Tranh cãi không ngừng khi chọn chó Nhật lên phim "Cậu Vàng''

Lựa chọn giống chó Nhật vào vai cậu Vàng sau nhiều tranh cãi, khi lên phim, chú chó diễn tốt các tình huống đối đầu, chống trả nhưng chưa đủ xúc động.

Tranh cãi gay gắt khi phim ra rạp

Từ trước khi ra rạp, phim Cậu Vàng vướng nhiều tranh cãi khi chọn giống chó Shiba của Nhật đảm nhận vai cậu Vàng. Sau khi dư luận phản ứng, đoàn phim cho biết đã ghi nhận ý kiến, và có đưa ra nhiều giải thích về sự chọn lựa sau cùng.

Đạo diễn Vũ Thuỷ của phim cho biết anh trăn trở rất nhiều trước phản ứng gay gắt của dư luận, nhiều thời điểm căng thẳng tưởng chừng muốn bỏ cuộc. Về lý do vẫn chọn chú chó Shiba, nam đạo diễn nói chú chó này đảm nhận tốt các cảnh chống trả, rượt đuổi nhưng đồng thời cũng diễn được những tình huống cần lấy cảm xúc của người xem. So với nhiều giống chó khác khi casting, nam đạo diễn nói cậu Vàng hiện tại phù hợp và đảm bảo nhiều nhất yêu cầu "khó nhằn" từ kịch bản.

Trên phim, cậu Vàng là nhân vật "vào sinh, ra tử" với Lão Hạc trong nhiều năm sau khi Cò, con trai của lão bỏ trốn vì lỡ đánh Lý Cường, quý tử của Bá Kiến. Cậu Vàng là người biết cách an ủi, bảo vệ Lão Hạc dẫu có khi, cậu bị xem như món hàng hoá bị ông chủ xua đuổi, dứt lòng bán đi. Trên phim, cậu Vàng có một số cảnh quay xuất thần, tạo bất ngờ cho người xem về diễn xuất trên gương mặt, hay cảnh đối đầu với bọn người làm của nhà Bá Kiến. 

Tuy nhiên, ở những phân đoạn cần cảm xúc, nhân vật đặc biệt này của phim chưa thể lột tả tâm trạng, làm hụt đi phần nào sự kỳ vọng từ phía người xem. Điều này một phần phụ thuộc vào kịch bản chưa đủ sâu để khán giả thấy được sự day dứt, túng quẫn của Lão Hạc khi phải bán đi chú chó là người thân duy nhất. Ngoài ra, công nghệ xử lý hình ảnh của phim chưa đủ tầm để can thiệp vào các chi tiết đặc tả ánh mắt, nét mặt của chú chó như các phim nước ngoài từng làm, nhằm hỗ trợ các diễn viên động vật hoàn thiện diễn xuất. 

Trên các diễn đàn về phim vẫn liên tục bàn tán về sự xuất hiện của cậu Vàng từ nguồn gốc cho đến phần diễn xuất. Khán giả vẫn khá gay gắt khi chú chó Shiba trên phim có phần mập mạp, thấp bé khác với ngoại hình như tưởng tượng trong nguyên tác - thời điểm nạn đói 1945. Một bộ phận người xem vẫn giữ ý kiến muốn ê-kíp lựa chọn giống chó thuần Việt đảm nhận vai cậu Vàng để tác phẩm thuyết phục hơn.

Tuyến phản diện nổi bật, cảnh quay đẹp nhưng thiếu cảm xúc

Phim khai thác câu chuyện về cuộc sống cơ cực của Lão Hạc và chú chó trung thành tại làng Vũ Đại. Nhưng không dừng lại ở đó, Cậu Vàng còn tạo thêm tình huống, xây dựng nhiều tuyến nhân vật để tác phẩm khi chuyển thể được mượt mà, lớp lang hơn. Sự xuất hiện của bà Ba (Băng Di), một người phụ nữ miền Nam bị gả bán đến gia đình Bá Kiến là chi tiết giúp câu chuyện mới mẻ hơn so với nguyên tác, tạo tình huống để các nhân vật diễn tiến tâm lý.

Trên phim, thế đối đấu giữa Bá Kiến - đại diện cho tầng lớp có tiền, có quyền được khắc hoạ đậm nét hơn tuyến những người dân cùng khổ trong xã hội. Ở “phe” phản diện, Bá Kiến (NSƯT Hữu Châu) và con trai Lý Cường (ca sĩ Will) diễn xuất tốt ở gương mặt, đặc biệt là ánh mắt "biết nói". Khâu lồng tiếng cho 2 nghệ sĩ này đáng giành được lời khen ngợi vì vừa khớp khẩu hình, vừa giàu cảm xúc, lột tả sự điêu ngoa, gian xảo của cả hai cha con chỉ bằng mặt nhưng không bao giờ bằng lòng. 

Cậu Vàng và Lão Hạc trên phim.

Điểm cộng tiếp theo của phim dành cho việc chọn bối cảnh quay phù hợp với xã hội Việt Nam những năm 1945. Trên phim, ngoài những cảnh trí có sẵn tại phim trường ở Đường Lâm (Hà Nội) và Ninh Bình, ê-kíp cho xây dựng thêm nhiều bối cảnh quay khác như cánh đồng hoa cải, ngôi nhà lụp xụp của Lão Hạc...

Cùng với bối cảnh, một số tạo hình nhân vật trên phim Cậu Vàng khá ấn tượng như vai Lão Hạc của nghệ sĩ Viết Liên, hay vai Cải - người giúp việc. Ở Lão Hạc, tạo hình của ông mang vẻ khắc khổ, lam lũ đúng hệt như những gì khán giả vẫn thường hình dung về nhân vật gốc trong tác phẩm của Nam Cao. Cải, người giúp việc của bà Ba mang vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt, phù hợp với thời điểm diễn ra câu chuyện.

Nhưng điểm mạnh về tạo hình trên phim cũng là điểm đáng tiếc khi không có sự đồng đều, đặc biệt ở nhân vật bà Ba do Băng Di thủ vai. Trên phim, cô được trang điểm khá đậm, nhiều chi tiết trên gương mặt mang vẻ đẹp hiện đại, can thiệp thẩm mỹ nên khó để người xem tin đó là dung mạo của người phụ nữ của những thập niên 1930 - 1940.


NSƯT Hữu Châu và Will đảm nhận tuyến phản diện trên phim.

Phim Cậu Vàng không chỉ dừng ở nguyên tác, điều này minh chứng cho sức sáng tạo của biên kịch nhưng cũng trở thành điểm yếu của tác phẩm. Khi dành thời lượng để giới thiệu các nhân vật, phim bắt đầu thiếu sự tập trung cho tuyến chính, ở đây là cậu Vàng và Lão Hạc, nên đôi lúc, cả hai trở thành nhân vật phụ mờ nhạt sau chuyện tình của bà Ba. Nhân vật Lý Cường cũng được biên kịch tạo nhiều đất diễn, xuất hiện dày trên phim, thậm chí trở thành nhân vật chủ chốt gây ra các tình huống oái oăm cho tuyến nhân vật chính.

Phim Cậu Vàng có nhiều điểm cộng dành cho bối cảnh, diễn viên, nhạc phim, trang phục nhưng mọi thứ chỉ đang dừng ở mức ổn về mặt hình thức, còn ở khía cạnh cảm xúc, phim chưa đủ lay động người xem.

Nếu chờ đợi cuộc chia ly đầy đớn đau, xúc cảm giữa cậu Vàng và Lão Hạc hay nhìn lại một quãng thời gian cực khổ của người dân Việt đến mức một lão nông phải bán đi con chó mà ông thương yêu hết mực thì e rằng, phim chưa đủ sức chuyển tải và đây là điểm đáng tiếc nhất.

Phim hiện đang chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc.

D.M (PNO)

Nhận xét