Với lịch sử hình thành, phát triển trên 300 năm, thang âm bình quân đã tạo nên một cột mốc quan trong trong tiến trình lịch sử, đóng góp cho lĩnh vực âm nhạc nhiều thành tựu to lớn. Bằng chứng là di sản âm nhạc kinh điển châu Âu đồ sộ, nhạc Pop trên toàn thế giới, tất cả đều dựa trên nền tảng của thang âm bình quân, thậm chí nó đã trở thành thứ ngôn ngữ quốc tế trong thế giới âm nhạc. Song, thang âm bình quân không phải là vô hạn. Nó cũng có sự hữu hạn nhất định. Ra đời muộn hơn nhiều nền âm nhạc truyền thống trên thế giới, thang âm bình quân bộc lộ nhiều điểm “tương xung” với “hệ ngữ âm” của các nền văn hóa âm nhạc dân gian và truyền thống. Chính vì vậy, việc sử dụng thang âm bình quân để tiếp cận các dạng thức âm nhạc dân gian, truyền thống đa dạng gặp không ít trở ngại, thậm chí có thể gây ngộ nhận, đặc biệt khi “phiên dịch” ngôn ngữ âm nhạc từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác nhằm thỏa mãn “hệ ngữ vựng” của thang âm bình quân.
Chúng ta có thể hình dung thang âm bình quân giống như một không gian chứa đựng các âm thanh. Trong phạm vi một quãng tám, “không gian” của thang âm bình quân có 12 nửa cung đều nhau. Tất nhiên, không gian này vẫn đủ rộng cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ chao liệng trên bầu trời sáng tạo. Nhưng, không hẳn vì thế mà chúng ta đi đến ảo tưởng về quyền năng vô hạn của thang âm bình quân. Thang âm bình quân là một sản phẩm do con người sáng tạo. Xét về bản chất, nó cũng gặp phải sự hữu hạn giống như mọi hiện tượng văn hóa khác. Loài người sống trong thế gian tương đối, không có gì tuyệt đối cả! Điều đó cũng biểu hiện tương ứng qua đặc tính của thang âm bình quân. Mặc dù, các tác phẩm âm nhạc thời Cổ điển, Lãng mạn, Ấn tượng… đa số đều sử dụng hệ ngôn ngữ của thang âm bình quân. Song, như đã nói, các nền văn hóa âm nhạc dân gian, truyền thống ở từng quốc gia, dân tộc lại không nằm trong vòng kiềm tỏa của thang âm bình quân. Bởi vậy, muốn vượt thoát khỏi không gian chia đều một quãng 8 thành 12 nửa cung của thang âm bình quân buộc chúng ta phải phá vỡ khuôn khổ hữu hạn của nó. Sự hữu hạn này nằm ở chính khoảng cách giữa các bậc âm.
Trong một quãng 8, mỗi truyền thống văn hóa có nhiều cách sắp xếp trật tự. Như trên đã ví thang âm bình quân giống như một không gian mà thứ tự các bậc âm chia đều khoảng cách với nhau, ở nhiều truyền thống văn hóa âm nhạc khác, trong phạm vi một quãng 8 có rất nhiều cách sắp xếp. Hiện tượng này giống như cách tổ chức, bố cục sự vật trong không gian hay nghệ thuật tạo hình. Cùng một không gian (hay quãng 8) có rất nhiều cách bố cục, sắp xếp sự vật hay âm thanh. Người thiết kế đảo lộn vị trí, trật tự, tái cấu trúc công năng các đồ vật có thể tạo nên muôn vàn kết cấu mới. Trong âm nhạc dân gian, truyền thống đã xuất hiện nhiều trật tự, cấu trúc âm thanh đa dạng, như: hệ thống thang âm của Ấn Độ chia một quãng 8 thành 22 bậc (sruti), hệ thống âm luật Ba Tư (Iran) chia một quãng 8 thành 17, 22 âm, trong thực tiễn xuất hiện cả thang 7 âm (không chia đều). Hệ thống luật gồm 17 âm do Safi al-Din (1230 - 1294) thiết lập, áp dụng lý thuyết Pythagoras (BC 572 – 492), trên cơ sở chia một quãng 8 thành 17 âm (không đều nhau) và sử dụng hai đơn vị limma (90 cents) và comma (24 cents). Nhạc Iran thể hiện trên 5 dòng kẻ có những quãng 2 tương ứng với khoảng ¼ cung (giáng gọi là Koron, thăng là Sori))… Nhạc Thái Lan về cơ bản thuộc thang 7 âm, 5 âm, nhưng giữa các bậc âm liền kề (quãng 2) lại sản sinh nhiều khoảng cách rộng hẹp không đều. Căn cứ trên hai cách chỉnh âm là pelog và slendo, chúng có thể dao động từ 10 đến 315 cents. Âm nhạc truyền thống Thái Lan cũng sử dụng thang 7 âm chia đều. Âm nhạc dân gian Việt Nam với độ phủ rộng bao trùm các tộc người cùng chung sống trên một vùng lãnh thổ với rất nhiều mô hình, kích cỡ về khoảng cách bậc âm. Ngay trong phạm vi âm nhạc người Kinh thôi, thang âm ẩn tàng trong dân ca, nhạc truyền thống đã rất phong phú, đặc biệt không giống thang âm bình quân. Chưa kể, bên cạnh cấu trúc ổn định của thang âm, điệu thức, người ta còn vận dụng linh hoạt, sáng tạo các thủ pháp biến âm, trang sức, tô điểm... Âm nhạc dân gian châu Á phổ biến thủ pháp melisma (đưa hơi), vibraphone (rung), đổ hột… Người Mông Cổ có thêm nghệ thuật hát đồng song thanh (khoomi) vô cùng độc đáo. Một người có thể hát cùng một lúc 2 cao độ trở lên.
Xuất phát bởi tư duy sử dụng một “chuẩn” của thang âm bình quân nhằm nghiên cứu âm nhạc dân gian, truyền thống làm nảy sinh nhiều vấn đề trong hoạt động thực tiễn. Chẳng hạn quan niệm về “âm không ổn định”. Âm không ổn định ở đây được hiểu là những cao độ không tương ứng với hệ bình quân, nằm ngoài cao độ xác định. Rõ ràng quan niệm về sự không ổn định này không ổn. Tạm thời coi âm nhạc như một thứ ngôn ngữ thì dựa vào kinh nghiệm tiếp cận, học tập ngôn ngữ chúng ta dễ dàng phát hiện, khi chưa phân biệt, nhận biết sự thay đổi về âm sắc, cao độ, thanh điệu… ngôn ngữ, chúng ta rất khó nắm bắt, cảm nhận được nội hàm, ý nghĩa đặc trưng thể hiện trong ngôn ngữ. Riêng cá nhân tôi lần đầu tiếp xúc tiếng Anh qua băng cassete có cảm giác giống như tiếng ồn! Đơn giản vì tiếng mẹ đẻ của tôi là ngôn ngữ đa thanh. Tương tự như vậy, có những loại hình âm nhạc thoạt nghe tưởng như tiếng nói, nhưng thực chất lại là tiếng hát, như Ca trù, hát Bội, hát Bóng rỗi, hát Sắc bùa, hát kể…
Sự giới hạn của thang âm bình quân đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ phải xem xét, nhìn nhận lại cách thức ứng xử, ứng dụng thang âm bình quân, nhất là đặt trong mối liên quan với các nền âm nhạc ngoài châu Âu. Ở châu Âu, người ta dường như có khuynh hướng đồng nhất ca khúc nghệ thuật (sáng tác bằng ngôn ngữ của hệ bình quân) với âm nhạc chính thống. Còn ở các châu lục khác, âm nhạc chính thống hay truyền thống, dân gian, cung đình, âm nhạc tôn giáo, tín ngưỡng… vẫn bảo lưu trên cơ tầng văn hóa bản địa. Chúng có sức hấp dẫn, đồng thời chuyển tải được những nét đặc trưng trong văn hóa, góp phần gìn giữ quá khứ. Chính vì vậy, nếu chỉ dựa vào một bộ khung ví như tấm áo may sẵn mặc cho tất cả mọi người không khỏi thấy sự chật chội, bất hợp lý và bất cập về tư duy.
Lê Hải Đăng (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét