Ngày 20/7 năm nay là cột mốc đáng nhớ trong làng hoạt hình Nhật và cả thế giới. Đó là kỷ niệm 20 năm ngày phát hành Spirited Away (tựa Nhật: Sen to Chihiro no Kamikakushi), tuyệt phẩm của bậc thầy Hayao Miyazaki. Hoạt hình dài 125 phút đã chinh phục hoàn toàn giới điện ảnh lẫn khán giả, thường xuyên nằm ở bảng xếp hạng các phim xuất sắc trong lịch sử.
Năm 2017, tờ New York Times chọn Spirited Away là phim hay nhì của thế kỷ 21 tính đến lúc đó. Năm 2016, BBC xếp nó ở vị trí thứ tư trong cuộc bình chọn tương tự. Spirited Away là phim duy nhất không nói tiếng Anh từng thắng giải Oscar hoạt hình, đồng thời là đồng chủ nhân giải Gấu Vàng danh giá ở LHP Berlin (Đức) năm 2002.
Sức hút của bộ phim với công chúng cũng dường như vượt thời gian. Tháng 6/2019, tức 18 năm sau ngày ra mắt, Spirited Away mới công chiếu ở Trung Quốc. Dù là phim cũ, nó bất ngờ gây sốt, dẫn đầu phòng vé cuối tuần và cuối cùng thu hơn 70 triệu USD.
Kiệt tác của trí tưởng tượng
Nhân vật trung tâm của phim là Chihiro, cô bé 10 tuổi đang cùng gia đình chuyển nhà thì lạc vào công viên bỏ hoang. Do ngấu nghiến thức ăn ở đó, bố mẹ cô bị biến thành heo và mắc kẹt ở vùng đất thần kỳ. Để cứu bố mẹ, Chihiro phải kiếm việc làm trong thế giới của các thực thể kỳ lạ, được cai trị bởi phù thủy khắc nghiệt Yubaba. Bà ta buộc Chihiro từ bỏ danh tính và phải mang tên “Sen”. Cô bé quyết tâm cứu bố mẹ mình, với sự giúp đỡ từ chàng trai bí ẩn Haku.
Hayao Miyazaki hoàn thành cả hai công việc: tạo ra một thế giới đầy hấp dẫn để người xem đắm mình vào, lẫn cài cắm những ẩn ý đáng suy ngẫm về xã hội. Spirited Away ra đời ở đỉnh cao sáng tạo của tác giả người Nhật. Ông xây dựng thế giới trong phim dựa trên các truyền thuyết của Thần đạo và Phật giáo Nhật Bản.
“Thời ông bà chúng tôi, họ tin rằng kami (linh hồn trong Thần đạo) hiện diện ở mọi nơi, từ cây cối, sông ngòi, côn trùng, giếng. Thế hệ chúng tôi không tin điều đó, nhưng tôi thích ý tưởng chúng ta nên trân trọng mọi thứ vì các linh hồn có thể tồn tại ở đó. Và chúng ta nên quý trọng mọi thứ vì chúng đều có một kiểu sự sống nào đó”, Miyazaki giải thích trên Journal of Religion & Film.
Óc tưởng tượng của Miyazaki khiến tác phẩm vẽ tay cực kỳ phong phú về phần hình ảnh. Ở từng chặng của câu chuyện, người xem được chiêm ngưỡng các thực thể kỳ lạ, từ phù thủy Yubaba với chiếc đầu to lớn, mũi khoằm, những con thú được nhân cách hóa, ba chiếc đầu người nhảy nhót, ông Kamaji với chân tay dài như nhện, hay rồng Haku theo kiểu phương Đông với cốt cách quý phái.
Trên New York Times, Guillermo del Toro, một bậc thầy về tạo hình quái vật ở Hollywood, đã tán dương Miyazaki: “Ông ấy có cách tiếp cận tạo hình quái vật độc nhất vô nhị. Thiết kế của chúng hoàn toàn mới nhưng tạo cảm giác bắt nguồn từ truyền thuyết cổ xưa. Chúng có vẻ như đại diện cho các thế lực nguyên thủy và những linh hồn bắt nguồn từ đất, gió và nước. Chúng mang tính chất của các nguyên tố tự nhiên”.
Một nhân vật của phim đã đi vào văn hóa đại chúng là Vô Diện với chiếc mặt nạ trắng đặc trưng, thân thể màu đen giống chiếc ống, có thể biến đổi tùy theo ảnh hưởng của người tiếp xúc. Mỗi mùa Halloween, nhiều người ở cả phương Tây lẫn phương Đông chọn nhân vật này để hóa trang.
Vô Diện là sáng tạo riêng của Miyazaki chứ không lấy từ thần thoại. Trong họp báo ra mắt phim ở Nhật, ông giải thích cảm hứng của nhân vật: “Tôi nghĩ có một chút Vô Diện trong mỗi chúng ta. Các Vô Diện tồn tại xung quanh chúng ta. Vì chỉ có sự khác biệt mỏng manh giữa các vị thần và linh hồn độc ác”.
Cho đến nay, vẫn có nhiều giả thuyết về gốc gác hay ẩn ý của nhân vật này, từ việc hắn là một con người bị mắc kẹt trong vùng đất linh hồn, hay ẩn dụ cho ngành nô lệ trẻ em ở Nhật Bản.
Triết lý về lòng tham và sự trưởng thành
Spirited Away mang nhịp điệu tương đối chậm rãi, dù có không ít cảnh hành động. Nó giống một người Nhật đang điềm đạm thưởng thức và cảm nhận cuộc sống hơn là háo hức lao về trước. Miyazaki đủ tinh tế khi loại bỏ việc trình hiện các bài học trong phim một cách quá trực diện. Thông qua hành động và lựa chọn của các nhân vật, mỗi khán giả sẽ tự rút ra bài học và lớp ý mà mình thích.
Khoảng cách giữa trẻ em và bố mẹ là chủ đề thú vị và được gieo từ đầu phim. Bố mẹ của Chihiro quá coi trọng tiền bạc, không quan tâm đến cảm xúc của con cái. Ở bài “kiểm tra” đầu phim, họ đã ngay lập tức thất bại và ngấu nghiến những đĩa thức ăn. Bố của Chihiro thậm chí còn đề cao vật chất hơn cả phép tắc, khi cho rằng cứ ăn thoải mái mà không cần xin phép, miễn là có tiền để trả về sau. Hầu như suốt phim, khi bộ đôi này vắng bóng, Chihiro phải cậy nhờ các hình tượng khác để lấp đầy khoảng trống vai trò của cha mẹ.
Mụ phù thủy Yubaba lại ở thái cực khác khi đối xử với con trai Boh như một báu vật. Dù khắc nghiệt với kẻ dưới, bà lại bảo bọc con thái quá, hết mực ngăn cậu không ra thế giới bên ngoài để tránh nguy hiểm. Điều tréo ngoe là khi Boh “sổ lồng”, cậu chẳng hề e sợ mà hoàn toàn thích thú với những điều mới mẻ.
Trường hợp của nhà Chihiro và Yubaba đều đại diện cho sự đứt gãy giao tiếp thế hệ, khi bố mẹ không thật sự tìm hiểu, quan tâm đến cảm xúc, ý kiến hay sở thích của con cái.
Khán giả nhỏ tuổi dễ cảm thông với sự cô đơn, lạc lõng của Chihiro, còn người lớn hẳn phát hiện quan điểm của đạo diễn về xã hội. Ẩn dụ về sự suy đồi từ lòng tham được cài cắm xuyên suốt phim. Lòng tham ăn ngon quá độ đã biến bố mẹ Chihiro thành heo. Lòng tham tiền, thích kiểm soát đã biến Yubaba thành bà chủ khắc nghiệt, giàu có nhưng thất bại trong mối quan hệ mà bà ta xem trọng nhất (với con trai).
Nhân vật Vô Diện mang ý nghĩa độc đáo do bản thân hắn không có tính cách cụ thể. Khi ở gần Chihiro, hắn trở nên hiền lành do sự tốt bụng từ cô. Nhưng khi bị vây quanh bởi những kẻ muốn dâng thức ăn cho hắn để đổi lấy tiền bạc, Vô Diện trở nên thèm khát vật chất, thậm chí nuốt chửng kẻ khác để hấp thu đặc tính của họ. Nhân vật này giống như đại diện cho sự trung tính của con người sơ khai, nhưng rất dễ bị vấy bẩn bởi lòng tham và sự truy cầu chú ý thái quá.
Từ năm 2002, Miyazaki cũng đã để lại những thông điệp về môi trường, thông qua hai tình huống. Một linh hồn mà Chihiro giúp tắm gội có mùi hôi và dơ dáy đến mức khó ai chịu nổi. Nhưng sau khi gột rửa, đó hóa ra không phải quái vật mà là một linh hồn sông bị vấy bẩn bởi rác thải của con người. Trích đoạn này lấy cảm hứng từ lần Miyazaki tham gia trục vớt rác khỏi một con sông.
Cảnh thứ hai là khi Haku nhớ ra mình là linh hồn sông Kohaku, nơi đã bị loài người tàn phá để định cư. Việc hủy diệt thiên nhiên đã khiến Haku quên đi tên thật của mình trong hầu hết phim, giống như một hệ sinh thái đã bị cắt đứt nguồn cội với mẹ thiên nhiên. Trong phim, sự phá hủy danh tính được xem là tác động nặng nề nhất có thể giáng lên cho một thực thể, tước bỏ sự tồn tại và gắn kết trước đó của họ.
Dù chỉ trích con người gây ô nhiễm, Miyazaki cũng để lại góc nhìn lạc quan như ở cảnh Haku tìm lại ký ức và hứa sẽ gặp lại Chihiro. Trước đó, ông cũng để cô bé giữ vai trò quyết định trong phân đoạn “chữa lành” thực thể sông, như niềm hy vọng rằng con người vẫn có thể sửa lỗi.
Spirited Away còn tạo sự đồng cảm lớn nơi khán giả bởi phản ánh sự trưởng thành của con người. Nhân vật Chihiro được đặt vào độ tuổi 10, đủ nhỏ để chưa bị vấy bẩn bởi đường đời, nhưng cũng đủ lớn để bắt đầu nhận thức sâu hơn.
Đầu phim, cô bé hoảng hốt và bất lực trước diễn biến xung quanh. Nhưng dần dần, Chihiro thể hiện sự quyết tâm, dũng cảm trên hành trình cứu bố mẹ. Cô cũng mạnh dạn và chủ động ra quyết định ở các tình huống quan trọng.
Những lựa chọn của Chihiro là khoảnh khắc của lòng nhân ái, khiêm nhường, biết trả ơn và tôn trọng người khác - các phẩm chất được đề cao toàn cầu. Nhiều đoạn, Miyazaki viết tình huống theo kiểu gieo, gặt nhân quả như dụ ngôn về sự tưởng thưởng cho lòng tốt. Khi Vô Diện đem vàng mời gọi Chihiro, cô bé không bị mờ mắt bởi lòng tham.
Hành động đó không những cứu chính cô mà đến cuối cùng, nó còn gián tiếp cứu Vô Diện khỏi vẩn đục.
Khi Chihiro đến chỗ bà phù thủy song sinh với Yubaba, chưa ngồi vào ghế thì cô đã hỏi việc trả lại hình hài cho Boh (lúc đó bị biến thành chuột). Cô thành thật quan tâm đến cậu bé, bất chấp trước đó Boh khó ưa và toàn gây rắc rối.
Đổi lại, ở cảnh cao trào, Boh giữ vai trò quan trọng trong chiến thắng của Chihiro. Có thể nói, nếu không phải người tốt thuần khiết đến như vậy, Chihiro đã không thể hoàn thành hành trình của mình.
Một lời nhận xét về Spirited Away đến từ đạo diễn Guillermo del Toro, cũng là nhà tư vấn trong cuộc bình chọn của New York Times, có thể tóm tắt tinh thần bộ phim: “Chihiro khởi đầu hành trình như một đứa trẻ, từ dáng ngồi, từ lần đầu cô bé xuất hiện với đôi chân kê cao trên ghế xe hơi, tất cả đều rất trẻ con. Cô bé đã thay đổi từ tư thế, áo quần, thái độ, cảm xúc và cả tinh thần, để từ đứa trẻ thành thiếu nữ biết tự lập, để như vậy cô phải trải qua rất nhiều mất mát. Cô mất cha mẹ, mất danh tính, bị gọi là kẻ vô danh, bị gán tên Sen, bị gọi là kẻ chẳng có địa vị. Tác phẩm để lại sự suy ngẫm đẹp đẽ mà u sầu, sự u sầu chảy xuyên suốt trong các phim của Hayao Miyazaki”.
Sự trầm buồn, thậm chí hơi u uất cũng là cách Miyazaki chọn để kết thúc tác phẩm. Nó khoác cho Spirited Away vẻ trầm mặc ít thấy ở các hoạt hình kiểu Disney, nơi hạnh phúc hoặc thành quả cuối cùng của nhân vật chính được thể hiện rõ ràng hơn.
Haku hứa gặp lại Chihiro nhưng chẳng biết là khi nào. Chihiro quay về thế giới hiện đại cùng bố mẹ, những người chẳng nhớ chuyện xảy ra và tất nhiên cũng chẳng học được gì. Trong đường hầm, mẹ Chihiro than phiền con nắm quá chặt tay làm bà khó chịu mà chẳng hề quan tâm tại sao đứa con cần trấn an như vậy. Khi Chihiro nhìn lại đường hầm, cô bé hẳn tự hỏi liệu mọi chuyện chỉ là giấc mơ?.
A.N (Z)
Nhận xét
Đăng nhận xét