"Respect" - tuổi trẻ sóng gió của một huyền thoại

Cuộc đời lận đận khi phải làm mẹ từ năm 12 tuổi của huyền thoại nhạc soul Aretha Franklin được kể lại trong "Respect".

Khi mới lên mười, Aretha Franklin sớm thể hiện khả năng ca hát trời phú. Cha cô, ông C. L. Franklin (Forest Whitaker), là nhà thuyết giáo có tiếng ở Detroit, luôn tạo điều kiện để con gái được trình diễn trên thánh đường. Bước sang tuổi 18, Franklin quyết định đi theo con đường ca hát chuyên nghiệp với sự hậu thuẫn của cha. Cô vô tình gặp và yêu Ted White (Marlon Wayans), nhà sản xuất âm nhạc ít tiếng tăm ở địa phương. Mối quan hệ đi từ lén lút đến công khai, nhưng không được C.L đồng ý, trở thành bước ngoặt lớn trong cuộc đời nữ danh ca.


(Ảnh: internet)

Tác phẩm là phim đầu tay của đạo diễn Liesl Tommy, pha trộn thể loại chính kịch (drama), nhạc kịch (musical) và tiểu sử (biographical). Nội dung trải dài 20 năm cuộc đời của danh ca bắt đầu từ năm 1952, nhưng tập trung giai đoạn 1960-1971 từ lúc Aretha Franklin là thiếu nữ vươn lên thành ngôi sao. Kịch bản do Tracey Scott Wilson viết, chia làm hai phần. Nửa đầu kể quá trình Franklin dấn thân vào con đường ca hát, thu âm nhiều ca khúc nhưng không có bản hit. Nửa sau khai thác nhiều vấn đề Franklin gặp phải khi nổi tiếng, từ chứng nghiện rượu đến những mặt trái của danh vọng.

Phần lớn sự kiện trong phim dựa trên người thật việc thật. Một số nội dung được lướt qua như việc ca sĩ có con đầu lòng khi mới 12 tuổi. Biên kịch thêm thắt tình tiết hư cấu để tạo kịch tính, chẳng hạn như cảnh danh ca Dinah Washington (Mary J. Blige) hất bàn khi nghe Franklin hát bài hit của mình trên sân khấu. Phim kết thúc bằng việc Aretha Franklin phát hành Amazing Grace (1971) - một trong những album bán chạy nhất trong sự nghiệp của bà.

Kịch bản lật mở nhiều góc tối trong cuộc đời nữ danh ca. Cái chết bất ngờ của mẹ khiến bà rơi vào trầm cảm khi còn nhỏ, suốt một thời gian không chịu nói chuyện với ai. Những năm tháng tuổi trẻ Aretha Franklin bị giằng xé bởi hai người đàn ông: cha và chồng. Nếu C.L là người gia trưởng, Ted White là kẻ bạo hành. Những bài học của cha ảnh hưởng mạnh đến tâm lý con gái suốt tuổi vị thành niên. Đến khi lập gia đình, Franklin lại bị chồng tra tấn cả về thể xác lẫn tâm hồn. Bà bỏ nhà quay trở về với cha, rồi lại hàn gắn vì quá yêu chồng. Mối quan hệ giữa Aretha Franklin và Ted White là một trong những yếu tố khiến thời lượng phim kéo dài (145 phút), nửa sau trở nên dàn trải.

Suốt hai thập niên, năm 1967 đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời Aretha Franklin. Đó là thời điểm bà gặt hái nhiều thành công sau khi thu âm Respect - sáng tác của Otis Redding. Trong phim, Franklin bắt đầu có cảm hứng trình bày ca khúc lúc ba giờ sáng. Bà cùng hai chị em gái sắp xếp lại cấu trúc bài hát và sáng tác thêm phần điệp khúc. Bản thu âm của Franklin ra đời sau nhưng lấn át bản gốc, trở thành tác phẩm để đời gắn liền tên tuổi bà. Nhờ Respect, Aretha Franklin được khán giả lẫn truyền thông tung hô là "nữ hoàng nhạc soul" khi chỉ mới bước sang tuổi 25.

Jennifer Hudson (trái) và Forest Whitaker trong "Respect". Ảnh: MGM

Dự án thu hút dàn diễn viên thực lực. Jennifer Hudson từng thắng "Nữ phụ xuất sắc" với Dreamgirls (2006), còn Forest Whitaker thắng "Nam chính xuất sắc" với The Last King of Scotland (2006) tại Oscar 2007. Nam diễn viên Marlon Wayans trong vai Ted White - chồng Aretha Franklin - cũng có kinh nghiệm đóng phim hơn 30 năm. Mary J. Blige xuất hiện ít nhưng vẫn gây chú ý khi hóa thân danh ca Dinah Washington.

Khi còn sống, đích thân Aretha Franklin chọn Jennifer Hudson vào vai chính trong phim. Cô thể hiện tốt diễn xuất lẫn phần hát, không hề tỏ ra áp lực trước cái bóng quá lớn của huyền thoại. Cô tự tin thể hiện các ca khúc gắn liền tên tuổi Franklin như I Say a Little Prayer, Amazing Grace, Chain of Fools... Qua giọng hát nội lực của Hudson, các bài hát được khoác lớp áo mới nhưng không mất đi tinh thần gốc. Cây viết Mark Kermode của tờ The Guardian chấm 2/5 sao cho rằng Hudson là linh hồn của phim, chứng tỏ Aretha Franklin đặt niềm tin đúng người.

Lần thứ ba Jennifer Hudson và Forest Whitaker vào vai cha con, sau Winged Creatures (2008) và Black Nativity (2013). Dù chỉ đóng phụ, Whitaker vẫn có những khoảnh khắc riêng để tỏa sáng. Ông phối hợp ăn ý với bạn diễn trước ống kính, đồng thời thể hiện hình ảnh người cha nghiêm khắc nhưng yêu con.

Tác phẩm nhận ý kiến trái ngược từ giới phê bình với 6.3/10 điểm trên Rotten Tomatoes và 62/100 điểm trên Metacritic. Tờ The Times (UK) chấm phim 4/5 sao, khen ngợi phần âm nhạc và màn hóa thân của Jennifer Hudson. Tờ New York Post chấm 2/4 sao, so sánh hình ảnh Aretha Franklin trong phim với Judy Garland của Judy, đều mắc chứng nghiện rượu và chịu áp lực của gia đình, sự nổi tiếng. Tờ Independent (UK) chấm 2/5 sao, chê nội dung phim, cho rằng Aretha Franklin xứng đáng có một câu chuyện tốt hơn.

Khi ra mắt tại Mỹ ngày 13/8, phim lỗ vốn khi thu về hơn 36 triệu USD so với kinh phí 55 triệu USD. Điểm số khán giả trên IMDb là 6.6/10, phần lớn ý kiến đánh giá cao diễn xuất của Jennifer Hudson nhưng chê biên kịch và đạo diễn. Tác phẩm không có nhiều điểm mới mà vẫn đi theo lối kể chuyện quen thuộc như những phim tiểu sử về các ngôi sao ca nhạc.

S.P (VNE)

Nhận xét