Cơ hội nào cho nhạc Việt “ra biển lớn”?

Thời gian gần đây, khán giả đã chứng kiến nhiều cuộc hợp tác quốc tế của nghệ sĩ Việt. Liệu “đòn bẩy” này có đưa nhạc Việt ra thế giới?

Thời kỳ nhộn nhịp

2022 có thể xem là năm thành công trên trường quốc tế của âm nhạc Việt. Với sự lớn mạnh của TikTok, See tình của DTAP và Hoàng Thùy Linh đã gây được tiếng vang lớn khi các clip cover, nhảy theo nền nhạc… liên tục gây sốt. Trào lưu See tình không chỉ lan tỏa nhờ lượng người dùng đông đảo, mà còn thông qua nhiều người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng giúp sản phẩm thêm quen thuộc.

Suboi và Mỹ Anh xuất hiện gần đây ở COLORS

Bên cạnh chất lượng tự thân, việc các hãng đĩa lớn như Warner Music, Universal… đặt trụ sở tại Việt Nam cũng đã mở ra cơ hội hợp tác quý giá. Năm qua, công chúng đã được  nghe Vũ hát cùng Lukas Graham - chủ nhân bản hit 7 years từng được đề cử Grammy, Hoàng Duyên hợp tác với giọng ca The X Factor Anh Quốc - Calum Scott.

Mới nhất, rapper Suboi và Mỹ Anh cũng đã xuất hiện trong chuỗi chương trình COLORS với sự hỗ trợ từ phía Viện Goethe. COLORS là một chương trình trên YouTube, chủ yếu giới thiệu những nghệ sĩ tài năng trên toàn thế giới. Sản phẩm của họ là các MV hoàn toàn tối giản với phông nền mang nhiều màu sắc, tập trung hướng vào nghệ sĩ, tác phẩm cũng như hành trình sáng tạo hơn là yếu tố phụ trợ bên lề.

Valentine năm nay, Đức Phúc hợp tác với nhóm nhạc Anh Quốc 911 để làm mới bản hit I Do nhiều thập niên trước. Việt Nam cũng trở thành địa điểm tiềm năng khi trước đó John Legend, Christina Aguilera từng đến trình diễn theo lời mời riêng. Nhà sản xuất Babyface, nghệ sĩ dòng rock Jack White, ca sĩ audiophile Emi Fujita… cũng đã xuất hiện trong thời gian qua hay sắp tới là nhà soạn nhạc Kitaro, nhóm nhạc Hàn Quốc Super Junior…

Khi thế giới ngày càng “phẳng” trong xu hướng toàn cầu hóa, các nền tảng âm nhạc ngày càng phổ biến… đã giúp con đường đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới dễ dàng hơn.

Có đến đỉnh cao?

Sau những thành công nêu trên, các nghệ sĩ hiện vẫn chưa có hoạt động nào thật sự rõ ràng để tận dụng những “tia lửa” đó. Hoàng Thùy Linh dù có âm nhạc “theo chuẩn quốc tế”, hình ảnh thời thượng… nhưng sau khi See tình tạo được sức ảnh hưởng ngần ấy, cô vẫn chưa có bước tiếp theo đáng kể nào để duy trì sức nóng.

Nghệ sĩ dòng audiophile Nhật Bản Emi Fujita và Uyên Linh trong một show diễn gần đây

Điều này cũng tương tự Vũ, Hoàng Duyên hay nhiều nghệ sĩ khác. Đáng lẽ “thừa thắng xông lên”, họ dường như thiếu động lực để phát triển tiếp. Không có phiên bản tiếng Anh, không có thêm sự giao lưu hay trình diễn trực tiếp nào, khiến các tác phẩm nhanh chóng hạ nhiệt.

Với sự góp mặt của các tên tuổi nổi tiếng, khâu tổ chức show cũng cần nâng cấp để tạo thêm uy tín cho thị trường mới như nước ta. Trong khi Thái Lan, Singapore… luôn là địa điểm được các ngôi sao quốc tế chọn để thực hiện đêm diễn, Việt Nam vài năm qua chỉ có lần góp mặt đáng kể của Ariana Grande nhưng cũng bị hủy ở phút cuối cùng. Trước đó, ban tổ chức đêm diễn tại TPHCM của 911, The Moffatts và A1 cũng có dấu hiệu lừa đảo, khiến tình hình thêm khó khăn hơn.

Điều này cũng đặt ra dấu hỏi lớn: Liệu các nghệ sĩ của chúng ta chưa có tham vọng vươn ra quốc tế hay nhạc Việt còn thiếu gì đó? Theo nhiều chuyên gia trong ngành, âm nhạc nước ta còn thiếu quy trình thật sự chuyên nghiệp để chuyển những khởi đầu này thành thành công chung. Họ cho rằng, cần có hướng đi bài bản, tổng thể cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi “tấn công” vào thị trường nước ngoài.

Chẳng hạn ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc đã chuẩn bị hơn 3 thập niên mới có được thành công như hiện tại với sự phổ biến của các nhóm nhạc BTS, BLACKPINK… Nhiều người cho rằng, thành công này là nhờ chính sách “xuất khẩu văn hóa” đúng hướng của Hàn Quốc ra thế giới. Con đường xuất khẩu văn hóa không thể ngày một ngày hai nên điều cần nhất là các nghệ sĩ nước ta phải luôn cải tiến sản phẩm và xây dựng nền tảng vững chắc, tự tạo ra cơ hội nếu đủ may mắn trước khi có một chiến lược thật sự rõ ràng.

May mắn là trong thời điểm hiện tại, âm nhạc Việt Nam đang có một lực lượng trẻ đa tài, tiệm cận gần với âm nhạc thế giới. Mỹ Anh, Kim Chi Sun, CHARLES, Hooligan, Wren Evans… đều là những nghệ sĩ trẻ xuất hiện trong nhiều vai trò, từ sáng tác, hát cho đến tự sản xuất. Họ cũng thực hành được đa ngôn ngữ và có nhiều bài hát hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc xen lẫn cả hai ngôn ngữ cũng đã đến được với những khán giả ở đất nước khác.

Không có công ty chủ quản, không được lăng xê bài bản, nhưng Suboi hay cả Mỹ Anh trước khi xuất hiện trên COLORS cũng từng góp mặt trong các đêm nhạc gây được sức hút ở trên thế giới. Trong khi đó Hooligan, CHARLES và Kim Chi Sun cũng đã có những sản phẩm xuất hiện trong các playlist nhạc mới trên các nền tảng streaming danh tiếng như Spotify, Apple Music… cho thấy chất lượng nhất định của chúng. Trọng Hiếu mới đây cũng đã chia sẻ niềm vui khi lần đầu vào đến chung kết cuộc thi Eurovision Song Contest Đức sau hơn 8 năm kiên trì, 6 lần thất bại.

Khi chưa có sự tham gia của những công ty chuyên nghiệp hay đội ngũ tiềm năng, các nghệ sĩ rất cần cải thiện âm nhạc của mình theo tiêu chuẩn quốc tế như một “bệ phóng” để sẵn sàng vút bay khi cơ hội đến. Nếu cơ hội không tự đến, bằng nội lực, nghệ sĩ vẫn hoàn toàn có khả năng tự mình chinh phục khán giả các nước. 

T.P (PNO)

Nhận xét