Dòng nhạc Bolero của Cuba và Mexico được tổ chức UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tổ chức UNESCO đưa ra quyết định trên tại phiên họp ở thành phố Kasane, Botswana, ngày 5/12 vừa qua. Theo trang BNN, Ủy ban UNESCO đánh giá bolero có ý nghĩa văn hóa sâu sắc, phổ biến lâu dài.
Hồ sơ đề cử bolero do hai nước Mexico, Cuba cùng thực hiện, trình lên tổ chức từ năm ngoái. Họ thực hiện video dài 10 phút, giới thiệu các nghệ sĩ của hai nước, đồng thời trình bày kế hoạch bảo tồn, phát triển dòng nhạc trong tương lai. Bộ trưởng Văn hóa Mexico, Alejandra Frausto, từng ca ngợi bolero có khả năng truyền tải cảm xúc một cách tuyệt vời.
Các nghệ sĩ Cuba chơi bolero trên đường phố. Ảnh: adncuba
Ngoài ra, hai nước cũng tạo ra cộng đồng luyện tập nhạc bolero. Ở Cuba, nhiều câu lạc bộ sinh hoạt mỗi tuần một lần. Ở Mexico, các nghệ sĩ tập trung chủ yếu ở thủ đô Mexico, bán đảo Yucatán. Quận Tlalpan ở thủ đô Mexico đã xây dựng mô hình “quảng trường bolero”, tổ chức các buổi diễn với mong muốn thu hút thêm nhiều khán giả trẻ.
Nhạc bolero có nguồn gốc ở Cuba cuối thế kỷ 19, với bài Tristezas của Pepe Sánchez. Dòng nhạc du nhập đến Mexico đầu thế kỷ 20, trở thành nét văn hóa không thể thiếu của cả hai quốc gia. Bolero sau đó ảnh hưởng đến Mỹ, châu Âu, châu Á.
Đỉnh cao của nghệ thuật bolero là ca khúc Bésame Mucho (nghệ sĩ Mexico Consuelo Velázquez, 1932), từng được Nat King Cole, Frank Sinatra và The Beatles cover.
Ca khúc được nhạc sĩ Trường Kỳ đặt lời tiếng Việt với tựa đề Yêu nhau đi, Y Vân đặt lời dưới nhan đề Đời là giấc mơ và Phong Vũ với tên Giấc mơ xưa.
Bolero thường nói về cuộc sống, tình yêu, tình cảm gia đình, với lời ca lãng mạn, nhẹ nhàng, viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Nghệ sĩ thường sử dụng bộ gõ, bộ hơi, piano và guitar khi chơi bolero. Các ca khúc bolero được truyền miệng rộng rãi, góp phần tăng tính phổ biến của dòng nhạc.
Các nghệ sĩ Cuba nổi tiếng của dòng nhạc là Omara Portuondo, Celia Cruz, Elena Burke, César Portillo và Ignacio Villa (Bola de Nieve). Các tượng đài bolero của Mexico là Agustín Lara, Javier Solís, Álvaro Carrillo và Armando Manzanero. Tác phẩm của họ làm mê đắm khán giả trong nhiều thập niên, góp phần tô điểm bức tranh âm nhạc toàn cầu.
UNESCO là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc, thành lập năm 1945, thúc đẩy hòa bình và an ninh thế giới thông qua hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin. Tổ chức hiện có 194 quốc gia thành viên, trụ sở chính đặt tại Paris (Pháp). Với vai trò trung tâm của văn hóa và khoa học thế giới, UNESCO đã giúp thành lập, bảo vệ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
(HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét