Âm nhạc chữa lành

Nhiều ca sĩ, nhà tổ chức bắt đầu quan tâm đến khái niệm chữa lành từ âm nhạc. Dẫu chỉ mới ở bước đầu nhằm khơi gợi nhận thức, nhưng đây cũng là tín hiệu vui.

Khái niệm chữa lành ngày càng phổ biến hơn

Sau đại dịch COVID-19, sức khỏe tinh thần của con người là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Nhiều chiến dịch hướng đến việc cải thiện, chăm sóc sức khỏe tinh thần ra đời. Âm nhạc cũng không đứng ngoài cuộc. Nhạc Việt đang có nhiều dự án, sản phẩm hướng đến mục tiêu chữa lành. 

Ca sĩ Hà Anh Tuấn chuẩn bị tổ chức chuỗi đêm nhạc Những vết thương lành

Trung tuần tháng Tám, ca sĩ Hà Anh Tuấn có chuỗi đêm nhạc mang tên Những vết thương lành, kết hợp cùng vợ chồng ca sĩ Phương Thảo - Ngọc Lễ, ca sĩ Hoàng Dũng. Anh kỳ vọng âm nhạc sẽ giúp khán giả xoa dịu tổn thương, tìm thấy được bình an trong tâm hồn.

MV Khói mở đầu cho EP (đĩa mở rộng) Lost của Hà Lê cũng hướng đến việc đối diện những bế tắc, tổn thương và cách vượt qua, chuyển hóa năng lượng tích cực. Trước đó, tháng 5/2022, chuỗi đêm nhạc Happiness Concert, lấy chất liệu nhạc giao hưởng làm chủ đạo, cũng giúp khán giả tìm được sự bình an.

Ca sĩ Đình Bảo cũng công bố dự án âm nhạc chữa lành của anh đã hoàn thiện đến 90%, chuẩn bị ra mắt trong thời gian tới. Ngoài ra, Đình Bảo còn dự kiến tổ chức một show diễn được thầy Minh Niệm hỗ trợ viết các lời dẫn.

Năm ngoái, concert Chúng ta đang thở kìa của Lê Cát Trọng Lý được ví như một điểm tựa bình an trong thời điểm dịch bệnh. Năm nay, đĩa nhạc Cây lặng, gió ngừng của Lý cũng là một cách giúp con người lấy lại cân bằng, sống chậm lại và nghĩ khác đi…

Ca sĩ Lê Cát Trọng Lý và album Cây lặng gió ngừng

Cùng mục tiêu này, còn có đêm nhạc Vết nứt diễn ra vào giữa tháng Bảy; dự án âm nhạc Hương mùa hè với sự tham gia của Sunie Hạ Linh, Hoàng Dũng, Orange và Grey D…

Từ tâm hồn nghệ sĩ bước ra cuộc sống

Ngoài yếu tố thời cuộc, các dự án âm nhạc trên phần lớn đều khởi phát từ những trải nghiệm thật của ca sĩ, nghệ sĩ. Lê Cát Trọng Lý nói, ban đầu chị chỉ viết nhạc để an ủi chính mình, sau đó đến bạn bè, và may mắn tìm được tiếng nói chung với khán giả.

Sau thành công của Trịnh Contemporary vào năm 2018, Hà Lê mất thăng bằng một thời gian dài. Trải qua nhiều việc không may, anh nhận ra chỉ có dám đối diện với vấn đề mới vượt qua được. Những điều góp nhặt từ trải nghiệm cá nhân được anh thể hiện thành âm nhạc.

“Hành trình phát hiện, chấp nhận, vượt qua những vấn đề của bản thân không dễ dàng. Đi qua tất cả, tôi nghĩ đã đến lúc âm nhạc của mình cần mang lại một giá trị nào đó cho khán giả, hơn mục tiêu giải trí thông thường. Từ những điều rất thật của bản thân, tôi tin sẽ kết nối được với họ”, Hà Lê chia sẻ.

Hà Lê trong MV Khói, mở đầu cho dự án Lost

 Hai năm đại dịch, Đình Bảo quay về tìm bình yên bên gia đình, thiên nhiên… Anh thấy cuộc sống vui vẻ, bớt áp lực, làm việc hiệu quả hơn. Nhận ra sự thay đổi của chính mình, anh muốn lan tỏa năng lượng tích cực đến khán giả. “Điều tôi làm tốt nhất vẫn là âm nhạc. Tôi không nghĩ đây là công việc, mà là trách nhiệm với cộng đồng. Khi có thể trao đi điều gì đó tốt đẹp cho mọi người, thì chính tôi cũng có được cảm xúc tích cực”, anh nói. 

Điểm chung dễ thấy ở các dự án là chất liệu âm nhạc nhẹ nhàng, ca từ đẹp, dễ đi vào lòng người, hướng tinh thần đến sự thư giãn, yên bình.

Theo Lê Cát Trọng Lý, khi sáng tác, khi hát không hướng đến cảm xúc quá vui, cũng không quá buồn, không gây kích động. Đình Bảo chú trọng việc sử dụng ghi-ta, các loại nhạc cụ nhỏ để giữ được sự mộc mạc, gần gũi với người nghe. Ca sĩ Hà Lê nói: “Hành trình nào cũng có sự khởi đầu, sau đó mới tiếp tục phát triển các bước cao hơn. Từ khơi gợi, nhận thức mới tiến đến cách giải quyết. Hiện tại, gu âm nhạc của khán giả tinh tế hơn rất nhiều. Vì thế, muốn truyền tải thông điệp gì, thì trước tiên âm nhạc phải bắt tai, hay, có dấu ấn riêng”. 

Âm nhạc giúp giảm căng thẳng hiệu quả

Theo nghiên cứu của Đại học Khoa học Sussex (Anh), sáu phút nghe nhạc có thể giúp người nghe giảm đến 61% căng thẳng. Những điệu nhạc du dương giúp tâm trí được thư giãn, hạn chế tăng nhịp tim, giảm khả năng gây stress.

Nghiên cứu từ bác sĩ tâm lý Dawn Kuhn tại Đại học Willamette (Mỹ) cho thấy nghe nhạc giúp giảm lượng cortisol - một trong những chất hóa học liên quan đến trạng thái căng thẳng của não bộ. Nhà tâm lý học Laura Ferreri (Đại học Lyon, Pháp) cũng khẳng định âm nhạc giúp não bộ sản sinh dopamine tự nhiên, giúp cải thiện tâm trạng, thoát khỏi sự mệt mỏi, trì trệ.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, âm nhạc chữa lành đã phát triển nhiều năm qua, thậm chí đã trở thành phương pháp trị liệu, phục hồi tâm lý, trí nhớ. Tại Việt Nam khái niệm này vẫn còn mới mẻ. Hiện, phần lớn các dự án chỉ mới dừng ở bước đầu tiên nhằm khơi gợi vấn đề, gia tăng sự chú ý của khán giả. 

Trung Sơn (PNO)

Nhận xét