Đòn bẩy cho nghệ thuật cộng đồng

Một điểm sáng trong lĩnh vực âm nhạc năm vừa qua là các tác giả đồng lòng, chung sức cổ vũ tinh thần người dân, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Album "Cây lặng, gió ngừng" của Lê Cát Trọng Lý gồm 8 bài hát được viết trong 2 năm 2020 và 2021. So với những album trước đây của Lê Cát Trọng Lý, album trên là sự dung hòa giữa cá tính âm nhạc đặc trưng của Lý và thị hiếu thưởng thức của khán giả.

Âm nhạc chữa lành

Nhiều ý kiến cho rằng album mới của Lê Cát Trọng Lý rất lạ bởi đây là lần đầu tiên người nghe có thể thâm nhập dễ dàng những bài ca của Lý. Nếu album đầu tay là "Tuổi 25" nhằm giới thiệu cá tính của Lê Cát Trọng Lý thì liên tục những đĩa nhạc sau đó ("Dreamers - Những kẻ mộng mơ", "Không sao về bắt đầu", "Đừng mua nhiều nhà hơn mình cần", "Hai người chẳng thấy nhau") lại mang tính thể nghiệm nhiều hơn khi hợp tác cùng Nguyễn Thanh Tú, người chuyển soạn các ca khúc của Lý sang nhạc cụ thính phòng.

"Cây lặng, gió ngừng" là một đĩa nhạc chữa lành, như những gì cô tâm sự: "Hai năm "ở yên" có lẽ khiến nhiều người trong chúng ta thay đổi ít nhiều trong suy tư, nghĩ lại cái gì quan trọng với mình, chăm sóc lại ngôi nhà của mình bên ngoài và nơi trú ẩn thực sự bên trong mình". Những ca khúc trong album là tiếng nói chung của nhiều người vừa trải qua một giai đoạn cuộc sống có phần bất định. Mỗi bài hát trong album đều mang một thông điệp rất cụ thể. 

Chẳng hạn như với ca khúc "Giậm chân tức tối", cô nói rằng thái độ tiếp nhận của chúng ta trước một sự việc xảy ra đều do chính chúng ta quyết định. Điều không vừa ý có thể khiến chúng ta tức tối nhưng nếu nghĩ rằng hãy để nó trôi qua thì chúng ta cũng sẽ có được những điều tốt đẹp hơn. Bằng những suy ngẫm hướng vào bên trong, Lê Cát Trọng Lý hát những lời an ủi cho những "đồng âm" chịu nhiều biến động của mình. Lý đến gần với mọi người bằng sự nhẹ nhõm, dịu dàng.

Ca sĩ Lê Cát Trọng Lý. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ca sĩ Tóc Tiên đánh dấu sự tái xuất ở đường đua nhạc Việt bằng sản phẩm Extended Play (viết tắt EP, hay còn gọi là đĩa mở rộng) mang tên "Yêu rồi (yêu) rồi yêu". Bốn ca khúc "Từ những thói quen", "Trên chuyến xe Đà Lạt chiều nay", "Mình yêu đến đây thôi", "Em đã có người mới" trong EP này cùng kể về những câu chuyện tình không trọn vẹn. 

Khác với tạo hình bốc lửa trong những ca khúc nhạc dance, Tóc Tiên trong lần xuất hiện này dịu dàng, đằm thắm, cùng với lối hát kể chuyện, nhẹ nhàng, thủ thỉ. Nội dung các ca khúc hầu hết đều từ góc nhìn của người phụ nữ. Họ thỉnh thoảng vẫn còn vấn vương và nghĩ về chuyện cũ, người cũ nhưng mặc nhiên, nỗi buồn ấy thoáng qua bởi quan trọng là ai cũng có đời sống riêng và những gì tốt đẹp vẫn còn chờ ở phía trước.

Các ca khúc mang màu sắc tự sự, man mác buồn nhưng giống như cuộc chuyện trò, giãi bày nên người nghe dễ tìm được sự đồng cảm, an ủi tinh thần. Khi âm nhạc kết nối được những tâm hồn đồng điệu, giúp mọi người sẻ chia cảm xúc thì đó là lúc nghệ thuật đang làm tốt vai trò chữa lành. Tóc Tiên nói không nhất thiết trải qua những ngày buồn, người nghệ sĩ mới thể hiện được trọn vẹn nỗi buồn trong nhạc phẩm mà ngay lúc bình yên nhất, cô cảm nhận sâu sắc hơn nỗi niềm nhạc sĩ gửi gắm.

Cổ vũ tinh thần

"Âm nhạc chữa lành" là khái niệm cũ nhưng lại mới ở showbiz Việt. Một điểm sáng trong lĩnh vực âm nhạc năm vừa qua là các tác giả chuyên lẫn không chuyên, trong và ngoài nước, đồng lòng, chung sức cổ vũ tinh thần người dân, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Có thể kể đến những ca khúc như "Con đường và những bước chân", "Sài Gòn sớm khỏe", "Việt Nam ơi ta sẽ thắng", "Sống như tia nắng mặt trời", "Sài Gòn tôi sẽ"... 

Còn trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, hàng loạt chương trình âm nhạc được tổ chức dưới hình thức trực tuyến nhằm lan tỏa những giai điệu giàu cảm xúc, ca từ hoặc để động viên người dân trên cả nước đồng lòng vượt qua dịch bệnh.

Từ nhiều năm nay, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đã theo đuổi dòng âm nhạc trị liệu với nhiều sản phẩm được khán giả yêu thích. Những sản phẩm mang phong cách chill-out/Lounge Music của anh đã để lại những dấu ấn đặc biệt với khán giả yêu nhạc qua dự án "Trung Nguyên Lounge Music", mở đầu bằng bộ đôi album "Rừng xưa đã khép" và "Hòa âm của đại ngàn". Ngoài ra, 2 album trước đó là "Listen Or Walk" và "Nụ hôn của biển" cũng là điểm nhấn thú vị trong phân khúc âm nhạc trị liệu này.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng giới thiệu "Heal me" theo phong cách âm nhạc trị liệu. "Từng trải qua sự kiệt quệ và bế tắc về tinh thần, bản thân tôi đã dùng âm nhạc để tự chữa cho mình. Vốn là người lạc quan, tích cực, tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân lại gục ngã. Và lúc đó, tôi nhận ra âm nhạc thật kỳ diệu" - anh nói về sản phẩm này. Sau nhiều năm viết tình ca, nhạc sĩ Quốc Bảo công bố sản phẩm "Dreamers" thuộc dòng nhạc chữa lành. Ông nói: "Tôi đã có 1.000 ca khúc và giờ đây tôi muốn làm mới chính mình bằng một định hướng khác. Một thể loại âm nhạc mang tính trị liệu, chữa lành nhiều hơn". 

Ca nhạc sĩ Đình Bảo (cựu thành viên nhóm AC&M) cũng cho biết đang chuẩn bị cho hành trình mới với dự án âm nhạc chữa lành sau thành công ngoài dự tính của "Sống như tia nắng mặt trời" (được tôn vinh tại Giải Mai Vàng lần thứ 27-2021 do Báo Người Lao Động tổ chức dành cho "Chương trình, tác phẩm Văn hóa - Nghệ thuật phục vụ cộng đồng trong phòng chống dịch Covid-19"). 

Thú vị về mặt âm nhạc là điều tất nhiên dù nhiều nhạc sĩ theo đuổi dòng nhạc này thừa nhận lượng khán giả hiện không nhiều. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh khẳng định: “Tôi không chọn dòng nhạc này mà đơn giản là bị hút, bị cuốn theo. Ai theo nghiệp sáng tác lâu dài đến một lúc cũng sẽ như vậy vì chân trời rộng mở phía trước mời gọi”.

T.T (HNS)

Nhận xét