Nghệ sĩ Đình Toàn tiết lộ khó khăn khi hóa thân thành Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt

Với chủ đề Đưa lịch sử lên sân khấu, nghệ sĩ Đình Toàn cho biết không chỉ chú ý về trang phục, lời thoại xưa mà còn lồng ghép cả những yếu tố hư cấu để tăng sự hấp dẫn, kịch tính cho vở kịch sử Việt.

Sau sự thành công của vở kịch Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử của nhà hát kịch IDECAF, nghệ sĩ Đình Toàn – diễn viên kịch hóa thân thành Đức ông Lê Văn Duyệt có những chia sẻ về quá trình thực hiện vở kịch đặc biệt này trong chương trình Kính Đa Chiều.

Theo nam nghệ sĩ, sân khấu kịch Idecaf là đơn vị sản xuất dự định chỉ đặt tên Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt, để tái hiện chân dung vị đệ nhất khai quốc công thần của miền Nam, vùng Sài Gòn Gia Định xưa (TP.HCM ngày nay). Vì nhiều ý kiến khác nhau nên đơn vị sản xuất quyết định đặt thêm vế “người mang 9 án tử” cho tên vở kịch, nhằm tạo thêm sự hấp dẫn cho tác phẩm. Vở kịch này nằm trong chuỗi chương trình sân khấu Sử Việt học đường của nhà hát kịch Idecaf, với mong muốn giới thiệu những vở diễn lịch sử đến đối tượng học sinh, sinh viên lẫn những khán giả yêu kịch.

Để đưa lịch sử lên sân khấu, nghệ sĩ Đình Toàn cho biết thuận lợi đầu tiên chính là sự ủng hộ của mọi người, song đây cũng chính là khó khăn mà anh và các cộng sự gặp phải. Vì thực hiện một vở hài kịch thì dễ dàng hơn chính kịch, do khán giả e dè việc phải ngồi xem nhiều từ cổ, văn phong xưa trong một thời gian dài. “Đôi khi khán giả trẻ nghe không kịp nên không hiểu từ gì thì các bạn sẽ hơi phân vân trong lựa chọn của mình”, nghệ sĩ Đình Toàn cho biết.

Những lời thoại văn phong cổ cũng là một thử thách lớn của nghệ sĩ Đình Toàn khi tham gia vở kịch Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử. Nếu như nghệ sĩ diễn kịch xã hội có thể chọn ngay một từ khác để thay thế khi quên thoại thì kịch lịch sử không thể như vậy. Khi quên một từ trong kịch lịch sử có thể ảnh hưởng đến cả lời thoại. “Đôi khi có những cao trào buộc diễn viên phải thoại một hơi, một đoạn thật dài, có tiết tấu trầm bổng nên đây là một thử thách với diễn viên. Thật sự diễn viên không cứng nghề thì cũng sẽ ngại khi thể hiện những nhân vật lịch sử”, nghệ sĩ Đình Toàn cho biết.

Dẫu đối mặt với nhiều thử thách là vậy những Đình Toàn lẫn những nghệ sĩ trong nhà hát kịch Idecaf vẫn muốn thực hiện vai diễn khó và chinh phục những chông gai trên. Theo nghệ sĩ Đình Toàn, để vở kịch sử Việt hấp dẫn, tác giả biến tấu bằng cách thêm vào những chi tiết hư cấu, tuy nhiên đây cũng là vấn đề nan giải vì lịch sử có nhiều giai thoại khác nhau. Khi thực hiện kịch lịch sử cần phải chú ý đến từ trang phục, đôi giày đến hoa văn, cách mặc quần áo có phù hợp với bối cảnh ngày trước hay không mà chưa kể đến lời thoại khó. “Thậm chí những bộ đồ đại lễ quy định mặc trong dịp nào như lễ tế đàn hay ngày trọng đại sinh nhật vua. Nếu cứ mặc những trang phục thường thì không đẹp và chưa đủ hấp dẫn. Ngoài ra tác giả còn hư cấu vài dữ kiện để tạo kịch tính và hấp dẫn”, nam khách mời Kính Đa Chiều bộc bạch.

Nghệ sĩ Đình Toàn lấy ví dụ trong vở kịch, Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt xử trảm Quốc trượng Huỳnh Công Lý, cha của Huệ Phi, người mà vua Minh Mạng sủng ái. Nhưng nhiều người ý kiến rằng Huệ Phi không phải là con của Huỳnh Công Lý. Do đó có rất nhiều vấn đề khác nhau khi thực hiện vở kịch lịch sử.

Dù vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề xoay quanh kịch sử Việt nhưng nghệ sĩ Đình Toàn cho rằng: “Có sợ, có ngại thì cũng làm rồi. Nếu như không làm vì ngại hay sợ thì ai sẽ là người làm. Đến bao giờ mới có được đơn vị đầu tư và thực hiện chỉn chu mọi thứ. Chúng tôi, những nhà sản xuất bỏ tiền để làm vở kịch sử biết chắc sẽ khó từ khâu kịch bản đến hội đồng kiểm duyệt và dư luận nhưng chúng tôi vẫn làm. Đó là mong muốn của chúng tôi khi mang niềm tự hào trong lịch sử đến với học sinh, sinh viên và các khán giả”.

Nghệ sĩ Đình Toàn tiết lộ ngay từ đầu, đội ngũ chấp nhận vở kịch sẽ không thể hòa vốn nhanh chóng nhưng đây sẽ là vở kịch để các diễn viên thấy sướng khi làm nghề. Đặc biệt khi các nghệ sĩ trình diễn vở kịch này đều thể hiện bằng cả tấm lòng tôn kính dành cho vị khai quốc công thần của miền Nam.

Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.

Kính Đa Chiều – chủ đề tiếp theo Sự học của người Nam Bộ xưa với sự tham gia của host Lê Hoàng và diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 1/5 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.

B.K

Nhận xét