"Dune" - chuyện của siêu anh hùng khác biệt trên màn ảnh

Đạo diễn Denis Villeneuve mang đến hình tượng người hùng trầm lắng, nhiều suy tư, khác với các phim giải trí của Hollywood gần đây.

Hollywood từng cố gắng mang câu chuyện Xứ Cát trong tiểu thuyết kinh điển Dune (1965) của Frank Herbert lên màn ảnh rộng nhưng thất bại. Dự án không thể hoàn thành của Alejandro Jodorowsky trở thành "tàn tích", trong khi bộ phim đáng quên năm 1984 của David Lynch là thất bại lớn nhất với nhà làm phim bậc thầy người Mỹ.

Sau hơn 30 năm, một lần nữa đứa con tinh thần của Herbert được chuyển thể với dự án tham vọng hai phần do Denis Villeneuve thực hiện. Đạo diễn người Canada gây ấn tượng tại kinh đô điện ảnh qua các bộ phim như Sicario (2015), Arrival (2016) hay Blade Runner 2049 (2017).

Denis Villeneuve xây dựng một thế giới giả tưởng phong phú.

Dune xoay quanh nhà Atreides, một gia tộc thuộc đế chế Imperium. Công tước Leto Atreides (Oscar Isaac) được Hoàng Đế giao nhiệm vụ quản lý hành tinh sa mạc Arrakis cùng việc khai thác Spice - loại khoáng sản có giá trị bậc nhất thiên hà giúp kéo dài tuổi thọ. Trong khi Leto đau đầu vì chính trị, con trai anh, Paul (Timothée Chalamet) vật lộn với những giấc mơ về cô gái tên Chani (Zendaya).

Người kế thừa nhà Atreides bối rối trước khả năng nhìn thấy tương lai, khi biết bản thân là người được chọn trong lời tiên tri của Bene Gesserit, một nhóm phụ nữ thần bí có khả năng điều khiển người khác qua giọng nói. Đặc biệt, hội nhóm bí ẩn còn có mẹ cậu, lệnh bà Jessica (Rebecca Ferguson) là một thành viên.

Chủ nghĩa anh hùng cao thâm

Frank Herbert từng viết: “Siêu anh hùng thực chất là một mầm bệnh với nhân loại. Dù cho chúng ta có một người hùng đích thực đi chăng nữa, dù người đó là ai, những khiếm khuyết của con người sẽ luôn xâm chiếm hệ thống quyền lực của nhà lãnh đạo”.

Quan điểm Herbert khác chủ nghĩa siêu anh hùng ngày nay. Trong phim Marvel hay DC, người hùng thường là những cá nhân sở hữu sức mạnh đặc biệt, bảo vệ kẻ yếu và hát vang khúc ca lẽ phải. Họ giống những quốc gia tư bản giàu có sử dụng sức mạnh đồng tiền và thế lực để giúp đỡ rồi chi phối các nước nghèo trên thế giới.

Trong Dune, chủ nghĩa anh hùng được biểu hiện qua nhân vật Paul Atreides và cuộc cách mạng cậu dẫn dắt. Paul không phải là một người hùng theo tiêu chuẩn phổ biến. Cậu được chọn để trở thành nhà lãnh đạo. Denis Villeneuve cố gắng truyền đạt tư tưởng của Frank Herbert khi tập trung nhiều vào mâu thuẫn nội tâm của Paul.

Xuyên suốt bộ phim, chàng trai trẻ liên tục đấu tranh cho việc có nên trở thành người hùng, hay sử dụng quyền lực cho mục đích riêng. Tuy nhiên, lượng thông tin ít ỏi từ những giấc mơ của Paul, người xem chưa đọc qua tiểu thuyết hay tìm hiểu về Dune khó lòng nắm bắt tường tận.

Paul Atreides của Timothée Chalamet không giống những anh hùng hành động nam tính của Hollywood. Chủ nghĩa anh hùng mà Paul Atreides là biểu tượng tính nam mới mẻ. Cả hình tượng của Paul, hay chính Chalamet đều không thường xuất hiện trong dòng phim chủ lưu ở Hollywood. Họ ít "tính nam độc hại" và chân thực hơn so với những điều khán giả thường thấy trên màn ảnh.

Denis Villeneuve từng khen ngợi nam chính: “Chalamet là người duy nhất có thể đóng vai Paul Atreides. Cậu như một linh hồn già dặn kết hợp khuôn mặt trẻ hơn nhiều tuổi 24 cùng sức hút điên cuồng. Timmy (tên gọi thân mật của diễn viên) như được ban tặng bởi các vị thần điện ảnh”.

Timothée Chalamet không "diễn", mà thực sự hóa thân thành nhân vật.

Nam diễn viên sinh năm 1995 có sự nhạy cảm với nghệ thuật, sở hữu dáng người mảnh khảnh và đôi mắt mơ màng. Trên YouTube hay Reddit, nhiều người xem cảm thấy Chalamet giống một nhà thơ hơn là một chiến binh, nhưng khi cần thiết, cậu vẫn đầy mạnh mẽ. Trên bài phỏng vấn của tạp chí Time, Timothée Chalamet bộc bạch tôn chỉ đóng phim của mình: "Không ma túy, và không phim siêu anh hùng".

Nâng tầm hình ảnh

Với bộ phim có vai trò đặt nền móng cho cả thương hiệu, Denis Villeneuve thành công khi giới thiệu được sơ lược những nhân vật cũng như thế giới khổng lồ của Dune. Nhà làm phim gây cảm giác hưng phấn cho người xem khi mở đầu bằng hình ảnh nhân vật của Zendaya đẹp như giấc mộng ban ngày, đưa ra tuyên ngôn chống chủ nghĩa thực dân với giọng điệu mạnh mẽ.

Phân cảnh chuyển sang Caladan thanh bình và tươi đẹp của nhà Atreides với nhịp phim chậm rãi, giúp khán giả dễ dàng tiếp cận với hàng loạt thông tin được đưa ra.

Tuy nhiên, khác với các bộ phim đặt tiền đề cho loạt phim hay vũ trụ ở Hollywood gần đây, Villeneuve giản lược tối đa những chỉ dẫn tường thuật và lời thoại mang ý giải thích (exposition) của các nhân vật. Giống như Blade Runner 2049, đạo diễn người Canada giao tiếp nhiều với người xem bằng hình ảnh và màu sắc. Bối cảnh những hành tinh trong Dune góp phần mô tả tính cách chủ nhân của họ. Caladan trên nền xanh tươi mát biểu trưng cho gia đình Atreides yêu chuộng hòa bình.

Giede Prime nhà Harkonen tàn bạo được thể hiện với những hang động mang phong cách gothic sắc nhọn cùng tông màu tối.

Điểm xuất sắc của bộ phim là phần hình ảnh của Greig Fraser. Nhà làm phim người Australia sử dụng những cảnh quay tĩnh, kéo dài để mô tả quang cảnh Arrakis rộng lớn. Sự đồ sộ của Dune được khắc họa rõ nét qua phân cảnh những chiếc phi thuyền sức chứa hàng trăm người nối đuôi nhau đáp xuống như đàn kiến nhỏ bé chạy dài kiếm ăn. Hình ảnh sa mạc được quay trên không xuống càng làm cho người xem choáng ngợp trước vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ.

Trái ngược với vẻ ngoài hào nhoáng, "tâm hồn" của bộ phim chưa thật sự hấp dẫn người xem. Denis Villeneuve tập trung nhiều vào phần nhìn mà bỏ qua nội dung và cảm xúc. Dune quy tụ dàn diễn viên đông đảo và chất lượng nhưng hầu như các nhân vật chỉ được phát triển về hành trình vật lý, trở thành mảnh ghép cho bức tranh tổng thể chứ chưa có cá tính nổi bật.

Ngoài Paul Atreides của Timothée Chalamet, lệnh bà Jessica có lẽ là vai diễn duy nhất gây ấn tượng với khán giả. Rebecca Ferguson đã có một màn "cướp cảnh quay" đáng chú ý khi hóa thân thành một người mẹ đau đớn vì đặt con trai mình vào tình thế nguy hiểm tới tính mạng.

Đạo diễn người Canada duy trì ổn định nhịp điệu trong phần lớn thời gian nhưng 20 phút cuối cùng khiến người xem rối bời. Đoạn kết thừa thãi và không đọng lại nhiều cảm xúc. Nhà phê bình nổi tiếng Owen Gleiberman viết trên Variety: “Tôi chấm Dune 5 sao cho việc xây dựng thế giới nhưng chỉ 2,5 sao cho cách kể chuyện”.

Dune nhận chứng chỉ tươi của Rotten Tomatoes với 87% đánh giá tốt trong tổng số 188 bài bình luận. Bộ phim ra rạp một số nước trên thế giới từ giữa tháng 9 và thu về hơn 100 triệu USD toàn cầu.

P.N (Z)

Nhận xét