp sau kiệt tác It's a Wonderful Life (1946).

"Chào mọi người, có muốn nghe điều này để cảm thấy già không? Tôi đã tròn 40 tuổi rồi", nam diễn viên viết trên trang cá nhân hồi tháng 8.

Thành công của Home Alone là không thể lặp lại, như đạo diễn Chris Columbus gần đây lên tiếng về kế hoạch tái khởi động thương hiệu của Disney. Ông nhận định: “Làm lại phim để làm gì? Tôi tin rằng bạn không nên làm lại những bộ phim có sức sống mãnh liệt như Home Alone. Thành công đó là không thể lặp lại và tốt nhất là hãy thực hiện một điều gì đó mới mẻ. Kể cả khi họ thất bại, thì chí ít đó cũng là một ý tưởng khác biệt”.

Quả thực, nếu ở thời hiện đại, câu chuyện trong Home Alone sẽ khác đi rất nhiều với sự xuất hiện của điện thoại thông minh và Internet. Gia đình Kevin sẽ không phải xếp hàng chờ gọi điện thoại quốc tế tại Paris, Pháp trong sự bất lực, và họ có thể dễ dàng liên hệ người thân, hàng xóm hay thậm chí cảnh sát để tới chăm sóc con mình. Các thiết bị camera an ninh được lắp đặt khắp nơi sẽ khiến kế hoạch của nhóm trộm Wet Bandits trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Phản ứng của khán giả hiện đại cũng có thể rất khác với nỗi sợ con em học theo các trò chơi khăm có phần bạo lực mà Kevin dành cho lũ trộm. Người hâm mộ có lần bình luận vui rằng Kevin khi trưởng thành chính là… ông trùm Jigsaw của loạt kinh dị Saw với hàng loạt màn thử thách, tra tấn quái ác.

Sức sống đến từ ước mơ của mọi trẻ em

Thành công của Home Alone là kết quả hội tụ từ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Khán giả đủ mọi lứa tuổi đều có thể thấy thích thú với các chi tiết trong phim, đặc biệt là kế hoạch đối phó với nhóm trộm của cậu nhóc tám tuổi.

Với khán giả trưởng thành, yếu tố hài hước hay sự đồng cảm với tâm trạng của người mẹ khi bỏ quên con là những điểm cộng. Với khán giả nhí, cách cậu nhóc Kevin làm chủ ngôi nhà, làm bất cứ thứ gì mình thích, xem phim và tạp chí cấm, ăn uống tùy hứng... không khác nào giấc mơ trở thành hiện thực.

Được ở nhà một mình, thỏa sức làm bất cứ điều gì mình muốn như Kevin có lẽ là ước mơ của mọi con trẻ.

Cách Home Alone xử lý những mối quan hệ trong phim cũng đề cao tình cảm gia đình. Từ một cậu nhóc giận dỗi cả nhà đến mức ước gì được ở một mình, Kevin hạnh phúc biết bao khi gặp lại mẹ và cả những ông anh bà chị hay bắt nạt mình. Nhân vật phụ là ông già Marley ở đầu phim bị gắn mác “kẻ sát nhân” hoá ra là người tốt và được đoàn tụ cùng con cháu sau thời gian dài không nói chuyện.

Sự đoàn viên trong phim không chỉ mang tới niềm vui đêm Giáng sinh cho các nhân vật, mà còn lan tỏa sự ấm áp tới những người ngồi phía trước màn ảnh. Suy cho cùng, Giáng sinh là dịp để những người yêu thương quây quần bên nhau, ăn uống vui vẻ, trao nhau món quà và quên đi điều buồn bã.

Đoàn làm phim Home Alone chủ động gợi nhắc không khí Giáng sinh khi bố trí các đồ vật nội thất, trang trí đều mang sắc đỏ và xanh của mùa lễ hội. Nhưng thứ đọng lại mãi trong tâm trí khán giả có lẽ vẫn là ký ức ấm áp, vui vẻ khi lần đầu theo dõi bộ phim cùng gia đình.

Vì lẽ đó, Home Alone vẫn sẽ có sức sống, không chỉ dừng lại sau khi tròn 30 tuổi, như cách It's a Wonderful Life luôn khiến khán giả mỉm cười khi nhớ lại cái kết dù đã ra đời từ năm 1946.

T.J (Z)

Nhận xét