Ca khúc 'The Sounds Of Silence' của Simon & Garfunkel: 'Xin chào bóng tối, người bạn cũ của tôi'

Paul Simon và Art Garfunkel luôn ở trong mối quan hệ vừa yêu vừa ghét. Ở họ là những nghịch âm tưởng chừng không thể dung hòa, nhưng rốt cuộc, lại cộng hưởng nên thành giai điệu thiên thần.

Sự khác biệt quấn quýt như biểu tượng âm dương có thể thấy rõ ngay ở buổi đầu sự nghiệp, trong ca khúc The Sounds Of Silence.

The Sound Of Silence là ca khúc hoàn toàn do Paul Simon viết nhưng khi ghép vào với cuộc đời của Art Garfunkel, nó mới hiện lên hoàn chỉnh như 2 mặt của cuộc sống.

Từ phía Paul Simon

Paul Simon viết The Sounds Of Silence khi 21 tuổi, trong công việc âm nhạc đầu tiên của mình. Khi đó, việc của anh là lấy các ca khúc mà công ty xuất bản sở hữu, mang đến các công ty thu âm và hỏi xem có nghệ sĩ nào của họ muốn thu âm những ca khúc này không. Simon đã làm việc này trong 6 tháng và không có đến 1 ca khúc nào được chọn!

Cảm thấy có lỗi khi nhận tiền của họ mà chẳng làm được việc gì, anh bèn đưa cho họ vài ca khúc anh sáng tác. Tuy nhiên, tranh cãi nổ ra khiến Simon tức giận tuyên bố: “Nghe này, tôi bỏ việc đây và tôi cũng chẳng đưa cho các người ca khúc mới của tôi”. Ca khúc được nhắc tới đó chính là The Sound Of Silence (Thanh âm của im lặng). Simon nghĩ mình sẽ tự phát hành nó, và cũng từđó, anh sở hữu các ca khúc của mình.

Simon & Garfunkel trên bìa album phòng thu đầu tay “Wednesday Morning, 3 A.M”

Theo Simon, điểm sáng của The Sound Of Silence nằm ở giai điệu và ca từ đơn giản, nói về sự đơn độc của tuổi trẻ khi tiếng nói của họ như vô thanh, chẳng được ai nghe thấy. Anh cũng thừa nhận: “Đó không phải một suy nghĩ cầu kỳ mà chỉ là những suy nghĩ tôi gom góp được từ một số tài liệu đọc được ở trường đại học. Đó không phải điều gì mà tôi trải nghiệm qua ở mức độ sâu sắc, đớn đau nào đó - không ai lắng nghe tôi, không ai lắng nghe ai - đó là nỗi tức giận sau tuổi vị thành niên, nhưng ở mức độ nào đó nó là sự thật và đã cộng hưởng với hàng triệu người. Phần lớn vì nó có một giai điệu đơn giản và dễ hát”.

Tuy vậy, ca khúc đã bắt đầu thật sự bằng một sự thật tới từ Simon. Câu mở đầu “Xin chào bóng tối, người bạn cũ của tôi” lấy từ tuổi thơ của anh, khi anh thường viết nhạc trong phòng tắm với đèn được tắt. Luôn là niềm hạnh phúc của Simon khi ở đó một mình, trong bóng tối, để chơi và mơ màng. Anh bật vòi cho nước chảy và để âm nhạc vọng trong căn buồng dội âm.

Nhưng toàn bộ ca khúc là sự bất lực của con người trong giao tiếp, khi người ta nói mà tắt âm, người ta nghe thấy mà không lắng nghe. Tất cả như thể người ta không dám làm phiền âm thanh của sự im lặng. Nó khiến Simon gào lên: “Đồ ngu, bạn không biết im lặng là một thứ ung thư đang lan/Hãy nghe những lời mà tôi dạy bạn/Nắm lấy tay tôi vươn ra cho bạn”. Nhưng chỉ có bóng tối - người bạn bất đắc dĩ, và tất nhiên là câm lặng- nghe câu chuyện này.

Simon muốn kiếm hợp đồng thu âm khi rủngười bạn chơi nhạc cùng suốt thời học sinh, Art Garfunkel, tới gặp Tom Wilson của Columbia Records - một nhạc sĩ jazz trẻ, người từng giúp định hướng Bob Dylan chuyển từ nhạc dân gian sang rock. Trong 3 ca khúc họ thể hiện, Wilson nghĩ có 1 là hợp với ban nhạc trẻ có tên The Pilgrims, nhưng Simon muốn cho thấy chính The Sounds Of Silence có thể tuyệt vời thế nào với 2 ca sĩ. Dưới sự vận động của Wilson, Simon & Garfunkel có được hợp đồng với Columbia. Nhưng khoản tiền họ phải chi ra tới từ một người khác, người mà với anh ta, Art Garfunkel chính là “bóng tối”.

Từ phía Art Garfunkel

Người này là Sanford Greenberg, bạn thân nhất thời đại học của Garfunkel. Theo Greenberg, The Sound Of Silence cũng là lời tri ân cho mối quan hệ bền chặt giữa anh và Garfunkel. Tình bạn của Garfunkel, cùng với ca khúc, đã mang tới sự an ủi và động lực rất lớn cho Greenberg.

Greenberg và Garfunkel gặp nhau ngay trong tuần đầu ở Đại học Columbia. Garfunkel là người làm quen trước khi bước tới nói “Xin chào”. Chẳng bao lâu, họ trở thành bạn cùng phòng và nhận thấy có sở thích chung về âm nhạc và thi ca. 2 chàng trai trẻ đã giao ước rằng sẽ luôn ở bên nhau khi đối mặt với khó khăn.

Chỉ vài tháng sau, Greenberg mất thị lực. Anh đang xem một trận bóng chày thì tầm nhìn mờ mịt và ngay sau đó chỉ còn bóng tối.

Mặc dù bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm kết mạc và tình trạng mù lòa sẽ sớm qua đi nhưng niềm tin đó đã không thành sự thật. Sau đó, người ta phát hiện bệnh tăng nhãn áp đã phá hủy các dây thần kinh thị giác của Greenberg. Vì Greenberg xuất thân từ một gia đình đơn sơ, họ không có tiền để giúp anh. Do đó, chàng trai trẻ đã phải bỏ ngang đại học.

Greenberg bị suy sụp tâm lý nghiêm trọng. Anh ngừng nói chuyện với mọi người và tự cô lập mình. Sau đó, chính Garfunkel tới gặp anh, thuyết phục anh trở lại trường. Sau nhiều lần bạn nài nỉ, anh đồng ý, đăng ký học đại học lần nữa.

Garfunkel và Greenberg sẽ là những người bạn thân thiết tới hết đời

Ở đại học, Greenberg hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Garfunkel đã thay đổi cuộc sống của mình ở trường vì bạn, giúp bạn tới lớp, chăm sóc vết thương, cùng nhau đi dạo trong thành phố, điền các giấy tờ… Garfunkel tự coi mình là “bóng tối” khi ở bên Greenberg.

Một ngày nọ, khi đang ở giữa Ga Trung tâm Grand, Garfunkel bất ngờ nói anh có việc gấp phải đi ngay. Đột nhiên, Greenberg bị bỏ lại một mình giữa đám đông, hoảng loạn không biết làm gì. Bằng cách nào đó, anh về lại được trường dù đâm vào nhiều người, nhiều thứ. Greenberg coi đó là “những giờ tệ hại nhất đời tôi”. Khi về tới trường, Greenberg lại đâm bổ vào một người, người nói lời xin lỗi anh. Đó chính là Garfunkel.

Hóa ra, Garfunkel chưa từng rời bạn một bước. Anh nói dối như vậy để Greenberg nhận thấy mình có thể độc lập, tự làm chủ đời mình. Thí nghiệm quả thật thành công, khiến Greenberg dần tự tin hơn. 2 người bạn cùng tốt nghiệp đại học rồi mới đường ai nấy đi.

Vài năm sau, Greenberg nhận được cuộc gọi từ Garfunkel, hỏi vay 400 USD để thu âm một album mới. Greenberg chỉ có 404 USD trong tài khoản ngân hàng nhưng đã không một giây đắn đó mà gửi hết cho bạn. Anh thấy đã đến lúc đền đáp lòng tốt mà Garfunkel dành cho mình suốt những năm đại học. Với số tiền đó, Simon và Garfunkel đã ghi âm album Wednesday Morning, 3AM, trong đó có The Sounds Of Silence.

Như vậy, trong bóng tối thinh lặng, người ta có thể hóa điên lên hoặc mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Như đại văn hào người Séc Bohumil Hrabal viết trong cuốn tiểu thuyết ngắn Too Loud A Solitude (Quá ồn ào một nỗi cô đơn), rằng ông đã sống một thời gian dài cô độc nhưng ồn ào những đòi hỏi, “Cho tới một ngày đột nhiên tôi thấy thật tươi đẹp và thánh thiện vì đã có đủ can đảm để giữ lấy sự tỉnh táo của mình sau tất cả những gì tôi đã thấy và trải qua, cả về thể xác và tâm hồn”.

Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai

Bản thu The Sound Of Silence đầu tiên của Simon & Garfunkel xuất hiện trong album đầu tay của họ Wednesday Morning, 3 AM, được quảng bá là “âm thanh mới thú vị trong nhạc dân gian truyền thống”. Dù vậy, album không thành công. The Sounds Of Silence thậm chí trở thành trò đùa khi chỉ cần hát lên câu mở đầu “Xin chào bóng tối, người bạn cũ của tôi” là mọi người đã phá ra cười. Album chỉ bán được 3.000 bản và ít lâu sau khi nó phát hành, Simon & Garfunkel tan rã.

Sau đó, vào năm 1965, khi Simon ở Anh và Garfunkel đang học đại học, Wilson quyết định thêm vài nhạc cụ điện tử vào ca khúc, cố gắng tận dụng phong trào rock dân gian đang lên. Phiên bản mới này bất ngờ thành hit toàn cầu, lọt Top 10 ở Anh, Mỹ, Australia, Đức, Hà Lan, Nhật Bản… và đưa Simon & Garfunkel trở lại bên nhau. Nếu Wilson không làm lại ca khúc, Simon và Garfunkel có lẽ đã đi theo 2 con đường riêng chứ không phải một sự nghiệp lịch sử như ngày nay.

Năm 2012, ca khúc được Cơ quan Đăng ký Ghi âm Quốc gia của Thư Viện Mỹ chọn lưu trữ vì có ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa.

Về Greenberg, anh trở thành một doanh nhân vô cùng thành đạt, lập nên giải thưởng trị giá 3 triệu USD để tìm ra phương pháp chữa mù lòa.

T.V (HNS)

Nhận xét