Phim Perfect Days - Vẻ đẹp từ những điều nhỏ bé

Có câu hỏi rằng: Nếu chỉ còn 2 phút để sống, bạn sẽ làm gì? 2 phút với mọi quyền năng tối thượng. Bạn sẽ gặp lại những người mình thương, sẽ giải cứu thế giới hay chỉ để nó lặng lẽ trôi qua? Perfect Days kể về một người đàn ông trung niên tên Hirayama, sống trong một căn hộ chật hẹp, chỉ vừa đủ để trải một chiếc nệm mỏng nằm ngủ. Ban ngày ông làm việc cho hãng vệ sinh công cộng, Hirayama lau chùi từng ngóc ngách với tất cả sự chu toàn, tỉ mỉ như mổ xẻ một loại đam mê. Buổi tối ông về nhà, thay quần áo, tới quán ăn yêu thích, rồi quay trở về đọc sách trước khi chìm vào giấc ngủ. Bình minh gọi ông bằng tia nắng, tiếng quét sân, bằng việc tưới những chậu cây nhỏ trong nhà, rồi đi đến chỗ làm trong tiếng băng cassette phát những bài nhạc xưa cũ. Hirayama sống như một chiếc đồng hồ dù ông chẳng cần chiếc đồng hồ nào để đo đạc thời gian cho những việc cần làm trong ngày. Cuộc sống của ông được lập trình để lặp lại các thói quen và điều đó tạo nên một ngày hoàn hảo. Nhưng cuộc sống lặp đi lặp lại thế này thì có gì thú vị, mà Wim Wenders lại kể Perfect Days suốt 2 tiếng đồng hồ một cách thú vị đến thế? Điều thú vị nằm ở chỗ, mỗi ngày trôi qua, ông sống tận một ngày, cảm tưởng như nếu ai đó hỏi ông câu hỏi trên, thì câu trả lời của Hirayama sẽ là để 2 phút đó lặng lẽ trôi qua như mọi thứ vốn phải vậy. Bởi, ta chẳng cần chờ đến 2 phút cuối đời để sống một cuộc đời hạnh phúc, để nhìn - nghe - nói - nếm và chạm. Hirayama sống trong từng giây phút, sống trọn vẹn trong cả niềm vui và nỗi buồn. Để rồi khi người ta vật lộn trong những vồn vã áp lực, ta thấy có người đàn ông vẫn lặng lẽ sống một cách biết ơn và tận hưởng.


Đạo diễn Wim Wenders triệt tiêu kịch tính, đề cao vẻ đẹp cuộc sống thường nhật trong tác phẩm nhận đề cử Phim quốc tế xuất sắc Oscar "Perfect Days".

Tác phẩm có lối kể nhẹ nhàng, ít thoại, mô tả quá trình tìm ý nghĩa cuộc sống của người lao động. Nhân vật luôn cảm thấy bình yên, tự tại dù đối mặt nhiều tình huống. Còn người cộng sự - chàng trai Takashi (Tokio Emoto) - luôn đặt câu hỏi tại sao Hirayama phải đi dọn từng ngóc ngách, ông thường im lặng và tập trung công việc.

Với Hirayama, mỗi sự vật, con người hiện diện trên đời đều mang ý nghĩa nào đó. Ở một phân cảnh, khi những người khác phớt lờ ông lão vô gia cư trong công viên, nhân vật chính chăm chú quan sát điệu nhảy của người này.


Màn độc diễn của Yakusho Koji trong một số trường đoạn, điển hình khi nhân vật ở một mình, khiến người xem phải dõi theo các cử động, biểu cảm gương mặt. Theo ScreenRant, nghệ sĩ thành công trong việc truyền tải tâm trạng và suy nghĩ của người lao công.

Trong một bài phỏng vấn, diễn viên Yakusho Koji cho biết phim khuyến khích người xem bỏ lại những điều tiêu cực ở quá khứ và trân trọng khoảnh khắc hiện tại. "Tôi nghĩ đó là thứ khiến dự án này trở nên giàu cảm xúc. Mỗi lần xem phim là một trải nghiệm khác", Koji nói.

Cây bút Wendy Ide của Observer nhận xét Perfect Days là dự án thành công nhất của Wenders trong những năm gần đây. Theo Wendy, nhịp điệu tác phẩm giống các phim của Yasujirō Ozu, A Benefits Life của Federico Veiroj và Wings of Desire - dự án từng giúp Wenders đoạt giải Đạo diễn xuất sắc Liên hoan phim Cannes 1987 do đều khám phá sự lạc lõng, bất an trong tâm hồn.

Ngày nay, công nghệ kỹ thuật số phát triển, nhưng nhân vật Hirayama ưa chuộng những vật dụng lỗi thời như băng cassette và máy ảnh phim. "Sự tấn công của nhiều thiết bị tiện nghi đối lập sự bình yên mà Hirayama hướng tới mỗi ngày. Có lẽ, bộ phim không chỉ ủng hộ cách nhìn khác về cuộc đời mà còn hướng đến lối sống mới", trang này viết.

Phim còn lồng ghép các bản nhạc thập niên 1960-1970 của Velvet Underground, Kinks, Otis Redding, Patti Smith và nhạc dân ca Nhật Bản cùng thời kỳ. Guardian nhận xét ca khúc Perfect Days của Lou Reed - cùng tên với bộ phim - và Feeling Good do Nina Simone trình bày - giúp dẫn dắt người xem vào thế giới tâm hồn của nhân vật.

Ở trường đoạn Takashi bị hư xe và muốn mượn chiếc ôtô của Hirayama để hẹn hò Aya (Aoi Yamada đóng), ông lưỡng lự, sau đó quyết định chở cả hai đi chơi. Trên chuyến xe ấy, đạo diễn cho thấy quan điểm về tình yêu và lối sống của ba người qua âm nhạc và đối thoại.

Aya khám phá con người Hirayama qua những chiếc băng cassette và nảy sinh tình cảm với ông. Hirayama hạnh phúc khi thấy có người cùng sở thích, nhưng giữ khoảng cách với cô gái vì tôn trọng đồng nghiệp. Còn với Takashi, tình yêu là điều quan trọng nhất và là thứ duy nhất khiến cậu thoát khỏi nỗi cô đơn.

Tài tử Nhật Yakusho Koji nhận giải Nam chính xuất sắc Liên hoan phim Cannes 2023 với vai người lao công trong "Perfect Days". Ảnh: AFP

Ban đầu, dự án có tên Komorebi (những tia nắng mặt trời xuyên qua kẽ lá). Nhưng trong suốt 16 ngày ghi hình, Komorebi trở thành Perfect Days sau khi đạo diễn và đồng biên kịch Takuma Takasaki nghe thấy bài hát cùng tên của ca sĩ Lou Reed khi đang quay một cảnh phim.

Theo Frieze, nhân vật Hirayama được hình thành khi đạo diễn đến Nhật Bản để theo dõi dự án The Tokyo Toilet. 15 nhà vệ sinh công cộng ở thành phố Shibuya (Tokyo) do 16 kiến trúc sư và nhà thiết kế nổi tiếng như Toyo Ito, Shigeru Ban, Kengo Kuma, Marc Newson, Sou Fujimoto đảm nhận. Các công trình này nhằm phục vụ người dân lẫn tăng mỹ quan đô thị. Vốn yêu thích nước Nhật, Wenders bị cuốn theo các thiết kế nhà vệ sinh, từ đó lên ý tưởng thực hiện tác phẩm.

Wim Wenders, 79 tuổi, là nhà làm phim và nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Đức, được công nhận là nhân vật nổi bật của Làn sóng mới điện ảnh Đức những năm 1970. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông gồm Alice in the Cities (1974), Kings of the Road (1976), Paris, Texas (1984) và Buena Vista Social Club (1999).


Năm 1977, The American Friend của đạo diễn nhận đề cử giải Cành Cọ Vàng Liên hoan phim Cannes lần thứ 30, đồng thời được Ủy ban Quốc gia về Phê bình Điện ảnh Mỹ (National Board of Review) bình chọn là Phim nước ngoài hay nhất.

TH

Nhận xét