Màn trình diễn ấn tượng nhất của Người Kiến

Tài tử Paul Rudd chính thức hoàn thiện bộ 3 phim về Người Kiến qua bom tấn "Ant-Man and the Wasp: Quantumania". Ant-Man trở thành nhân vật then chốt trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel.

Xuất hiện trên màn ảnh lớn vào năm 2015, Ant-Man khiến người hâm mộ phấn khích khi giới thiệu một trong những siêu anh hùng gạo cội của Marvel. Trên màn ảnh lớn Marvel Studios có sự đổi mới khi để siêu trộm Scott Lang (Paul Rudd) làm nhân vật chính dưới sự dẫn dắt của Hank Pym (Michael Douglas). Bộ phim khai thác góc nhìn thú vị về thế giới khi con người thu nhỏ. Đồng hành cùng Scott Lang là loài kiến với sự thông minh và tính tập thể đáng ngưỡng mộ. Ảnh: Marvel Studios.

Bộ phim trở nên hấp dẫn khi dàn dựng màn đối đầu giữa Ant-Man và kẻ thù truyền kiếp Yellowjacket (Corey Stoll thủ vai). Lối khai thác hài hước cùng loạt phân cảnh đấu tay đôi tạo nên điểm nhấn khó phai trong lòng người hâm mộ. Đi cùng với đó là các con số ấn tượng như 83% "độ tươi" trên trang Rotten Tomatoes cùng 519 triệu USD doanh thu toàn cầu. Ant-Man được đánh giá là thành công với tác phẩm mang tính giới thiệu nhân vật. Chìa khóa khiến Ant-Man nổi bật hơn 2 phần hậu truyện bởi bộ phim tập trung thời lượng cho nhân vật chính thay vì các yếu tố khác. Ảnh: Marvel Studios.

Ra mắt cuối tuần qua, Ant-Man and the Wasp: Quantumania trở thành chủ đề gây tranh cãi khi nhận phản hồi đối nghịch giữa giới phê bình và khán giả. Là tác phẩm mở màn cho Giai đoạn 5, Ant-Man 3 tập trung kể về hành trình Scott Lang cùng gia đình khám phá giới lượng tử và sự kết nối tới đa vũ trụ. Người hâm mộ tỏ ra phấn kích bởi màn trình diễn của Jonathan Majors trong vai Kang the Conqueror. Là phản diện chính trong kỷ nguyên đa vũ trụ, Kang được khắc họa tàn bạo đến mức khiến người xem cảm thấy lạnh gáy mỗi khi hắn ta xuất hiện. Ảnh: Marvel Studios.

Dành phần lớn thời lượng cho giới lượng tử và Kang khiến vai diễn của Paul Rudd trở nên mờ nhạt. Điểm trừ lớn nhất thuộc về hiệu ứng hình ảnh của bộ phim. Theo đó, tạo hình phản diện M.O.D.O.K trong phim khiến người hâm mộ thất vọng. Dẫu vậy, Marvel Studios đã đạt được mục đích chính khi cho ra mắt thành công phản diện Kang. Siêu phản diện thu hút được sự chú ý cũng như kỳ vọng phát triển bùng nổ trong các dự án sắp tới. Ảnh: Men's Health.

Tương tự, Ant-Man and the Wasp (2018) được ví như đòn bẩy cho bom tấn Avengers: Endgame (2019). Lấy bối cảnh sau sự kiện Captain America: Civil War (2016), Scott Lang tiếp tục đấu tranh để bảo vệ gia đình cũng như công nghệ Pym khỏi kẻ xấu. Sát cánh cùng Ant-Man là nữ chiến binh ong Wasp (Evangeline Lilly thủ vai). Đây cũng là lần đầu tiên cộng sự thân thiết của Ant-Man xuất hiện trên màn ảnh lớn. Ảnh: Marvel Studios.

Xuyên suốt bộ phim là những tình huống dở khóc dở cười khi bộ đồ của Scott Lang gặp trục trặc. Bên cạnh đó, phản diện Ghost (Hannah John-Kamen) có màn thể hiện mờ nhạt như ru ngủ người xem. Ant-Man 2 chỉ thực sự thú vị khi Hank Pym tiến vào giới lượng tử để giải cứu vợ. Sự trở lại của Janet Van Dyne mang tới nhiều kỳ vọng về giới lượng tử. Sự việc Ant-Man mắc kẹt trong giới lượng tử ở đoạn post-credit trở thành chìa khóa mở ra hy vọng cho biệt đội Avengers. Ảnh: Marvel Studios.

Tương lai về phần phim tiếp theo của Người Kiến vẫn còn là một ẩn số. Dẫu vậy, có thể coi Ant-Man (2015) là tác phẩm xuất sắc khi tập trung chủ yếu vào nhân vật chính. Hiện tại, chỉ có Captain America và Thor là 2 siêu anh hùng duy nhất được Marvel Studios bật đèn xanh cho phần 4. Thị hiếu của công chúng đã có sự thay đổi khi các phần phim độc lập không còn sức hút với khán giả. Khai thác chủ đề đa vũ trụ hay tích hợp nhiều nhân vật trong cùng một bộ phim trở thành xu hướng mới khi làm phim siêu anh hùng. Ảnh: Marvel Studios.

N.L (Z)

Nhận xét