Phim Việt năm qua ít vai nữ ấn tượng?

Năm nay, điện ảnh Việt chưa thực sự hồi sức sau những ảnh hưởng của Covid-19. Thị trường tương đối ảm đạm, mỗi tháng có lác đác một vài tác phẩm ra rạp nhưng không phải dự án nào cũng thành công.

Kịch bản cũ kỹ, nhiều lỗi là một trong những lý do khán giả dần quay lưng với phim nội địa. Đó cũng là yếu tố khiến năm nay điện ảnh Việt không có những vai nữ hay để gây ấn tượng.

Ra mắt dịp Tết, 1990 (Nhất Trung đạo diễn) quy tụ bộ ba nữ chính Lan Ngọc, Nhã Phương và Diễm My 9X, đều là những gương mặt được khán giả yêu thích. Thế nhưng, khi ra mắt phim lại bị chê nhiều hơn khen. Phần lớn đánh giá thấp kịch bản quen thuộc, mô-típ gợi nhớ phim truyền hình Ba mươi chưa phải là hết của Trung Quốc. Chưa kể, diễn xuất của các ngôi sao không giúp phim tốt hơn mà còn gây thất vọng vì kéo chất lượng đi xuống.

Là một trong những dự án được đầu tư nhất năm nay, Em và Trịnh (Phan Gia Nhật Linh đạo diễn) thu hút khá nhiều diễn viên nữ vào vai các “nàng thơ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng với một phần kịch bản dàn trải, phim gần như không có nữ chính. Ngay cả nhân vật quan trọng là Dao Ánh lúc trẻ (Hoàng Hà) cũng mờ nhạt, không có nhiều cá tính.

Các nhân vật nữ trong Em và Trịnh được khai thác hời hợt, thiếu chiều sâu.

Một số trường hợp diễn viên đóng tốt nhưng kịch bản tệ khiến họ không có đất thể hiện. Điển hình là Phương Anh Đào với vai chính trong Vô diện sát nhân (Đinh Công Hiếu đạo diễn). Xem phim, khán giả không khó nhận ra nhiều đoạn diễn viên phải “gồng” mình theo kịch bản phi lý.

Tương tự, Oanh Kiều duy trì cảm xúc nhân vật khá tốt trong Người lắng nghe (Khoa Nguyễn đạo diễn). Nhưng cô cũng không cứu nổi kịch bản tệ, cách khai thác nhân vật nghèo nàn và cũ kỹ, cách làm phim còn thiếu sót.

Một dự án cũng khá tôn phái nữ là Bẫy ngọt ngào - Đinh Hà Uyên Thư đạo diễn. Pha trộn yếu tố chick-flick (dòng phim dành cho phụ nữ), tác phẩm có nhiều đất để khai thác vai nữ, tạo điều kiện để các diễn viên trưng trổ khả năng.

Kịch bản phim xây dựng đến 3 nhân vật nữ lần lượt do Bảo Anh, Minh Hằng và Diệu Nhi thể hiện. Đặc biệt, hai ngôi sao Bảo Anh và Minh Hằng gây chú ý với các vai nữ hấp dẫn, có nhiều đất để khai thác.

Cụ thể, giọng ca Trái tim em cũng biết đau vào vai người vợ bị chồng bạo hành, hứng chịu nhiều nỗi đau tinh thần lẫn thể xác. Trong khi đó, Minh Hằng vào vai cô gái độc lập và tự chủ, quyến rũ bên ngoài và mạnh mẽ bên trong. Dù là phái yếu, cô quyết không để người khác lợi dụng mình, sẵn sàng lên kế hoạch để trả thù giúp bạn.

Điểm trừ là kịch bản có ý tưởng nhưng khai thác chưa sâu. Những phụ nữ trong phim luôn xuất hiện với vẻ bóng bẩy, hấp dẫn bên ngoài nhưng bên trong trống rỗng. Ngay cả khi hành động nhiều, họ vẫn không có cơ hội được giãi bày tâm sự, chia sẻ nội tâm.

Đôi lúc các nhân vật trở nên lạc lõng trong câu chuyện của chính mình, khiến người xem khó đồng cảm. Đó là một trong những lý do khiến cả Bảo Anh lẫn Minh Hằng đều không được đề cử diễn xuất tại Cánh diều 2021.

Về cơ bản, điện ảnh nước ta không thiếu diễn viên giỏi nhưng chưa có nhiều kịch bản hay để họ tỏa sáng. Thu Trang, Bảo Uyên và Chu Diệp Anh gần như là lựa chọn tốt nhất mà Hội Điện ảnh Việt Nam có thể lựa chọn năm nay.

Chiến thắng của Bảo Uyên trước các đối thủ là tín hiệu tốt. Nó cho thấy sức hút ngôi sao hay vẻ bóng bẩy bên ngoài không làm nên thành công của vai diễn. Cuối cùng, điều khán giả cần là một kịch bản hay, một diễn viên thực sự thấu hiểu câu chuyện, biết cách bóc từng lớp vỏ cảm xúc của nhân vật ra trước màn ảnh.

Có như vậy, họ mới thực sự ghi điểm và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem.

S.P (Z)

Nhận xét