Giá trị bối cảnh Việt Nam trong phim Hollywood

Trong “A Tourist's Guide to Love”, những địa điểm Việt Nam trở thành cầu nối đưa 2 nhân vật chính đến gần nhau. Bối cảnh cũng giúp khán giả thích thú, khỏa lấp hạn chế nội dung.


(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Không quy tụ diễn viên ngôi sao nhưng A Tourist's Guide to Love (Tựa Việt: Hành trình tình yêu của một du khách) vẫn gây tò mò với khán giả. Bởi lẽ, đây là dự án đầu tiên ở Hollywood khởi quay tại Việt Nam sau khi kết thúc giãn cách cuối năm 2021.

Nhưng khác nhiều phim trước cũng quay ở nước ta, bối cảnh không chỉ làm nền mà đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện. Qua lăng lăng kính của nhà làm phim Mỹ, các địa điểm Việt Nam nổi tiếng lần lượt hiện lên sống động, trở thành “chất kết dính” gắn các nhân vật lại với nhau.

Khi bối cảnh Việt nâng tầm câu chuyện

Xét về ê-kíp, đội ngũ thực hiện A Tourist's Guide to Love đều không phải tên tuổi lớn. Đạo diễn Steven Tsuchida chủ yếu chỉ thực hiện các series ít tiếng tăm. Phim điện ảnh trước đó anh làm - Resort to Love (2021) – cũng thuộc thể loại rom-com (hài, lãng mạn) nhưng không nổi bật.

Biên kịch Eirene Tran Donohue gần như xa lạ với khán giả Việt, dù cô từng có kinh nghiệm viết một vài tác phẩm cùng dòng. Chưa kể, 2 diễn viên chính Rachael Leigh Cook và Scott Ly đều không phải ngôi sao, khó thể giúp phim được chú ý.

Thế nên, dự án gần như không có yếu tố hút khách, ngoại trừ bối cảnh Việt Nam được nhấn mạnh xuyên suốt quá trình phát hành như một chiêu bài quảng bá sản phẩm.


Về nội dung, phim cũng có cốt truyện đơn giản, dễ đoán. Nhân vật chính là Amanda (Rachael Leigh Cook) – chuyên viên du lịch vừa bị bồ đá, quyết định đến Việt Nam để “chữa lành” đồng thời thực hiện nhiệm vụ do công ty giao phó. Tại đất nước nổi tiếng với áo dài, cô gặp và làm quen hướng dẫn viên du lịch Sinh (Scott Ly).

Đúng theo mô-típ quen thuộc của phim rom-com, 2 nhân vật từ kẻ xa lạ dần xích lại gần nhau. Họ thích thú khám phá chợ Bến Thành, dạo bước trên những con phố ở Hội An, trao nụ hôn nồng giữa miền quê Hà Giang yên ả, lạc lối để rồi tìm thấy nhau giữa Hà Nội đông đúc.

Phải nói rằng nếu không có bối cảnh Việt Nam, bộ phim khó thể đạt được thành tích như hiện tại: Xếp loại “Tươi” trên Rotten Tomatoes với 70% đánh giá tích cực từ giới phê bình. Theo Cosmopolitan, nhiều khán giả quốc tế sau khi xem xong phim cũng phải thốt lên rằng: “Tôi muốn đến Việt Nam”.


Bối cảnh cảnh trở thành yếu tố then chốt, một “nhân vật chính” trong phim. Ở những cảnh quay đầu tiên, Việt Nam được giới thiệu như là nơi “nằm trong ‎danh sách mười điểm đến mơ ước năm nay”. Để chứng minh điều đó, ê-kíp Hollywood đặc biệt chú trọng vào phần hình ảnh. Họ chăm chút từng khung hình, cách sắp đặt góc máy, cân chỉnh màu sắc để làm nổi bật vẻ đẹp của đất nước châu Á.

Những địa điểm nổi tiếng tại TP. HCM, Hội An, Hà Nội đều hiện lên hút mắt, dễ khiến người xem quốc tế tò mò còn khán giả Việt thấy thích thú. Các nhà làm phim cũng khéo léo lồng ghép những hình ảnh mang tính biểu tượng như áo dài, con trâu, ruộng bậc thang,… giúp thương hiệu Việt được định dạng tốt hơn. Bởi lẽ, đó là những yếu tố không thể tìm thấy ở bất kỳ quốc gia nào khác.

Trong một câu chuyện tình, Việt Nam bỗng trở nên lãng mạn đến lạ. Khi các nhân vật chính di chuyển từ khách sạn đến chợ Bến Thành, họ chọn xích lô thay vì taxi. Chiếc xe 3 bánh là phương tiện di chuyển, nhưng cũng trở thành nơi tuyệt vời cho đôi nam nữ chuyện trò, tâm sự.

Để tạo bất ngờ với Amanda, Sinh dẫn cô đi ngắm con đường lung linh đèn lồng ở phố cổ Hội An. “Tôi không biết nói gì nữa”, nữ du khách thốt lên như chết lặng, ánh mắt như muốn nói rằng cô chưa từng đến nơi nào đẹp hơn thế.

Sau đó, họ cùng thả đèn hoa đăng bên sông Hoài, nhắm mắt và ước về những điều tốt đẹp. Nhưng có lẽ khi ấy, Amanda chưa hề biết rằng điều cô ao ước lại đang ở ngay trước mắt.

Tính toán của ê-kíp Hollywood

Dù kịch bản còn hạn chế, biên kịch Eirene Tran Donohue cũng rất thông minh khi sắp đặt một số tình tiết. Đơn cử là việc cô chọn mốc thời gian xảy ra câu chuyện: Amanda đến Việt Nam vào lúc chỉ vài ngày nữa là Tết Nguyên đán.

Thời điểm đó, phố phường luôn rộn ràng, không khí Tết hiển hiện ở muôn nơi. Tại các thành phố lớn, mọi người vội vã đi mua đồ đón năm mới. Ở làng quê, người dân cũng đang chuẩn bị dọn nhà, nấu bánh chưng, bày biện mâm cơm cúng tổ tiên,…

Những chi tiết văn hóa như hoa mai, múa lân, múa rối nước… được cài cắm nhẹ nhàng, không khiên cưỡng, chắc chắn sẽ khiến người xem quốc tế thấy thích thú như đang thực sự bước vào chuyến du lịch đến xứ Việt.

Bản thân Amanda cũng không thể “cưỡng” lại những điều “kỳ lạ” ở Việt Nam. Ngay lần đầu đặt chân đến TP. HCM, cô háo hức ngắm nhìn đường phố tấp nập người qua lại. Từ cách các "ninja lead" chạy xe máy đến tình hình giao thông hỗn loạn đều mới mẻ với cô gái Mỹ. Song, Amanda không hề hay biết đó cũng chính là nỗi sợ với nhiều du khách quốc tế, một thử thách mà cô cần phải vượt qua.

Phân đoạn này gợi nhớ câu chuyện của Samuel L. Jackson. Năm 2016, tài tử cũng không giấu được sự phấn khích trước giao thông Việt Nam khi đến Hà Nội để quay Kong: Skull Island (2017). Anh thậm chí còn quay video để chia sẻ với người hâm mộ.

Với Amanda, đường phố Việt Nam là biểu tượng cho rào cản mà cô phải phá vỡ. Nhân vật chưa từng nghĩ rằng có thể tự mình vượt qua những con phố đông đúc, cũng như chưa từng nghĩ rằng mình sẽ yêu một chàng trai Việt. Thế nhưng, tất cả đều thay đổi như một cú twist của cuộc đời.

Ngoài ra, đội ngũ làm phim cũng tinh tế trong việc chọn những địa điểm mới lạ, chưa được khán giả quốc tế biết đến nhiều, điển hình như Hà Giang hay Thánh địa Mỹ Sơn.

Một trong những cảnh quay đáng nhớ là khi Sinh đưa đoàn du khách đến Đà Nẵng. Theo kế hoạch, họ sẽ đến thăm Cầu Vàng – nơi từng được tạp chí Time vinh danh là 100 địa điểm tuyệt vời nhất thế giới trong năm 2018. Bạn bè ngoại quốc cũng rất ấn tượng về hình ảnh cây cầu dài được nâng đỡ bằng đôi bàn tay khổng lồ.

Thế nhưng, biên kịch quyết định "xoay 180 độ" bằng cách tạo cú twist, để cho các nhân vật đến một nơi hoàn toàn khác. Đó chính là Thánh địa Mỹ Sơn, mà theo Sinh giới thiệu là “còn đẹp hơn Cầu Vàng”.

Không cần phải chứng minh, người xem hoàn toàn có thể cảm nhận sự linh thiêng và cổ kính của địa điểm được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đứng giữa núi rừng và vùng đất nghìn năm lịch sử, Amanda như tìm lại được sự thanh thản, mọi muộn phiền trong cô dường như tan biến.

Trước đó, nhiều phim quốc tế từng chọn Việt Nam làm địa điểm quay phim, chẳng hạn như Kong: Skull Island (2017), Da 5 Bloods (2020), The Protégé (2021),… Gần nhất, phim Hàn Taxi Driver 2 cũng gây chú ý khi lồng ghép bối cảnh Việt. Song, thực sự chưa có dự án nào khiến người xem thổn thức trước vẻ đẹp Việt Nam như A Tourist's Guide to Love.

Thành công của ê-kíp Hollywood là đã tận dụng tốt bối cảnh Việt, giúp nâng tầm câu chuyện. Nhưng thực tế, tác phẩm cũng chỉ đang nhấn mạnh một sự thật khó thể bàn cãi: Việt Nam vốn đẹp và luôn mang một màu sắc riêng biệt trên bản đồ quốc tế!

(ZNO)

Nhận xét