Dự án Opera “Công nữ Anio”

Vừa qua, tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, đã diễn ra buổi họp báo công bố Dự án Opera “Công nữ Anio”, do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Ban Điều hành “Công nữ Anio” (Brain Group, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Âm nhạc Yamaha Việt Nam, Hiệp hội Xúc tiến Giao lưu Quốc tế NPO) tổ chức Dự án nghệ thuật đặc biệt. Đơn vị bảo trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Trung tâm giao lưu văn hóa Việt Nhật. Đây là hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023), nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao lưu và hữu nghị Việt - Nhật”, Phát triển nền văn hóa âm nhạc của hai quốc gia và hướng đến buổi công diễn vào tháng 9 năm 2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tới dự có ông Yamada Takio - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; PGS,TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan tham dự.

Nội dung và chủ đề của vở Opera lấy mô típ dựa trên câu chuyện tình yêu có thật giữa công nữ Ngọc Hoa (công nữ Anio) của Hội An - Việt Nam, con gái của chúa Nguyễn. Theo lịch sử triều Nguyễn ở Việt Nam, công nữ Ngọc Hoa là con gái của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (ở ngôi từ năm 1613 đến năm 1635) - vị Chúa Nguyễn thứ hai của chính quyền Đàng Trong, sau chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Araki Sotaro, một thương nhân người Nagasaki - Nhật Bản vào thời mậu dịch Châu Ấn thuyền ở đầu thế kỷ 17. Araki Sotaro khi đó là một Châu Ấn thuyền (thuyền thương mại Nhật Bản, từ thời đại Azuchi Momoyama đến thời Edo. Anh đã đi từ Nagasaki đến Đàng Trong (nay là miền Trung Việt Nam). Họ gặp nhau trên con thuyền lênh đênh trên biển nối liền hai quốc gia. Hai người đã phải lòng nhau, nguyện ý kết duyên vợ chồng. Chúa Nguyễn lúc đầu ra sức phản đối nhưng tình yêu sâu đậm của cả hai đã khiến Chúa lay động. Cuối cùng, Chúa cũng đã ban hôn cho hai người và tiễn họ đến Nagasaki, Nhật Bản. Ở đất nước xa lạ, nàng Công nữ được tiếp đón nồng hậu. Người dân Nagasaki gọi nàng bằng cái tên thân mật “Anio-san”. Họ sinh được một cô con gái và sinh sống suốt quãng đời còn lại tại Nagasaki.

Ngày nay, Lễ rước kiệu đón công nữ Anio vẫn tiếp tục được tái hiện trong phân cảnh “Châu Ấn thuyền” 7 năm một lần, tại lễ hội Nagasaki Kunchi ở Nagasaki, Nhật Bản vào ngày 7 – 9 tháng 10.

Ngài Yamada Takio - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Cố vấn danh dự Dự án, đã bày tỏ: Trên cương vị Đại sứ, tôi cảm thấy Nhật Bản và Việt Nam có sự gắn kết lâu đời bắt nguồn từ quá khứ xa xưa. Đặc biệt, vào thời kỳ thương mại Châu Ấn thuyền phát triển rực rỡ cách đây 400 năm, khi việc đi lại và giao thương giữa Nhật Bản và Việt Nam diễn ra tấp nập, hai nước đã là đối tác thân thiết bình đẳng của nhau.

Không bao lâu sau đó, trước những biến động dữ dội của thời đại, Nhật Bản và Việt Nam đã đi theo những con đường phát triển riêng. Tuy nhiên, những năm gần đây, hai nước đã gặp lại nhau trên con đường phát triển và cùng khẳng định sự gắn kết bền chặt đến mức có thể nói rằng quan hệ hai nước đang ở vào giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử.

Tôi tin tưởng rằng, vở Opera này sẽ trở thành một dấu ấn kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam, giúp chúng ta hồi tưởng về quá khứ của Nhật Bản và Việt Nam, thắt chặt hơn nữa sự gắn kết của nhân dân hai nước trong tương lai.

Đại diện Dự án Honna Tetsuji - Giám đốc Âm nhạc kiêm Chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam:

Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến chính phủ Việt Nam, chính phủ Nhật Bản, cùng các doanh nghiệp và các tổ chức đã hỗ trợ cho Dự án Opera “Công nữ Anio”, nhằm hiện thực hóa buổi công diễn vở opera này. Tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn khi may mắn có được cơ hội tham gia sản xuất vở opera mang mô típ từ sự kiện lịch sử tuyệt vời đã có từ 400 năm trước và được hai quốc gia Nhật – Việt cùng hợp tác sản xuất nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Vì vậy, cùng với các thành viên khác trong Dự án, chúng tôi sẽ nỗ lực để tạo nên một tác phẩm được lưu truyền trong tương lai, suốt 50 năm hay 100 năm về sau. Hy vọng vở opera này sẽ giúp đóng góp vào sự phát triển của nền âm nhạc hai quốc gia và thúc đẩy tình hữu nghị song phương. Tôi mong rằng Dự án sẽ được nhiều người biết đến và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ tất cả mọi người.

Dự án tập hợp êkip sản xuất bao gồm nhiều chuyên gia và nghệ sĩ của hai nước:

Tổng đạo diễn: Honna Tetsuji; tác giả âm nhạc Trần Mạnh Hùng; đội ngũ tác giả nguyên tác Dự án Opera “Công nữ Anio;” đạo diễn, tác giả kịch bản/soạn lời tiếng Nhật: Oyama Daisuke và tác giả soạn lời tiếng Việt: Hà Quang Minh; phụ trách hình ảnh chủ đạo tranh sơn mài: Ando Saeko; đồng sản xuất: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam; sân khấu, kỹ thuật: Công ty Cổ phần Art Creation; cố vấn lịch sử: Phan Hải Linh, Tomoda Hiromichi, Fukukawa Yuichi, Kikuchi Seiichi, Ando Katsuhiro, Honma Sadao; Chủ nhiệm sản xuất: Furukawa Naomasa; nhà sản xuất: Trịnh Tùng Linh, Tani Makoto, Sasaki Shinji.

Sau buổi công diễn tại Hà Nội, vở diễn sẽ tiếp tục được công diễn tại Nhật Bản.

Thanh Nhã (HNS)

Nhận xét