Gal Gadot mờ nhạt trong 'Án mạng trên sông Nile'

Nối tiếp "Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông", "Death on the Nile" là phim trinh thám xoay quanh vụ án khác được phá bởi vị thám tử Hercule Poirot.

Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Agatha Christie, Death on the Nile (tên phát hành tại Việt Nam: Án mạng trên sông Nile) theo chân thám tử người Bỉ Hercule Poirot (Kenneth Branagh thủ vai) trong hành trình phá vụ án mới tại du thuyền xa hoa trên sông Nile.

Kịch bản phức tạp

Nghi ngờ những người xung quanh sẽ hại mình vì tiền, nàng tiểu thư Linnet Ridgeway-Doyle (Gal Gadot thủ vai) đã mời Hercule Poirot tham dự tiệc trăng mật của cô cùng vị hôn phu Simon Doyle (Armie Hammer đóng), họ hàng và bạn bè thân thiết tại Ai Cập.

Nhưng cô nàng thừa kế giàu có vẫn không thoát khỏi số phận của mình khi trở thành nạn nhân bị sát hại đầu tiên. Lúc này, mọi con người trên con tàu trở thành đối tượng bị hiềm nghi. Hercule Poirot liên tục điều tra và giải đáp mọi bí ẩn. Sau đó, dĩ nhiên là màn vạch mặt hùng hồn theo đúng phong cách của vị thám tử người Bỉ này.

Án mạng trên sông Nile không có gì ngoài những gương mặt nổi tiếng tại Hollywood.

Nghe qua tóm tắt câu chuyện có vẻ hấp dẫn. Tuy vậy, Death on the Nile lại trở thành tác phẩm thừa thãi chi tiết trong cách dẫn chuyện của đạo diễn kiêm diễn viên chính Kenneth Branagh.

Phim mở đầu bằng một trận chiến trong chiến tranh thế giới thứ nhất ở đâu đó tại Bỉ, được đầu tư thời lượng gần 10 phút nhưng mục đích chỉ cho thấy khả năng phán đoán chính xác của Hercule Poirot (điều đã được xây dựng và thể hiện ở phần phim đầu tiên mà không cần chứng minh lại) và giải thích tại sao vị quân nhân này lại để ria mép rồi chuyển nghề làm thám tử - hoàn toàn không liên quan hay bổ trợ gì cho toàn bộ câu chuyện về sau.

Nối tiếp sau đó là hơn 45 phút cài cắm câu chuyện của nữ chính để dẫn đến cái chết bi kịch cùng nhịp phim chậm chạp. Từng nhân vật được hé lộ từ từ về bản chất của họ. Tuy nhiên, ngay từ những phút đầu tiên, hung thủ thật sự lẫn động cơ gây án rõ như ban ngày đã lộ diện, mà ai cũng có thể đoán được.

Nạn nhân và cả hung thủ lộ diện ngay từ phút đầu tiên của câu chuyện.

Nửa sau phim dẫn dắt người xem đến rất nhiều tình tiết bị phức tạp hóa, hứa hẹn mở ra cái kết và cú lật hoàn hảo. Thế nhưng, mọi thứ dần đi vào lối mòn của những bộ phim trinh thám "bí đường".

Kết quả, kẻ thủ ác bị bóc trần đúng như dự đoán từ khoảng 15 phút đầu phim, cùng nguyên nhân là "vì tiền và tình", được gợi mở liên tục trong suốt thời lượng phim. Điều này khiến cho cả bộ phim chỉ là mớ lộn xộn trong nỗ lực khiến khán giả phải bất ngờ, vô tình trở nên phức tạp không cần thiết và bị phản tác dụng.

Cách xây dựng logic của Hercule Poirot hoàn toàn dựa trên cảm tính, cảm giác nhiều hơn là các chứng cứ. Màn tra hỏi từng nghi phạm thiếu căn cứ, chỉ tập trung làm cho họ sợ, bắt họ chứng minh ngược lại rằng mình vô tội.

Trải qua hơn 90 phút cà rề, Án mạng sông Nile đẩy đến một màn vạch tội nhanh đúng với thương hiệu của Hercule Poirot. Khi mà các nhân vật tập trung tại một chỗ, nghe bài thuyết trình ngắn gọn, kèm theo đó là những chứng cứ như trên trời rơi xuống và không cần tốn quá nhiều thời gian để tìm được. Mọi thứ chỉ vỏn vẹn trong chưa đến 10 phút phim được tô vẽ sự kịch tính bằng phần âm nhạc dồn dập.

Đến đây, có thể thấy nếu so với Conan hay Sherlock Holmes, vị thám tử người Bỉ tài giỏi hơn rất nhiều khi chỉ cần dùng thoại để giải quyết mọi thứ, còn quá trình điều tra cả vụ án chỉ được làm qua loa cho xong.

Nỗ lực thay đổi hung thủ so với bản tiểu thuyết gốc để gây bất ngờ nhưng phim lại giới thiệu hai kẻ thủ ác cùng động cơ rành rành ngay từ đầu phim. Không chỉ vậy, Death on the Nile còn nhồi nhét khá nhiều yếu tố về phân biệt chủng tộc hay giới tính, phân tán sự tập trung của người xem.

Thám tử Hercule Poirot tin bản thân hơn là chứng cứ.

Màn diễn xuất kém ấn tượng của dàn sao

Cũng giống phần đầu tiên, Death on the Nile quy tụ dàn sao Hollywood hùng hậu như Annette Bening, Russell Brand, Gal Gadot, Armie Hammer, Letitia Wright… bên cạnh nam chính kiêm đạo diễn Kenneth Branagh.

Chính vì vậy, biên kịch phim đã dành rất nhiều thời gian chia nhỏ các phần trong kịch bản để mọi diễn viên có cơ hội thể hiện góc riêng nơi nhân vật của mình. Hậu quả là phim thiếu sự tập trung nhất định vào tuyến truyện chính.

Thông qua tài liệu quảng bá, Gal Gadot là nhân vật trung tâm với sự đầu tư mạnh mẽ về hình ảnh, phục trang. Và điều mà khán giả nhận lại là một cô chủ điệu đà, không có chính kiến, không có gì ngoài cảm giác hoang mang và luôn có vấn đề lòng tin với bất kỳ ai bên cạnh mình, nhưng lại chỉ tin một người dưng là thám tử Hercule Poirot.

Các vai còn lại bắt đầu kể câu chuyện của mình khiến toàn bộ mạch phim trở nên rối. Tiếc thay, không ai trong số họ tạo được điểm nhấn dù trường hợp nào cũng có đất sống riêng.

Còn nam chính Kenneth Branagh không có gì nổi bật ngoài gương mặt lúc nào cũng cau có, không còn phong thái lịch lãm thường thấy, giọng nói tiếng Anh mang chất Bỉ gượng gạo tạo cảm giác chán chường cho người thưởng thức.

Dường như nhà sản xuất đã chi quá nhiều tiền để mời dàn sao đình đám cũng như bối cảnh hoành tráng cho phần nhìn, nhưng quên dành tiền để làm kịch bản hay hơn.

Death on the Nile không khác gì những bữa tiệc xa hoa của giới thượng lưu

Án mạng trên sông Nile sẽ cuốn hút hơn nếu mọi thứ được làm ngắn gọn và phơi bày vào đoạn sau thông qua điều tra theo đúng công thức thường thấy của phim trinh thám, hơn là cố gắng làm khác đi để rồi hụt hơi.

Death on the Nile không hẳn là một phim quá dở nhưng cũng không đủ hay để xứng tầm với tác phẩm gốc ăn khách lẫn dàn sao đình đám. Đạo diễn Kenneth Branagh cũng không có nhiều cố gắng sau tựa phim thất bại nặng nề gần đây là Artemis Fowl.

X.P (Z)

Nhận xét