Robert – Clara – Brahms: Câu chuyện đằng sau âm nhạc

Mối quan hệ giữa Robert Schumann, Johannes Brahms và Clara Schumann không thuần túy là một câu chuyện tình yêu tay ba khó phân định mà ẩn chứa những giao cảm đặc biệt chỉ nảy sinh giữa những con người sống vì âm nhạc. Đó cũng là một phần khởi nguồn cho nhiều tác phẩm của Robert Schumann và Johannes Brahms…

Một bức vẽ Clara Schumann trong buổi hòa nhạc năm 1854 với nghệ sĩ violin Joseph Joachim. Nguồn: Robert-Schumann-Haus Zwickau

Trong thế giới âm nhạc cổ điển, cả ba người Đức này đều là những tên tuổi lớn. Mối quan hệ kỳ lạ giữa họ bắt đầu bằng chuyến đi tới Düsseldorf của một Brahms trẻ tuổi vào ngày 30/9/1853, hồi hộp mang theo lá thư giới thiệu của nghệ sĩ violin Joseph Joachim tới gõ cửa nhà cặp vợ chồng nổi tiếng Robert và Clara Schumann. Lúc đó, Brahms đề nghị Robert dạy sáng tác và rụt rè chơi một vài tiểu phẩm của mình. Mới nghe được một vài nốt, Robert sững lại, ngăn Brahms chơi đàn rồi mau mắn mời Clara vào phòng để cùng mình thưởng thức tài nghệ của chàng thanh niên vô danh… Khi cả gian phòng tràn ngập thứ âm nhạc kỳ diệu mà Robert và Clara dường như chưa từng được nghe, nó báo hiệu một khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời Brahms, và cũng là khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử âm nhạc: một sự hòa quyện tâm hồn của ba nghệ sĩ, ba nhà soạn nhạc mà tên tuổi gắn liền với nhau mãi mãi.

Lúc đó, Robert Schumann ở tuổi 43 đã là một nhà soạn nhạc lừng lẫy với phạm vi sáng tác trải dài trên nhiều thể loại, từ lied (ca khúc nghệ thuật), âm nhạc thính phòng (đặc biệt tác phẩm viết cho piano), đến concerto, giao hưởng, opera, hợp xướng…; đồng sáng lập Neue Zeitschrift für Musik, một tạp chí chuyên viết về âm nhạc với những quan điểm mới so với đương thời, và là người giới thiệu Chopin với cả châu Âu… Bên cạnh đó, Robert Schumann còn được biết đến qua mối tình đầy lãng mạn với Clara Wieck, một nghệ sĩ piano tài năng, xinh đẹp và là con gái của chính thầy ông, Friedrich Wieck – người từng phản đối cuộc hôn nhân khiến Robert phải đợi Clara đủ 18 tuổi để có thể toàn quyền quyết định cuộc đời mình.

Vào thời điểm gặp gỡ giữa nhà soạn nhạc tương lai và nhà Schumann, Clara đã 34 tuổi, là mẹ của bảy đứa trẻ và chuẩn bị đón thêm một đứa trẻ nữa vào năm sau. Clara không phải là người vô danh. Tên tuổi của bà đã vang khắp châu Âu theo những chuyến lưu diễn từ khi còn là cô bé thần đồng chín tuổi ra mắt tại Leipzig Gewandhaus và xuất bản những tác phẩm đầu tiên, bốn bản Polonaise. Các nhà soạn nhạc hàng đầu đương thời như Franz Liszt, Frédéric Chopin, Felix Mendelsohn, Nicolo Paganini…, thậm chí cả nhà thơ Johann Wolfgang von Goethe, đều ngưỡng mộ tài năng của Clara.

Còn Brahms, phải đến gần 10 năm sau thời điểm này, ông mới được ghi nhận như một nhà soạn nhạc xuất sắc, người kế tục sự nghiệp của Beethoven và được nhạc trưởng Hans von Bülow coi là “một trong ba chữ B của âm nhạc Đức” (cùng với Bach và Beethoven). Rụt rè và thiếu tự tin, Brams đã ngay lập tức ngưỡng mộ cặp đôi nổi tiếng và nhận ra ở họ sự chân thành và ngược lại, những người có con mắt tinh đời này cũng phát hiện ra tài năng và phẩm chất đặc biệt của Brahms.

Trong cuốn Johannes Brahms, Tự do nhưng cô đơn (Johannes Brahms: Free but alone), Constantin Floros nhắc đến việc Brahms ở lại Düsseldorf một tháng, thường xuyên qua lại nhà Schumann để học hỏi kỹ năng sáng tác âm nhạc. Vào cuối tháng 10 năm đó, nhà Schumann rời Düsseldorf để đi lưu diễn ở Hà Lan với các tác phẩm của Schumann do Clara biểu diễn. Đến tháng 1/1854, họ lưu diễn tại Hannover, qua đó kết nối và thắt chặt tình thân hơn với Joachim và Brahms. Một giai đoạn mới mở ra cho Robert, Clara và Brahms.

Clara – không chỉ là nàng thơ  

Clara được cha mình định vị là một nữ nghệ sĩ piano với phạm vi hoạt động rộng khắp châu Âu, biểu diễn tác phẩm của nhiều nhà soạn nhạc như Beethoven, Liszt, Chopin, Schubert… Ấn tượng về cô ở mỗi người hoàn toàn khác nhau: Goethe đã nhận xét “cô gái này ẩn chứa sức mạnh phi phàm trong đôi tay hơn cả sáu cậu bé cộng lại” sau khi ấn tượng về sự nồng nhiệt trong buổi biểu diễn ở Weimar; Mendelsohn thì ngạc nhiên: hóa ra, ngoài giờ phút bên cây đàn, nữ nghệ sĩ trẻ lại là người hết sức e thẹn, nhút nhát và lặng lẽ; Liszt gọi cô là “một người rất bình thường, được nuôi dạy tốt, không đỏm dáng, hoàn toàn đắm chìm trong nghệ thuật và trong những ý nghĩa cao quý nhất của âm nhạc”.

Robert Schumann và Clara. Nguồn: Robert-Schumann-Haus Zwickau.

Cuộc hôn nhân với Robert hướng cô vào vị trí người nội trợ bởi Robert không muốn người vợ xinh đẹp của mình tiếp tục sự nghiệp biểu diễn, ít ra là mong muốn ban đầu. Tuy nhiên do túng thiếu – lúc đó Robert còn là nhà soạn nhạc ít tên tuổi nên thu nhập không ổn định, Clara đã trở lại sân khấu vào mùa thu năm 1840. Dĩ nhiên, nguyên nhân không chỉ là vấn đề tài chính nữa mà còn là khao khát của chính Clara: “Tôi không thể bứt mình khỏi nghệ thuật. Nếu làm vậy có thể tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mình nữa”, bà viết trong nhật ký chung với Robert. Bất chấp 10 lần mang thai và 8 lần sinh nở, Clara đã có 139 buổi hòa nhạc trong suốt 14 năm sống bên cạnh Robert và góp phần đưa các tác phẩm của chồng mình đến với khán giả quốc tế.

Nhìn lại toàn bộ sự nghiệp của Clara, Reberca Rollins, một nghệ sĩ piano kiêm giảng viên lịch sử âm nhạc tại trường Saddleback, nhấn mạnh chi tiết bà đã trình diễn khoảng 1300 buổi trước công chúng. “Không có nghệ sĩ nào, bất kể nam hay nữ, lại duy trì được một sự nghiệp biểu diễn trong khoảng 60 năm như bà. Chúng ta nên nhớ là bà đã lấy Robert Schumann – nhạc sĩ có sự bất ổn định về tinh thần bậc nhất thế giới, và là mẹ của 8 đứa con, tất cả cho thấy sức mạnh vô biên ở người phụ nữ này, cả về thể chất lẫn tinh thần”.

Clara luôn luôn là nàng thơ của Robert Schumann. Những tác phẩm mang dấu ấn Clara xuất hiện suốt toàn bộ tác phẩm của Robert, dưới những trích dẫn âm nhạc, lời đề tặng, sự ám chỉ, tính trữ tình dào dạt… Chúng ta có thể thấy là vào năm 1852, ông đã tập hợp và xuất bản bộ Bunte Blätter (Những chiếc lá sắc màu) gồm những tiểu phẩm viết trong thời kỳ say đắm Clara Wieck, với lời đề tặng “một lời chúc cho vị hôn thê yêu dấu của tôi nhân dịp Giáng sinh 1838”. Ông gửi thư từ Vienna với Clara, lúc đó đang ở Paris: “Chào em, cô gái đáng yêu của tôi. Em đã tạo ra một không khí mùa xuân; tôi có thể thấy những khóm hoa vàng bừng nở quanh mình. Nói cách khác, những bức thư của em khiến tôi muốn sáng tác, và tôi cảm thấy dường như mình không thể ngừng lại mạch nguồn này. Đây là món quà Giáng sinh bé mọn của tôi. Em sẽ hiểu được ngay ý nghĩa của nó”. Tình yêu của Robert dành cho Clara thể hiện một cách rõ ràng trong “mật mã” âm nhạc, đó là mô típ “Clara” được đánh vần qua các nốt nhạc “C#-(B)-A-(G#)-A”.

Nhưng Clara của Schumann không chỉ là một nghệ sĩ giỏi mà còn là một nhà soạn nhạc. Bà sáng tác không nhiều và các tác phẩm của bà cũng ít được biết đến, phần nhiều do định kiến về nhà soạn nhạc nữ thời kỳ đó. Tuy nhiên, những tài liệu còn ghi lại cho thấy bản concerto piano cung La thứ op 7 của bà được hoàn thành vào năm 1835 và được ra mắt công chúng lần đầu vào tháng 11 năm đó dưới màn trình tấu của dàn nhạc Leizig Gewandhaus và Felix Mendelsohn, người nhiều lần chỉ huy các tác phẩm của hai vợ chồng Robert và Clara. Tác phẩm này phản ánh tâm hồn và sự sáng tạo của nữ nhạc sĩ tuổi 16, bắt đầu bằng các khuôn mẫu thời kỳ Cổ điển nhưng sau đó đã vượt qua chúng bằng tài năng của mình. Âm thanh và hình thức dường như tương đồng với các concerto của Chopin và Mendelssohn nhưng về cấu trúc thì rõ ràng đã có sự khác biệt. Một điều lạ lùng là phần duet giữa cello và piano ở chương chậm của tác phẩm đã gây ấn tượng mạnh cho Brahms và khơi nguồn cho ông khi sáng tác chương chậm bản concerto piano số 2 nhiều năm sau đó.

Clara không dành nhiều thời gian cho sáng tác nhưng ở thời điểm đặc biệt, bà vẫn dành một góc nhỏ cho cảm xúc âm nhạc của mình. Vào năm 1853, Clara đã viết một chùm gồm bảy biến tấu trên một chủ đề u ám và buồn bã của Robert. Biến tấu cuối cùng nặng trĩu nỗi buồn với những ý nghĩa âm nhạc và ngoài âm nhạc. Có thể khúc biến tấu này “dường như đã vượt qua mọi giới hạn trần thế”, một lời nguyện cầu trước bằng âm nhạc cho Robert sẽ vào dưỡng trí viện Endenich trong cùng năm. Tác phẩm này cuối cùng được xuất bản vào mùa thu năm 1854 với lời đề tặng “Dành cho người chồng yêu dấu, ngày 8/6, nỗ lực kém cỏi từ Clara của anh.”

Căn bệnh rối loạn trí não của Schumann đã tiến triển. Lúc nào ông cũng nghe thấy bên tai tiếng của thiên thần và quỷ dữ (một đêm, ông bừng tỉnh dậy và viết xuống một chủ đề mà sau này Brahms sáng tác Khúc biến tấu piano bốn tay op 23). Mọi chuyện rút cục bi thảm hơn: ngày 26/2, Schumann gieo mình xuống sông Rhine. Vớt được Robert, những người đánh cá kinh khiếp trước biểu hiện tâm lý bất thường của ông nên đưa ngay ông vào viện tâm thần. Dù Robert hi vọng mình sẽ nhanh phục hồi nhưng ông không bao giờ được gặp lại vợ mình nữa cho đến hai ngày trước khi qua đời (bác sĩ không cho ông gặp Clara do lo ngại ảnh hưởng đến cảm xúc của ông). Họ cùng uống với nhau một chút rượu vang. Trở lại vào ngày 29/7/1856, ngày Robert qua đời, Clara cảm thấy chồng mình đã được giải thoát. Bà viết trong nhật ký “Tôi ngồi bên người chồng yêu dấu đã qua đời của mình và cảm thấy bình yên; tôi muốn tạ ơn Chúa đã mang chồng tôi đi; tràn ngập cảm xúc thiêng liêng, tôi quỳ xuống bên giường. Có thể là linh hồn cao quý của anh ấy đã bao bọc lấy tôi. Tôi ngắm anh ấy lần cuối cùng – tôi đặt vài bông hoa lên trán anh – anh đã mang tình yêu của tôi ra đi”.

Johannes Brahms.

Cái chết của Robert khiến Clara trở lại hoàn toàn với việc biểu diễn và giảng dạy để nuôi sống cả gia đình, một sự nghiệp mà bà chỉ kết thúc vào năm 1891 ở tuổi 70. Không sáng tác nữa nhưng Clara dành nhiều thời gian để biên tập, xuất bản sáng tác của Robert, đặc biệt là các tác phẩm còn chưa được biết đến, và bằng cách đó, phổ biến hơn nữa nghệ thuật của ông.

Mối quan hệ kỳ lạ với Brahms 

Nghe tin Robert phải vào dưỡng trí viện sau khi nhảy xuống sông Rhine theo lời quỷ dữ xúi bẩy chỉ 4 tháng sau tháng 10 đáng nhớ ấy, Brahms vội vã từ Hanover trở lại Düsseldorf. Hơn ai hết, Brahms yêu quý và ngưỡng mộ Robert. Mới đây, Robert còn chỉ bảo ông và giới thiệu tên tuổi ông với công chúng châu Âu, tuyên bố chàng thanh niên Hamburg này sẽ là cứu tinh của âm nhạc Đức. Lo lắng cho gia cảnh nhà Schumann, Brahms quyết định ở lại cùng Clara và bọn trẻ. Do Clara không được phép gặp Robert nên Brahms trở thành người tới dưỡng trí viện nhiều nhất, đồng thời đưa nhiều bạn của Robert vào thăm ông. Trong vòng hai năm rưỡi trước khi Robert qua đời, Brahms đã ở bên cạnh Clara, an ủi bà, trông nom bọn trẻ khi Clara đi lưu diễn và thậm chí,  dạy đàn để giúp Clara trang trải cuộc sống.

Điều gì đã xảy ra giữa họ? Không ai biết chắc nhưng rõ ràng là tình cảm Brahms dành cho Clara ngày một lớn dần. Vào thời điểm đó, Brahms được coi là thiếu sức hấp dẫn: thấp lùn, gầy và giọng nói như một đứa trẻ chưa vỡ tiếng. Hình ảnh bệ vệ, bộ râu hùng vĩ mà ngày nay chúng ta biết về Brahms là giai đoạn ông ở tầm ngoài 40. Những ký ức tuổi thơ phải chơi đàn kiếm sống trong những quán rượu bên bến cảng, chứng kiến cảnh tượng diễn ra giữa các cô gái điếm với thủy thủ và bị lôi vào các cuộc vui khiến ông cảm thấy ghê sợ phụ nữ. Nhưng Clara là một người hoàn toàn khác: thông minh, ấm áp, biết cảm thông, và với tâm hồn nhạy cảm của một nghệ sĩ, bà có thể trao đổi về những ý tưởng sáng tác với Brahms. Brahms còn ngưỡng mộ Clara ở cách bà chia sẻ và kiên trì cùng chồng chống chọi với căn bệnh mà ông đã mắc từ lâu. Trong một bức thư gửi bạn thân Joseph Joachim, ông viết: “Tôi yêu cô ấy và hoàn toàn bị cô ấy bỏ ‘bùa mê’” hoặc “tôi thường xuyên phải kìm nén để buộc mình không được ôm lấy cô ấy… Tôi nghĩ là tôi không còn yêu cô gái nào nữa – ít nhất là giờ thì tôi đã hoàn toàn quên họ”.

Trong hoàn cảnh mà không ai chờ đợi, Brahms đã say mê Clara và thổ lộ với bà trong một bức thư viết năm 1855: “Tôi không thể làm gì mà không nghĩ đến bạn… Bạn đã làm gì với tôi vậy? Bạn có thể lấy đi thứ bùa mê mà bạn đã gieo rắc trong tôi chứ?”. Trong một bức thư khác, Brahms viết “Tôi sẽ vô cùng hạnh phúc khi viết cho bạn không chỉ bằng ý nghĩa của âm nhạc mà bằng tất cả những gì có thể để nói với bạn hằng ngày điều mà âm nhạc không thể biểu lộ”.

Sau cái chết của Robert, những lá thư tiếp tục được trao đổi giữa hai người khi bà đi lưu diễn, Brahms đã thay đổi cách xưng hô “từ Quý bà cao quý” sang “Clara yêu dấu” và cuối cùng đơn giản là “Clara của tôi”. Tình cảm của Brahms không phải một chiều, nếu chúng ta căn cứ vào một bức thư của Clara “Bạn không thể hiểu được là tôi buồn như thế nào khi tôi không thể dồn hết cảm xúc vào tác phẩm tôi chơi. Với tôi, nó như một nỗi đau không chỉ của riêng tôi mà còn với cả nghệ thuật của tôi” và ở cuối thư, bà viết “Tôi chờ đón bức thư khác của bạn, Johannes của tôi”.

Rút cuộc, hai người đã hẹn hò một tháng tại thung lũng sông Rhine và Thụy Sĩ cùng một người chị của Brahms. Tại đây họ đã bàn bạc tương lai của họ, thậm chí cả đám cưới? Không ai rõ họ nói những gì với nhau nhưng rõ ràng tương lai đã được định đoạt. Kết thúc kì nghỉ, Clara tiễn Brahms lên tàu hỏa về Hamburg còn mình trở lại Düsseldorf. Bà chỉ viết vẻn vẹn một dòng trong nhật ký về chuyến đi này “Tôi như vừa trở về từ một đám tang”. Eugeni, con gái của Clara từng cho biết, đến cuối đời bà cũng không hiểu nổi quyết định của Brahms.

Clara sẽ không bao giờ tái hôn, còn Brahms cũng không lập gia đình. Họ sống xa cách nhưng vẫn thường dành những kỳ nghỉ bên nhau. Một tình bạn bền chặt theo họ suốt cuộc đời với nhiều cuộc gặp gỡ và hàng trăm lá thư. Cũng như với Robert, Brahms luôn tôn trọng và lắng nghe sự tư vấn của Clara. Bao giờ bà cũng là người đầu tiên được xem bản thảo các tác phẩm của Brahms và Brahms thường nghe theo những góp ý, sửa chữa của bà, vinh dự mà nhà soạn nhạc xuất sắc dành cho duy nhất một người. Không bao giờ Clara ngợi ca về những tác phẩm mà bà cảm thấy chưa phải là tốt nhất, ngược lại bà thường nghiêm túc và thẳng thắn về cả cảm xúc lẫn yếu tố âm nhạc của tác phẩm cũng như đề xuất thay đổi cả các chi tiết nhỏ đến cấu trúc tác phẩm.

Clara là nàng thơ của cả Robert Schumann và Johannes Brahms. 

Brahms có nhiều cách để bày tỏ ngưỡng mộ và quan tâm đến Clara. Năm 1877, khi Clara bị đau tay phải và phải tạm nghỉ chơi đàn, Brahms đã chuyển soạn khúc Chaconne từ Partita violin số 2 của J.S. Bach cho piano tay trái. Theo thời gian, Clara mắc chứng viêm khớp, các ngón tay của bà mất đi sự khéo léo và lanh lẹ khi đánh những nốt phức tạp. Vì thế, Brahms đã sáng tác riêng cho Clara những tác phẩm đơn giản và tiết tấu chậm để khuyến khích bà cố gắng chơi đàn. Sau một lần như vậy, Clara gửi cho ông một lời cảm ơn nho nhỏ, ông liền vui sướng hồi đáp với “biết bao hãnh diện” mà ông tìm thấy khi có thể đem lại cho bà “một ít hân hoan”.

Brahms vẫn được coi là nhà soạn nhạc theo trường phái Cổ điển và âm nhạc thuần túy, Tchaikovsky từng vừa khóc vừa nói về âm nhạc của Brahms “âm nhạc của ông ấy không có cảm xúc, ông ấy thực sự là nhà toán học của âm thanh”. Nhưng ẩn sâu trong từng nốt nhạc của Brahms là những xúc cảm được kìm nén. Nhà thơ Lisel Mueller từng đoạt giải Pulitzer đã viết về Intermezzi ông viết tặng Clara: “Mỗi lần nghe những khúc Intermezzo này, cảm nhận nỗi buồn vây quanh sự ngọt ngào và dịu dàng của nó, tôi lại mường tượng ra hai người ngồi bên nhau trong khu vườn, giữa những đóa hồng nở muộn và sẫm mờ bóng lá xanh. Khung cảnh ấy nói thay lời họ, không cho chúng ta nghe câu chuyện riêng đó.”

Trong những năm cuối đời, Brahms phải chứng kiến rất nhiều cái chết của bạn bè thân thiết. Ông không ngờ đến một ngày, mình sẽ phải rời xa Clara yêu dấu, người mà ông có lần đã tâm sự với bạn bè “ngoài bà Schumann, tôi không gắn bó với bất kỳ ai bằng cả tâm hồn mình”. Nhưng cuối cùng điều không mong chờ đã đến, Clara qua đời ngày 20/5/1877 tại Frankfurk ở tuổi 76. Lúc đó, Brahms ở Vienna. Điện tín báo tin buồn đến tay ông quá muộn. Brahms vội vã lên tàu hỏa đi chặng đường 600km và ngủ thiếp đi vì quá mệt. Ông tưởng là Clara được chôn cất ở Frankfurk nhưng thật ra, bà được đưa tới Bonn, nơi cách đó 200km, cạnh Robert của bà. Brahms cũng đã đến kịp nghĩa trang, trái tim ông như tan vỡ. Ông kể với bạn mình “Hôm nay, tôi vừa chôn cất người duy nhất mà tôi thực sự yêu”.

Không còn nàng thơ, Brahms cũng lâm trọng bệnh: ông được chẩn đoán ung thư tụy. Đúng 11 tháng sau, ông qua đời ở tuổi 63, khép lại câu chuyện tình yêu kỳ lạ bắt đầu vào hơn 40 năm trước, khi chàng thanh niên tuổi đôi mươi mà Clara cho là “được gửi thẳng từ Chúa” hồi hộp gõ cánh cửa nổi tiếng ở Düsseldorf và Robert ghi vào cuốn nhật ký dòng chữ “Chuyến thăm của Brahms, một thiên tài”.

Tô Vân (tổng hợp) 

(HAN)

Nhận xét