Người đàn bà cũ hát nhạc cũ

Sự sôi nổi, máu lửa ngày trước nay nhường chỗ cho Phương Thanh đằm thắm, sâu lắng hơn trong "Trống vắng - Những ca khúc đỉnh nhất thập niên 90".

Dấu vết của thời gian có thể hằn lên giọng hát nhưng giá trị chúng mang lại là chiều sâu, khi con người đã đi qua và nếm trải đủ mùi vị của cuộc đời.

Gần mười năm Phương Thanh vắng mặt trên thị trường băng đĩa. Bỗng một ngày, nhạc sĩ Nguyễn Hà gọi, bảo: “Chanh, hay mình làm gì cho âm nhạc đi”. Chị gật đầu. Cả hai quyết định sản xuất album, không có kế hoạch trước, cũng chẳng có sự tính toán nào - một sự ngẫu hứng rất Phương Thanh.

Nghe qua có vẻ mạo hiểm nhưng nhờ vậy họ không mang gánh nặng nào. Mười năm mới trở lại, nên phải thật mới, phải bùng nổ để ghi dấu ấn bởi với thị trường? Nhưng không, chị hát toàn bài cũ. Đêm lao xao, Ta chẳng còn ai, Trống vắng, Giã từ dĩ vãng... - tám ca khúc trong album đã quá quen thuộc với khán giả; thậm chí có khi họ nghe đã hàng trăm lần. 

“Tài sản” hơn 30 năm đi hát của Phương Thanh tất nhiên nhiều hơn thế. Những ca khúc được chọn hết sức ngẫu nhiên: Phương Thanh nhớ bài nào, Nguyễn Hà ghi vào danh sách, đủ tám thì dừng. 

Người cũ, bài hát cũng cũ nốt nhưng nhạc được phối mới hoàn toàn, theo phong cách acoustic, giúp Phương Thanh mới mẻ hơn trong sản phẩm này. Chất giọng rền, ấm nhưng vang của chị vẫn không khác ngày trước là bao nhưng tình cảm đầy hơn. Khán giả như thấy trong từng câu hát một gương mặt đàn bà đằm thắm, dịu dàng và sâu sắc. 

Chị không còn là ca sĩ ngôi sao luôn khuấy động sân khấu mà trở thành người kể chuyện, để bước vào tâm hồn người nghe một cách tự nhiên, nhẹ nhàng giữa tiếng kèn, ghi-ta, sáo trúc... xen vào đó là tiếng gió, tiếng mưa rất thật. Có lúc, người nghe như lạc giữa khu phố nhỏ sầm uất không tên ở Sài Gòn; có khi lại như đang đắm mình trong đêm tĩnh mịch, lắng nghe tâm hồn vụn vỡ trước những dở dang trong tình yêu.

Hình ảnh Phương Thanh với chiếc đầm đen đơn giản, tóc cắt mái ngang hát Ta chẳng còn ai trên sân khấu Duyên dáng Việt Nam 1999 hẳn là một phần ký ức khó quên của nhiều khán giả thế hệ 7X, 8X. Hơn 20 năm, những ca từ, giai điệu rất đẹp của Đức Trí vẫn còn vẹn nguyên. Nhưng nếu Phương Thanh của tuổi 26 như cố tìm cách thoát khỏi nỗi đau, gồng mình để chống chọi thông qua sự gằn giọng, đẩy nốt cao, ngắt quãng gọn ghẽ thì Phương Thanh hôm nay ngân nga tình cảm hơn, sự mạnh mẽ giờ được gói ghém trong trạng thái điềm tĩnh.  

Với Trống vắng - Những ca khúc đỉnh nhất thập niên 90, Phương Thanh hát mềm, lả lướt nhiều hơn, có lúc như hát, có khi như đang thì thầm kể chuyện. Có lẽ vì thế, nỗi đau, sự cô đơn, hờn trách cũng trở nên nhẹ nhàng như sóng gợn mặt hồ thay vì cuồn cuộn dâng trào như ngày Phương Thanh đôi mươi. Âm thanh được giữ rất thật nên mọi thứ không quá tròn trịa. Vậy mà chính những vết xước nhỏ đó lại dễ khiến người nghe rung cảm hơn.

Trống vắng - Những ca khúc đỉnh nhất thập niên 90 như một tấm vé đưa khán giả trở về ngày xưa. Nơi đó, có một cô gái đang đứng giữa những sự lựa chọn trong tình yêu, có một chàng trai với mối tình đầu vụn vỡ... Họ thấy mình và cũng thấy Phương Thanh đã khác đi rất nhiều sau ngần ấy năm.

T.L (PNO)

Nhận xét