Nhạc sĩ Phú Quang trút hơi thở cuối cùng vào ngày 8/12 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội). Ông ra đi ở tuổi 72 sau thời gian điều trị bệnh.
Những tác phẩm bất hủ của Phú Quang sẽ sống mãi
Với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và những khán giả yêu nhạc, đây là mất mát lớn.
"Ngoài âm nhạc, nhạc sĩ Phú Quang cũng là người gắn bó, thân thiết đối với tôi trong đời sống. Khi gặp khó khăn gì, tôi cũng chia sẻ với chú và nhận được những lời khuyên tích cực, giúp mình tốt hơn trên con đường sự nghiệp", Tấn Minh bộc bạch.
Anh tâm sự: "Nhạc sĩ ra đi là sự tổn thất lớn với nền âm nhạc Việt Nam. Nhưng tôi tin những tác phẩm bất hủ của ông sẽ sống mãi trong lòng khán giả. Mỗi người trong chúng ta, chắc hẳn ai cũng đều yêu thích một nhạc phẩm của Phú Quang. Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Khúc mùa thu, Một dại khờ một tôi hay Lãng đãng chiều đông Hà Nội... đều là những ca khúc có giá trị nghệ thuật, gắn với đời sống. Suốt 15 năm, tôi hạnh phúc khi luôn được sát cánh cùng chú trong hầu hết chương trình và chia sẻ về nghệ thuật. Xin vĩnh biệt chú".
Cách đây khoảng một năm, trên sân khấu âm nhạc thủ đô, Tấn Minh cùng nhiều nghệ sĩ từng có dịp hát để tôn vinh các nhạc phẩm Phú Quang. Tấn Minh xúc động nghẹn ngào khi thể hiện loạt ca khúc như Biển nỗi nhớ và em, Nỗi nhớ mùa đông, Mẹ... Anh bảo mình yêu tất cả sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang. Anh hiểu những tâm tư, tình cảm mà nhạc sĩ gửi gắm trong đó.
Ca sĩ Thanh Lam viết lời tiễn biệt: “Cháu nhớ những đêm hát, chú cháu bên nhau. Chú đã để lại biết bao bản tình ca Hà Nôi mãi trường tồn. Xa xa trong miền ký ức có lẽ một dòng sông. Xa xa đôi bờ dốc nắng, mênh mang một chiều đông”.
Ca sĩ Đức Tuấn mượn lời ca khúc Hà Nội và em khi thu chớm đông sang để vĩnh biệt người nhạc sĩ tài hoa: “Và chú đã ra đi khi thu chớm đông sang. Để bớt cho đời một chút gió lao xao. Và tránh cho em bớt một lời chào! Xin vĩnh biệt chú Phú Quang, nhạc sĩ của Hà Nội, của trái tim người yêu nhạc Việt Nam”.
Trái tim nhạc sĩ dành trọn cho Hà Nội
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long tâm sự Phú Quang là người nhạc sĩ tài hoa với trái tim dành trọn cho Hà Nội. Tuổi trẻ của anh gắn liền với nhiều ca khúc của Phú Quang như Tình khúc 24, Nỗi nhớ, Đâu phải bởi mùa thu…
“Những ca khúc của ông đã đi dọc theo tuổi trẻ của tôi cũng như nhiều bạn bè đồng trang lứa. Tôi đã hát Điều giản dị trong ngày thi vào Nhạc viện Hà Nội, để từ đấy bước vào thế giới âm nhạc mà mình mơ ước từ nhỏ. Tôi đã rơm rớm nước mắt khi nghe NSND Lê Dung hát "Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc / Còn điều chi em mải miết đi tìm" (Khúc mùa thu - Lời thơ Hồng Thanh Quang) trong một đêm hòa nhạc vào năm 1994. Đó cũng là lần đầu tiên tôi bước chân vào Nhà hát lớn Hà Nội”, anh kể lại.
Nguyễn Quang Long nhớ như in lần duy nhất anh được đứng chung sân khấu với nhạc sĩ Phú Quang cách đây 10 năm.
Khi ấy, anh được mời làm người dẫn chương trình và Phú Quang là khách mời trong một chương trình âm nhạc dành cho học sinh, sinh viên Hà Nội. Hai người cùng trò chuyện về âm nhạc Hà Nội, sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang.
“Nhiều khi ta hay nghĩ nhạc của Phú Quang không được phong phú về màu sắc. Nhưng thực tế, đó lại là đóng góp lớn nhất của ông. Màu sắc âm nhạc trữ tình, tự sự và đoạn điệp khúc bùng nổ cảm xúc là một trong những đặc trưng của Phú Quang. Nó phù hợp với gu nghe nhạc của người Việt và Phú Quang đã nắm bắt được, hoàn chỉnh và đưa nó đến mức độ phổ cập”, nhà phê bình âm nhạc nhận xét.
Với Nguyễn Quang Long, nhạc Phú Quang đồng hành trong chặng đường học tập, là người bạn tâm giao, làm đẹp thêm đời sống tinh thần cá nhân.
Chút lá thu vàng đã rụng. Giờ đây cũng bỏ ta đi! Vĩnh biệt nhạc sĩ Phú Quang.
L.N - H.Y (Z)
Nhận xét
Đăng nhận xét