Lý do phim Hollywood có Hồng Đào và canh chua Việt ăn khách toàn cầu

Nhờ sự góp mặt của Hồng Đào, series “Beef” gây chú ý với khán giả Việt. Bản thân tác phẩm cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình quốc tế.

Ngay từ khi công bố, Beef (Tựa Việt: Bất hòa) nhanh chóng gây chú ý vì quy tụ 2 gương mặt gốc Á thực lực: Một người là Steven Yeun – từng được đề cử Oscar nhờ Minari (2020); người kia là Ali Wong – diễn viên hài độc thoại với nhiều show được yêu thích.

Khi ra mắt, dự án nhanh chóng nhận cơn mưa lời khen từ giới chuyên môn lẫn người xem. Tác phẩm hiện xếp loại “Tươi” trên Rotten Tomatoes với 98% bình chọn từ các nhà phê bình, được đánh giá là một trong những series hay nhất năm nay.

Đặc biệt, sự xuất hiện của nghệ sĩ Hồng Đào trong tập 8 càng khiến phim thu hút khán giả Việt, là đề tài bình luận sôi nổi trên các diễn đàn phim ảnh.

Hướng đi thông minh

Chuyện phim bắt đầu khi Danny (Steven Yeun) suýt tông trúng ôtô của Amy (Ali Wong) ngay tại bãi đậu xe. Dẫu chưa có xô xát trực tiếp, sự việc dẫn đến một cuộc rượt đuổi không ai nhường ai trên đường, vô tình tạo nên một mối thâm thù khó tháo gỡ giữa 2 kẻ lạ mặt. Kể từ đó, họ liên tục lên kế hoạch trả đũa đối phương bằng những mánh khóe khó lường giữa thành phố Los Angeles hoa lệ.


Câu chuyện trong phim được xây dựng dựa trên mâu thuẫn giữa 2 nhân vật người Mỹ gốc Á.

Sự xuất hiện của Beef ở mảng truyền hình phần nào gợi nhớ Crazy Rich Asians (2018) ở mảng điện ảnh, khi nhà sản xuất quyết định giao vai chính cho 2 gương mặt gốc Á, xây dựng câu chuyện về những người Mỹ gốc Á – đối tượng đã bị Hollywood bỏ quên trong suốt một thời gian dài.

Series gồm 10 tập nhưng độ dài mỗi tập chỉ 30-39 phút nên dễ xem, không tạo cảm giác mệt mỏi. So với 139 phút của Stranger Things 4 tập cuối, Beef quả thực là một món ăn không quá khó nuốt. Với thời lượng này, đội ngũ biên tập được phép cắt tỉa các cảnh quay cho gọn gàng, tránh được sự dài dòng, lan man.

Về cơ bản, phim có ý tưởng đơn giản với mô-típ trả thù và cách xây dựng 2 nhân vật đối lập. Nhưng nhà sáng tạo Lee Sung Jin cùng 2 đạo diễn Hikari - Jake Schreier đã rất thông minh khi né tránh mọi lối mòn, từ đó tạo nên một tác phẩm nhiều bất ngờ.

Tờ CNN chỉ ra rằng sự nghiệp Lee Sung Jin vốn gắn liền với các dự án sitcom, nên anh phát huy được kinh nghiệm dẫn dắt nhịp điệu trong khoảng thời gian ngắn, lôi cuốn khán giả từ tập này qua tập khác. Thế nên, series rất phù hợp với những ai thích “cày phim” (Binge-watching), muốn xem liền 10 tập một lúc.


Tạo hình của Ali Wong và Steven Yeun trong phim.

Hơn nữa, “twist” gần như là đặc sản trong phim. Ngay trong tập một, người xem dễ dàng “ngã ngửa” với nhiều tình tiết khó đoán, thậm chí gây sốc. Điển hình là nỗi ám ảnh bí mật của Amy với khẩu súng ngắn, đến nỗi chồng cô phải tìm cách cất nó trong két sắt.

Dù lồng ghép nhiều thể loại, hài đen (black comedy) vẫn là yếu tố chính tạo sự thu hút. Các tình huống, lời thoại dù sâu cay vẫn có thể gây cười, giúp người xem thư giãn đầu óc, không bị căng thẳng vì những chủ đề quá nặng nề. Đó là lý do The Guardian chấm series 4/5 sao, đánh giá đây là một show hài hước và đậm tính giải trí.

Khắc họa sống động hình ảnh người nhập cư gốc Á

Tất nhiên, Beef khó thể sâu sắc nếu thiếu phần kịch bản chắc tay. Các tình tiết liên tục được đan xen một cách hợp lý, lồng ghép nhiều ý nghĩa, mục đích. Cây viết Alex Abad-Santos của tờ Vox dành nhiều lời khen cho kịch bản, nhận xét phim có cái kết hoàn hảo đến mức không cần sản xuất thêm mùa 2.

Sự tính toán của đội ngũ biên kịch được thể hiện ngay từ tên mỗi tập – vốn được đặt theo trích dẫn của những người nổi tiếng, chẳng hạn như Werner Herzog, Franz Kafka, Sylvia Plath, Joseph Campbell,...

Đơn cử, tập 1 có tên “Chim không hót, chúng rít lên trong đau đớn” (The Bird Don’t Sing, They Screech in Pain) – vốn được trích từ phim tài liệu Burden of Dreams của đạo diễn người Đức Werner Herzog. Theo Collider, câu nói ám chỉ các nhân vật dù có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều đang đau khổ theo cách riêng, chỉ có thể được tiết lộ trong tập cuối.


Kịch bản phim có nhiều tình tiết ẩn ý, mang ý nghĩa giễu nhại sâu cay.

Thực tế, các nhà làm phim đã chơi chữ ngay từ tên phim. “Beef” gợi nhớ “beefsteak” nhưng trong tiếng Anh cũng có nghĩa là “sự thù hận”. Nhan đề ám chỉ mâu thuẫn giữa các nhân vật, nhưng phần nào cũng là sự cách biệt về giai cấp ở Mỹ.

Danny không gì hơn một anh chàng dân lao động đang vật lộn với những khó khăn cuộc sống, đối diện với cảnh thất nghiệp. Amy lại là một phụ nữ thượng lưu có tất cả trong tay: Chồng đẹp, nhà sang, công việc trong mơ. Trong trận chiến giữa kẻ giàu – người nghèo này, ai sẽ chiến thắng? Câu hỏi này tạo nên tính hấp dẫn cho cả series.

Thông qua câu chuyện đối đầu của Danny – Amy, ê-kíp còn khéo léo bóc tách nhiều vấn đề nổi cộm như nam tính độc hại, khủng hoảng căn tính hay khác biệt thế hệ,...

Dẫu sống ở đất nước phương Tây, các nhân vật vẫn không thể xóa bỏ hay lãng quên cội nguồn châu Á. Đơn cử, Danny sống với gánh nặng của người con trai trưởng. Anh buộc phải nỗ lực kiếm tiền để gửi cho bố mẹ ở Hàn, tìm cách đưa họ về Mỹ và chăm sóc người em trai ham chơi.


Cuộc sống rối như tơ vò nhiều lần khiến Danny (Steven Yeun) mất kiểm soát cảm xúc.

Người nghèo thì khổ nhưng kẻ giàu cũng khóc. Amy vượt trội hơn hẳn Danny về mặt kinh tế không có nghĩa là cô có được hạnh phúc. Hàng ngày, nhân vật đối diện với nỗi ám ảnh về sự hoàn hảo và chôn giấu nỗi buồn về người chồng bất lực, không thể sẻ chia cùng ai.

Qua từng tập phim, hình ảnh người Mỹ gốc Á hiện lên vừa sống động vừa gần gũi. Dường như bất kỳ khán giả cũng có thể nhìn thấy hình ảnh bản thân khi xem phim, nhất là những người từng “giận sôi máu” đến mức mất kiểm soát như Danny.

Sự phối hợp nhịp nhàng về diễn xuất

Đảm nhận 2 vai chính, bộ đôi Steven Yeun và Ali Wong đưa người xem đi qua nhiều cung bậc cảm xúc. Dù lần đầu đóng chung trước máy quay, cả 2 phối hợp ăn ý, chứng minh rằng họ là sự lựa chọn tốt nhất cho vai diễn.

Thay vì kìm nén, Steven Yeun quyết định đưa tất cả cảm xúc của nhân vật ra bên ngoài. Ngay từ cảnh đầu tiên, ngôi sao biến Danny thành một gã đàn ông cộc cằn, thô lỗ, thậm chí sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" vì mất bình tĩnh. Ngay cả khi biết đối thủ là phụ nữ, nhân vật cũng không tỏ ra khoan nhượng, vẫn quyết tâm trả đũa để thỏa mãn cái tôi cá nhân.

Nhưng chính lối diễn bề mặt của Steven Yeun mới giúp người xem đồng cảm với Danny nhanh chóng hơn. Ai cũng có thể dễ dàng cảm nhận được nỗi tuyệt vọng của nhân vật qua ánh mắt tức giận, cảm giác bất lực qua cơ mặt mệt mỏi.

So với Yeun, Ali Wong chọn lối diễn điềm tĩnh, thiên về nội tâm hơn. Đây là một hướng đi hoàn toàn khác so với phong cách quen thuộc của cô trên sân khấu – vốn buộc phải nói nhanh và nói nhiều.


Ali Wong không hề lép vế trước bạn diễn.

Ở lần xuất hiện này, Wong cho phép bản thân thử thách trong một vai diễn tưởng dễ mà không dễ. Bài toán đặt ra với cô là phải vào vai một bà mẹ nhưng có tính cách trẻ con, lại luôn có những suy nghĩ kỳ quặc, sở thích khác người. Hơn nữa, Wong cũng không được phép lép vế trước một Steven Yeun quá dày dặn kinh nghiệm, thậm chí từng nhận đề cử Oscar.

Mối quan hệ giữa hai nhân vật chính được xây dựng một cách hợp lý, cùng với hướng phát triển tâm lý uyển chuyển. Mỗi phân cảnh khi Amy và Danny cùng xuất hiện đều mang đến một cao trào riêng.

Giữa cuộc chiến bi hài, dường như hai kẻ thù không đội trời chung chính là hai kẻ hiểu thấu nhau nhất. Họ nhìn xuyên được những mặt tối trong cảm xúc của nhau và “tảng băng chìm” sau cuộc sống tưởng chừng màu hồng. Steven Yeun và Ali Wong biến hóa đa dạng từ những phân cảnh hài hước đến những khoảnh khắc thú nhận sâu lắng, hay những cơn giận dữ bộc phát nhưng vẫn đầy thương cảm.

Giống nhiều tác phẩm mang phong cách lập dị đặc trưng của nhà A24, Beef để lại "vân trắc" bởi những cuộc hội thoại có phần kỳ quái, điên rồ. Hình tượng "ông kẹ" mà những bà mẹ châu Á hay răn dạy con được thêm thắt một cách đáng sợ. Những phân cảnh hoán đổi thân xác, hồi tưởng, ảo ảnh… cũng rất dễ khiến người xem liên tưởng đến màu sắc kỳ dị của Everything Everywhere All at One. Tất cả "dọn đường" cho những màn đối đáp mang đậm tính hiện sinh của bộ đôi kẻ thù.

Hay như chi tiết lò nướng của Danny và khẩu súng của Amy tưởng chỉ là tiểu tiết, cũng mang tính hình tượng và sự mỉa mai. Lò nướng để làm chín thức ăn - gắn với sự sống - từng được Danny dùng để tự tử. Khẩu súng - gắn với chết chóc - lại là món đồ "tự sướng", giúp Amy có thêm khoái cảm để vượt qua những phiền muộn đời thường.

Sự kết hợp hoàn hảo giữa kịch bản, diễn viên và khâu sản xuất chính là những yếu tố giúp Beef gần như chiếm trọn tình cảm của giới phê bình lẫn khán giả. Phần lớn đều đồng tình đây sẽ là một trong những ứng cử viên nặng ký tại mùa giải Emmy sắp tới, dù vẫn còn một khoảng thời gian khá dài.

Nhìn chung, Beef thực sự thổi làn gió mới cho các series Mỹ. Không cần một câu chuyện đao to búa lớn, phim vẫn hấp dẫn với những ý tưởng đơn giản nhưng được xây dựng và phát triển hợp lý. Như tên gọi, series là một món ăn được tẩm ướp gia vị hợp lý để có thể chinh phục nhiều đối tượng khán giả, dù ở bất cứ đâu.

Phim Hollywood có Hồng Đào và món canh chua Việt Nam gây sốt toàn cầu - Kịch bản xoáy sâu vào ý thức hệ của người châu Á trong xã hội Mỹ

Tên phim là cách chơi chữ, không mang nghĩa đen để chỉ món thịt bò. Beef ở đây là tiếng lóng cho "sự thù hận". Sự hằn học dấy lên giữa Amy và Danny từ một hiểu lầm nhỏ, đã nhanh chóng leo thang thành mối thù hằn dai dẳng giữa hai kẻ nhập cư đang vùng vẫy với cuộc sống không hạnh phúc của chính mình. Đồng thời, Beef cũng là từ mô phỏng âm thanh còi xe, phần nào ẩn dụ cho cách mà xung đột trong bộ phim bắt đầu: từ một tiếng còi inh ỏi.

Trên thực tế, Beef không phải tác phẩm đầu tiên theo đuổi ý tưởng khai thác cơn nóng giận mất kiểm soát của hai kẻ xa lạ và những hậu quả thảm khốc tiếp sau đó. Wild Tales (2014) là bộ phim hài đen theo phong cách hợp tuyển, với sáu phim độc lập từng được đề cử Oscar đã có phần tái hiện cuộc hỗn chiến bi đát tương tự. Tuy nhiên, so với siêu phẩm đến từ Argentina, phiên bản "người châu Á ở Mỹ" vẫn có nhiều điểm mới đáng khen.

Có thể ví Beef như cuộc đấu tranh giai cấp xen lẫn chấn thương thế hệ được tường thuật qua lăng kính của những người Mỹ gốc Á. Tiếng cười trào phúng sau mỗi tập phim khơi gợi sự suy ngẫm về chủ nghĩa hiện sinh của thế kỷ 21, đồng thời đào sâu góc khuất về văn hóa cộng đồng của người Mỹ gốc Á thế hệ thứ 2. Tại đây, Amy Lau và Danny Cho là đại diện tiêu biểu những người nhập cư ở ngưỡng trung niên đang cố gắng xây dựng cuộc sống riêng, đối mặt với dư chấn tuổi thơ do thế hệ dân nhập cư đầu tiên để lại.

Về bản chất, phim không đi sâu xây dựng rạch ròi hai tuyến chính - phản diện. Cả Amy và Danny đều mang những mặt xấu - tốt nhất định. Danny là gã đàn ông gốc Hàn vật lộn với cuộc sống nhập cư bất ổn, mong mỏi kiếm đủ tiền đưa bố mẹ sang Mỹ. Những áp lực Danny gánh vác xét từ góc nhìn rộng hơn cũng chính là áp lực chung của nhiều trai trưởng trong các hộ gia đình châu Á.

Trong khi đó, Amy là một người phụ nữ giàu có bên cạnh anh chồng điển trai và cô con gái nhỏ. Nhưng đằng sau “lớp vỏ hào quang” là một tâm hồn hỗn độn âu lo và giận dữ. Cô đánh mất chính mình vì những áp lực để bảo vệ cuộc sống hoàn hảo.

Theo cách tự nhiên nhất, Beef lật đổ định kiến phân biệt giới tính, phân biệt đối xử với phụ nữ châu Á - những cá nhân hay bị gán ghép là vô hình, không có gương mặt hoặc chỉ là đối tượng tình dục. Việc Amy là nữ doanh nhân tự chủ với cá tính độc lập đã góp phần bóp méo những tư tưởng lệch lạc này.


"Beef" xoay quanh mối bất hòa dần leo thang của bộ đôi người Mỹ gốc Á.

Hay như nhân vật Jordan (Maria Bello) - một người phụ nữ da trắng hiện đại yêu thích "đồ Á" - là một minh chứng việc xã hội phương Tây coi trọng những giá trị mà văn hóa châu Á đem lại. Jordan có mong muốn mua lại doanh nghiệp của Amy để mở rộng thành chuỗi trung tâm mua sắm. Điều này cho thấy vị trí của Amy trong bối cảnh xã hội Mỹ là không hề nhỏ.

Diễn viên trong phim phần lớn là người gốc Á sinh sống tại Mỹ. Ali Wong chia sẻ trên LA Times: "Khi bạn xem một bộ phim có diễn viên chỉ toàn người Mỹ gốc Á, điều này rất hiếm, tất cả trở thành con người bình đẳng như nhau!".

Nghệ sĩ Hồng Đào được khen diễn xuất trong phim Hollywood

Trong tập tám, diễn viên Việt Nam Hồng Đào vào vai mẹ nữ chính Amy. Nhân dịp con về thăm nhà, bà Hanh Trinh nấu canh chua - món ăn truyền thống của Việt Nam để chiêu đãi Amy Lau.


Diễn viên Hồng Đào đóng vai người mẹ trong phim Mỹ. Ảnh: Netflix.

Bữa ăn trôi qua trong căng thẳng. Amy Lau nhắc lại cuộc hôn nhân đầy mâu thuẫn của cha mẹ trong quá khứ và cho rằng bản thân đang lặp lại sai lầm đó.

"Khi già đi, con sẽ nhận ra nếu cứ nhìn lại, con sẽ sụp đổ. Dù chuyện gì xảy ra, hãy để lại nó phía sau", bà Hanh Trinh nói trong bữa cơm.

Trong phân cảnh sau đó, khi đang đứng rửa chén, bà Hanh Trinh tiếp tục có cuộc trao đổi ngắn với con gái.

Nghệ sĩ Hồng Đào chỉ xuất hiện với thời lượng khoảng 5 phút song nhận phản hồi tốt từ công chúng. Khán giả dành nhiều lời khen cho diễn xuất và lối thoại bằng tiếng Anh trôi chảy, tự nhiên của nữ nghệ sĩ.


Tạo hình của Hồng Đào trong "Beef".

Món canh chua trong phim

Trên trang cá nhân, nữ nghệ sĩ chia sẻ: “Hôm quay Beef ở West Hollywood, lần đầu tiên gặp đoàn phim, mặc dù họ rất thân thiện, nhưng tôi vẫn thấy nó lạ lẫm thế nào ấy, lúc ấy chỉ có mỗi một thứ quen thuộc đó là tô canh chua!” Hồng Đào cho biết đây là cơ hội mà cô từng mơ ước từ lâu. "Dù chỉ đóng vai khách mời, dự án là kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình làm nghề", Hồng Đào cho biết. 

Hồng Đào (sinh năm 1962) ghi dấu ấn với khán giả trong nước với hàng loạt vở kịch, phim điện ảnh như Lôi vũ, Ngôi nhà không có đàn ông... Cùng với Hồng Vân, Hữu Châu, Thành Lộc, Hồng Đào thuộc thế hệ vàng của sân khấu kịch miền Nam. Thời điểm nữ nghệ sĩ diễn tại sân khấu 5B cũng là giai đoạn thăng hoa nhất trong sự nghiệp của cô.

Hồng Đào hiện sống ở Mỹ cùng hai con gái. Sau khi ly hôn Quang Minh, nữ nghệ sĩ nhanh chóng cân bằng cuộc sống. Cô về nước nhiều hơn, tham gia quay phim, diễn kịch, cải lương, phim điện ảnh...

Beef do A24 sản xuất, khai thác về cuộc sống của người châu Á tại Mỹ. Phim gồm 10 tập, xoay quanh số phận của nhà thầu Danny Cho (Steven Yeun) và chủ một doanh nghiệp nhỏ Amy Lau (Ali Wong).

Sau khi ra mắt, series nhận phản hồi tốt của giới chuyên môn và khán giả. Trên Rotten Tomatoes, phim đạt 99% điểm "cà chua tươi" từ giới phê bình.

TH

Nhận xét