'No nê': Dấu ấn quan trọng của Suboi

Đã bảy năm kể từ "Run" và bốn năm từ dự án mới nhất EP 2.7, Suboi mới trở lại với album phòng thu thứ ba mang tên "No nê". Với đĩa nhạc này, ta có thể thấy một Suboi trưởng thành và hoàn toàn mới mẻ.

Ký hợp đồng với Music Faces năm 19 tuổi, bật lên từ bản hit Xin hãy thứ tha cùng Hồ Ngọc Hà, có thể thấy nếu Walk là màn chào sân đầy sôi động, Run chậm lại ở ngưỡng trưởng thành, 2.7 đào sâu thêm nỗi khắc khoải, thì với No nê, ta có thể thấy một Suboi vừa đậm đà vừa mới mẻ, với những câu chuyện bên trong, đồng thời cũng mở rộng ra bên ngoài.

Hành trình của No nê có thể được xem như bắt nguồn từ N-sao? - bản rap dường như thay đổi một cách toàn diện, một màn chào sân quay lại làm thoái lui hết mọi tác phẩm trước đây của cô. Và album lần này cũng hệt như thế, khi nó vừa chứa đựng sự nhí nhảnh, vừa có cả tính phê phán, những yếu tố vốn làm nên thương hiệu Suboi.

No nê có cả sự sâu sắc, trải đời, chững chạc và đào sâu hơn vào thế giới nội tâm của một người trưởng thành. Hơn tám năm qua là hành trình đi tìm giọng nói, tiếng rap và phong cách viết của Su, do đó No nê đánh dấu một chặng đường quan trọng, một cầu nối cho những biến động bên trong tâm hồn người nghệ sĩ.

No nê dựa trên ý tưởng dùng các hương vị để đại diện cho những trải nghiệm cảm giác xuất phát từ trái tim cô. Ở đó có vị đắng của những bất công tồn tại, có vị cay của khởi đầu khó khăn, có vị mặn của những lao thân ở ngã ba đường, có vị chua của nhiều biến động, và sau rốt là vị ngọt của hạnh phúc. Từng bài hát như những đại diện cho các câu chuyện nhỏ, được sản xuất chính bởi ba nhà sản xuất tài năng Zach Golden, Pat McCusker và Billy Scher tại New York.

Khởi đầu bằng Công, Suboi tự khẳng định mình - một young Vietnamese lady, một con người ngổ ngáo mà dường như mọi tiêu chuẩn đều không phù hợp. Trên nền bản phối đầy tính tiên phong futuristic và một chút máy móc robotic, cô khẳng định mỗi người là một tiếng nói riêng, họ có quyền sống cho bản thân mà không bị phán xét bởi bất kỳ ai.

Tiếp theo, Cho Không - một bản funky đầy vui nhộn, lại là một niềm thôi thúc phơi bày sự tự tin ở mỗi người, đồng thời nhắn gửi các bạn trẻ về một thể trạng không có gì để mất. Họ có thể thiếu thốn, nhưng rồi vấp ngã sẽ khiến họ nhận ra điều gì thích hợp với bản thân. N-sao? lại là bài ca đặc tính Sài Gòn với Vinja, bia hơi, xe ba gác, nhạc hải ngoại, khu phố Tây… và cả những thực trạng đang là nỗi băn khoăn của xã hội, như sự vô cảm và các trò lọc lừa trong đời sống.

Sài Gòn trước giờ vẫn như một định danh của cá nhân Su, đến nay cũng đã thay đổi một cách chóng vánh. Tuyên ngôn nữ quyền của album này được thể hiện rõ nhất trong Sickerrr - bài hát với những âm bass synth trầm kìm nén, để rồi đoạn drop được đẩy bùng nổ, nhằm phê phán những cô công chúa chỉ biết hưởng thụ mà thiếu sự năng động và cá tính cần có ở mỗi cá nhân.

Về phối khí, có thể thấy rõ những sáng tạo độc đáo của các nhà sản xuất, khi họ kết hợp được âm thanh điện tử với các nhạc cụ truyền thống gồm bộ gõ, đàn tranh; để trên nền ấy, những âm hưởng phương Đông được tạo tác một cách rõ ràng. Những tiểu tiết như tiếng guitar thô mộc của Lava hay các note piano jazz trong Cho Không tuy nhỏ nhưng đầy tinh tế. Thế giới quan và nhân sinh quan mà Suboi mong muốn gửi gắm cũng được thể hiện một cách rõ ràng, với những chìm nổi của quãng thời gian ở trọ trần gian lặp đi lặp lại như một vòng tròn, để rồi tất cả chỉ là sương mai trong gian không của đời sống vô thường.

Với những điều trên, Suboi chứng tỏ khả năng bậc thầy của mình, sau những học hỏi từ khắp nơi, bằng việc đưa thế giới quan vào một thể loại đậm tính đường phố như rap - hip hop. Trở về chủ đề quen thuộc của thể loại này - tình yêu - Suboi cũng tạo được dấu ấn nhất định với những lời rap cô đọng và sâu sắc. Điều này thể hiện rõ nhất ở Bet on me.

Bên cạnh đó, Su cũng cho thấy cách thể hiện đa sắc diện ở những bài hát: khi thủ thỉ tâm tình trong Best Friends hát về tình yêu với người chồng hiện tại; nhưng cũng có lúc đầy gợi cảm trong Lava và nhiều chìm đắm trong biến chuyển của Diều. Âm nhạc của Suboi có thể định nghĩa là dành cho tất cả mọi người, dù đã quen với rap hay chưa, khi nó vừa có sự mạnh mẽ phê phán, nhưng cũng đầy dịu dàng, mềm mỏng.

Là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên có banner trên Apple Music, người đầu tiên có hình ảnh xuất hiện ở Quảng trường Thời Đại, là nghệ sĩ Đông Nam Á đầu tiên phát hành single trên kênh radio lớn nhất thế giới của Apple Music, hay gần đây nhất là xuất hiện trong chiến dịch thúc đẩy bình đẳng giới Equal của Spotify tại New York; có thể thấy Suboi bên cạnh thứ âm nhạc văn minh và nhiều tìm tòi, cũng đang đồng thời là cầu nối quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Có thể thấy ở cách cô kết hợp rap - hiphop với các bản phối sử dụng nhạc cụ dân tộc, cách cô lựa chọn và điều chỉnh ngữ âm miền Nam, cách các visualizer video được thực hiện ấn tượng mang đậm phong cách phương Đông, với sự giúp sức của những nữ đạo diễn cá tính và đầy tài năng như Thảo Đan hay Sally Trần.

No nê là những tiếng lòng riêng dồn nén bấy lâu nay của Suboi. Từ những bài ca đề cập đến những vấn đề thời sự xã hội đến các trải nghiệm cá nhân, thông điệp dễ nhận diện ở các ca khúc là sau những va vấp và các thất bại, sức mạnh lớn nhất luôn nằm ở việc tha thứ, lòng yêu thương và sự buông bỏ. Có lẽ không quá khi đưa ra nhận xét đây là một trong những album hay nhất năm nay (tính đến thời điểm này). Một cầu nối nối dài văn hóa, và dĩ nhiên, một cá tính nghệ sĩ vô cùng táo bạo. 

Ngô Minh (PNO)

Nhận xét