"Người nhân bản" - khi hai số phận gặp nhau trong bi kịch

Bộ phim xoay quanh một gã đàn ông đã ở đoạn cuối cuộc đời và người nhân bản bất tử đặt ra câu hỏi về giá trị cuộc đời mỗi con người.

Thể loại chính kịch tình cảm (melodrama) luôn là thế mạnh của điện ảnh Hàn Quốc. Ngược lại, dòng phim khoa học viễn tưởng (science fiction) vẫn cho thấy sự lép vế về cả quy mô lẫn số lượng tác phẩm có tầm ảnh hưởng quốc tế.

Năm 2021, bộ phim Seo Bok của đạo diễn Lee Yong Joo ra mắt. Tác phẩm là sự kết hợp giữa chất liệu khoa học viễn tưởng với một cốt truyện mang màu sắc melodrama.

Cặp nhân vật đối lập trên màn ảnh

Trong Seo Bok, tiến bộ trong công nghệ sinh học đã giúp các nhà khoa học tạo ra một sinh vật nhân bản với mã gene ưu việt. Sinh vật, mang hình dạng và trí thông minh của một con người, được đặt tên là Seo Bok (Park Bo Gum).

Giữa Ki Hun và Seo Bok là sự đối lập giữa chết và sống, hữu hạn và vô hạn, chán ghét và tò mò với cuộc sống.

Sự tồn tại của Seo Bok, cũng như thứ công nghệ tạo ra cậu, khiến một nhà khoa học bị ám sát. Để bảo vệ Seo Bok, Cục trưởng Cục Tình báo Hàn Quốc (Jo Woo Jin) đã tìm tới cựu mật vụ Ki Hun (Gong Yoo) đề nghị giúp đỡ. Đoàn xe chở Ki Hun và Seo Bok bất ngờ bị tấn công bởi một toán lính đánh thuê. Từ đây, những bí mật xoay quanh hai người dần lật mở.

Trên màn ảnh, Seo Bok và Ki Hun tạo nên một cặp đồng hành vừa đối lập, vừa bổ trợ cho nhau xét trên nhiều khía cạnh. Cả đời chôn chân trong phòng thí nghiệm, Seo Bok giống như tờ giấy trắng. Ngược lại, Ki Hun là tay mật vụ đã kinh qua trận mạc và nếm mùi khổ đau.

Seo Bok có mã gene ưu việt, giúp cậu vừa là phương thuốc chữa trị mọi căn bệnh, vừa là thực thể sống vĩnh cửu. Ngược lại, Ki Hun chỉ là người trần mắt thịt, đang ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư. Anh nhận bảo vệ Seo Bok để đổi lấy cơ hội được chữa trị từ tế bào của cậu.

Hai người, một mới ở mốc khởi đầu của cuộc đời vĩnh cửu, một đã như ngọn nến cháy tàn, trở thành bạn đồng hành bất đắc dĩ. Họ đi cùng nhau chưa quá 24 giờ đồng hồ, nhưng đó là chuyến phiêu lưu đáng giá cả cuộc đời.

Trên hành trình ấy, hai nhân vật không ngừng đặt ra những câu hỏi “Tại sao”. Rồi tới một khoảnh khắc, họ dừng việc chất vấn đối phương và bắt đầu nói về bản thân. Đó là lúc mà mọi câu hỏi tìm được đáp án.

Tiêu chuẩn nào định nghĩa nên một con người?

Vấn đề trong Seo Bok khá giống với câu hỏi “Liệu người máy có mơ về cừu điện không?” của Blade Runner (1982). Deckard (Harrison Ford) và Ki Hun đều là những con người hoài nghi về nhân tính của chính mình. Họ bẽ bàng nhận ra những sinh vật không được coi là nhân loại dường như chất chứa khao khát làm người mãnh liệt hơn mình.

Ki Hun là người bảo vệ cho Seo Bok. Ngược lại, Seo Bok có khả năng cứu sống Ki Hun.

Seo Bok là một sản phẩm từ phòng thí nghiệm. Cậu có nhận thức độc lập và tư duy phát triển. Người nhân bản ý thức được sự tồn tại của mình, không ngừng suy nghĩ về tương lai sau này. Và rồi cậu tò mò về cái chết.

Ở phía ngược lại, Ki Hun chỉ chuyên tâm tìm con đường sống, bởi anh biết cái chết đã đến rất gần, thậm chí đã suýt bắt kịp mình không ít lần.

Trong Seo Bok, khái niệm “khả tử” được đưa ra để định nghĩa con người. Con người là loài sinh vật duy nhất nhận thức được mình sẽ qua đời, Nhờ thế, khát vọng sống của một cá nhân sẽ càng trở nên mãnh liệt. Vì Seo Bok không thể chết, cậu không được coi là con người. Nhưng vẫn chiếu theo định nghĩa ấy, Seo Bok là con người, bởi cậu ý thức được cái chết.

Xuyên suốt bộ phim, người xem sẽ thấy nhiều vấn đề khó tìm lời giải cùng lúc xuất hiện: công thức định nghĩa một con người? Ham sống có phải một biểu hiện của lòng tham? Nỗi sợ hãi cái chết có thực sự khiến người ta trân trọng cuộc sống hơn?...

Một cách chậm rãi, phim đưa ra cách lý giải của riêng nó cho từng câu hỏi.

Tác phẩm điện ảnh chưa trọn vẹn

Seo Bok là bộ phim sẽ khiến người hâm mộ thể loại sci-fi cảm thấy hụt hẫng. Yếu tố khoa học viễn tưởng chỉ được sử dụng như một cái cớ để bắt đầu câu chuyện. Các nghiên cứu trong phim được dàn dựng hời hợt, thiếu thuyết phục.

Vai Seo Bok là lựa chọn mới lạ của Park Bo Gum.

Ngay việc Seo Bok bất tử cũng là tuyên bố đầy mâu thuẫn. Thực chất, cậu chỉ có thể duy trì sự trường sinh trong môi trường nuôi dưỡng của phòng thí nghiệm. Seo Bok sẽ thiệt mạng nếu gặp các vết thương nghiêm trọng hoặc không được tiêm thuốc ức chế đúng giờ.

Phần lớn bộ phim, Seo Bok và Ki Hun chạy trốn những mối hiểm nguy mà chính họ cũng chưa rõ mặt. Tuy nhiên, do tập trung xây dựng quan hệ giữa hai nhân vật chính, phim bỏ quên yếu tố hành động, giật gân trong hồi hai. Do không cảm nhận được mối đe dọa đang bủa vây Seo Bok và Ki Hun, khán giả khó đồng cảm với những giây phút yên bình hiếm hoi mà họ còn có bên nhau.

Seo Bok cũng gây thất vọng cho những khán giả mong chờ một bộ phim melodrama chất lượng. Bởi vấn đề Seo Bok và Ki Hun phải đối mặt quá trừu tượng, còn câu chuyện đời họ lại hé lộ rất muộn ở nửa sau bộ phim, khiến khán giả không kịp hiểu và đồng cảm với nhân vật. Kết quả, toàn bộ diễn biến ở hồi cuối phim trôi qua hời hợt, không đạt được hiệu quả tâm lý như đạo diễn kỳ vọng.

Trên màn ảnh, diễn xuất của Gong Yoo và Park Bo Gum đã phần nào cứu vãn nội dung chệch choạc của bộ phim. Gong Yoo thể hiện được sự mỏi mệt, chán nản, xen lẫn hoang mang của Ki Hun - gã đàn ông không ngừng tự trách móc, ghét bỏ bản thân vì những sai lầm trong quá khứ. Ham muốn sống với Ki Hun vừa là bản năng, lại vừa như tội lỗi.

Với Park Bo Gum, Seo Bok là phiên bản cô độc hơn của chàng kỳ thủ Choi Taek anh từng thủ vai thành công trong Reply 1988. Sự đối lập giữa vẻ ngoài thơ ngây, trầm mặc với nội tâm ngổn ngang suy nghĩ chính là sức hút của Seo Bok.

Về cuối phim, diễn xuất của Park Bo Gum có sự biến đổi. Nam diễn viên gây bất ngờ với hình ảnh kẻ hủy diệt với nội tâm phức tạp. Seo Bok không mong gì hơn một ai đó ngăn cản mình, chấm dứt nỗi thống khổ, để cuối cùng nhân vật có được giấc ngủ đầu tiên trong cuộc đời.

Giấc ngủ đầu tiên và cũng là mãi mãi ấy, biết đâu cũng chính là tấm giấy thông hành, chứng nhận Seo Bok giờ đây đã trọn vẹn là một con người.

H.A (Z)

Nhận xét