Phim ảnh có bóp méo sự thật về ngành thời trang?

Trên màn ảnh, các bộ phim khai thác hậu trường ngành thời trang thường đi theo một mô-típ nhất định. Tuy nhiên, mô-típ này trên thực tế không hoàn toàn chính xác.

Trong bài viết What It’s Actually Like to Work in Fashion vs. What We See in Movies (tạm dịch: Làm việc trong ngành thời trang - thực tế so sánh với phim ảnh) đăng trên trang Huffington Post, cây bút Reginald Larkin đã tiến hành phỏng vấn bốn nhân vật có thâm niên làm việc trong ngành thời trang về thực tế môi trường làm việc của mình.

Chia sẻ của họ mang đến cho khán giả góc nhìn chủ quan và xác thực hơn về những gì đang thực sự xảy ra ở ngành công nghiệp thời trang. Thực tế này có không ít điểm tương đồng song song với nhiều khác biệt so với những gì khán giả thường thấy trên màn ảnh.

Làng thời trang khắc nghiệt trên màn ảnh

Sau 15 năm, bộ phim The Devil Wears Prada (2006) vẫn là một hiện tượng văn hóa góp phần nhào nặn góc nhìn của khán giả đại chúng về nền công nghiệp thời trang. Meryl Streep đã có một trong những vai diễn để đời khi hóa thân thành Miranda Priestly - nữ tổng biên tập hà khắc của tạp chí thời trang Runway.

Miranda Priestly thường xuyên có những hành động thể hiện rõ ranh giới cao, thấp giữa mình và trợ lý.

Miranda Priestly là kiểu nhân vật gây ám ảnh. Trên phim, bà có câu cửa miệng trứ danh “có thế thôi”. Câu nói, kèm theo khí chất lấn át đối phương của Priestly phần nào đã tạo ra ấn tượng về một ngành thời trang cầu toàn, đầy áp lực và không dung thứ cho sai lầm.

Bên cạnh đó, The Devil Wears Prada không phải sản phẩm truyền thông đầu tiên mô tả ngành công nghiệp thời trang như một mảnh đất hứa xa hoa, nơi những ước mơ và hoài bão được chắp cánh. Trong 101 Dalmatians (1996), Cruella De Vil được mô tả là một nhà thiết kế tự biến mình thành ác quỷ, âm mưu lột da chó con làm áo lông nhân danh thời trang.

Mới đây, mini-series tiểu sử Halston phát hành trên nền tảng xem video trực tuyến Netflix cũng mang đến cho khán giả cái nhìn khá chi tiết về cuộc đời và con người nhà thiết kế thời trang lắm tài nhiều tật.

Halston thường được nhớ đến với các hành vi thao túng cũng như bạo lực ngôn từ với đồng nghiệp. Tác phẩm của nhà làm phim Ryan Murphy mang tham vọng cung cấp cho khán giả một câu chuyện khác về người thiên tài sẵn sàng gạt qua một bên những người không cùng quan điểm.

Không phải sếp lớn nào cũng là Priestly

Trong The Devil Wears Prada, khán giả được thấy Miranda Priestly là bậc thầy “dằn mặt” cấp dưới. Việc bà ném áo khoác lên bàn làm việc của trợ lý đã trở thành chuyện rất bình thường.

Nhận xét về chi tiết này, Heather Davis - cựu chuyên viên PR nội bộ cho thương hiệu Balenciaga và Alexander Wang - chia sẻ: “Tôi không cảm thấy cách xây dựng nhân vật này phản ánh được sự khó khăn của công việc trong ngành thời trang hay cách nỗ lực của một cá nhân được đền đáp.

Khi tôi còn trẻ, cấp trên của tôi cũng như Miranda Priestly vậy, luôn miệng phàn nàn về công việc của tôi. Nhưng tôi nhận ra chị ấy nghiêm khắc như vậy vì thấy tôi có tiềm năng. Sự hối thúc ngày ấy đã giúp tôi trở thành một nhân viên cũng như lãnh đạo tốt hơn”.

Bên cạnh câu chuyện trả thù cho mẹ, Cruella cũng khai thác khía cạnh khắc nghiệt của ngành thời trang.

Davis mô tả môi trường làm việc tại Balenciaga bằng các tính từ “quy củ” và “truyền thống”. Cô nhận xét có một sự đứt gãy giữa cách truyền thông mô tả ngành thời trang và bản chất của nó. “Các bộ phim thường vẽ ra câu chuyện thực tập sinh đến Paris hay có một tủ quần áo đầy ắp các món đồ thời thượng. Tôi không nghĩ chi tiết này có chút cơ sở thực tế nào”, chị tiếp tục.

Cảnh tủ quần áo thời trang trong The Devil Wears Prada đã gieo vào đầu hàng triệu khán giả ý tưởng thực tập sinh có thể lấy một món đồ hiệu đắt đỏ dễ dàng như lựa đồ trong tủ quần áo cá nhân. Nhưng đó không phải những gì xảy ra trong thực tế. “Tôi nghĩ khi người ngoại đạo xem phim về ngành công nghiệp thời trang, đó sẽ là những gì duy nhất họ được thấy”, Davis kết luận.

Cymone Williamson, cựu nhà báo từng làm việc cho DE Marketing và All the Rage, chia sẻ quan điểm của Heather Davis. “Thời trang không mang lại cho người ta cuộc lột xác ngoạn mục nào. Tôi chưa từng gặp ai không có kinh nghiệm về thời trang mà nổi lên như thần đồng được cả”, cô chia sẻ với HuffPost.

Williamson cho hay The Devil Wears Prada đã giúp cô chuẩn bị sẵn tinh thần khi làm việc trong ngành thời trang. “Tôi đã cầm chắc việc sẽ bị đối xử tồi tệ. Nhưng trải nghiệm của tôi nhẹ nhàng hơn những gì bạn thấy trên phim. Tôi ngỡ ngàng thấy mình không hề bị đuổi việc khi mắc lỗi hay sếp trên khó ở”.

Mini-series Halston có rất nhiều cảnh nhân vật chính nổi giận và to tiếng với mọi người xung quanh. Một trong số đó là cảnh phim mô tả khoảnh khắc sự nghiệp của Halston bên bờ sụp đổ. Nhân vật đã hùng hổ xông vào xưởng thiết kế, gào rát tai một nhà thiết kế vì tự ý phê duyệt một mẫu thiết kế mình chưa thông qua.

Williamson chia sẻ việc mâu thuẫn, nổi giận và la lối là điều không quá lạ lẫm trong thực tế. Chính cô đã từng trải qua tình huống tương tự với một nhân viên khác trong phòng trưng bày quảng cáo. “Sếp nam của tôi khi ấy đang bực bội vì để mất một khách hàng. Bàn làm việc của tôi là thứ gần chỗ ông ấy nhất. Ông ấy đã lao đến và gạt đổ mọi thứ trên bàn tôi xuống đất. Mọi người đều cảm nhận được cơn thịnh nộ ấy”.

Căng thẳng trong môi trường làm việc

Cruella (2021) đã mô tả một phần xung đột giữa sếp lớn và nhân viên trong một nhà mốt. Thuở chân ướt chân ráo vào nghề, nhân vật chính do Emma Stone thủ vai đã mắc kẹt trong môi trường làm việc căng thẳng tại đế chế thời trang do một nhà thiết kế nữ hà khắc “trị vì”.

Audrey Hepburn trong bộ phim Funny Face.

Quan hệ này phản ánh vấn đề trầm kha của ngành công nghiệp thời trang - lối cư xử thiếu công bằng của lãnh đạo và các nhà thiết kế với nhân viên dưới quyền. Nhiều thương hiệu như Refinery 29 hay Manrepeller đã bị chỉ trích suốt nhiều năm qua vì dung túng cho thực trạng này.

Nhà thiết kế Jerome Lamaar từ thương hiệu 513 đã không còn xa lạ với những mặt tối của ngành công nghiệp thời trang. Lamaar đầu quân cho hãng Baby Phat từ năm 15 tuổi và tới nay đã có 20 năm trong nghề. Anh khẳng định những gì mô tả trên phim khá giống với điều mình thấy trong thực tế.

“Phần lớn những gì kể lại trên phim đều đúng. Tôi cảm thấy đời mình tựa nữ chính trong phim Funny Face”, anh nói. Funny Face là bộ phim sản xuất năm 1957 với Audrey Hepburn thủ vai chính. Trong phim, Jo Stockton (Hepburn) là một thủ thư trẻ đổi đời nhờ làm người mẫu thời trang.

“Một lần, nữ nhân viên PR nổi tiếng nọ đã không nhận ra tôi khi tôi tới dự buổi trình diễn thời trang của một người bạn. Cô ấy đã đuổi tôi khỏi hậu đài. Đó chính là phiên bản đời thật của những người bảo vệ bạn thấy trên phim. Cũng nên thông cảm, bởi họ đều đang rất căng thẳng khi tổ chức sự kiện giữa Tuần lễ Thời trang”, Lamaar hồi tưởng.

Julian J. Callis, từng làm việc cho Nicki Minaj Collection và Ralph Lauren, chỉ ra trên phim, các cô gái trẻ thường được mô tả như những mầm non sẽ trở thành tương lai của ngành thời trang.

Phần lớn câu chuyện đều tập trung vào khía cạnh nhân vật đổi đời, có cuộc sống xa hoa mà bỏ qua những khó khăn thực sự họ phải trải qua để có được thành công ấy. “Các bộ phim đã lờ đi vùng xám nơi nhân vật phải vất vả làm việc để đi từ tầng đáy lên đến đỉnh vinh quang”, anh nhận xét.

A.P

Nhận xét