Lời Cảnh Báo (Tập 5, 6): Kiếm tiền đơn giản thông qua việc xem video có dễ ăn?

Tuần này, chương trình Lời Cảnh Báo tuần này tiếp tục chia sẻ những câu chuyện đáng chú ý gần đây trên các trang mạng xã hội như cảnh giác với tư vấn hướng nghiệp và lừa đảo người dùng xem video thông qua đó chiếm đoạt tài sản. Các hành vi này mang lại những mối đe dọa tiềm ẩn mà chúng ta không thể lường trước được.

Cảnh giác với tư vấn hướng nghiệp trên mạng

Nắm bắt được thời điểm học sinh trung học cuối cấp rất cần thông tin về các ngành học và trường học. Không khó để các em tìm được các nội dung tư vấn trên các nền tảng mạng xã hội, chỉ cần nhập từ khóa có liên quan đến ngành học, trường học, định hướng nghề  nghiệp thì ngay lập tức các bài viết, video có nội dung liên quan sẽ xuất hiện trên trang chủ. Thế nhưng đứng đầu danh sách tìm kiếm lại là các video clip có nội dung tiêu cực, khuyên các bạn trẻ không nên đầu tư thời gian và công sức để theo đuổi. Những thông tin sai lệch này khiến các em học sinh hoang mang và đưa ra những quyết định sai lầm trong cuộc sống.

Chị N.H.N chia sẻ: “Ngay từ đầu tôi và con đã tìm hiểu và quyết định cho bé theo học ngành ngôn ngữ Anh, thế nhưng những ngày gần đây con tôi lại khăng khăng cho rằng đây là  một trong những ngành dễ bị thất nghiệp không nên đăng ký. Ý nghĩ đó là do bé nghe và xem một Tiktoker chia sẻ về những nghề dễ bị thất nghiệp”.

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm lý Lê Thị Minh Hoa bày tỏ quan điểm: “Những video với nội dung như thế họ chỉ đang đánh giá vấn đề theo một cách chủ quan, chỉ nhìn ở khía cạnh nhỏ của bản thân. Điều này là không đúng và nếu các em cứ lắng nghe theo một chiều không nhìn nhận đúng vấn đề theo cách đa chiều các em sẽ rất dễ bị hoang mang và dần đánh mất đi những cơ hội ban đầu”.

Thạc sĩ Ngô Minh Hải - Trưởng Khoa Kinh tế Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM chia sẻ: “Những nội dung được phát sóng trên mạng xã hội là một nguồn thông tin, và để chọn ngành chọn nghề cho bản thân thì chúng ta cần rất nhiều nguồn tin. Từ phía nhà trường gia đình, bạn bè và những người đã có kinh nghiệm đi trước”.

Trước những thông tin nội dung tác động tiêu cực đến nhận thức, định hướng tương lai từ các trang mạng xã hội. Học sinh rất cần sự hướng dẫn của nhà trường, thầy cô và phụ huynh  từ đó giúp các em có cái nhìn đa chiều với các ngành học đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân, tránh mất thời gian công sức do lựa chọn sai lầm. Bên cạnh đó những người sáng tạo nội dung số cũng cần chia sẻ những nội dung khách quan, chân thật và tuyệt đối không sản xuất những nội dung sai lệch làm ảnh hưởng đến nhận thức của học sinh.

Lừa đảo xem video đánh giá 5 sao

Dựa trên nhu cầu có thật về tăng lượt xem lượt theo dõi của các kênh Youtube, một số đối tượng xấu đã nhắm đến những người có thời gian rảnh để lừa đảo thông qua những lời giới thiệu như bỏ ra vài trăm nghìn đồng ngồi xem video là tiền về đầy túi, việc nhẹ lương cao, kiếm tiền đơn giản, vốn nhỏ thu lời nhanh.

Chị N.N.P.T (TP.HCM) cho biết chị nhận được một cuộc điện thoại gọi đến với yêu cầu cần người dùng nghe nhạc và xem video để chạy thử chương trình với lời giới thiệu hấp dẫn: “Mỗi bài nghe và bấm thích sẽ nhận được 10 nghìn chuyển thẳng vào số tài khoản. Sau khi xem được 6 video họ nhanh chóng chuyển thẳng tiền vào ngân hàng của tôi”. Tuy nhiên đến lần thứ 7 bên kia lại đưa ra một yêu cầu khác chính là trải nghiệm tính năng nghe nhạc có thu phí bên họ: “Tôi cần tạo tài khoản đăng nhập với giá 250 nghìn để được nghe nhạc và nhận lại 500 nghìn ngay sau khi tôi nghe xong. Nghĩ họ cũng uy tín như những lần trước nên tôi đã chuyển tiền, trong lúc đang chờ được gửi link nhạc thì phát hiện bên kia đã chặn tôi”.

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật - Đoàn Luật sư TP.HCM bày tỏ quan điểm: “Những đối tượng có hành vi lừa đảo này có thể sẽ đối mặt với trách nhiệm hình sự theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự. Ngoài ra Điều 290 của bộ Luật Hình sự quy định, hành vi sử dụng mạng điện tử, mạng viễn thông để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với tổng số tài sản từ 2 triệu trở lên cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Bên cạnh đó luật sư cũng nhấn mạnh: “Người dân nên cảnh giác trước những lời kêu gọi, lời giới thiệu từ các đối tượng lạ trên các trang mạng xã hội. Đối với những trường hợp người dân đã mất tiền, nên nhanh chóng dừng các hành vi giao dịch, để tránh những thiệt hại xảy ra, đồng thời người dân cần phải tìm hiểu thông tin về các đối tượng đó để có cơ sở bằng chứng cung cấp cho các cơ quan chức năng nhằm tố cáo các đối tượng xấu”. 

Cùng với sự phát triển của khoa học hiện đại, những đối tượng xấu sử dụng công nghệ cao đã lợi dụng điều này nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để phòng tránh những trường hợp xấu xảy ra bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, công an, người dân cần bảo mật thông tin cá nhân các tài khoản mạng xã hội, không đăng nhập vào các giao diện ứng dụng lạ trên không gian mạng. Đặc biệt không cung cấp chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng, quan trọng nhất không được chia sẻ mã xác nhận OTP của các giao dịch ngân hàng cho bất kỳ ai.

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội…

Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.

B.K

Nhận xét